Bộ VHTTDL: Tăng cường liên kết nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5), chiều 16-5, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học và Gặp mặt các nhà khoa học năm 2024 với chủ đề “Tăng cường liên kết nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ”. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương tới dự và chỉ đạo buổi Tọa đàm.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tham dự buổi Tọa đàm có đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, cơ quan thuộc Bộ ở phía Bắc cùng các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý khoa học và công nghệ.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã đánh giá cao các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý khoa học và công nghệ thuộc Bộ đã song hành và có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành VHTTDL. Thứ trưởng nhấn mạnh rằng: Trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều hoạt động khoa học và công nghệ, tổ chức thực hiện và hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu độc lập cấp quốc gia, các chương trình Khoa học và công nghệ, đề tài độc lập cấp Bộ, cấp cơ sở. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đã phản ánh tương đối toàn diện công tác quản lý nhà nước và hoạt động phát triển sự nghiệp; làm rõ những vấn đề lý luận và tổng kết thực tiễn về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đã được ghi trong các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành; những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình tổ chức thực hiện và đề xuất hệ thống các giải pháp phát triển cho từng ngành, lĩnh vực.

Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thế Hùng phát biểu tại Tọa đàm

Tại Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thế Hùng đã điểm lại những kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Cụ thể:

Về đề tài cấp quốc gia: triển khai 1 đề tài độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu phát triển du lịch biển đảo bền vững gắn với bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên ở tỉnh Quảng Ngãi và vùng lân cận” (Viện Bảo tồn di tích chủ trì); 4 nhiệm vụ thuộc Đề án cấp quốc gia do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chủ trì: “Phát triển nghệ thuật ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, “Phát triển thị trường nghệ thuật ở Việt Nam”, “Lưu hành và phát triển các loại hình nghệ thuật trên không gian mạng ở Việt Nam”, “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”; Đề xuất đặt hàng 7 đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, trong đó có 2 nhiệm vụ được đưa vào tuyển chọn: “Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển văn hóa của Việt Nam trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế”, “Hoàn thiện chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Về Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ: Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” với 17 đề tài nhánh và 1 đề tài báo cáo tổng hợp, đã nghiệm thu cấp Bộ 12 đề tài, 5 đề tài sẽ được nghiệm thu trong tháng 6-2024 và nghiệm thu Báo cáo tổng hợp Chương trình vào tháng 12-2024.

­Về đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp Bộ: đã nghiệm thu 45 đề tài độc lập cấp Bộ.

Về hoạt động Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng: Năm 2023, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 35 TCVN (trong đó, 33 TCVN lĩnh vực thể dục thể thao, 1 TCVN lĩnh vực thư viện; 1 TCVN lĩnh vực Di sản văn hóa); thực hiện chuyển tiếp đối với 1 dự án xây dựng TCVN thuộc lĩnh vực Di sản văn hóa; gia hạn 8 dự án/13 TCVN công bố sang năm 2024 (Di sản văn hóa, Thư viện, Thể dục thể thao và Du lịch); gia hạn 5 dự án/5 TCVN công bố cuối năm 2022 (Di sản văn hóa, Âm nhạc, Thể dục thể thao); nhiệm vụ bắt đầu thực hiện từ năm 2024 có 6 dự án/6 TCVN lĩnh vực Di sản văn hóa, Thể dục thể thao và Du lịch.

Hoạt động thông tin thống kê về khoa học và công nghệ: Bộ tiếp tục triển khai thực hiện hoạt động thống kê khoa học và công nghệ theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, gồm 5 nhóm thông tin: Tổ chức có hoạt động về khoa học và công nghệ; Nhân lực khoa học và công nghệ; Kinh phí dành cho khoa học và công nghệ; Nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Các đơn vị duy trì hoạt động thông tin về khoa học và công nghệ trên các tạp chí, tập san, thông báo khoa học và trang thông tin điện tử của đơn vị.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ đã đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai 1 Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045” và Chương trình (hoặc các nhiệm vụ) khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển thể dục thể thao hiện đại”.

Bộ đã phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ để tuyển chọn đưa vào thực hiện năm 2025-2026 gồm 27 đề tài độc lập…

Tại Tọa đàm, các ý kiến phát biểu của các đại biểu đã khẳng định vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học đối với sự phát triển của ngành VHTTDL; nhấn mạnh đến ứng dụng thực tiễn của các nghiên cứu khoa học; chia sẻ những kinh nghiệm khi tham gia nghiên cứu khoa học cũng như nêu bật những khó khăn, vướng mắc trong công tác nghiên cứu khoa học.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định, sự liên kết giữa các đơn vị trong nghiên cứu khoa học là vô cùng quan trọng và cần thiết. Thứ trưởng cũng đề nghị Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện hơn nữa, giúp đỡ các chuyên gia, nhà khoa học trong Bộ hoàn thành những đề tài nghiên cứu và các nhà khoa học cần có nhiều đề tài giá trị, có hiệu quả, ý nghĩa hơn nữa để góp phần thiết thực cho sự phát triển của đất nước.

Các đại biểu phát biểu tại Tọa đàm

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

;