Trong vài thập niên trở lại đây, toàn cầu hóa và các chương trình phát triển nội địa đã tác động mạnh mẽ đến sinh hoạt văn hóa của các tộc người trên lãnh thổ Việt Nam. Trong các buôn làng Tây Nguyên, từ lâu, đã phát sinh nhiều hiện tượng phức tạp, thách thức khả năng bảo tồn các giá trị văn hóa tộc người. Để duy trì bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, giới quản lý nhà nước đã thực hiện chính sách bảo tồn có chọn lọc, với nội dung cơ bản là tập trung nguồn lực nhằm duy trì hoặc tái tạo những yếu tố quan trọng nhất trong di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc (1).
Thời gian trước, các hiện tượng, sự kiện văn hóa Tây Nguyên được xem như những cá thể đơn lập, nhưng trong thực tế, chúng bao giờ cũng là một bộ phận hữu cơ của một cấu trúc tổng thể, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Các sự kiện vừa góp phần hình thành, vừa chịu sự ràng buộc, quy định của cấu trúc. Trong cách tiếp cận truyền thống, các mối liên hệ nội tại giữa bối cảnh, cấu trúc tổng thể với các sự kiện/ hiện tượng đã không được đánh giá đúng mức. Vì vậy, các dự án bảo tồn có chọn lọc khi áp dụng vào thực tế chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Muốn khắc phục hạn chế của cách tiếp cận truyền thống, cần đặt các đối tượng trong bối cảnh xuất phát của nó. Với cách tiếp cận như vậy, bài viết sẽ làm rõ cấu trúc và chức năng của các thành tố trong không gian buôn làng, trình bày quá trình biến đổi không gian buôn làng ở buôn Lê A thuộc phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột từ sau Giải phóng đến nay. Từ đó, chúng ta có thể nhận thức rõ hơn mối liên hệ mật thiết giữa biến đổi không gian văn hóa với biến đổi các giá trị văn hóa tộc người.
1. Buôn làng như là không gian văn hóa tộc người
Buôn làng của người Tây Nguyên không chỉ là lãnh thổ cư trú mà còn là không gian văn hóa tộc người (2). Ở đây, khái niệm không gian văn hóa tộc người được hiểu là một chỉnh thể không gian cho phép một cộng đồng sinh tồn và sáng tạo, tiếp nhận, thực hành, trao truyền các giá trị đặc trưng của tộc người mà cộng đồng đó thuộc về. Trước thời thuộc địa, làng (bon), là đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất ở Tây Nguyên. Với người Tây Nguyên, ý thức về làng thậm chí còn đậm hơn ý thức về cộng đồng tộc người (3). Mặt khác, các đặc trưng của văn hóa tộc người được phản ánh trong không gian của các làng. Vì buôn làng chính là môi trường nuôi dưỡng văn hóa tộc người, cho nên, không gian buôn làng cũng đồng thời là không gian văn hóa tộc người.
Về mặt cấu trúc, không gian buôn làng được hình thành bởi 4 yếu tố có mối quan hệ tương hỗ:
Không gian sinh kế: là nơi cung cấp các nguồn lợi tự nhiên (đất, nước, khoáng sản, hệ thực vật và động vật...) mà con người có quyền tiếp cận, khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu sinh tồn. Trong quá trình tương tác và thích nghi với không gian sinh kế, con người không ngừng tích lũy tri thức về thế giới tự nhiên và định hình nên các khuôn mẫu văn hóa, gọi là lõi văn hóa, quyết định sự tồn tại của một cộng đồng (4). Có thể nói, những thay đổi trong không gian sinh kế tất yếu kéo theo những biến đổi sâu sắc trong sinh hoạt cộng đồng;
Không gian cư trú: là nơi ở và sinh hoạt của các hộ gia đình trong cộng đồng. Nói đến không gian cư trú là nói đến phong cách kiến trúc, loại hình gia đình và những nguyên tắc được đặt ra như: hình thức thừa kế và phân chia tài sản, chức năng giới, hình thức lựa chọn đối tượng hôn nhân (đối tượng phối ngẫu) và cư trú sau hôn nhân, hình thức hợp tác giữa các gia đình cùng huyết thống...
Không gian sinh hoạt cộng đồng: là nơi diễn ra các sinh hoạt chung của cộng đồng, có chức năng thúc đẩy quá trình xã hội hóa cá nhân, nâng cao sự gắn kết xã hội, đồng thời duy trì tính liên tục của văn hóa cộng đồng.
Không gian sinh hoạt tâm linh: là nơi con người tổ chức các sinh hoạt tín ngưỡng, tạo nên sự giao tiếp giữa thế giới thực với thế giới tâm linh. Các quan niệm và sinh hoạt gắn liền với không gian tâm linh có chức năng điều tiết hành vi của con người. Đồng thời, thực hiện vai trò duy trì và trao truyền các kĩ năng, các giá trị văn hóa giữa các thế hệ trong một cộng đồng. Bởi, mỗi sự kiên tâm linh, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, còn là một cơ hội để các thành viên trong cộng đồng trình diễn những gì được cho là tốt đẹp nhất, tinh túy nhất trong vốn văn hóa của họ.
Dĩ nhiên, việc phân loại không gian buôn làng chỉ có ý nghĩa tương đối. Trên thực tế, mỗi thành tố có thể đảm nhận nhiều chức năng khác nhau. Chẳng hạn, trong một buôn Ê đê, khi một gia đình tổ chức lễ hiến sinh, thì ngôi nhà đó ngoài là điểm cư trú, còn là không gian nghi lễ và không gian cộng đồng.
2. Sự vận động của không gian buôn làng: quá trình và hệ quả
Để cụ thể hóa mối quan hệ giữa sự biến đổi cấu trúc không gian buôn làng với sự biến đổi văn hóa của tộc người, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu điền dã ở một số buôn Ê đê thuộc Buôn Ma Thuột. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu kết quả thực địa ở buôn Lê A.
Trước 1975, khu vực sinh kế của buôn Lê A kéo dài từ phía Đông qua phía Tây Nam với diện tích khoảng 250 - 300 ha. Mặc dù trong buôn Lê A có khá nhiều người làm viên chức cho chế độ cũ, nhưng tất cả các hộ gia đình vẫn duy trì nghề nương rẫy truyền thống. Một số hộ có điều kiện khá giả đã biết khai khẩn đất đai làm đồn điền nông nghiệp. Sau Giải phóng, thực hiện chủ trương quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên, toàn bộ diện tích đất rừng ở Tây Nguyên được chuyển giao cho các nông lâm trường quản lý. Năm 1976, phần đất ở phía Đông và Đông Nam của buôn Lê A thuộc quyền quản lý của lâm trường Cữ Pil. Cũng trong năm này, hợp tác xã của buôn được thành lập, quản lý 310 ha đất nông nghiệp. Năm 1979, phần đất cuối cùng của buôn nằm ở phía Tây Nam được sáp nhập nốt vào không gian của nông trường Êa Kao. Như vậy, từ 1976 - 1979, với sự xuất hiện của các chủ thể quản lý mới là nông trường, lâm trường và hợp tác xã, chế độ sở hữu truyền thống của cộng đồng buôn làng đối với tài nguyên đất đã hoàn toàn chấm dứt.
Sau khi hợp tác xã nông nghiệp ra đời, tất cả các hộ trong buôn đều thành xã viên, sản xuất trên đất của hợp tác xã và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ban chủ nhiệm hợp tác. Trước phương thức sản xuất hoàn toàn mới tập thể xã viên không thích ứng được. Xã viên đề xuất trồng lúa trên đất của hợp tác xã nhưng không được ban chủ nhiệm cho phép, trong khi đó, quá nửa diện tích đất canh tác của hợp tác xã bị bỏ hoang. Nhờ học được kỹ thuật từ người Kinh, người dân Lê A đã trồng được lúa nước trên 3 ha ruộng dọc suối và hồ Ea Bư, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Bước sang những năm 80 của TK XX, phong trào trồng cây cà phê và cao su lan khắp Tây Nguyên. Mặt khác, trong giai đoạn này, nhà nước cũng tổ chức định canh, định cư cho các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, thay vì hoàn đất để người dân chủ động sản xuất, thì ban chủ nhiệm cho phép người Kinh ở các vùng lân cận được vào trồng cà phê trên đất của hợp tác xã theo hình thức liên kết. Sau vài năm, bằng nhiều cách khác nhau, họ đã tìm cách hợp thức hóa quyền sở hữu tư nhân đối với phần đất này. Kể từ đây, phần đất rẫy mà người Lê A đã khai phá và canh tác từ nhiều thế hệ chính thức chuyển sang cho chủ sở hữu mới. Trong khi đó, đa phần các hộ Ê đê trong buôn đều rơi vào cảnh thiếu đất nông nghiệp. Quỹ đất hiện tại chỉ cho phép các hộ gia đình tự túc được vấn đề lương thực, còn việc tích lũy nhằm đảm bảo một cuộc sống tốt hơn dường như điều bất khả, chỉ thuộc về một nhóm thiểu số.
Năm 1983, buôn Lê A bước vào thời kỳ định canh, định cư. Bản chất của định cư là chia đại gia đình mẫu hệ thành các gia đình hạt nhân cư trú độc lập với nhau trên một thổ đất cố định. Mỗi hộ được chia 500 m2 đất vườn, được cấp tối đa 10 khối gỗ để làm nhà sàn mới có chiều dài từ 12 - 18m. Kích thước này khiêm tốn hơn nhiều so với nhà sàn dài truyền thống của các đại gia đình mẫu hệ trước đó, với chiều dài luôn dao động trong khoảng 50 - 100m. Sau vài năm định cư, dân số trong buôn bắt đầu tăng. Các ông bố bà mẹ phải tính chuyện tách hộ cho con bằng cách tháo nhà sàn dài, chuyển sang ở nhà trệt (nhà ván) để lấy đất làm nhà cho các đôi vợ chồng mới tách. Cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90 của TK XX, nhà xây bắt đầu xuất hiện ở Lê A. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nhà sàn và nhà ván vẫn còn chiếm phần nhiều. Chỉ sau năm 2000, khi các nhà sàn cũ thời định cư bắt đầu mục thì nhà xây/ bê tông mới chiếm ưu thế.
Song song với sự thay đổi phong cách kiến trúc là sự thay đổi cơ cấu dân cư. Trước 1975, địa bàn cư trú của buôn Lê A chỉ dành cho người Ê đê. Sau 1975, người Kinh nhập cư ngày càng nhiều. Vào nửa đầu thập niên 1990, tỷ lệ Kinh/Ê đê ở Lê A là 50/50. 20 năm sau, người Kinh đã vượt người Ê đê về cả số hộ lẫn số khẩu.
Trước 1975, buôn Lê A có 2 bến nước: phía Đông (a lũ ngõ) và phía Tây (a lũ yu), đều là tài sản chung của buôn. Khi cần, người của xóm Đông vẫn sang sử dụng bến nước của xóm Tây và ngược lại. Ở mỗi bến nước có một mạch nước ngầm chảy ra từ bờ suối. Tận dụng sự chênh lệch độ cao của mạch nước ngầm so với mặt suối, người ta đắp một cái đập nhỏ bao quanh nó, tạo nên một cái bể tự nhiên rồi cắm hai ống lồ ô vào bể để hứng nước. Nước trong và thoáng khí, chảy suốt ngày đêm, là nguồn nước lý tưởng cho nhu cầu sinh hoạt của con người. Ngoài ra, bến nước còn là nơi gặp gỡ quen thuộc của mọi người, để trao đổi thông tin và bình luận về các sự kiện trong buôn. Vào tháng 3 hàng năm, xóm Đông và xóm Tây cùng tổ chức lễ cúng bến nước, được xem là nghi lễ quan trọng nhất trong năm. Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng (cúng thần nước), lễ cúng bến nước còn là thời điểm để củng cố tinh thần cộng đồng, lòng biết ơn chủ làng, tổ tiên và tự nhiên. Mặt khác, trong thời điểm này, với men rượu cần, toàn bộ kho tàng nghệ thuật diễn xướng của cộng đồng được thăng hoa: đánh cồng chiêng, thổi khèn, hát ây rây hay kể khan... Việc tổ chức lễ cúng bến nước tạo cơ hội thực hành các giá trị cơ bản và đặc trưng của cộng đồng, qua đó, đảm bảo việc trao truyền giá trị từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nhưng từ năm 1998, suối Êa Tam bắt đầu bị ô nhiễm bởi rác thải công nghiệp và dân sinh, người dân chuyển sang dùng nước giếng khoan. Vắng bóng người, bến nước cộng đồng trở thành bến hoang.
Như vậy, đến nay, không gian sinh tồn truyền thống của buôn Lê A đã thay đổi hoàn toàn. Sự thay đổi này không đơn thuần là sự thêm bớt về lượng mà là sự biến đổi triệt để về chất. Với một người bên ngoài, khi đến buôn Lê A, nếu không dựa vào tên buôn, thật khó nhận ra "căn cước" Ê đê.
Với tư cách là không gian thực hành văn hóa, những thay đổi trong cấu trúc không gian buôn làng tất yếu ảnh hưởng đến đời sống của người dân Lê A. Trước hết, trong thời kỳ bao cấp, do thiếu hụt các nguồn sinh kế cơ bản, cộng đồng Lê A đã rơi vào tình thế rất khó khăn. Người dân buộc phải bán đi các di sản quý như: chiêng, ché, trống, kpan, thau đồng. Trong khi đó, luật tục Ê đê xác định rất rõ tính chất thiêng liêng và bất khả chuyển nhượng của gia sản (5).
Quỹ đất hiện tại của Lê A không chỉ tác động đến khía cạnh sinh kế của từng hộ gia đình, mà còn ảnh hưởng đến xu hướng hôn nhân của phụ nữ. Trong quá khứ, khi quỹ đất của các làng còn nhiều thì các động sản (chiêng, ché, nồi, gia súc) cũng được xem là của hồi môn quý. Ngày nay, quỹ đất giảm đáng kể, ảnh hưởng lớn đến giá trị và mức độ chủ động của một người khi đến tuổi kết hôn, đặc biệt là phụ nữ. Theo phong tục mẫu hệ, sau lễ thành hôn, người con trai về sống bên nhà vợ, sau đó mới có thể tách ra hoặc ở chung với bố mẹ. Tương lai của họ phụ thuộc khá lớn vào phần đất mà người con gái được hưởng. Vì vậy, trước khi quyết định có chấp thuận làm rể một gia đình nào đó hay không, anh ta phải nắm được mức độ rộng hẹp của quỹ đất bên nhà gái. Làm rể một gia đình có đất mang lại cho người con trai cảm giác tự tin, vững vàng. Về phía người con gái, quỹ đất của gia đình là điều kiện quyết định người đàn ông mà cô muốn chọn hoặc có thể chọn. Không hề ngẫu nhiên khi ngày càng nhiều phụ nữ Lê A quyết định không kết hôn. Họ hiểu rằng, với gia cảnh hiện tại, việc kết hôn chỉ tạo thêm gánh nặng cho gia đình và chỉ kéo dài thêm vòng đói nghèo luẩn quẩn. Trong gia đình mẫu hệ, phụ nữ ở giá sống phụ thuộc vào bố mẹ và các anh chị em nhiều hơn. Trong quãng đời còn lại, nhất là khi về già, cô phải cần đến sự hỗ trợ từ con của những người chị hoặc em gái ruột. Vì thế, nếu không có con riêng, họ thường nhận một đứa cháu gái trong dòng họ làm con nuôi.
Bên cạnh đó không gian sinh kế thay đổi còn ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt tâm linh của cộng đồng. Trong những năm đầu sau Giải phóng, cái đói là vấn đề trung tâm của đời sống, còn những nhu cầu khác, chẳng hạn việc tổ chức các nghi lễ truyền thống được xem là xa xỉ, lệch lạc. Vì vậy, trong thời kỳ bao cấp, ở Lê A không có các sinh hoạt truyền thống. Hiện nay, nhóm Thiên chúa giáo và Tin lành chiếm khoảng 80% tổng số hộ Ê đê ở Lê A. Sự vượt trội của nhóm cải đạo trong cơ cấu dân cư của cộng đồng chỉ ra sự ảnh hưởng to lớn của các nhà thờ tôn giáo trong đời sống buôn làng. Khi đã tự nguyện cải đạo, dù tất cả các sự kiện quan trọng trong chu kì vòng đời của tín đồ đều gắn với không gian nhà thờ. Chẳng hạn, với một tín đồ Thiên chúa giáo, 3 tháng sau khi sinh, anh ta được cha xứ làm lễ rửa tội tại nhà thờ. Đến giai đoạn từ 13 - 15 tuổi, anh ta thường xuyên có mặt ở nhà thờ để học giáo lý cơ bản. Trong giai đoạn này, ngoài việc tiếp nhận tri thức, anh ta còn được trau dồi kỹ năng đọc và viết bằng tiếng Ê đê để hiểu Kinh thánh và giáo lý. Khi lập gia đình, người theo đạo làm lễ kết hôn ở nhà thờ. Khi từ giã cõi đời, cha xứ và giáo đoàn lại đứng ra hành lễ để tiễn đưa anh ta về với chúa.
Trái ngược với tầm ảnh hưởng và các sinh hoạt phong phú diễn ra trong không gian nhà thờ, ở buôn Lê A hiện nay, các thực hành văn hóa truyền thống đã hoàn toàn biến khỏi cuộc sống hiện tại.
Trước đây, các lễ hội và sự kiện lớn nhỏ của người Ê đê đều được sống trong bầu không khí của âm nhạc cồng chiêng, các làn điệu ây rây, đêm kể khan bên bếp lửa ở căn phòng chung (gah) và hương vị rượu cần... Tuy nhiên, ngày nay các sinh hoạt đó chỉ còn tồn tại trong ký ức của người già. Mặc dù người Lê A vẫn còn sử dụng rượu cần trong một số thời điểm quan trọng, nhưng việc đặt rượu cần trong căn phòng khách của nhà xây và thiếu âm thanh giục giã của dàn chiêng Ê đê thì sinh hoạt này không còn ý nghĩa nữa. Vì hương vị của rượu cần chỉ được cảm nhận trọn vẹn trong không gian nhà sàn, nơi có một ví trí trang trọng dành cho dàn chiêng.
Có thể nói, không gian là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự gián đoạn các sinh hoạt văn hóa truyền thống ở buôn Lê A. Mặt khác, không ai trong buôn biết hát ây rây, kể khan, hát kứt (dân ca Ê đê), thổi khèn đinh năm và chơi cồng chiêng. Dĩ nhiên, cũng không thể tìm ra người biết sử dụng lời nói vần (klei duê) của luật tục để phân xử các xung đột trong buôn theo tinh thần hòa giải.
Thực tế, trong buôn làng của người Ê đê, những người được gọi là nghệ nhân có vai trò khá toàn diện, trước tiên là khua sang (ông chủ) của các hộ gia đình. Trong xã hội mẫu hệ Ê đê, dù vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình có quan trọng đến mấy, thì toàn bộ sinh hoạt trong nhà vẫn đặt dưới quyền quản lý của khua sang. Ông có quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến thành viên trong gia đình theo luật tục. Ngoài ra, dam dei (ông cậu) của các chị em gái và những đứa cháu thuộc dòng họ mẹ ông ta, cũng là người có mặt trong mọi sự kiện hệ trọng (6).
Để hoàn thành những vai trò quan trọng ấy, hiển nhiên khua sang phải có vốn hiểu biết nhất định về quá khứ, phong tục, kỹ năng cụ thể nhằm phục vụ công việc sản xuất, xây dựng, cưới hỏi, tang ma cùng các sinh hoạt giải trí... Vậy nên, khi các khua sang còn hiện diện thì vốn tri thức về quá khứ còn tồn tại và được trao truyền cho thế hệ sau. Tuy nhiên, thế hệ khua sang cựu trào ở Lê A, vì nhiều lý do khác nhau, đã nối gót nhau ra đi trong thời bao cấp. Sự thiếu hụt bộ phận này làm suy thoái các phong tục truyền thống trong cộng đồng, do thiếu một thế hệ kế cận để nối mạch văn hóa.
Quá trình hội nhập và hiện đại hóa, đã có những biến đổi sâu sắc trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc tại chỗ Tây Nguyên. Đây là hệ quả tất yếu của quá trình chuyển động trong cấu trúc không gian buôn làng. Khi cấu trúc không gian buôn làng thay đổi, các thực hành văn hóa truyền thống tất yếu bị gián đoạn, các giá trị cũ nhường chỗ cho các quan niệm, giá trị, thực hành mới. Kết quả nghiên cứu trường hợp ở buôn Lê A (Buôn Ma Thuột) đã chỉ ra mối liên hệ nhân quả giữa sự biến đổi không gian buôn làng với sự tàn lụi của vốn văn hóa truyền thống và sự tiếp nhận các khuôn mẫu văn hóa mới.
Mặc dù đã trải qua nhiều xáo trộn, buôn làng vẫn là hệ quy chiếu cơ bản để tiếp cận, phân tích, nhận thức các vấn đề văn hóa đương đại gắn với cộng đồng dân tộc tại chỗ Tây Nguyên. Nếu chỉ tập trung vào các hiện tượng đơn lẻ mà không có sự hỗ trợ cộng đồng để tạo dựng một môi trường nuôi dưỡng các hiện tượng văn hóa, thì công cuộc bảo tồn và phát triển vốn văn hóa truyền thống ở Tây Nguyên sẽ chỉ mang ý nghĩa nhất thời. Bởi vậy, trong một không gian thực hành đúng nghĩa, các giá trị văn hóa truyền thống mới có thể được tái sinh và hiện đại hóa để thẩm thấu một cách tự nhiên vào đời sống hiện tại.
________________
1. Oscar Salemink, The ethnography of Vietnam’s central highlanders: a historical contextualization (1850 - 1900), University of Hawai’i Press, Hawai’i, 2003, tr. 285.
2. Đặng Hoàng Giang, Từ không gian văn hóa đến không gian văn hóa tộc người, Tạp chí Văn hóa học, số 19, 2015, tr. 21.
3. Nguyên Ngọc, Một số vấn đề cốt lõi trong cơ cấu và thiết chế xã hội của Tây Nguyên, Khai thác bauxite và phát triển bền vững Tây Nguyên, Viện Tư vấn phát triển, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2010, tr. 141.
4. www.indiana.edu
5,6. Anna De Hectalocque - Howe, Người Ê đê - một xã hội mẫu quyền, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004, tr. 188,115.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015
Tác giả : ĐẶNG HOÀNG GIANG