Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đền và tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ

Ngày 12-9-2023, tại Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Hạ Hòa đã phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn “Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - Bảo tồn và phát huy giá trị”.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có: PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; GS, TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ; ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ; cùng đại diện Ban Tuyên giáo  tỉnh Phú Thọ, Thành ủy TP Việt Trì; Lãnh đạo Di tích lịch sử Đền Hùng; Sở Thông tin và Truyền thông; UBND huyện Hạ Hòa; các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý văn hóa tín ngưỡng, di sản; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, tỉnh Phú Thọ tham dự và đưa tin Hội thảo.

Hội thảo nhận được 19 bài tham luận và nhiều ý kiến chuyên sâu của các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, các chuyên gia, đại diện cộng đồng thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu… nhằm nhận diện giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, tín ngưỡng, tâm linh của Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đánh giá toàn diện, cụ thể thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng chủ trì hội thảo

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Hội thảo khoa học - thực tiễn “Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - Bảo tồn và phát huy giá trị” là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tích cực góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa tỉnh Phú Thọ. Kết quả của Hội thảo là cơ sở khoa học góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị hồ sơ trình các cấp vinh danh Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ trở thành một Di tích quốc gia đặc biệt và xem đó là tài sản quý giá đối với cộng đồng di sản và chính quyền địa phương tỉnh nhà.

Đại diện cho nhân dân huyện Hạ Hòa, ông Lưu Quang Huy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện đã khẳng định những giá trị to lớn của Đền Mẫu Âu Cơ và tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ: đó là một công trình lịch sử Văn hóa lâu đời, gắn với truyền thuyết Mẹ Âu Cơ, người Mẹ huyền thoại của Việt Nam - Tổ Mẫu Âu Cơ cùng Đức Tổ Lạc Long Quân là một biểu tượng được ghi vào lịch sử Văn hóa dân tộc Việt Nam. Đền thờ Tổ Mẫu gắn với Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ đã từ lâu đi vào tâm thức của mỗi người con đất Việt và trở thành một nét đẹp trong tinh hoa Văn hóa của người Việt, là biểu tượng thiêng liêng con Lạc cháu Hồng. Đến nay, Di tích Văn hóa quốc gia Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ đã trải qua 5 thế kỷ với nhiều lần trùng tu nâng cấp, cộng nhận và tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, cùng sự phát triển của xã hội, trong thời kỳ hội nhập phát triển văn hóa di sản, du lịch tâm linh về cội nguồn dân tộc…

Ông Huy cũng mong muốn: kết quả Hội thảo sẽ là cơ sở khoa học quan trọng, thiết thực, khách quan, bổ sung cho các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đặc biệt, có cơ sở khoa học trong việc nâng cấp Di tích quốc gia đặc biệt cho Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ. Đồng thời, tỉnh Phú Thọ, huyện Hạ Hòa cùng xã Đông Dương có một hướng đi đúng đắn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Tổ Mẫu Âu Cơ tốt hơn, phù hợp với bản sắc văn hóa tốt đẹp của tỉnh Phú Thọ và đất nước nói chung.

GS, TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia phát biểu

Giáo sư Nguyễn Văn Kim đã đưa ra 8 luận điểm với nội dung tư duy mang tính căn cốt về các giá trị di sản văn hóa cội nguồn, ở đó có huyền thoại, truyền thuyết là bộ phận hợp thành của truyền thống văn hóa, gắn với niềm tin, tâm thức dân tộc. Huyền thoại về Lạc Long Quân - Âu Cơ, về các nhà nước Văn Lang - Âu Lạc của Vua Hùng là một không gian xã hội huyền nhiệm, nhưng cũng luôn chứa đựng trong đó những giá trị hiện thực, cốt lõi lịch sử, trên cơ sở khảo cứu một số huyền thoại lịch sử, kết hợp và đối sánh với cứ liệu khảo cổ học, di tích lịch sử - văn hóa và các nguồn sử liệu. Khẳng định những giá trị bản sắc của cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng để tạo nên sức mạnh của một nền văn hóa đặc trưng. Điều đó đã lý giải vì sao dân tộc ta có thể đứng vững qua thời gian dài mấy nghìn năm lịch sử, chống lại được những áp chế của các đế chế phương Bắc dựa trên nền tảng triết lý căn bản của những giá trị mang tính bản lĩnh, không những phục hưng được nền dân tộc mà còn mang những giá trị cội nguồn, những giá trị thiêng liêng được tạo dựng từ thời khởi quốc tạo nên những giá trị mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của chúng ta ngày nay.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam phát biểu

Để đạt được những mong muốn, nguyện vọng về việc ghi danh nhằm tôn vinh những giá trị di sản của dân tộc, Hội thảo đã được rất nhiều học giả đánh giá và chia sẻ với nhiều khía cạnh khác nhau. TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã đánh giá cao các bản tham luận và những ý kiến sâu sắc của các đại biểu, đồng thời khẳng định những giá trị khác biệt của Đền Mẫu Âu Cơ, đó là một di sản có nhiều giá tri: ở đây có hai điểm khác với các ngôi đền khác: Thứ nhất, nói đến di sản là nói đến giá trị vật thể và phi vật thể. Vật thể là một di sản đã được thể chế hóa, nhà nước hóa, trở thành trung tâm kết nối với các di tích khác để phát triển về mặt môi trường sinh thái, danh lam thắng cảnh và được xem như một điểm cội nguồn đi về, nơi đây như một điểm tựa, neo giữ…; Thứ hai, giá trị phi vật thể là tín ngưỡng dân gian, có từ thời những người có công với vùng đất này, sau đó trở thành mẫu thân, rồi từ mẫu thân đến mẫu quốc. Cộng đồng không chỉ gọi là mẫu quốc mà còn gọi là Tổ mẫu, đó chính là giá trị riêng biệt của Đền Tổ Mẫu Âu Cơ. Ít nhất là từ thế kỷ thứ XV tín ngưỡng này đã được nhà nước quan tâm chu cấp. Là một trong số rất ít các tập quán, nghi lễ, lễ hội được lịch sử hoá và nhà nước hoá bởi nhu cầu của cuộc sống, của cộng đồng, cho đến nay tập quán thờ Mẫu vẫn luôn là sự sáng tạo không ngừng nghỉ của cộng đồng. Cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thì việc thờ Tổ Mẫu Âu Cơ rất quan trọng đối với người dân đất Việt, vì vậy chúng ta phải làm thế nào để chứng minh, lan tỏa đến tất cả mọi người trên mọi miền Tổ quốc về những giá trị nguồn gốc lịch sử, giá trị văn hóa tâm linh, để mọi người biết đến và họ trở về đến Mẫu Âu Cơ không chỉ đơn thuần là một nơi di tích lịch sử để chiêm bái thắp hương hay dự lễ hội mà còn là nơi neo giữ tình cảm truyền thống đoàn kết, đồng bào của mỗi người và của mọi người.

TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phát biểu

TS Phạm Quốc Quân, đánh giá về những yếu tố giá trị phi vật thể quan trọng gắn liền với công trình kiến trúc Đền Mẫu Âu Cơ, với lịch sử 4 nghìn năm và cho đến nay, với sự nỗ lực của nhân dân huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã gây dựng khang trang, tạo nên một giá trị vô cùng quý giá. Ông cũng mong muốn và đề xuất rằng, cần có nhiều hơn nữa những bảo vật quốc gia gắn liền với công trình để sớm được trở thành Di tích đặc biệt của quốc gia. Đó chính là bức tượng Tổ Mẫu Âu Cơ, vừa là Mẫu, vừa là Thánh Mẫu. Đây là bức tượng quý đối với người dân nước Việt từ TK XIX, bởi vậy, chúng ta cần có một sự nỗ lực rất lớn để làm được điều đó. Ông nhấn mạnh: “Tượng Mẫu Âu Cơ là bảo vật quốc gia gắn liền với Tín ngưỡng thờ Mẫu và kiến trúc ngôi đền. Cả ba loại hình đó được xem là Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã tạo nên một thế vững chắc để phát triển. Hạ Hòa cần hướng phát triển du lịch tâm linh, sinh thái; đồng thời, thông qua việc khảo sát, chúng tôi đã nghĩ đến những hướng đi, hướng phát triển đi lên của tỉnh và của quốc gia. Hạ Hòa cần phải cố gắng để tôn tạo một môi trường văn hóa tâm linh tốt đẹp bằng nhiều hoạt động có ý nghĩa trong đời sống nhân dân địa phương và cả nước”.

Tham dự hội thảo, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tiến Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đạo Mẫu Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta là chủ thể của văn hóa tín ngưỡng tâm linh, chúng ta cần hiểu nhiều hơn những giá trị văn hóa tâm linh từ di sản. Trong đó, đền và tượng Tổ Mẫu là hai vật thể quý giá gắn liền với nét văn hóa tâm linh và mỗi năm chúng ta có 2 ngày Đại lễ là ngày 10-3 âm lịch (quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương) và ngày 7 tháng giêng là ngày Giỗ Quốc Tổ Mẫu, vậy thì tại sao chúng ta chỉ quan tâm đến một ngày?… Về thực hành nghi thức thờ Tổ Mẫu tại Đền, tôi mong muốn được Đảng, Chính phủ, Bộ, ngành quan tâm mở rộng không gian văn hóa tâm linh truyền thống tốt đẹp nhớ về cội nguồn, để đón khách thập phương được về hành lễ Thờ Mẫu của chúng ta”. Việc tôn vinh nâng cấp là Di tích đặc biệt quốc gia và mở rộng không gian này là một việc rất cần thiết, cũng là một hình thức quảng bá những giá trị phi vật thể, nét văn hóa Việt Nam đến với trường quốc tế và giáo dục truyền thống đạo hiếu con Lạc - cháu Hồng đối với thế hệ trẻ hôm nay.

Thực hành nghi lễ, văn thờ Mẫu Âu Cơ tại Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ

Hội thảo đã thu hút được nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sát, mang tính chuyên biệt về văn hóa cội nguồn và nêu rõ những giá trị cốt lõi nguyên căn của giá trị di sản dân tộc được thể hiện từ huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ. Kết quả hội thảo sẽ là cơ sở khoa học bổ sung, tư vấn và gợi ý các giải pháp quan trọng để huyện Hạ Hòa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị di tích; tăng cường huy động nguồn lực đầu tư, nghiên cứu, định hướng bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị Đền Mẫu Âu Cơ. Đồng thời, đẩy mạnh việc nâng tầm di tích trở thành di tích quốc gia đặc biệt, đáp ứng nguyện vọng, lòng mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hạ Hòa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tỉnh Phú Thọ và đất nước nói chung; mở rộng không gian chiêm bái, tạo điều kiện cho nhân dân, du khách thập phương đến bày tỏ lòng thành kính và tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ.

Bài, ảnh: MAI HƯƠNG

;