Tối 19-5, tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, thành phố Đà Nẵng, đã diễn ra chương trình Bế mạc “Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024”. Lớp tập huấn được diễn ra trong 10 ngày, với 44 học viên là diễn viên, nhạc công của các đơn vị nghệ thuật Tuồng công lập trên toàn quốc.
Lớp tập huấn do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì phối hợp với Sở VHTT thành phố Đà Nẵng, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và các đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Các thầy, cô giáo cùng các học viên chụp ảnh lưu niệm tại chương trình Bế mạc Lớp tập huấn
Chương trình tập huấn đã chọn 5 trích đoạn mẫu mực để giảng dạy, mỗi trích đoạn có từ 5 đến 7 học viên được truyền dạy. Phần nhạc cụ Trống, Kèn Sona, đàn Nhị là những nhạc cụ không thể thiếu trong dàn nhạc Tuồng, các nhạc cụ màu như đàn Bầu, đàn Nguyệt cũng có nhiều nhạc công đăng ký tập huấn.
Phát biểu tổng kết tại chương trình, NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh: Thông qua chương trình tập huấn để bồi dưỡng chuyên sâu kỹ thuật diễn xuất, hát, múa phối hợp với dàn nhạc truyền thống. Để thể hiện được những hình tượng nhân vật trong nghệ thuật Tuồng truyền thống đòi hỏi phải có thời gian, phải được đào tạo cơ bản. Nhưng với chương trình lớp đề ra, dẫu ít ngày, các học viên có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm những kiến thức chuyên sâu về phong cách biểu diễn của các vùng miền để làm giàu phông văn hóa trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.
Qua lớp tập huấn cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghệ thuật rà lại những chế độ, chính sách còn bất cập đối với văn nghệ sĩ; kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt đội ngũ nghệ sĩ trẻ; góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 .
Nghệ thuật Tuồng truyền thống được đánh giá lại loại hình nghệ thuật sân khấu bác học, ra đời cách đây gần 1 nghìn năm. Trong suốt thời kỳ hình thành và phát triển, sân khấu Tuồng đã để lại hàng trăm pho Tuồng có giá trị. Nhưng trong lớp học này các thầy chỉ chọn 5 trích đoạn Tuồng truyền thống, mẫu mực rút ra từ: Sơn Hậu có “Kim Lân quan đèo”; Võ Tam Tư trảm cáo có trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”; Đào Tam Xuân có lớp “Nữ tướng đề cờ”; Tiết cương chống búa có lớp “Lan Anh lạc đẻ”; Chiêu quân cống Hồ có lớp “Tô Vũ chăn dê” và trong Trụ vương Đắc Kỷ có lớp “Dạy đàn”. Đây là những trích đoạn truyền thống mẫu mực đã được các thế hệ thầy bà nổi tiếng dạy trong các lớp tập huấn từ 2006-2012, có nhiều nghệ sĩ tham gia tập huấn từ năm 2006 đã trở thành NSƯT, NSND.
Về đội ngũ các thầy cô giảng dạy lần này, Ban Tổ chức đã lựa chọn và mời 8 nghệ sĩ (5 biểu diễn và 3 nhạc công) trong đó có 6 NSND, 2 NSƯT. Với bề dày kinh nghiệm trong nghề, các thầy có người tuổi đã cao, nhưng không quản ngại nắng nóng, ngày 2 buổi cùng các học trò của mình đánh vật với từng điệu múa, lời ca, tiếng trống, điệu kèn, tiếng nhị... để đưa các em từng bước đến với nhân vật, mặc dù còn nhiều khó khăn để đạt đến “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” trong hình tượng nhân vật.
Về học viên trong lớp tập huấn, NSND Lê Tiến Thọ cho biết, có 44 học viên từ 6 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp với (31 diễn viên và 13 nhạc công). Có nhiều học viên đã được các đơn vị gửi đi đào tạo trong trường nghệ thuật, nhưng cũng có những học viên “chân ướt chân ráo” mới bước vào nghề. Trong khi đó, nghệ thuật Tuồng phải học hát, múa cơ bản mới bắt được cái thần “bản sắc của Tuồng”, mới có thể ra vai.
Trích đoạn Tuồng được biểu diễn tại chương trình Bế mạc Lớp tập huấn
Theo NSND Lê Tiến Thọ, "điều đáng mừng ở lớp tập huấn này, các học viên trong lớp học rất tích cực. Dù thời gian ngắn, chưa được học cơ bản, lần đầu mới được xỏ đôi hia bước trên sân khấu. Nhưng các học viên không ngại khó, ngại khổ. Không chỉ học ở lớp, mà khi đêm về, các học viên còn luyện tập qua băng hình, để trả bài cho thầy vào sáng hôm sau".
“Với trách nhiệm giữ gìn phát huy giá trị văn hóa truyền trống, hơn lúc nào hết trong cơ chế thị trường, trong sự bùng nổ thông tin, trong sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình nghệ thuật hiện nay, Nghệ thuật Tuồng phải có nhiều giải pháp để giữ gìn và phát huy, biết gạn đục khơi trong, biết “Học cho chết để dùng cho sống”. Biết cải tiến nhưng chớ để “Vừng ra Ngô” như lời Bác Hồ dạy. Muốn vậy đội ngũ nghệ sĩ Tuồng (đặc biệt là lớp nghệ sĩ trẻ) không ngừng học tập để nâng cao hiểu biết; nâng cao các phông văn hóa của mỗi cá nhân. Nghệ sĩ nào có các phông văn hóa càng sâu, càng dày thì mới có thể sáng tạo được. Và càng học càng thấy xã hội rộng lớn. Càng thấy kiến thức bao la mà mình chưa học chưa biết. Để tránh tình trạng “Ếch ngồi đáy giếng”, chúng ta cần phải học nhiều để đưa nghệ thuật Tuồng ngày càng phát triển” – NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.
Tại Lễ bế mạc Lớp tập huấn, NSND Lê Tiến Thọ đã đề xuất với Cục NTBD, Bộ VHTTDL và các cơ quan chức năng: Dựa vào Đề án chiến lược phát triển văn hóa đã được phê duyệt, Cục NTBD và Bộ VHTTDL cần xây dựng những đề án phát triển nghệ thuật truyền thống, trong đó có đào tạo nghệ sĩ trẻ, có hình thức tổ chức nhiều lớp tập huấn nghệ thuật truyền thống, phục hồi ghi hình lại các vở Tuồng truyền thống tiêu biểu. Văn nghệ sĩ trên lĩnh vực sân khấu truyền thống không thể sống được bằng nghề, vì vậy cần xây dựng chính sách đặc thù, nghệ sĩ biểu diễn cần có chế độ thanh sắc để hỗ trợ lao động nghệ thuật . Xây dựng đề án quảng bá giá trị nghệ thuật truyền thống trên các phương tiện truyền thông để nghệ thuật truyền thống không bị xã hội quên lãng trong sự bùng nổ thông tin. Đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng hồ sơ trình UNESCO xem xét ghi danh nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật Tuồng là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp.
Tại lễ bế mạc Lớp tập huấn, Ban tổ chức và các thầy cô thống nhất chọn 2 trích đoạn: “Đổng Kim Lân qua đèo”, “Đào Tam Xuân đề cờ” và chọn những diễn viên lần đầu được học vai hoặc đổi từ phong cách "Tuồng Nam" qua "Tuồng Bắc" và ngược lại biểu diễn tại chương trình.
AN NGỌC