1. Sự biến đổi giá trị văn hóa
Các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống được hình thành trên nền tảng vững chắc của điều kiện tự nhiên, sinh thái, lịch sử, xã hội, sự giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới. Vì thế, nhìn chung nó có tính bền vững rất cao và thể hiện đậm nét bản sắc dân tộc. Tuy vậy, cùng với sự biến đổi tự thân, các giá trị văn hóa còn biến đổi do tác động trực tiếp và gián tiếp của môi trường, của nền cảnh đã sản sinh, nuôi dưỡng nó. Nông thôn Việt Nam vốn chậm thay đổi so với đô thị, nhưng với mục tiêu đến 2020, nâng thu nhập của cư dân nông thôn gấp 2,5 lần năm 2008, tiếp cận mức sống của các đô thị loại trung bình, lao động nông nghiệp chỉ còn khoảng 30% lao động xã hội..., dự báo các giá trị văn hóa ở nông thôn Việt Nam sẽ có nhiều biến đổi và biến đổi với một tốc độ nhanh chóng.
Lòng yêu quê hương đất nước vốn từ lâu không còn bó hẹp trong phạm vi lũy tre làng, thì nay đã và sẽ được mở rộng hơn, trải theo phạm vi lãnh thổ. Nội hàm của lòng yêu nước, bên cạnh cách hiểu truyền thống, sẽ được bổ sung thêm rất nhiều nội dung mới như: ý chí khao khát vượt lên một cách quyết liệt để làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội; tâm lý ông chủ có đất để nảy sinh, khích lệ một bộ phận cư dân nông thôn năng động, tích cực làm giàu và giàu lên nhanh chóng. Tư tưởng ỷ lại, trông chờ, dựa dẫm vốn có từ thời bao cấp và kéo quá dài qua nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp sẽ được thay bằng ý thức tự trọng, bắt đầu từ cá nhân, gia đình và cao hơn là mỗi làng quê, đất nước. Người nông dân sẽ quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề có tính thời sự, có tầm quan trọng của quê hương, đất nước và vì thế trách nhiệm với quê hương đất nước cũng sẽ lớn hơn. Những giá trị của khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, ý thức tôn trọng luật pháp, chứ không phải chỉ có lệ làng, sẽ thâm nhập ngày một sâu hơn vào tất cả các tầng lớp, các lứa tuổi. Vì vậy, người nông dân hôm nay không chỉ tôn vinh, kính nể những người thành đạt về quyền lực, mà còn tôn vinh những người đỗ đạt cao trong học tập, nghiên cứu khoa học.
Tinh thần gắn kết cộng đồng vẫn là một giá trị vượt trội của người nông dân và tình làng vẫn là một trong những tình cảm sâu nặng. Những điều kiện về cơ sở vật chất ngày càng được cải thiện, mức sống và dân trí được nâng lên nhanh chóng, người nông dân muốn làm điều tốt cho người khác nhiều hơn, nhưng đồng thời tinh thần phê phán cũng mạnh mẽ hơn trước những cái xấu, những biểu hiện phi đạo đức, phi nhân tính.
Bên cạnh nét truyền thống của tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, nam nữ thanh niên và các hộ gia đình trẻ có xu hướng độc lập, tự chủ cao hơn trong cuộc sống, không đơn thuần là chơi trội, mà là muốn được sớm tự khẳng định mình, được đứng trên đôi chân của chính mình. Vì thế, hộ gia đình ở nông thôn khá giả, giàu có sẽ tăng nhanh.
Tính tích cực xã hội sẽ ngày càng được đề cao ở nông thôn, cùng với những đòi hỏi chính đáng về không khí dân chủ, minh bạch, công bằng xã hội cũng ngày càng cao, tạo cho nông thôn Việt Nam đi vào ổn định rất nhanh nếu có các biến động (biến động do thiên tai gây ra, sự thay đổi về người lãnh đạo và phong cách lãnh đạo của họ...).
Tinh thần cần cù lao động sẽ gắn kết ngày càng sâu sắc hơn với sự sáng tạo trong sản xuất và đời sống. Người nông dân trong những năm tới chắc chắn sẽ khôn ngoan, linh hoạt hơn, khả năng thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh cũng cao hơn.
Bên cạnh đó những giá trị về tuổi thọ (sống lâu), sống có chất lượng (ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, thỏa mãn ngày càng nhiều hơn nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh...), về tình yêu và hạnh phúc gia đình... cũng sẽ được người nông dân hướng tới nhiều hơn.
2. Sự biến đổi nhu cầu văn hóa
Nhu cầu đầu tiên, trực tiếp và cụ thể nhất vẫn là có được một ngôi nhà kiên cố, nếu hiện đại và đẹp nữa thì càng tốt. Đây là nhu cầu rất chính đáng của người nông dân khi đã không còn thiếu đói triền miên, khi đã có bát ăn bát để và khi thiên tai thất thường vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với họ. Vả lại nhà kiên cố, to, đẹp vẫn sẽ còn là niềm tự hào của bất cứ một gia đình nông dân nào ở nước ta.
Tiếp đến phải nói tới nhu cầu về việc cho con cái được học hành đến nơi đến chốn, càng cao càng tốt, bởi vì đa số nông dân hiện nay đều nhận thức được vai trò của việc học tập của con em mình. Nhu cầu này càng ngày càng lớn và bức xúc, bởi phần đông người dân ở nông thôn đều muốn cho con em mình ra khỏi lũy tre làng để đến với các trường đại học, cao đẳng, làm việc ở các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, sinh sống ở đô thị. Đa số nông dân không hiểu kinh tế tri thức là gì, nhưng họ nhìn vào số đông các cán bộ, công chức (là con em, hoặc người địa phương) có cuộc sống ổn định để noi gương. Bởi vậy, chưa bao giờ phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển rộng khắp ở nông thôn như hiện nay: trong gia đình, trong dòng tộc, trong các thôn bản, các xã, huyện... Trước mắt, học sinh nông thôn theo học các trường dạy nghề, trường trung học, cao đẳng và đại học sẽ tăng nhanh, tỷ lệ trẻ em từ 1 đến 5 tuổi tới các nhà trẻ, lớp mẫu giáo cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Nhu cầu được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ, được sống trong một môi trường không có cái ác, không có tệ nạn xã hội, không bị ô nhiễm đã và đang được mọi người quan tâm. Nhu cầu văn hóa chính đáng này sẽ ngày càng cao hơn, nhất là khi dân trí ở nông thôn được nâng lên nhanh chóng trong những năm tới - phổ cập THCS, tiến tới phổ cập THPT.
Nhu cầu về vui chơi, giải trí lành mạnh, giao lưu văn hóa, phát triển cá nhân cũng ngày càng cao. Ở đây, có thể kể tới nhu cầu nắm bắt thông tin (tin tức thời sự, đường lối, chính sách, pháp luật, âm nhạc...) qua đài truyền hình, đài phát thanh, qua các sinh hoạt văn hóa tại nhà văn hóa, câu lạc bộ trên địa bàn, nhu cầu đọc sách báo, tham quan du lịch ở các di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh trong và ngoài tỉnh.
3. Sự biến đổi cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động văn hóa
Chúng ta có chủ trương đến 2020 phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn, trước hết là hệ thống thủy lợi, tiếp đến là đường giao thông nông thôn, hệ thống điện, nước... Chủ trương này mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ các hoạt động văn hóa ở nông thôn.
Các thiết chế văn hóa đã và sẽ được mở rộng, phát triển về số lượng, đầu tư tốt hơn là nhà văn hóa, câu lạc bộ, điểm sinh hoạt, điểm bưu điện - văn hóa xã, thư viện (hoặc phòng đọc), hệ thống đài truyền thanh, các cụm panô, các cửa hàng dịch vụ văn hóa... Trong đó, nhà văn hóa, hệ thống truyền thanh, các cửa hàng dịch vụ văn hóa cấp xã, cấp huyện sẽ có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Nhà văn hóa thôn, bản và các điểm bưu điện - văn hóa xã hiện nay (gần 9000 điểm) vẫn còn nặng về hình thức, thiếu quy hoạch và thiết kế đồng bộ, diện tích chật chội, khó khăn về công tác nhân sự, công tác điều hành... Hiện tại, cơ sở vật chất kỹ thuật của các trung tâm văn hóa cấp huyện đã được nâng cấp và trong một tương lai gần sẽ dần hoàn thiện và hiện đại, phục vụ đa năng (hội họp, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày triển lãm, đọc sách báo...). Nhà văn hóa cấp xã sẽ được xây dựng ở 100% số xã và đến năm 2020 về cơ bản cũng sẽ được đầu tư các trang thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nông dân. Số bản sách/ người dân sẽ tăng ít nhất 2 lần so với năm 2010.
Hệ thống đài truyền thanh cấp huyện sẽ được hiện đại hóa và có thêm một phần nhiệm vụ của một đài truyền hình địa phương (ghi hình và phát hình theo kênh riêng của huyện hoặc chuyển lên phát ở tỉnh, thành phố...). Các cửa hàng dịch vụ văn hóa cũng sẽ phát triển khá nhanh để cung ứng các sản phẩm văn hóa tới người tiêu dùng.
4. Sự biến đổi cơ cấu tổ chức và hoạt động văn hóa
Về bộ máy tổ chức các hoạt động văn hóa ở nông thôn, cán bộ chủ chốt của các ban văn hóa xã sẽ được chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ (tốt nghiệp từ trung cấp văn hóa nghệ thuật trở lên). Số cán bộ này sẽ trẻ tuổi hơn, không chỉ được đào tạo trên cơ sở năng lực, năng khiếu, mà còn trên cơ sở quy hoạch lâu dài. Bộ máy tự quản sẽ phát triển rộng rãi hơn, đó là mạng lưới các ban chủ nhiệm các câu lạc bộ, nhà văn hóa, ban quản lý các di tích lịch sử văn hóa... Ngoài ra, vai trò của các tổ chức tôn giáo trong việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng sẽ tăng lên đáng kể.
Về hoạt động văn hóa, lễ hội (bao gồm cả lễ hội dân gian truyền thống và lễ hội hiện đại) sẽ vẫn là sinh hoạt văn hóa có sức mạnh tập hợp đông đảo nhất. Các sinh hoạt văn hóa quy mô lớn có xu hướng tăng lên với các nghi thức, nghi lễ hiện đại, mang tính xã hội hóa cao. Các hoạt động văn hóa sẽ ít tùy thuộc vào mùa vụ sản xuất nông nghiệp, mà chủ yếu xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, từ tiềm lực kinh tế của địa phương, từ hiệu quả của quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Xu hướng liên kết trong các hoạt động văn hóa sẽ là xu hướng chủ đạo, bao gồm liên kết giữa lực lượng tham gia tổ chức (tổ chức hoặc cá nhân), liên kết giữa các địa phương. Trong các sinh hoạt văn hóa, hoạt động dịch vụ (có tính chất bán chuyên nghiệp) sẽ có điều kiện phát triển, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển văn hóa ở các địa phương.
5. Sự biến đổi lối sống, phong tục tập quán
Làm giàu đã trở thành mục tiêu và động lực để người nông dân vượt khỏi tâm lý cố hữu, tự ti. Tâm lý ỷ lại trông chờ, buông xuôi cho số phận đang dần dần được thay thế bởi sự năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Số hộ nông dân sống thuần túy dựa vào độc canh cây lương thực giảm đi nhanh chóng, thay vào đó là phương thức sản xuất đa canh, thu nhập cao hơn, từng bước khẳng định vị thế của mình trong xã hội bằng sự hiện diện ngày càng nhiều phương tiện vật chất hiện đại trong gia đình theo công thức: nhà kiên cố, xe máy, phương tiện nghe nhìn. Trong 10 năm tới, số hộ nông dân sử dụng điện ánh sáng sẽ đạt tỷ lệ 100% và khoảng 30-40% hộ nông dân lắp đặt điện thoại cố định tại nhà. Đường giao thông liên thôn, liên xã và liên huyện đang được nhựa hóa, bê tông hóa sẽ tạo cơ hội cho khoảng 0,5% hộ nông thôn có ô tô con hoặc ô tô chở khách, chở hàng. Người nông dân thích ứng nhanh hơn trước sự thay đổi của hoàn cảnh xung quanh, do vậy, bên cạnh cách ứng xử chín bỏ làm mười là yêu cầu về một không khí dân chủ hơn, minh bạch hơn trong các mối quan hệ trên dưới, trong ngoài. Cách ăn mặc ở nông thôn đã và đang đẹp lên rất nhiều, hướng theo phong cách hiện đại của châu Âu.
Bên cạnh những biến đổi tích cực, lối sống ở nông thôn sẽ có không ít những biến đổi tiêu cực. Dễ nhận thấy nhất vẫn là lối sống chạy theo giá trị vật chất, thực dụng, lãng phí, làm biến dạng những gì vốn được coi là thuần khiết, đặc thù ở nông thôn, chẳng hạn như sự giản dị, chân thật, tình nghĩa tối lửa tắt đèn có nhau. Trong bối cảnh phải cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh, thói đố kỵ, con gà ghét nhau tiếng gáy có nguy cơ trỗi dậy, dễ khiến cho lúc này, lúc kia người ta ít quan tâm đến nhau hơn trước. Sự gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình ở nông thôn vốn bền chặt, nhưng nguy cơ lỏng lẻo dần đang diễn ra hàng ngày do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân người ta phải ly hương đi ra các đô thị để kiếm sống. Cái ác ở nông thôn có nguy cơ gia tăng, có thể làm rạn vỡ đạo lý ngay trong mỗi gia đình.
Phong tục, tập quán vốn có tính ổn định tương đối cao vì nó được đúc kết từ rất lâu đời trong cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế tác động tương đối mạnh mẽ, đã và sẽ làm cho nhiều phong tục, tập quán phải biến đổi.
Phong cách lao động mới được hình thành và phát triển, nhất là khi 50% lao động trong nông nghiệp được đào tạo và tỷ lệ nông dân giảm chỉ còn bằng 30% số lao động xã hội. Một số phong tục, tập quán như mừng nhà mới, cưới xin, ma chay, lễ hội dân gian… có xu hướng đơn giản hóa dần các chi tiết lễ nghi vốn rườm rà, phức tạp, đôi khi pha chút mê tín dị đoan. Một số phong tục tập quán mới hình thành, chẳng hạn lễ tiễn tân binh lên đường nhập ngũ, lễ khen thưởng học sinh giỏi ở rất nhiều làng quê giờ đã thành một phong tục đẹp; hay các sinh hoạt của bạn đồng ngũ của các cựu chiến binh, sinh hoạt của các hội đồng tuế, đồng môn… cũng đã và sẽ tạo nên những phong tục, tập quán đáng chú ý ở nông thôn.
Việc ma chay, cưới xin tuy có bớt đi nhiều chi tiết rườm rà, nhưng ăn uống linh đình hơn, tạo ra áp lực và cuốn theo cả những hộ kinh tế khó khăn vào vòng xoáy của căn bệnh hình thức, lãng phí. Nữ thanh niên nông thôn lấy chồng sớm và sinh nhiều con có xu hướng tăng lên. Một số bộ phận không nhỏ cư dân ở nông thôn thiếu ý thức và không có thói quen giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, ở nhà to, nhưng vệ sinh môi trường lại rất kém.
6. Mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa với đô thị
Giao lưu và hợp tác văn hóa ở nông thôn với đô thị sẽ được đẩy mạnh và trở thành một trong những giải pháp có tính đột phá để phát triển văn hóa nông thôn nói riêng, kinh tế xã hội nói chung. Trên thực tế, quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam cũng là qúa trình đô thị hóa, nâng cao dân trí cho cư dân ở nông thôn. Vì thế khả năng giao lưu, hợp tác văn hóa ở nông thôn với đô thị trong nước là rất lớn. Trong quá trình này, các đô thị sẽ giữ vai trò chủ động và chủ đạo, đồng thời vai trò của nông thôn cũng sẽ được phát huy một cách tối đa. Đô thị cũng sẽ đóng vai nhà tài trợ, cung cấp khoa học, công nghệ tiên tiến để chuyển giao cho nông dân, cung cấp vốn và thông qua các dự án mở ra các nhà máy, các doanh nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, trường học tại các vùng nông thôn để thu hút lực lượng lao động đông đảo là con em nông dân, hình thành các khu công nghiệp, các cụm tiểu thủ công nghiệp, các đô thị mới. Các vùng nông thôn không chỉ cung cấp đất đai, nguồn nhân lực, nguồn nguyên liệu lương thực, thực phẩm cho các đô thị, mà còn là địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch, dịch vụ văn hóa, một thị trường tiềm tàng để tiêu thụ hàng hóa được sản xuất từ các đô thị...
Trong những năm tới, sự giao lưu và hợp tác văn hóa ở nông thôn với các đô thị trong nước sẽ toàn diện và chủ động hơn từ cả hai phía, song hướng chủ đạo vẫn là bắt đầu tự sự hợp tác kinh tế, giúp đỡ nhau trước hết để phát triển kinh tế, sau đó mới là hợp tác về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, chăm sóc y tế, thể dục thể thao, đào tạo bồi dưỡng cán bộ...
Giao lưu và hợp tác văn hóa giữa nông thôn Việt Nam với các nước, trước hết là các nước trong khu vực ASEAN có khả năng tăng đột biến. Nông thôn Việt Nam là nơi sản xuất khối lượng lương thực lớn, vượt mức 34 triệu tấn/năm và xuất khẩu mỗi năm từ 3-5 triệu tấn, là môi trường tiềm năng không chỉ xuất khẩu lương thực, mà còn là môi trường văn hóa với biết bao nhiêu nét văn hóa đặc sắc. Nông thôn Việt Nam sẽ không chỉ là địa bàn thu hút phần lớn đầu tư nước ngoài, mà còn là địa bàn lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, khám phá phong tục, tập quán cùng các giá trị văn hóa lâu đời khác của dân tộc Việt Nam. Vấn đề đặt ra là người nông dân Việt Nam phải mau chóng khắc phục tâm lý tự ti, thói quen của người sản xuất nhỏ, nâng cao tính kỷ luật, tự giác.
7. Mâu thuẫn, rủi ro và lực cản đối với sự phát triển văn hóa ở nông thôn
Sự biến đổi văn hóa ở nông thôn Việt Nam bao giờ cũng có sự đan xen giữa biến đổi tích cực với biến đổi tiêu cực, song nhìn chung sự biến đổi tích cực vẫn luôn mạnh mẽ và chiếm ưu thế.
Bên cạnh đó, còn có thể nêu lên một số vấn đề khác như:
Tăng trưởng kinh tế nhưng tài nguyên khoáng sản có nguy cơ cạn kiệt, môi trường sinh thái ở nông thôn ngày càng bị ô nhiễm nặng nề, kéo theo thực trạng là người nông dân ăn no, mặc ấm, ăn ngon, mặc đẹp, nhưng tình trạng bệnh tật nguy hiểm đến tính mạng gia tăng, tuổi thọ giảm, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm chậm.
Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được cải thiện và nâng cao, nhưng khoảng cách giàu nghèo cũng ngày càng lớn hơn, chi phí cho việc học hành, khám chữa bệnh, đi lại… ngày càng nhiều, dẫn đến nguy cơ trẻ em phải bỏ dở việc học hành tăng lên, những người nông dân mất sức lao động, gặp rủi ro do thiên tai… sẽ gặp khó khăn và cơ hội để được hưởng thụ văn hóa cũng không thể bình đẳng như những người dân ở các khu vực đô thị.
Nhu cầu văn hóa của người dân tăng lên rất nhanh nhưng tình trạng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động văn hóa ở nông thôn phát triển chậm, không đồng bộ.
Trình độ dân trí ngày càng được nâng lên nhưng không khí dân chủ ở nông thôn chậm được cải thiện, người nông dân vẫn đói thông tin, nhất là ở vùng nông thôn miền núi.
Những mâu thuẫn ấy gây ra không ít những lực cản đối với sự phát triển văn hóa ở nông thôn.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể chỉ ra một số lực cản khác, đó là:
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH.
Yếu tố con người quyết định sự phát triển kinh tế xã hội, nhưng xung quanh yếu tố con người ở nông thôn, còn hàng loạt vấn đề bức xúc đã và sẽ đặt ra. Tâm lý nông dân sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp, khép kín vẫn còn tương đối nặng nề. Điều này khiến cho việc hình thành lối sống mới ở nông thôn diễn ra một cách chậm chạp và không chắc chắn. Việc làm và đời sống đã và sẽ vẫn là những thách thức để giải bài toán phát triển văn hóa ở nông thôn. Thời gian mà người nông dân gọi là nông nhàn thực chất là thời kỳ không có việc làm, kéo dài từ 3 đến 4 tháng. Phần lớn các làng quê đều có người đi làm ăn xa, không ít người trở về quê đem theo luôn cả tệ nạn nghiện hút ma túy, cờ bạc, phá vỡ hạnh phúc gia đình. Người nông dân đói nghiêm trọng khoa học công nghệ, thị trường, do vậy hàng hóa nông sản hàm lượng tri thức thấp, giá cả bấp bênh. Các trường học, nhất là trường THCS, THPT ở địa bàn nông thôn không gắn được học với hành, chưa trở thành chỗ dựa tin cậy hoặc một trung tâm văn hóa để trợ giúp cho người nông dân xóa đói về khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống. Ở nhiều vùng nông thôn, một số hủ tục còn nặng nề, công tác kế hoạch hóa gia đình gặp rất nhiều khó khăn, hiện tượng sinh con thứ ba trở lên vẫn còn phổ biến, hiện tượng mê tín di đoan có chiều hướng gia tăng.
Những dự báo trên đây sẽ góp phần làm cơ sở để định hướng các giải pháp phát triển văn hóa ở nông thôn nước ta trong những năm tới, hướng vào việc tập trung mọi nguồn lực để nâng cao dân trí; giải quyết đồng bộ vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế văn hóa phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong việc xây dựng nền văn hóa mới.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 321, tháng 3-2011
Tác giả : Nguyễn Văn Thắng