Làng quê Kinh Bắc xưa, Bắc Giang nay là vùng đất tụ cư của nhiều dân tộc cùng chung sống, một miền đất cổ có bề dày văn hiến, truyền thống lịch sử. Con người nơi đây đã tận dụng những ưu thế tự nhiên để cải tạo, xây dựng công trình phục vụ cuộc sống, cho đến nay, những địa điểm, công trình đó đã trở thành di sản vật chất vô giá, làm nên kho tàng di sản văn hóa Bắc Giang. Tuy nhiên, cùng với thời gian, do hoàn cảnh, hạn chế nhất định, những di sản văn hóa được các thế hệ cha ông để lại đang có nguy cơ mai một. Giá trị của di sản văn hóa nói chung, hệ thống di tích nói riêng vô cùng to lớn, song điều quan trọng là việc quản lý, bảo tồn, phát huy những giá trị đang là vấn đề cần được quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành, nhất là những người làm công tác quản lý văn hóa hiện nay.
Ngoài các di chỉ khảo cổ học nổi tiếng chứng minh cho sự có mặt của con người từ thời tiền sử, sơ sử như: các di tích văn hóa Sơn Vi phát hiện ở Bố Hạ (Yên Thế), Chũ (Lục Ngạn), An Châu, Khe Táu (Sơn Động) có niên đại cách ngày nay khoảng 20 nghìn năm, hệ thống di tích ở tỉnh Bắc Giang còn có không ít những di tích về các thời kỳ lịch sử nối tiếp, chứng minh cho quá trình xây dựng, bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Nơi đây vẫn còn lưu giữ các di tích về chiến thắng chống quân xâm lược nhà Tống dọc tuyến sông Cầu từ năm 1076, các di tích về kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông ở phòng tuyến Xa Lý - Biển Động - Nội Bàng, đền thờ tướng quân Thân Cảnh Phúc (Lục Ngạn), các di tích về chiến thắng Xương Giang năm 1427 (thành phố Bắc Giang), đặc biệt, những di tích về cuộc khởi nghĩa Yên Thế gắn liền với tên tuổi người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám trong gần 30 năm (1884 - 1913).
Tỉnh Bắc Giang cũng còn không ít những di tích lịch sử tiêu biểu về thời kỳ cách mạng, kháng chiến vẻ vang của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của các đồng chí cán bộ cách mạng như: Hoàng Quốc Việt (với việc ra đời chi bộ Phủ Lạng Thương trong các năm 1936 - 1939), đồng chí Trần Quốc Hoàn (với sự kiện thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang)… đặc biệt, khu di tích cách mạng ATKII Hiệp Hòa đã và đang được quy hoạch bảo tồn.
Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2016 của Ban Quản lý di tích Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.237 di tích các loại phân bố ở khắp các xã, huyện, thành phố trong toàn tỉnh, đậm đặc nhất là ở các huyện: Hiệp Hòa, Lạng Giang, Việt Yên và Yên Dũng… Trong đó, không thể không nhắc đến những di tích được khởi dựng trong khoảng thời gian từ TK X - XIX có tới hàng nghìn đơn vị di tích, chủ yếu là các công trình kiến trúc phục vụ sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cho nhân dân.
Thời Lý ở Bắc Giang đã có những ngôi chùa với quy mô kiến trúc lớn như: chùa Bạch Liên (Phượng Sơn - Lục Ngạn), chùa Cao (Khám Lạng - Lục Nam)… Thời Trần xuất hiện thêm chùa Am Vãi (Nam Dương - Lục Ngạn), chùa Quả (Việt Yên), chùa Hang Chàm (Yên Dũng)… Thời Lê trung hưng nhờ có sự bùng nổ của việc xây dựng chùa làng, miền hạ Bắc Giang thời kỳ này hầu như mỗi làng xã đều có chùa thờ Phật riêng, cá biệt có làng xây tới 2 ngôi chùa. Sau chùa là các ngôi đình làng. Đến thời Mạc, đình làng xuất hiện và phát triển mạnh vào nửa sau TK XVII. Mô hình kiến trúc tiền Thần - hậu Phật cũng khởi nguồn từ thời gian này. Đình ở Bắc Giang đa phần được xây dựng với quy mô lớn, chạm khắc cầu kỳ, có giá trị nghệ thuật cao. Những ngôi đình đồ sộ, chạm khắc lộng lẫy đến nay vẫn còn giữ được ở Bắc Giang có thể kể đến như: đình Vường, đình Nội (Tân Yên), đình Hà Mỹ, đình Sàn (Lục Nam), đình Mật Ninh, đình Phúc Long (Việt Yên)…
Nửa sau TK XVII do chế độ Lộc điền của nhà nước nên xuất hiện hàng loạt lăng đá của quan thái giám ở vùng đất Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên. Những di tích này tồn tại đến ngày nay phần vì chất liệu bền vững, phần vì chủ nhân của nó là người giàu có, sẵn lòng hảo tâm công đức giúp quê hương xây dựng các công trình phúc lợi. Họ đã trở thành những vị Thành hoàng hay hậu Thần, hậu Phật ở nơi thôn dã, nơi thờ cúng khi yên nghỉ của họ chính là công trình lưu niệm công đức nên được nhân dân trân trọng, bảo quản.
Hệ thống di tích tại Bắc Giang là những chứng tích vật chất xác thực, phản ánh sinh động lịch sử lâu đời, truyền thống văn hiến, cách mạng của nhân dân Bắc Giang. Nhiều di tích không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu mà còn trở thành biểu trưng văn hóa của làng xã Việt Nam như: đình Lỗ (1576); đình Thổ Hà (1686)... Không chỉ có đình mà nhiều ngôi chùa ở Bắc Giang cũng được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam như: chùa Đức La, chùa Bổ Đà, chùa Kem... Ngoài những ngôi đình, ngôi chùa đã được Nhà nước xếp hạng bảo vệ, hầu hết các làng ở Bắc Giang đều có các công trình văn hóa tín ngưỡng đình, đền, miếu… là nơi thờ cúng Thành Hoàng làng.
Di tích ở Bắc Giang nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, nghệ thuật… Tính tới tháng 12-2016, toàn tỉnh đã có 707 di tích được Nhà nước xếp hạng bảo vệ, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 102 di tích quốc gia, 578 di tích cấp tỉnh.
Trong những năm qua, đặc biệt, từ khi luật Di sản văn hóa được ban hành (2001), công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều chuyển biến tích cực. Nhằm làm tốt công tác quản lý di tích trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh có chỉ thị số 07/CT-CT, ngày 21-6-2001 về việc Tăng cường bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong Đề án xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thông tin tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006-2010 được UBND tỉnh phê duyệt cũng nêu rõ: “Lập quy hoạch quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích cách mạng, lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Thành lập Ban quản lý để quản lý các di tích ở địa phương…”.
Để tăng cường hiệu quả quản lý, UBND tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định số 43/QĐ-UBND, ngày 13-6-2005 về việc thành lập Ban Quản lý di tích tỉnh trực thuộc Sở VHTT Bắc Giang (nay là Sở VHTTDL). Trải qua hơn chục năm hoạt động, Ban Quản lý di tích luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, giới thiệu, bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ban Quản lý di tích tỉnh đã tiến hành nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh biên soạn, phổ biến các văn bản pháp quy về hướng dẫn bảo tồn, sử dụng, khai thác và phát huy giá trị di tích. Năm 2013, tiến hành biên soạn cuốn Cẩm nang quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh góp phần định hướng, hướng dẫn các ban, ngành, tổ chức, cá nhân nắm rõ được quyền hạn và trách nhiệm cụ thể trong quản lý và khai thác các giá trị của di tích.
Ban Quản lý di tích cũng đã tổ chức các lớp tuyên truyền văn bản luật, dưới luật về di sản văn hóa, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ các phòng văn hóa, ban văn hóa xã, thôn... Việc kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử lý đơn thư khiếu nại được thực hiện nghiêm túc. Việc khen thưởng, kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm về di tích được thực hiện triệt để, góp phần gìn giữ và phát huy tối đa giá trị của di tích.
Việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích bằng nguồn vốn của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, giữ nguyên kiến trúc gốc. Cùng với nguồn kinh phí của Nhà nước, công tác xã hội hóa trong bảo tồn, tôn tạo di tích được người dân tích cực hưởng ứng, tự nguyện đóng góp tiền của, công sức để bảo vệ di sản. Tính từ năm 2001 đến nay, kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hóa là hơn 40 tỷ đồng, chiếm gần 76% tổng số kinh phí đầu tư cho khoảng 200 công trình tu bổ di tích. Những địa phương làm tốt công tác này gồm có huyện Việt Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang, Yên Thế…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, xét từ tình hình thực tế và dưới góc độ khoa học quản lý cho thấy công tác quản lý di tích ở Bắc Giang hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:
Công tác quản lý nhà nước và quản lý nghiệp vụ trong lĩnh vực bảo tồn còn nhiều bất cập về cơ chế quản lý, phân cấp. Sự phối kết hợp thiếu đồng bộ, chặt chẽ giữa các ban ngành, các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương, cụ thể phòng Nghiệp vụ của Ban Quản lý di tích với Phòng Thanh tra và chính quyền huyện, Ban Quản lý di tích cơ sở chưa kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết những vi phạm đối với di tích. Trong công tác quản lý, chỉ đạo không kịp thời triển khai tôn tạo di tích, thủ tục cấp phép chậm chạp. Nhiều di tích bị xâm phạm đất đai, lấn chiếm xây dựng nhà ở, chiếm dụng đất di tích để sử dụng không đúng mục đích.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý di tích ở cấp tỉnh còn rất mỏng, chỉ có 8 cán bộ (tốt nghiệp đại học, trên đại học chuyên ngành bảo tồn, bảo tàng) phải đảm trách số lượng hơn 2.000 di tích trong toàn tỉnh. Như vậy, trung bình mỗi cán bộ phải phụ trách quản lý gần 300 di tích trên địa bàn từ 2 - 3 huyện, thành phố với hàng trăm xã. Việc thiếu cán bộ chuyên môn làm công tác tu bổ di tích là điều đáng quan tâm.
Ở cấp cơ sở, cán bộ quản lý di tích có trình độ thấp, chủ yếu đào tạo bậc trung cấp, qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, làm theo kinh nghiệm và thói quen nhiều hơn chuyên môn nghiệp vụ. Nhận thức và hiểu biết của một số cán bộ về luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp quy chưa đầy đủ dẫn đến việc trùng tu, tôn tạo di tích chưa thực hiện đúng nguyên tắc, có nơi còn xây dựng trái phép, không báo cáo. Do thiếu những am hiểu về tu bổ, tôn tạo di tích nên đối với các di tích được trùng tu bằng nguồn vốn xã hội hóa người dân và người trông coi di tích thường có tâm lý muốn tu sửa với quy mô hoành tráng, thay thế nhiều cấu kiện mới. Vì vậy, một số di tích đã không giữ được các yếu tố nguyên gốc.
Để công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích có hiệu quả, thời gian tới Bắc Giang cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Tăng cường sự quản lý, đầu tư của Nhà nước và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp quy của Nhà nước cần có sự đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất; tăng cường công tác kiểm kê, phân loại, giám định các di vật, cổ vật trong di tích nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người trông nom di tích, bảo quản cũng như phát huy giá trị của chúng trong đời sống nhân dân.
Xây dựng mô hình giáo dục truyền thống tại di tích, kết hợp với Sở GDĐT, các nhà trường trên địa bàn có di tích trong việc giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động tại di tích. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta có thể phối hợp trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị cũng như giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua hệ thống các di tích. Bên cạnh đó cũng cần ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi trường hợp hành nghề mê tín dị đoan, lấn chiếm di tích, đồng thời giải quyết dứt điểm những điểm nóng có liên quan, không để phát sinh những vụ việc mới.
Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giới thiệu về di tích. Cần có sự quảng bá, thu hút khách tham quan bằng nhiều phương thức khác nhau như: kết hợp với các công ty du lịch để xây dựng, hình thành các tour du lịch di sản văn hóa; giới thiệu về di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản sách, tờ rơi, đĩa VCD… Đặc biệt, chúng ta nên xây dựng một website riêng của Ban Quản lý di tích giới thiệu về bộ máy quản lý cũng như hệ thống di tích của tỉnh là điều rất cần thiết.
Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn. Tạo điều kiện để cán bộ văn hóa cơ sở tham gia các lớp tập huấn về bảo vệ, phát huy giá trị di tích do huyện, thành phố, Trung ương tổ chức. Coi trọng việc đào tạo nguồn lực cho hoạt động bảo tồn theo hướng chuyên sâu phù hợp với đặc thù của ngành; thường xuyên mở các lớp tập huấn về nội dung Luật Di sản văn hóa, Nghị định 70, 90, 92… mở rộng đối tượng được tham gia tập huấn kể cả quần chúng nhân dân, giúp cho các văn bản luật thực sự đi vào đời sống xã hội.
Có chính sách đãi ngộ đối với người trực tiếp trông coi tại di tích. Hàng năm nên dành một khoản kinh phí nhất định cho đối tượng trông coi, bảo vệ di tích, hoặc có chính sách khen thưởng một cách kịp thời để khích lệ, động viên các đối tượng này.
Việc quản lý nhằm giữ gìn những giá trị của di tích cho hôm nay và mai sau thể hiện sự biết ơn của chúng ta đối với các bậc tiền nhân. Điều đó cũng thể hiện lòng yêu nước của thế hệ hôm nay bằng ý thức giữ gìn, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, lấy đó làm cội nguồn để phát huy trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hy vọng với các giải pháp đã nêu, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới sẽ phát huy hơn nữa những thành tựu đã đạt được cũng như khắc phục được những tồn tại hiện nay.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 - 2018
Tác giả : NGÔ THỊ THU HƯỜNG