BIÊN SOẠN SONG NGỮ ĐỐI VỚI VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA NGƯỜI THÁI THANH HÓA

 

Văn hóa Thái Việt Nam được hình thành và phát triển trong môi trường cảnh quan khá đặc thù của vùng núi phía tây bắc từ giáp Sơn La đến miền tây Thanh Hóa và Nghệ An. Địa bàn cư trú của người Thái vừa là vùng phên dậu vừa là vùng giao lưu và tiếp xúc văn hóa của nhiều tộc người như Thái, Mường, Mông, Dao,... Trong điều kiện ấy, văn hóa Thái tồn tại và phát triển trong tính thống nhất và đa dạng, tạo nên các sắc thái văn hóa địa phương ở các vùng tây bắc và miền núi Thanh Hóa, Nghệ An. Do vậy, nói đến văn hóa của người Thái ở Thanh Hóa là nói tới sắc thái riêng của một vùng văn hóa Thái trong tổng thể văn hóa Thái Việt Nam.

Trên cái nhìn tổng quan về những vấn đề đã được nghiên cứu liên quan đến người Thái và văn hóa Thái Việt Nam, một số nhà nghiên cứu đã có nhận xét: “Mấy chục năm vừa qua, giới dân tộc học Việt Nam đã tập trung nghiên cứu nhiều vấn đề về khối cư dân nói ngôn ngữ Thái - Tày và đã thu được những kết quả đáng mừng. Các công trình đã được công bố, nói riêng về người Thái, chủ yếu là tập trung vào khối Thái vùng Tây Bắc. Trong khi đó, ở miền núi Bắc Trung bộ, mà cụ thể là hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An thì còn chưa được chú ý thích đáng. Có thể nói đây là một mảng trống lớn mà chừng nào chưa lấp được nó thì chừng đó chúng ta vẫn chưa có được cái nhìn toàn cảnh bức tranh về người Thái Việt Nam một cách đầy đủ”(1).

Một nhận xét tổng quan như trên đã cho chúng ta nhận thấy việc nghiên cứu về người Thái và văn hóa của người Thái ở Thanh Hóa hiện đang còn nhiều vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu và các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Ở đây, chúng tôi không đề cập đến tất cả các lĩnh vực văn hóa của người Thái ở Thanh Hóa mà chỉ đặt vấn đề cần biên soạn các tư liệu văn hóa phi vật thể (VHPVT) của người Thái ở Thanh Hóa dưới dạng song ngữ Thái - Việt, trên cơ sở đó, góp phần vào việc bảo tồn, phổ biến ngôn ngữ, chữ viết và văn hóa người Thái ở Thanh Hóa nói riêng, cộng đồng người Thái ở Việt Nam nói chung.

1. Vài vét khái quát về VHPVT

Văn hóa là một đối tượng có nội hàm và ngoại diên được hiểu theo nhiều nghĩa rộng, hẹp khác nhau. Tổng quan chung về các hướng phân loại văn hóa, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, mọi hiện tượng văn hóa đều ít nhiều tồn tại hay biểu hiện dưới dạng vật chất/ vật thể/ hay tinh thần/ phi vật thể. Một hiện tượng văn hóa được gọi là văn hóa vật thể (VHVT) hay VHPVT là một cách phân loại tương đối, nhằm đáp ứng cho những yêu cầu nghiên cứu cụ thể, chứ không phải là cách phân loại duy nhất. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta nhận thấy có hiện tượng văn hóa được biểu hiện bằng dạng vật thể là chính (như nhà ở, trang phục, ăn uống, công cụ sản xuất, các di tích kiến trúc,...), có hiện tượng văn hóa được biểu hiện dưới dạng phi vật thể là nổi bật (như văn học dân gian, phong tục tín ngưỡng, lễ hội dân gian, tri thức dân dân gian,...).

Với một số những dạng thức nổi trội như trên thì VHPVT có điểm khác biệt với VHVT là được sáng tạo nảy sinh trong cộng đồng, được trao truyền chủ yếu bằng phương thức truyền miệng và được lưu giữ trong trí nhớ. Nó ra đời và phát triển trong các sinh hoạt hàng ngày, hàng mùa, trong lao động sản xuất khi làm nương, làm ruộng, dệt vải; trong ngày lễ với không khí trang nghiêm khấn cầu trời đất thần linh; trong những ngày xuân khi núi rừng ngập tràn hoa lá; trong những ngày vui như đám cưới, lợp nhà mới... Nên các dạng thức VHPVT thường gắn với từng con người cụ thể và chỉ bộc lộ trong những môi trường diễn xướng cụ thể. Chẳng hạn như mo chỉ hiện diện trong đám tang qua diễn xướng của một ông mo, những điệu khặp ngọt ngào diễn ra trong các cuộc hát đối đáp gia duyên hay trên đường đi, trên nương rãy,...

Với những đặc trưng ấy, VHPVT vừa có tính bền vững bởi gắn với sự lưu giữ trong trí nhớ và tâm thức của con người vừa có tính mong manh dễ mất bởi nếu người lưu giữ mất đi là mang theo một nguồn tư liệu quý. Sự mất đi hay mai một của các dạng thức VHPVT cũng diễn ra âm thầm lặng lẽ không dễ nhận biết như các dạng thức VHVT.

       2. Biên son VHPVT ca người Thái Thanh Hóa dưới dng song ng Thái - Vit

Cách hiểu về song ngữ: “Mỗi một cộng đồng xã hội hay dân tộc khác nhau có những hình thức giao tiếp khác nhau. Có những dân tộc trong xã hội chỉ dùng một ngôn ngữ duy nhất để giao tiếp với nhau, trường hợp ấy, người ta gọi là tình trạng đơn ngữ. Lại có những dân tộc trong xã hội để giao tiếp với nhau, người ta sử dụng nhiều hơn hai ngôn ngữ trong sinh hoạt hàng ngày. Trường hợp ấy người ta gọi là tình trạng song ngữ. Như vậy, song ngữ là một hiện tượng tồn tại của hai hay nhiều hơn hai ngôn ngữ ở một người hay một tập thể người sinh sống trên một địa bàn có đặc điểm riêng về mặt xã hội – văn hóa. Có thể nói trên lãnh thổ Việt Nam, các dân tộc thiểu số đều là những cộng đồng song ngữ. Ngoài tiếng mẹ đẻ của mình được sử dụng trong những môi trường nhất định, họ còn dùng tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia trong những môi trường khác. Trong trạng thái song ngữ như vậy, tiếng mẹ đẻ của dân tộc được coi là ngôn ngữ thứ nhất, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai”(2).

Việc sưu tầm, biên soạn các dạng thức VHPVT của người Thái ở Thanh Hóa dưới hình thức song ngữ là hết sức cần thiết, bởi một số lý do chính sau:

Thứ nhất, xuất phát từ nguyên tắc sưu tầm, nghiên cứu di sản VHPVT của các dân tộc thiểu số thì song ngữ là cách thức hữu hiệu nhằm hướng tới sự tiếp cận với tính toàn vẹn của các hiện tượng VHPVT.

Thứ hai, trên phương diện lý thuyết và các chỉ báo về phát triển bền vững văn hóa tộc người, thì việc tuân thủ nguyên tắc song ngữ trong khi biên dịch các hiện tượng VHPVT là góp phần giữ gìn tính đa dạng của văn hóa tộc người, giữ gìn ngôn ngữ tộc người. “Ngôn ngữ tộc người là công cụ lưu giữ và thể hiện bản sắc văn hóa tộc người, bởi vậy, giữ gìn ngôn ngữ của dân tộc mình là chỉ báo quan trọng của phát triển bền vững về văn hóa”(3).

Thứ ba, trong quá trình phát triển của lịch sử, người Thái ở Thanh Hóa đã sáng tạo nên những nét đặc sắc trong kho tàng văn hóa của mình. Di sản VHPVT của người Thái ở Thanh Hóa có vị trí quan trọng hợp thành toàn bộ diện mạo văn hóa dân tộc Thái ở Việt Nam. Đó là vùng kết tinh những giá trị để khẳng định có một sắc thái văn hóa Thái ở xứ Thanh trong tổng thể văn hóa Thái Việt Nam.

Thứ tư, xuất phát từ tình hình sưu tầm, biên soạn các dạng thức VHPVT, hầu hết các công trình sưu tập tư liệu VHPVT của người Thái ở Thanh Hóa chưa có điều kiện để biên dịch song ngữ Thái - Việt một cách đầy đủ, có hệ thống.

Nếu điểm lại việc sưu tầm, công bố các thể loại VHPVT của người Thái theo từng thập niên, có thể thấy khối Thái ở vùng Tây Bắc được sưu tầm, công bố sớm hơn, các nhóm Thái địa phương Thanh Hóa được sưu tầm muộn hơn. Chẳng hạn, chỉ tính riêng thể loại truyện thơ thì tác phẩm Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) được sưu tầm ở vùng Tây Bắc (Khu tự trị Thái Mèo) và công bố vào năm 1957 (chỉ có bản dịch tiếng Việt).

Ở vùng Thanh Hóa, vào năm 1973, truyện thơ Thái Khăm Panh (do Bùi Văn Tiên, Vương Anh, Hoàng Anh Nhân phiên âm, dịch) được Ty Văn hóa Thanh Hóa xuất bản, tác phẩm có cả phần phiên âm tiếng Thái và bản dịch tiếng Việt. “Để công bố tác phẩm này, tiểu ban văn nghệ dân gian tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành việc đối chiếu các văn bản tiếng Thái với lời kể của các nghệ nhân. Sau khi bản phiên âm và bản dịch được hoàn thành, bản thảo đã được trình bày tại hai cuộc tọa đàm, được các nghệ nhân và các vị lãnh đạo người dân tộc đọc lại, góp ý rất chi tiết”(4). Đây là một cách làm việc khoa học, cẩn trọng. Như vậy, ngay từ đầu, một số nhà sưu tầm nghiên cứu ở Thanh Hóa đã nhận thức rõ tầm quan trọng của nguyên tắc biên dịch song ngữ trong việc sưu tầm các thể loại VHPVT của người Thái, mặc dù đó là công việc phải vượt qua với rất nhiều khó khăn tại thời điểm đó.

Để dẫn chứng thêm điều này, chúng tôi giới thiệu trường hợp sưu tầm công bố truyện thơ Thái Ú Thêm được sưu tầm ở vùng Thái Thanh Hóa. Tác phẩm Ú Thêm do Hà Văn Ban, Hoàng Anh Nhân sưu tầm và biên dịch, Đặng Nghiêm Vạn giới thiệu, được công bố vào năm 1991, sách có đầy đủ cả ba phần: bản chữ Thái cổ, bản phiên âm và dịch (5). Khi công bố tác phẩm Ú Thêm, các tác giả nhóm biên dịch đã cho biết: “Bản trường ca này đã được nhiều thế hệ nối tiếp nhau ghi lại bằng chữ Thái trên giấy làm bằng vỏ cây dướng, trên giấy bản và có những bản chép trên vở học sinh ngày nay. Tuy nhiên, những văn bản ấy được chép lại theo trí nhớ và sự thêm bớt của từng người, từng địa phương, dựa theo câu chuyện của một bản nguyên thủy mà nay không còn và chắc chắn không còn trong phạm vi cư trú của người Thái ở Thanh Hóa. Vì thế, mười dị bản Ú Thêm chúng tôi sưu tầm được, hầu hết khác nhau về chi tiết, về độ ngắn dài, về từ ngữ, địa danh đã được địa phương hóa. Do tình hình văn bản như trên, chúng tôi chọn văn bản của cụ thân sinh đồng chí Hà Văn Ban, ở mường Ca Da, huyện Quan Hóa làm bản chính, có so sánh với các bản khác, chỉnh lý lại thành một văn bản chữ Thái hoàn chỉnh, với nghĩa bảo vệ sự thống nhất về cốt truyện và sự hợp lý của các tình tiết cũng như các chi tiết”(6).

Trên đây là một số suy nghĩ đề cập tới việc sưu tầm và biên dịch nguồn tư liệu VHPVT của người Thái ở Thanh Hóa dưới hình thức song ngữ Thái - Việt. VHPVT của người Thái ở Thanh Hóa là những giá trị văn hóa mang sắc thái địa phương, vùng, rất cần được giữ gìn dưới hình thức song ngữ Thái - Việt để bảo vệ và phát huy tính đa dạng của văn hóa Thái ở Việt Nam.

_______________

1. Lê Sỹ Giáo, Sự phân loại các nhóm Thái ở các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, Tạp chí Dân tộc học, số 1-2000.

2. Trần Trí Dõi, Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2000. tr.262-263.

3. Vương Xuân Tình, Biến đổi văn hóa các tộc người vùng Đông Bắc từ góc nhìn sử dụng ngôn ngữ, Tạp chí Dân tộc học, số 5-2010, tr.1.

4. Bùi Văn Tiên, Vương Anh, Hoàng Anh Nhân, Truyện Khăm Panh, Ty Văn hóa Thanh Hóa xb, 1973, tr.3-4.

5, 6. Hà Văn Ban, Hoàng Anh Nhân, Trường ca Ú Thêm, Nxb Khoa học Xã hội, 191. Trang 3 của sách này ghi năm xuất bản là 1999, trang cuối cùng ghi nộp lưu chiểu tháng 1-1999.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 348, tháng 6-2013

Tác giả : Mai Thị Thanh Thu

;