Di tích lịch sử cách mạng (DTLSCM) là một bộ phận cấu thành hệ thống các di sản văn hóa, nơi lưu dấu ấn những giá trị truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, đất nước, con người Việt Nam; thể hiện sinh động nhân cách, công lao to lớn của các nhà cách mạng yêu nước; góp phần tô điểm, làm sáng lên truyền thống yêu nước; nêu cao tinh thần yêu chuộng hòa bình, tự do của nhân dân Việt Nam. Ngày nay, việc bảo tồn, phát huy giá trị của các DTLSCM có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, dựng nước, giữ nước cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng của các DTLSCM trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Nghệ An là vùng đất địa linh nhân kiệt, từng là phên dậu, thành đồng của tổ quốc, giữ vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Ngoài di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng như dân ca ví giặm xứ Nghệ, các (DTLSCM) là niềm tự hào trong kho tàng di sản văn hóa phong phú mà cha ông để lại. Nghệ An là tỉnh có bề dày truyền thống cách mạng, quê hương của Xô viết Nghệ Tĩnh cũng như nhiều nhà chí sỹ yêu nước, là địa phương có nhiều di tích gắn với các sự kiện cách mạng của Đảng, dân tộc, gắn với vai trò của nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung. Sự vận động của lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ đã đem đến cho mảnh đất xứ Nghệ một hệ thống DTLSCM phong phú, đa dạng, có giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, lưu niệm, giáo dục truyền thống cách mạng.
Theo thống kê trên địa bàn tỉnh hiện có 1.395 di tích, trong đó cấp tỉnh quản lý 17; cấp huyện, thành phố, thị xã quản lý 239; cấp xã phường quản lý 1.139 di tích. Trong tổng số gần 1.400 di tích của tỉnh, có khoảng 500 di tích, điểm DTLSCM. Đến nay, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ban quản lý di tích và danh thắng Nghệ An đã lập hồ sơ khoa học 48 di tích, địa điểm di tích, đã được Bộ VHTTDL cấp bằng công nhận di tích cấp quốc gia.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An đã rất quan tâm, tạo điều kiện để bảo vệ, phát huy các DTLSCM. Hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích đã diễn ra nhiều nơi, bằng nhiều nguồn vốn, do nhiều lực lượng tiến hành. Phần lớn các DTLSCM đã được đầu tư chống xuống cấp, phục hồi, tôn tạo ở các mức độ, trình độ khác nhau. Các DTLSCM đã trở thành kỷ vật vô giá, niềm tự hào, nơi giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam về truyền thống cách mạng, về những con người, sự kiện cách mạng đã làm rạng danh quê hương, đất nước.
Nghệ An, địa bàn có số DTLSCM lớn trong cả nước, tiêu biểu nhất là khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật vô giá gắn liền với cuộc sống thời ấu thơ Hồ Chí Minh cùng gia đình. Tổng quan quần thể khu DTLSCM Kim Liên gồm: cụm di tích Hoàng Trù, nơi sinh của Hồ Chí Minh; Làng Sen, nơi Bác đã sống với gia đình từ năm 1901 - 1906; khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác; các di tích gắn với thời niên thiếu của Hồ Chí Minh, những kỷ niệm trong hai lần Bác về thăm quê (tháng 6 - 1957, tháng 12 - 1961). Qua nhiều lần tôn tạo, tu bổ khu di tích vẫn giữ được tính lịch sử, trở thành địa chỉ hấp dẫn đối với du khách trong, ngoài nước.
Khu di tích Ngã ba Bến Thủy, diễn ra cuộc chiến đấu ngày 1 - 5 - 1930, nằm dưới chân núi Dũng Quyết. Dưới sự lãnh đạo của xứ ủy Trung kỳ, tỉnh bộ lâm thời Vinh - Bến Thủy đã tiến hành phát động quần chúng đấu tranh. Rạng ngày 1 - 5, hơn 1.200 nông dân các làng Ân Hậu, Tân Hợp, Đức Hậu, Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng thượng... kéo về phía nhà máy Trường Thi. Thực dân Pháp cùng tay sai đã đàn áp dã man cuộc biểu tình làm 6 người chết, 18 người bị thương, bắt hơn 100 người về Sở Mật thám. Cuộc biểu tình này là điểm mốc quan trọng mở đầu cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Di tích Tràng Kè, xã Mỹ Thành, Yên Thành, là nơi bắn 72 chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cuối năm 1930, đầu năm 1931, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp đẫm máu. Bọn chúng sử dụng thung Cổ Hùng, một gò đất cao bên cạnh quốc lộ 7, làm nơi xử bắn 72 chiến sĩ cách mạng. Với ý nghĩa lịch sử cách mạng to lớn, Tràng Kè đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng quốc gia năm 1990. Đây không chỉ là nơi để người dân đến hương khói cho các chiến sĩ năm xưa mà còn là chứng tích lịch sử hào hùng, niềm tự hào của người dân Mỹ Thành, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay.
Di tích Truông Bồn, thuộc xã Mỹ Sơn, Đô Lương đã trở thành địa chỉ đỏ, mảnh đất thiêng liêng, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Tại Truông Bồn, đã xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt, góp phần làm nên huyền thoại nơi đây. Tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sỹ thanh niên xung phong thuộc đại đội 317 - N 65 - Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Năm 1996, Bộ trưởng Bộ VHTT quyết định công nhận Truông Bồn là di tích quốc gia. Vào ngày 19 - 4 - 2010, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định số 1591/QĐ.UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Truông Bồn.
Khu di tích nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu ở thôn Đông, xã Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành (Yên Thành). Những năm 1954 - 1955, gia đình Phan Đăng Lưu bị quy sai, ngôi nhà này bị tịch thu chia cho các hộ nông dân. Sau năm 1975, Đảng, Nhà nước ta đã chuộc lại ngôi nhà, chuộc lại khu vườn, từng bước trùng tu, phục chế lại ngôi nhà gần như nguyên trạng. Năm 1990, Bộ VHTT xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia cho nơi này. Đây là nơi gìn giữ những kỷ vật, kỷ niệm về Phan Đăng Lưu, người cộng sản lỗi lạc, người con ưu tú của quê hương Yên Thành. Ngôi nhà này trở thành kỷ vật vô giá, là niềm tự hào, nơi giáo dục truyền thống về một chiến sĩ cách mạng, nhân cách đã làm rạng danh quê hương.
Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở làng Đông, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. Lê Hồng Phong là người đã có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Năm 1938, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt, chịu mọi cực khổ của lao tù, anh dũng hy sinh vào năm 1942. Khu nhà lưu niệm ông có diện tích 2.600m2, được Bộ VHTT xếp hạng cấp quốc gia năm 1990, theo quyết định số 208 - VH/QĐ ngày 13 - 3 - 1990.
Gắn liền với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, còn có các di tích như: đình Võ Liệt ở xã Võ Liệt, Thanh Chương, là nơi chi bộ Đảng ra quyết định thành lập tổ chức Nông hội đỏ, đại diện quyền lợi của người lao động, công khai giải quyết mọi công việc như một chính quyền cách mạng; đình Lương Sơn ở Đô Lương ghi lại chứng tích 7 chiến sĩ cách mạng của làng Lương Sơn bị thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai giết hại vào tháng 4 - 1931; nhà thờ họ Phạm, nơi thờ Phạm Hồng Thái, cơ sở hoạt động của Đảng ở huyện Hưng Nguyên; nhà thờ họ Nguyễn Duy, trụ sở của tỉnh ủy Nghệ An năm 1930 - 1931 ở huyện Thanh Chương; nhà thờ họ Hoàng Trần, cơ sở các cấp bộ Đảng năm 1930 - 1931 ở huyện Đô Lương... Đây là nơi thu hút thế hệ trẻ muốn tìm hiểu về lịch sử cũng như phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu về truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân.
Một số biện pháp gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị DTLSCM trong công tác giáo dục thế hệ trẻ ở Nghệ An hiện nay
Để thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị các DTLSCM, phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ở tỉnh Nghệ An hiện nay, cần thực hiện tốt những biện pháp sau.
Một là tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của DTLSCM cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Gắn với những chiến công của các thế hệ đi trước, mỗi DTLSCM đều góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ nhận thức được một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. DTLSCM không chỉ giúp thế hệ trẻ ngày nay có nhận thức đúng đắn về lịch sử mà còn góp phần xây dựng, nuôi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp uống nước nhớ nguồn. Nhận thức đúng tầm quan trọng của DTLSCM, mỗi chúng ta đều hiểu, mang trong mình lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước, những người đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, hy sinh để giữ gìn độc lập của đất nước. Chính điều đó tạo nên tính chất bền vững trong giá trị của mỗi di tích, lan truyền rộng rãi cho nhiều thế hệ sau.
Hai là đưa các DTLSCM ở địa phương vào lồng ghép trong một số môn học, nhất là môn lịch sử. Thực hiện giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ thông qua các DTLSCM có nội dung gắn với môn học lịch sử trong sách giáo khoa của nhà trường phổ thông; đưa đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập tại di tích; tổ chức thi tìm hiểu lịch sử, kể chuyện, sân khấu hóa, hoạt cảnh tái hiện, vẽ tranh cổ động, tọa đàm, nói chuyện truyền thống, về nguồn, đi tìm địa chỉ đỏ, chăm sóc các DTLSCM... Trong những năm qua Sở Giáo dục đào tạo Nghệ An đã chỉ đạo cho các trường phổ thông đưa học sinh đến tham quan, học tập ngay tại các di tích. Chính việc giáo dục truyền thống thông qua các DTLSCM sẽ làm tăng thêm vốn hiểu biết của thế hệ trẻ về lịch sử cách mạng, văn hóa, xã hội, bồi đắp thêm lòng yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về truyền thống của quê hương.
Ba là tổ chức tốt các hoạt động văn hóa tại các DTLSCM như: tri ân, lễ kỷ niệm, dâng hương, dâng hoa, báo công… Các đoàn thể, tổ chức, nhà trường tại địa phương cần tổ chức cho các hội viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu, học tập, tưởng niệm, tổ chức sinh hoạt truyền thống về các sự kiện cách mạng đã diễn ra tại các di tích. Qua đó, làm cho các DTLSCM trở thành địa điểm thăm viếng, gặp gỡ, giao lưu; là trường học lớn để rèn luyện, giáo dục truyền thống cách mạng; góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức, lý tưởng, bản lĩnh chính trị cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng.
Bốn là tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung thông tin cho các hồ sơ về DTLSCM, sưu tầm các di vật, hiện vật có liên quan trực tiếp đến di tích để làm tăng thêm sự hấp dẫn đối với công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Đối với những di tích đã bị thay đổi hoàn toàn hay phế tích thì phải tiến hành tư liệu hóa dưới dạng ghi chép thành văn bản, ghi âm, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn các nhân chứng hoặc người quản lý trực tiếp… để hoàn thiện thông tin hồ sơ cho di tích.
Năm là nâng cao chất lượng công tác chuyên môn tại các DTLSCM, tạo sự hấp dẫn cho các di tích như: hoàn thiện việc đặt bia, biển chỉ dẫn, nghiên cứu và xây dựng một không gian, cảnh quan phù hợp, có tính khoa học, nghệ thuật để tăng giá trị của di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng khi đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu. Nội dung trưng bày của di tích cách mạng phải bảo đảm tính hấp dẫn đối với công chúng. Xây dựng nội dung trưng bày, thuyết minh sinh động để các DTLSCM có thể tái hiện được các sự kiện cách mạng, vai trò của các danh nhân cách mạng trong tiến trình lịch sử. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ khách tham quan của đội ngũ cán bộ quản lý di tích, nâng cao chất lượng công tác thuyết minh, hướng dẫn tại các di tích.
Bảo tồn, phát huy giá trị các DTLSCM trên địa bàn tỉnh Nghệ An có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Thực hiện tốt các biện pháp trên sẽ góp phần tích cực trong việc bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm, phát huy truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đó cũng là một trong những việc làm cụ thể góp phần đấu tranh chống lại các thế lực thù địch mưu toan xuyên tạc lịch sử, chống lại Đảng. Từ đó, xây dựng, vun đắp, bồi dưỡng tình cảm, niềm tin, lý tưởng sống, thôi thúc mỗi người có những hành động cách mạng cụ thể để góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 - 2017
Tác giả : HOÀNG VĂN VÂN