BIẾN ĐỔI TRONG ĐỜI SỐNG TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI BA NA

         Trong những năm gần đây, đời sống đồng bào Ba na ở Gia Lai đã có những cải thiện đáng kể về vật chất và tinh thần. Nhưng mặt khác, cũng phải nhìn nhận tuyệt đại bộ phận vẫn còn đang trong trình độ phát triển văn minh tiền công nghiệp. Do đó, tín ngưỡng, lễ nghi và phong tục vẫn đang là lĩnh vực đời sống tâm linh vô cùng quan trọng, vì trong đó chứa đựng các chỉ báo tiêu biểu về bản sắc văn hóa tộc người. Đồng thời, nó cũng là chỉ báo về độ bền vững và thăng bằng của tộc người Ba na trong sự phát triển chung của xã hội đương đại.

Người Ba na ở Gia Lai được xác định là cộng đồng còn bảo lưu đậm nét tín ngưỡng cổ truyền (samat) và các sắc thái văn hóa truyền thống. Tuy nhiên sự gia tăng nhanh chóng của đạo Tin lành trong những năm gần đây đã và đang gây nên những xáo trộn mạnh mẽ trong đời sống tín ngưỡng của họ.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, năm 2010, tín đồ Tin lành của tỉnh có tổng cộng 99.108 người; trong đó tộc người Gia rai 74.686 người, Ba na 22.572 người, Kinh 1.464 người, các tộc khác 386 người. Công giáo có 90.767 tín đồ, tộc người Gia rai và Ba na: 39.382 người, Kinh: 51.385 người. Chỉ riêng cộng đồng người Ba na ở huyện Đác Đoa đã có tới 5 chi hội Tin lành và 13.687 người trên tổng số 36.911 người theo Tin lành (chiếm 37,08% dân số toàn huyện). Như vậy số lượng tín đồ người Ba na theo đạo Tin lành ở huyện Đác Đoa đã chiếm hơn 50% (13.687/22.572 người) tổng số tín đồ Tin lành là người Ba na của toàn tỉnh. Từ địa bàn đứng chân này, đạo Tin lành đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng xuống vùng người Ba na ở phía đông bắc của tỉnh, nơi đồng bào còn bảo lưu đậm nét tín ngưỡng truyền thống (huyện Mang Yang, Đak Pơ, An Khê, Kông Chro, Kbang)(1).

Sự tác động đó đã có ảnh hưởng đáng kể đến đời sống tín ngưỡng của người Ba na ở huyện cận cư Mang Yang. Vào đầu năm 2003 ở ba xã liền kề: Kon Thụp, Kon Triêng và Đê Ar của huyện Mang Yang đã có trên 1.000 tín đồ Tin lành là người Ba na. Năm 2010, số tín đồ Tin lành ở Mang Yang đã là 4.809/31.635 người (với 1 chi hội và 1 nhà thờ tại làng Kon Chrah, xã Hra). Tác động, ảnh hưởng của tôn giáo đến đời sống văn hóa xã hội của một bộ phận người Ba na ở Gia Lai hiện nay là sự tác động song trùng (Công giáo và Tin lành) trong đó đáng kể nhất là Tin lành, đây cũng là điểm khác biệt so với người Ba na ở tỉnh Kon Tum.

Những tác động tích cực

Dù ở góc độ nào, chúng ta vẫn phải thừa nhận tôn giáo mới (Công giáo, Tin lành) đã đáp ứng một phần nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của người Ba na. Qua trao đổi với một số già làng, trưởng thôn, giáo phu và tín đồ người Ba na ở xã Glar, huyện Đác Đoa, phần lớn đều thừa nhận họ theo Tin lành vì thấy trong giáo lý mà các linh mục truyền dạy nhiều nét tương đồng và phù hợp với quan niệm truyền thống. Đó là việc răn dạy con người sống hòa mục, hướng thiện, biết yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Sự giúp đỡ đó không chỉ bó hẹp giữa các thành viên trong cộng đồng mà còn mở rộng ra giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Do đó, khi gia nhập đạo, các tín đồ Tin lành luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và coi đó như một phương châm để hành đạo. Điều đó đã phá vỡ sự tồn tại biệt lập của các làng Ba na, khiến người Ba na và các tộc người khác trong khu vực gần nhau hơn.

Mặt khác, trong phương thức hoạt động, các tôn giáo mới còn chú ý đến những vấn đề cụ thể, thiết thực của đời sống thường nhật, khuyên dạy đồng bào từ bỏ những hủ tục nặng nề trong ma chay, cưới xin, cúng bái... hướng tới cuộc sống văn minh. Thực tế cho thấy, ở nhiều làng Ba na theo đạo, đời sống, sinh hoạt xã hội cũng có một số mặt tiến bộ. Cụ thể là sinh hoạt và tổ chức đời sống của đồng bào quy củ và hợp vệ sinh hơn. Nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm được tách riêng ra khỏi nơi ở, khu vực nguồn nước sinh hoạt được giữ gìn cẩn thận. Diện mạo buôn làng cũng có những thay đổi, vệ sinh nơi ăn ở được giữ gìn sạch sẽ. Đáng kể nhất là các hủ tục lạc hậu giảm bớt, những lệ tục có hại cho đời sống, phương thức sản xuất không thích hợp, tổ chức làng xóm lỗi thời, những kiêng kỵ vô lý, phản khoa học được loại trừ. Tục ma lai, mẹ chết chôn con theo, cúng trừ tà ma, chữa bệnh hầu như đã được bãi bỏ. Trai làng không hút thuốc, đánh vợ, lấy vợ lẽ, phạt vạ, chết không còn chôn chung, lễ nạp không tổ chức ăn uống linh đình gây lãng phí.

Người Ba na theo đạo cũng cởi mở, linh hoạt và bình đẳng hơn trong quan hệ xã hội, giao tiếp, ứng xử, nhất là đối với phụ nữ. Họ tiếp thu và ứng dụng nhanh hơn từ những người anh em (người Kinh theo cách nói của họ), cung cách tổ chức đời sống buôn làng, gia đình, phương thức tổ chức sản xuất hiện đại (trồng lúa nước, các loại cây công nghiệp, chăn nuôi) với kỹ thuật và hiệu quả kinh tế cao hơn ở các khu vực khác.

Trong tổ chức đời sống, tôn giáo mới khuyến khích đồng bào tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, lấy đó làm điều kiện, phương tiện để truyền đạo, mở rộng tầm ảnh hưởng nên có sức hấp dẫn đáng kể. Hệ quả là đời sống của những người dân theo đạo thường ổn định hơn, tỷ lệ trẻ nhỏ trong độ tuổi đến trường lớp cũng cao hơn các khu vực khác. Việc huy động người dân tham gia vào công việc chung của cộng đồng và xã hội (hiến đất mở đường, tôn tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường, tham gia các hoạt động từ thiện...), cũng thuận lợi và có hiệu quả hơn. Chính vì vậy, tôn giáo cũng là một trong những tác nhân thúc đẩy đồng bào cởi bỏ những những hủ tục lạc hậu, tập quán, thành kiến nặng nề, hình thành cung cách làm ăn mới...

Những tác động tiêu cực

Một số hệ phái Tin lành hoạt động bất hợp pháp trên địa bàn đã dùng nhiều thủ đoạn để kích động, xúi giục đồng bào đòi ly khai tự trị; lôi kéo, mua chuộc, dụ dỗ đồng bào theo đạo để thực hiện các mưu đồ chính trị, gây ra không ít hậu quả tiêu cực. Do vậy, một bộ phận người Ba na theo đạo không phải xuất phát từ nhu cầu tâm linh mà chủ yếu là do ngộ nhận, bị lôi kéo hoặc bị mê hoặc vì những lợi ích vật chất nhất thời. Số liệu điều tra đã cho những chỉ báo: 42,58% trong số 155 cán bộ được hỏi cho rằng lý do theo đạo là do kinh tế quá khó khăn và 61,07% ý kiến của 149 tín đồ trả lời theo đạo để có cuộc sống tốt đẹp hơn (2).

Đáng chú ý hơn là đạo Tin lành thâm nhập đến đâu thì những giá trị văn hóa cổ truyền quý giá của người Ba na triệt tiêu tới đó. Điều đó thật dễ hiểu, bởi các giá trị văn hóa cổ truyền tiêu biểu của người Ba na từ nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, cho đến luật tục, các loại hình nghệ thuật... đều là tấm gương phản chiếu của tín ngưỡng đa thần. Một khi tín ngưỡng đa thần bị triệt tiêu, được thay thế bằng tư tưởng độc thần tôn giáo thì mặc nhiên nó sẽ mất đi cơ sở tồn tại và chỗ dựa tâm linh vững chắc.

Con đường tối ưu để các thế lực truyền bá tư tưởng độc thần tôn giáo vào sâu trong đời sống tinh thần đồng bào là khiến họ từ bỏ các giá trị truyền thống, phai nhạt cội nguồn dân tộc, từng bước thiết lập và hình thành những phong tục, tập quán, lối sống mới theo quy tắc và chuẩn mực của tôn giáo. Để thực hiện điều đó, Công giáo, Tin lành đã chủ trương tạo ra sự liên kết giữa các tộc người bằng cách xóa bỏ tín ngưỡng, tập quán truyền thống của các tộc người nơi nó truyền vào là mục đích quan trọng. Các thế lực tôn giáo chủ trương giương cao ngọn cờ bài trừ mê tín dị đoan để đả phá, triệt tiêu các giá trị truyền thống, tạo nên những tổn thất lớn trong việc bảo tồn di sản, giữ gìn bản sắc văn hóa, làm suy giảm đáng kể sức đề kháng của văn hóa tộc người, mở đường cho đạo Tin lành phát triển.

Điều dễ nhận thấy ở các pơlei Ba na theo đạo (tập trung ở Đác Đoa, Mang Yang, Chư Păh...) các nghi lễ, nhạc cụ cổ truyền, các làn điệu dân ca, dân vũ không còn tồn tại, có chăng nó chỉ còn được lưu lại như những mảnh vỡ trong ký ức của các già làng, nghệ nhân dân gian. Tác động đó càng rõ rệt và triệt để hơn ở cộng đồng người Ba na theo đạo Tin lành. Sự mai một, thậm chí mất hẳn của các loại hình văn học dân gian, nghệ thuật điêu khắc, nghề thủ công truyền thống ở các pơlei Ba na theo đạo là điều đáng suy ngẫm.

Kết quả khảo sát thực địa tại một số xã thuộc huyện Đác Đoa cho thấy, mọi sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của đồng bào không còn tái hiện. Các nhạc cụ truyền thống cồng chiêng, trống... không còn được sử dụng, luật tục không còn được duy trì trong đời sống cộng đồng. Vai trò già làng trong việc hòa giải, phân xử các mâu thuẫn, xung đột, duy trì phong tục của làng cũng đã mờ nhạt dần. Các nghi lễ truyền thống đã hoàn toàn vắng bóng, thay vào đó là nghi lễ tôn giáo: lễ phục sinh, lễ giáng sinh, lễ dâng trẻ, lễ bồi đinh. Nghi lễ vòng đời người được thực hiện như người Kinh: sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng. Tang ma truyền thống bị bãi bỏ, thay vào đó là lối hành xử theo kiểu hiện đại, chết chôn nghĩa địa, không còn lễ bỏ mả. Cả xã Glar có 12 làng chỉ còn 2 làng có nhà rông, nhưng nó không còn mang chức năng của một thiết chế văn hóa truyền thống.

Người Công giáo và Tin lành Ba na đến nay gần như đã thoát ra khỏi những tập tục, tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống của họ. Nếu còn thì nghi thức đó cũng đã được giản đơn đến mức tối thiểu, thậm chí giải cấu trúc và công năng. Những người truyền giáo đã khôn khéo tổ chức nhiều nghi lễ tôn giáo gần với nghi lễ địa phương, riêng lời cầu khấn gốc thì bỏ đi. Dần dần, họ đã tách con chiên ra khỏi các vị thần bản địa và gắn chặt với đức Chúa trời. Khi trong làng còn ít tín đồ, họ luôn khéo léo để con chiên hoàn thành chức trách với cộng đồng, vẫn tuân thủ những tập tục, nghi lễ truyền thống. Khi số lượng tín đồ đã chiếm một tỷ lệ đáng kể trong cộng đồng, họ dần đưa các con chiên vào nề nếp sinh hoạt của tôn giáo. 

Điều dễ nhận thấy ở người Ba na là một khi đã theo đạo, họ đều chịu khuôn mình vào các hình thức tổ chức, quy tắc quản lý của tôn giáo đó. Niềm tin tuyệt đối vào đức Chúa trời đã giải thiêng gần như toàn bộ đức tin truyền thống. Không gian văn hóa truyền thống không chỉ bị thu hẹp ngay trong cộng đồng mà còn bị biến đổi mục đích, công năng. Âm thanh cồng chiêng trong cộng đồng Tin lành, Công giáo không còn tính thiêng, huyền ảo, sự gắn bó máu thịt với cộng đồng xứ sở. Thay vào đó là lời nguyện cầu, chứa đựng ý nghĩa tương giao của họ với đức Chúa trời. Tập quán và lối sống tiếp thu từ tôn giáo hoàn toàn xa lạ với truyền thống và bản sắc văn hóa tộc người.

Trong khi đó, đời sống tinh thần của đại bộ phận người Ba na ở Gia Lai vẫn bảo lưu tín ngưỡng đa thần, được tái hiện qua các nghi lễ nông nghiệp, nghi lễ chu kỳ vòng đời, nghi lễ cộng đồng, các tục kiêng kỵ... Nhiều lễ hội cộng đồng kèm theo lễ đâm trâu, cồng chiêng, múa hát, uống rượu cần và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian vẫn còn được tổ chức. Đáng kể nhất là ý thức bảo vệ văn hóa tộc người và sự đề kháng trước các tôn giáo ngoại lai còn khá mạnh mẽ. Do đó trong công tác dân tộc và tôn giáo, chúng ta phải biết khơi dậy và phát huy vốn quý này trong đời sống cộng đồng và xem đó là một nhân tố hết sức quan trọng để bảo tồn và phát huy tiềm năng văn hóa tộc người.

Sự chi phối của hệ tư tưởng tôn giáo thể hiện đậm nét ở hai xu hướng vận động và biến đổi trong đời sống văn hóa tinh thần của hai bộ phận người Ba na.

Trong khi một bộ phận theo đạo Thiên chúa và Tin lành ở phía tây, lễ hội, dân ca, dân nhạc đang ngày một mất đi thì bộ phận theo tín ngưỡng truyền thống phía đông, các sinh hoạt dân ca, dân nhạc, dân vũ cổ truyền vẫn được duy trì và trân trọng.

Tuy nhiên, trong đời sống tín ngưỡng của người Ba na, bên cạnh những giá trị tích cực, tiêu biểu, ở một số khu vực vẫn tồn tại các hoạt động ma thuật, bùa chú, pháp thuật có tính mê tín, dị đoan. Đặc biệt đáng chú ý là hiện tượng ma lai dẫn tới các hành động giết người, trả thù man rợ, mẹ chết chôn con theo, tự tử... sau một thời gian dài vắng bóng thì mấy năm gần đây lại có dấu hiệu phục hồi. Điều đó cho thấy vẫn còn sự tồn tại đan xen giữa các hủ tục lỗi thời với các thuần phong mỹ tục mang bản sắc dân tộc. Do không phân định được rõ ràng đâu là những giá trị tinh hoa và đâu là những phản giá trị còn ẩn chứa trong di sản, nên ở nhiều nơi đồng bào đã từ bỏ các loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Trong khi thâm nhập vào đời sống tinh thần của người Ba na để thay thế tín ngưỡng cổ truyền, một số hệ phái tôn giáo hoạt động bất hợp pháp không những không cởi bỏ cho đồng bào những thành kiến lạc hậu, lỗi thời mà ngược lại còn lợi dụng nó để củng cố cho niềm tin tôn giáo mới bằng những thủ đoạn, mưu đồ khác. Trước hết nó triệt tiêu động lực, ý chí vượt lên trong cuộc sống của đồng bào. Niềm tin tôn giáo đã khiến đồng bào chối bỏ cuộc sống hiện tại, nhẫn nhục chịu đựng, chấp nhận đói nghèo, hướng tới sự đền bù hư ảo ở thế giới bên kia. Trước đây người Ba na tin rằng mọi của cải, thành bại, sướng khổ, dữ lành đều do các thần linh chi phối chứ không phụ thuộc vào ý chí và hành động của họ. Nay họ lại tin vào đức Chúa trời, vào cuộc tốt đẹp ở thế giới bên kia, nên hết sức bàng quan, ỷ lại trong cuộc sống. Sự lệch lạc trong nhận thức khiến đồng bào tin rằng mọi chuyện đều do Chúa định đoạt chứ không phải do Nhà nước nên họ ít tham gia công việc của chính quyền địa phương. Từ đó nhiều tín đồ đã phủ nhận luôn những cái có thực, những chính sách ưu việt và nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Như vậy, sự thâm nhập và lan rộng của tôn giáo trong vùng đồng bào các tộc người thiểu số đang là một trong những tác nhân cơ bản làm suy giảm, biến dạng diện mạo văn hóa tộc người. Do đó, để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói chung, tộc người Ba na nói riêng, không thể không nhận diện các tác nhân đang chi phối sự vận động và biến đổi trong đời sống tín ngưỡng của họ, để từ đó hoạch định được những chủ trương và giải pháp phù hợp.

_______________

1. Số liệu do Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cung cấp năm 2010.

2. Kết quả xử lý phiếu điều tra tình hình tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ năm 2004 của Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 331, tháng 1-2012

Tác giả : Đoàn Anh Tuấn

;