BIỂN TRONG TRUYỆN CỔ DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT

Văn học dân gian, một bộ phận của văn hóa dân gian, là những sáng tác nghệ thuật ngôn từ và do vậy, nó chứa đựng tinh thần dân tộc rất sâu sắc. Văn học dân gian đã sản sinh trên cơ sở những yêu cầu của thực tiễn lao động, sản xuất và sinh hoạt của người Việt nên trước hết nó có giá trị hiện thực. Sau tấm màn hoang đường, truyện cổ dân gian chứa đựng nội dung của hiện thực, đồng thời cũng chứa đựng cả những mối quan hệ với tự nhiên. Trở về với văn học dân gian nói chung và truyện cổ dân gian nói riêng là để tìm thấy bóng dáng dân tộc - những cư dân sống bên bờ biển, trong đó yếu tố biển, từ lâu, đã in đậm trong tâm thức của họ.

Truyền thuyết là sản phẩm tinh thần của cộng đồng về những sự kiện và nhân vật lịch sử trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, hòa hợp hay cải tạo thiên nhiên của con người. Những câu chuyện truyền thuyết thời dựng nước có thể coi là tấm gương phản chiếu một thời đại, có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành những truyền thống tâm linh sâu xa của người Việt. Vượt qua cốt truyện đơn điệu, ta sẽ gặp một thế giới phong phú, sâu sắc của đời sống văn hóa dân tộc được chưng cất và tích tụ, được giữ gìn nâng niu trong vỏ bọc ngôn ngữ.

Huyền thoại khởi nguyên của người Việt là con rồng cháu tiên, giải thích về nguồn gốc giống nòi, dân tộc. Sự kết hợp kỳ diệu trong thế lưỡng hợp Âu - Lạc để cho ra đời những người con trai Việt đầu tiên là sự kết hợp giữa núibiển. Biển và nòi giống rồng từ dưới biển lên thấm đẫm trong dòng máu Lạc Hồng khi núi - biển hòa làm một. Khi chia đôi thành thế lưỡng phân, một nửa con trai theo mẹ về với núi rừng, một nửa lại cùng cha về với biển... Dù cho câu chuyện lịch sử kia không có thật thì dấu ấn biển cũng đã từng tồn tại như một phần quan trọng của cuộc sống con người.

Giới nghiên cứu huyền thoại học chứng minh rằng huyền thoại này có cốt lõi chung cho cả miền Châu Á - Thái Bình Dương cho đến tận Australia, nghĩa là của biển. W. Taylor (một nhà nghiên cứu Mỹ) cũng cho rằng: “Cái ý tưởng về một vị thần linh từ Nước (Biển) lên xây dựng cội nguồn... tham dự vào việc hình thành cư dân Việt Nam thời tiền sử, là một ám thị sớm nhất...”.

Sơn Tinh, Thủy Tinh được coi là bản anh hùng ca thời dựng nước vừa có đặc điểm của truyền thuyết lại vừa có đặc điểm của thần thoại. Việc “Hùng Vương gả con gái cho Sơn Tinh có nghĩa là bộ lạc Thái trắng - Tày cổ do Hùng Vương cầm đầu khước từ việc kết hợp với một lực lượng cư dân gốc Nam Đảo đánh cá, quen đi biển, từ đại dương tới định cướp đất Vua Hùng”(1). Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, lịch sử đất nước và con người với con người đã chuyển hóa lẫn nhau, hoán đổi vị trí, tư cách và hòa nhập với phẩm chất, nhân cách để tạo thành những chi tiết thực và hư lẫn lộn. Nếu gạt bỏ bức màn huyền thoại, Sơn Tinh, Thủy Tinh kể lại câu chuyện về những cuộc chiến đấu quyết liệt với nạn hồng thủy, là bài ca ca ngợi công cuộc trị thủy của ông cha ta, một phần nào đó phản ánh thế quay lưng lại với biển của người Việt trong lịch sử.

Trong truyện An Dương Vương, thần Kim Quy từ dưới biển lên đã ba lần giúp An Dương Vương: Một lần giúp nhà vua xây xong thành Cổ Loa, một lần cho An Dương Vương cái móng của mình để làm lẫy nỏ giữ thành và lần thứ ba, thần rẽ nước đón An Dương Vương khi nhà vua bị giặc tấn công đến bước đường cùng. Những chi tiết xương sống của cốt truyện này như một sự thần thánh hóa sức mạnh của biển trong tâm thức con người. Ý thức về biển là nơi cho con người sức mạnh, cũng là nơi trở về tiếp sau cõi sống trần gian đã ăn sâu vào tiềm thức con người đến nỗi để giải thích một hiện tượng xã hội, người Việt nghĩ đến biển và dường như chỉ có biển mới giàu có, mạnh mẽ và vị tha nhường ấy! Cái tên Mỵ Châu và những viên ngọc trai đẹp nhất, sáng nhất mang theo máu của Mỵ Châu và nước giếng Trọng Thủy trong Loa thành lại một lần nữa khẳng định sự gần gũi, hiểu biết của người Việt thời dựng nước về biển cả.

Truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung lại cho thấy con người dường như đã bắt đầu làm chủ biển khơi. Vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung là những người đầu tiên mở ra việc buôn bán trên biển với các nước láng giềng. Điều đó xuất phát từ một ý tưởng mới mẻ và táo bạo của công chúa: “Vợ chồng chúng ta do trời tác thành, đồ ăn thức mặc do trời phú cho, nay hãy đem vàng và phú thương ra hải ngoại buôn bán”. Như vậy, với truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung (hay truyện Nhất Dạ Trạch), không chỉ người ngoại quốc tới nước ta buôn bán, mà thương nhân của ta cũng đã dong thuyền vượt biển buôn bán, trao đổi sản vật với nước ngoài. Nếu ký ức của người Việt trong truyện là chính xác thì quả là người Việt đã biết đến nghề buôn bán giao thương với các nước từ rất sớm. Việc buôn bán trên biển đã diễn ra rất sôi nổi, có quan hệ nhiều chiều trên biển Đông ngay từ thời đại các vua Hùng.

Nhiều truyền thuyết về các vị thần và nhân vật lịch sử, gắn với huyền thoại mỗi xóm làng, mỗi vùng đất, gắn với từng địa phương, từng dòng sông, cửa biển... còn mãi lưu truyền trong dân gian: Cá ông, Long vương, Thủy thần, Tứ vị thánh nương, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Quận He, Nguyễn Hữu Cầu...

Truyện cổ tích biểu hiện cái nhìn hiện thực của con người đối với thực tại, là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của nhân dân. Sự tích quả dưa hấu kể về chàng trai xứ biển Mai An Tiêm, con nuôi của Hùng Vương, được vua vô cùng yêu dấu nhưng chỉ một lần lỡ lời, chàng bị vua đày ra một hòn đảo hoang ở cửa Nga Sơn. Đàn chim lớn từ phương tây đã mang đến cho vợ chồng Mai An Tiêm giống dưa lạ. Chính những trái dưa xanh mướt, ruột đỏ hồng, hạt đen nhánh đã nuôi sống gia đình Mai An Tiêm vượt qua những tháng ngày gian khó. Chiếc thuyền đánh cá lạc đường, được Mai An Tiêm giúp đỡ mang theo quả dưa của chàng về đất liền. Kết quả là những chiếc thuyền buồm, thuyền chài lần lượt kéo ra đảo, những cuộc mua bán, trao đổi bắt đầu diễn ra từ quả dưa hấu của Mai An Tiêm... Truyện kể về sự tích quả dưa hấu và xoay quanh đó, biển đảo và thuyền bè, trao đổi thương mại được nhắc đến khiến ta có thể tưởng tượng ra cuộc sống của người dân xứ biển. Trong đó, con người dường như vẫn níu kéo đất liền, hay yếu tố nông nghiệp vẫn tồn tại trong cuộc sống ngay cả khi họ sống trên đảo, giữa biển khơi.

Một người phụ nữ đứng trên ngọn núi ngóng ra biển xa với đôi mắt ướt, tay ôm đứa con. Khi nước mắt đã khô, chị cùng đứa con và cả tâm tư đã hóa đá. Người đời gọi đó là đá vọng phu hay hòn vọng phu. Truyện Hòn vọng phu là câu chuyện về người vợ chờ chồng đến hóa đá gắn với những mỏm núi đá có hình người đàn bà bồng con mang tên hòn vọng phu là một típ truyện khá phổ biến. Ở Việt Nam, đây là một câu chuyện cổ tích cảm động phát sinh ở nhiều địa phương khác nhau: Lạng Sơn (núi nàng Tô Thị), Thanh Hóa (núi đá trông chồng Sầm Sơn), Bình Định (núi đá bên cửa biển Đề Di - Phù Cát), Ninh Thuận (núi đá Nai Krao Chao Pho ở cửa biển Cà Ná)... Ngoài địa phương Lạng Sơn với núi đá nàng Tô Thị ôm con chờ chồng đi chiến trận ở phương bắc, những câu chuyện khác đều có chung một nội dung là người phụ nữ chờ chồng đi đánh cá hay buôn bán ngoài biển xa.

Từ sự kết hợp hai mô típ hôn nhân anh em ruột và người hóa đá, câu chuyện tập trung kể về hai số phận trong một bi kịch hôn nhân. Nhưng có thể nói, chi tiết gợi nhiều cảm xúc nhất trong trái tim lớp lớp các thế hệ người đọc, người nghe, đó là người phụ nữ bồng con hướng ra biển khơi chờ chồng đến hóa đá! Biển cả là nơi người chồng hàng ngày ra đi để kiếm kế sinh nhai cho cả gia đình. Biển vừa là nguồn sống, vừa là nỗi ai oán trong tâm thức người Việt.

Ở đây, xin không bàn đến ý nghĩa của cốt truyện mà chỉ bàn đến mối quan hệ của nhân vật trong truyện với biển. Có một cái gì đó vừa rất đơn giản, thường ngày, lại vừa huyễn hoặc, mông lung trong tâm thức người Việt hồi đó với biển. Ít nhất, biển đã là nơi con người khai thác sản vật phục vụ cuộc sống, nơi diễn ra những giao lưu buôn bán và phải chăng biển cũng là nơi con người tìm đến lúc khổ đau? Lạc Long Quân từ biển lên mà sinh ra con cháu Lạc Hồng rồi lại trở về với biển; An Dương Vương nhờ có biển mà xây dựng cơ đồ và cũng trở về... với biển khi đến cùng đường của sự sống; người chồng trong Hòn vọng phu ra biển trong sự ngóng trông của người vợ và không bao giờ trở về...

Biển vì thế không còn là thiên nhiên, không chỉ là thiên nhiên. Biển là một hệ thống biểu tượng, đúng như Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, khẳng định: “Một biểu tượng của động thái sự sống. Tất cả từ biển mà ra và tất cả trở về biển: đây là nơi của những cuộc sinh đẻ, những biến thái và những tái sinh. Là nước trong sự chuyển động, biển tượng trưng cho một trạng thái quá độ giữa các khả năng còn phi hình và các thực tại đã hiện hình, cho một thế nước đôi, tình thế bấp bênh, đầy hồ nghi, chưa quyết định và có thể tốt hay xấu. Từ chỗ đó biển là hình tượng vừa của sự sống, vừa của sự chết và biển luôn phát huy thuộc tính thần thánh của mình là cho và lấy lại sự sống”(2).

_______________

1. Đặng Việt Bích, Tìm hiểu biểu tượng của các công chúa Mỵ Nương và Mỵ Châu, Tản Viên Sơn, Hà Tây, 1995, số 8+9, tr.58.

            2. J.Chevalier, A. Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, 2002.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 323, tháng 5-2011

Tác giả : Nguyễn Thị Hải Lê

;