Ra mắt Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên

Tối 17-5, tại TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã chính thức ra mắt. Đây là hoạt động đặc biệt ý nghĩa trong khuôn khổ Ngày Quốc tế Bảo tàng 18-5; kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024). Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải tham dự và chúc mừng sự kiện.

Cùng tham dự còn có: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Mai Thị Thúy Nga; PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Giám đốc Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam Tô Văn Động; Chủ tịch CLB Di sản Áo dài Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Tâm… cùng lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh Thái Nguyên; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; CLB Di sản Áo dài Việt Nam một số tỉnh, thành và đông đảo công chúng, người yêu mến vẻ đẹp của tà áo dài dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải chúc mừng sự kiện ra mắt CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên

Phát biểu chúc mừng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Mai Thị Thúy Nga nhấn mạnh, áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả một bề dày lịch sử truyền thống văn hóa, tính triết lý, những quan niệm về thẩm mỹ, nghệ thuật, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam.

Với dân tộc Việt Nam, áo dài đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc, gắn với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Áo dài là trang phục không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của đất nước, của dân tộc, của gia đình, của dòng họ và cộng đồng. Áo dài cũng là trang phục mà phụ nữ Việt Nam luôn chọn để mặc trong các sự kiện quan trọng, tô thêm nét đẹp truyền thống dịu dàng, duyên dáng, đằm thắm, thanh lịch.

Trải qua nhiều thăng trầm, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và cách tân cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Trải qua các giai đoạn phát triển, với những cải biến, cách tân, áo dài đã vượt qua nhiều thử thách để vừa bảo lưu giá trị truyền thống tốt đẹp, tôn vinh người phụ nữ, vừa hướng tới trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam hiện đại, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Áo dài mặc nhiên trở thành “quốc phục” trang trọng, lịch lãm của phụ nữ Việt Nam.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Mai Thị Thúy Nga phát biểu chào mừng tại buổi lễ

Bà Mai Thị Thúy Nga cho biết, nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của trang phục áo dài, thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức và tham gia nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, nhằm tôn vinh, lan tỏa giá trị của áo dài, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản áo dài.

Tháng 4-2024, CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên được thành lập với gần 500 thành viên, ghi tên Thái Nguyên vào danh sách những tỉnh, thành phố đầu tiên thành lập CLB.

Bà Mai Thị Thúy Nga tin tưởng và hy vọng rằng CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên sẽ ngày càng lớn mạnh, thu hút được nhiều thành viên tham gia; CLB luôn tăng cường kết nối, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau; tích cực tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa để lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về áo dài Việt Nam, gắn kết cộng đồng yêu thích áo dài, tạo ra một môi trường thân thiện và sáng tạo, trở thành một địa chỉ tin cậy cho người Thái Nguyên được gửi gắm những tác phẩm, những sáng kiến tôn vinh áo dài.

“Đồng thời, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh hình ảnh áo dài Việt Nam, không chỉ đối với trang phục áo dài nữ mà còn quan tâm, giới thiệu, tôn vinh trang phục áo dài nam; khơi dậy khát vọng, niềm tự hào, ý thức bảo tồn quốc phục của dân tộc, góp phần khẳng định giá trị của áo dài là biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam”, bà Mai Thị Thúy Nga bày tỏ.

Chủ tịch danh dự CLB di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Kim Oanh: sự kiện ra mắt CLB là niềm vinh dự, tự hào đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Kim Oanh, Chủ tịch danh dự CLB di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, áo dài là di sản quý giá mà tiền nhân để lại, là trang phục tôn vinh văn hóa truyền thống và vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Áo dài Việt Nam là một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa dân tộc.

CLB Di sản Áo dài Việt Nam ra đời với sứ mệnh lan tỏa và bảo tồn nét văn hóa trên bộ quốc phục của dân tộc, góp phần xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo bà Nguyễn Kim Oanh, “với tinh thần tiếp tục nhân rộng các chuỗi hoạt động có ý nghĩa thiết thực tôn vinh áo dài, gắn với tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã chính được thành lập. Sự kiện ra mắt CLB là niềm vinh dự, tự hào đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên…”.

Cũng theo Chủ tịch danh dự CLB di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, Thái Nguyên có 46 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có sắc màu, hoa văn trang phục đặc trưng, kết hợp với kiểu dáng phong phú sẽ tạo nên những chiếc áo dài mang nét đặc trưng của từng dân tộc. CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên chính là sự khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của áo dài trong đời sống đương đại, khơi dậy khát vọng và trách nhiệm giữ gìn áo dài, giáo dục ý thức bảo tồn giá trị văn hóa Việt Nam.

Chủ tịch CLB Di sản Áo dài Việt Nam thuộc Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Tâm phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ trao chứng nhận thành lập CLB Di sản Áo dài tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch CLB Di sản Áo dài Việt Nam thuộc Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam cũng cho biết, CLB Di sản Áo dài tỉnh Thái Nguyên là hoạt động cụ thể, có ý nghĩa thiết thực tôn vinh áo dài, với sứ mệnh lan tỏa và bảo tồn nét văn hóa trên bộ quốc phục của dân tộc, góp phần xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Chia sẻ về hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, nhà thiết kế Hàn Phượng cho biết, “với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế thiết kế áo dài, tôi và thương hiệu áo dài Việt Phượng sẽ đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của câu lạc bộ bằng những biện pháp: tổ chức các sự kiện và hoạt động định kỳ như các buổi triển lãm, hội thảo, các cuộc thi thời trang; kết nối với các NTK và thương hiệu lớn để hợp tác, điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi luôn sẵn sàng kết nối và giao lưu, học hỏi với các CLB thành viên khác của CLB di sản Áo dài Việt Nam trên cả nước; bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ các thành viên trong việc phát triển thương hiệu cá nhân qua các hoạt động quảng bá, tư vấn về chiến lược kinh doanh và marketing; và chú trọng vào việc xây dựng một môi trường câu lạc bộ thân thiện, nơi các thành viên có thể chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng và hỗ trợ lẫn nhau”.

Chủ tịch CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, nhà thiết kế Hàn Phượng

“Với những kế hoạch và hoạt động cụ thể này, tôi tin rằng câu lạc bộ Áo Dài Việt Nam tại Thái Nguyên sẽ ngày càng phát triển và trở thành nơi tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của áo dài Việt Nam, đồng thời tạo ra một cộng đồng đam mê và sáng tạo trong lĩnh vực thời trang” – NTK Hàn Phượng bày tỏ.

Sau khi thành lập, CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên sẽ tích cực kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đồng hành trong các dự án cộng đồng để xây dựng, quảng bá không gian văn hóa áo dài nói riêng và không gian di sản văn hóa của Thái Nguyên nói chung tới bạn bè trong nước, quốc tế; nhân rộng các chương trình tại các trường học nhằm giáo dục ý thức bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam...

Chương trình văn nghệ và trình diễn áo dài tại Lễ ra mắt CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên

Tin, ảnh: NGỌC BÍCH

;