Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và quản lý Quỹ BHXH theo quy định của pháp luật.
Chế độ BHXH, BHYT là tổng hợp những quy định của pháp luật, do Nhà nước ban hành, quy định về các hình thức đảm bảo về vật chất và tinh thần cho người lao động (NLĐ) hoặc người thân trong gia đình NLĐ khi họ bị mất hoặc giảm một phần khả năng lao động.
Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của NLĐ. Các chính sách BHXH đã chi trả rất nhanh chóng, từ kết dư Quỹ BHTN hỗ trợ kịp thời NLĐ bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chế độ BHXH đã được hình thành khá lâu trước khi xuất hiện thuật ngữ an sinh xã hội và BHXH được xem như một trụ cột chính của an sinh xã hội, là quỹ tiền bảo hộ cho cuộc sống của NLĐ. Tuy nhiên, nhiều NLĐ còn chưa nắm rõ hết các chế độ bảo hiểm hiện có. Vậy BHXH là gì? Lợi ích của BHXH là gì? Bài viết dưới đây giúp mọi người có cái nhìn tổng quan, khái quát nhất về BHXH. Đặc biệt về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH. Các chế độ về BHXH được Nhà nước tổ chức và đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định của hệ thống pháp luật về BHXH nhằm đảm bảo đời sống cho người tham gia. Căn cứ vào Điều 3 Luật BHXH năm 2014, BHXH gồm 2 loại đó là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
BHXH bắt buộc
BHXH bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà NLĐ và người sử dụng lao động phải tham gia. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đó là: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; Cán bộ, công chức, viên chức; Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
BHXH tự nguyện
BHXH tự nguyện là chế độ bảo hiểm của Đảng và Nhà nước, vì quyền lợi của NLĐ và Nhân dân, được Nhà nước bảo hộ, do cơ quan BHXH thực hiện, là chế độ bảo hiểm loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện căn cứ khoản 1 Điều 8 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định những người sau đây sẽ được tham gia BHXH tự nguyện: Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện, cụ thể: NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1-1-2018 và NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 1 tháng kể từ ngày 1-1-2018 trở đi; Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, xã, làng, tổ dân phố, khu, khu phố; NLĐ giúp việc gia đình; Người tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương; Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Người nông dân, NLĐ tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình; NLĐ đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH và người tham gia khác.
Các chế độ được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện đó là: chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.
Chế độ hưu trí được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện hưởng đó là đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Mức hưởng lương hưu = Tỷ lệ hưởng x bình quân thu nhập tháng đóng BHXH; trợ cấp một lần, mỗi năm đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 0,5% tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH; được cấp thẻ BHYT khi đến nhận lương hưu, được thanh toán số tiền đã đóng nếu không tiếp tục tham gia.
Chế độ tử tuất người tham gia hưởng mai táng phí và tuất 1 lần nếu không may qua đời. Áp dụng với trường hợp NLĐ có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên hoặc người đang hưởng lương hưu chết hoặc bị tuyên bố đã chết. Mức trợ cấp mai táng = 10 x mức lương cơ sở. Trợ cấp tuất được giải quyết tuất một lần.
Mức đóng và phương thức đóng của BHXH tự nguyện Căn cứ Điều 87 của Luật BHXH Việt Nam 2014 quy định chi tiết mức đóng BHXH tự nguyện cho NLĐ như sau: NLĐ quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Trong đó mức thu nhập thấp nhất = Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn = 700.000 đồng/tháng và mức cao nhất = 20 x mức lương cơ sở = 29.800.000 đồng. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đó là: đóng hằng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức trên cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Hiện tại Nhà nước có chương trình hỗ trợ tiền đóng cho các hộ nghèo, cụ thể từ ngày 1-1-2018, chính sách hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn với ba mức hỗ trợ: 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng còn lại.
NLĐ có thể đến địa điểm sau để mua BHXH tự nguyện: Cơ quan BHXH cấp huyện nơi mình cư trú (tạm trú và thường trú); điểm thu, đại lý thu BHXH trên địa bàn mình ở. Đồng thời người tham gia BHXH tự nguyện có thể mở tài khoản cá nhân để giao dịch điện tử. Người tham gia BHXH tự nguyện lần đầu có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện trực tuyến trên trang Web của BHXH. Ngay sau khi đăng ký, cơ quan BHXH sẽ liên hệ để hướng dẫn cụ thể cho người tham gia và khi tiếp tục tham gia (đáo hạn) có thể chuyển tiền cho cơ quan BHXH theo hình thức chuyển khoản, Internet Banking hoặc MobileBanking. Dưới đây là hình ảnh minh họa tóm tắt dễ hiểu nhất về việc tham gia BHXH tự nguyện.
BHYT hộ gia đình
BHYT là chính sách đảm bảo an sinh xã hội mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc của Đảng và nhà nước ta, với việc hình thành quỹ BHYT độc lập với ngân sách nhà nước do người tham gia BHYT, người sử dụng lao động, quỹ BHXH và ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng, đồng thời từ các nguồn hỗ trợ khác đã tạo ra nguồn tài chính quan trọng, ổn định để đảm bảo công tác khám chữa bệnh y tế, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế. Nếu không có thẻ BHYT thì mọi chi phí khám chữa bệnh người bệnh hoặc người nhà của người bệnh phải tự trả. Quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc đối với mọi người không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
BHYT hộ gia đình là một hình thức của BHYT, qua đó các chủ thể theo sổ tạm trú hoặc sổ hộ khẩu thường trú đều phải tham gia, trừ trường hợp một số thành viên đã được cấp thẻ BHYT. Đối tượng đóng BHYT hộ gia đình là toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu (trừ đối tượng quy định theo Luật Bảo hiểm Y tế thuộc đối tượng đã tham gia BHYT theo các nhóm khác và người đã khai báo tạm vắng); những người có tên trong sổ tạm trú (trừ đối tượng quy định theo Luật Bảo hiểm Y tế thuộc đối tượng đã tham gia BHYT theo các nhóm khác).
Nguyên tắc và mức đóng BHYT hộ gia đình là khi tham gia, bắt buộc tất cả thành viên hộ gia đình tham gia 100% với mức đóng là 4,5% mức lương cơ sở/tháng. Giảm trừ mức đóng của các thành viên trong cùng hộ như sau: người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất; người thứ 3 đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất; người thứ 4 đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất; người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Khi tham gia BHYT, hộ gia đình sẽ được quỹ BHYT chi trả các chi phí như: khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế trong danh mục của Bộ Y tế. Nếu khám chữa bệnh đúng tuyến thì được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh ở tuyến xã, chi phí khám chữa bệnh trong trường hợp chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (thấp hơn 223.500 đ/lần), nếu người tham gia có thời gian tham gia đóng BHYT 5 liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tức là lớn hơn 8.940.000đ) và 80% chi phí khám, chữa bệnh cho các trường hợp còn lại. Nếu khám chữa bệnh trái tuyến thì chi phí khám được hưởng 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương, 100% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, 100% chi phí khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện. Người tham gia BHYT có thể đăng ký mua BHYT tại bộ phận hỗ trợ đăng ký bán BHYT tại UBND xã, phường, đăng ký trực tiếp tại cơ quan BHXH cấp huyện.
Với những chính sách đảm an sinh xã hội của việc mua BHYT chúng ta tránh được những rủi ro không phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh khi ốm đau, không luôn lo lắng vì giá dịch vụ y tế ngày càng tăng cao, được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền. Kinh tế gia đình ổn định khi không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Hiện nay việc tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình đã được số hóa bằng ứng dụng dịch vụ thông tin trên nền tảng thiết bị số. Ứng dụng này được thiết lập bởi Cơ quan BHXH Việt Nam nhằm phục vụ mục đích thiết lập kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin và thực hiện dịch vụ công cho các cá nhân một cách tiện lợi, dễ dàng và nhanh chóng. Ứng dụng VssID được sử dụng để thay thế cho sổ BHXH và thẻ BHYT giấy hiện tại. Với ứng dụng này người tham gia BHXH và BHYT có thể dễ dàng tra cứu thông tin về BHXH, BHYT: theo dõi quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN và thẻ BHYT, các chế độ chính sách BHXH, tra cứu mã số, cơ sở khám chữa bệnh...
Như vậy, với tính ưu việt, linh hoạt trong chính sách chế độ BHXH, BHTN, BHYT của Đảng và nhà nước ta, cùng với việc tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình tạo ra giá trị nhân văn, giá trị thiết thực, lợi ích vượt trội tránh được các rủi ro trong cuộc sống. Chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thực sự là chính sách an sinh xã hội, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với người dân, giúp người tham gia được hưởng lương hưu nhằm giảm bớt khó khăn, rủi ro, nhất là khi về già, giảm bớt gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh khi ốm đau tai nạn, duy trì cuộc sống ổn định và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động, bảo đảm cuộc sống tốt đẹp cho người dân , góp phần chia sẻ rủi ro, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” giữa những người tham gia.
LÊ THANH HUYỀN