Mặc dù bản hội đạo Mẫu đã xuất hiện từ xa xưa, nhưng dường như chưa có nguồn tư liệu nào minh định rõ ràng khái niệm này, hay đưa ra cái nhìn tổng quan về các loại hình bản hội. Bài viết dựa trên những nguồn tư liệu thứ cấp, chú trọng các nguồn tư liệu điền dã có được từ việc thực hiện phương pháp quan sát tham dự, phỏng vấn sâu nhiều thành viên trong các bản hội đạo Mẫu ở một số địa bàn tại Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên… để minh định khái niệm và phân loại bản hội. Việc minh định khái niệm, phân loại bản hội đạo Mẫu có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu tín ngưỡng này từ góc nhìn cộng đồng người thực hành nghi lễ, bổ khuyết cho những khoảng trống về nghiên cứu đạo Mẫu vốn thường chỉ tập trung vào nghi lễ, lễ hội, giá trị…
1. Quan niệm về bản hội đạo Mẫu
Bản hội là một mạng lưới của những người lên đồng
Các nhà nghiên cứu đã đề cập đến bản hội trong những nghiên cứu rất sớm về tín ngưỡng tứ phủ bằng cụm từ mạng lưới các ông đồng bà đồng. M.Durand, học giả nghiên cứu về tín ngưỡng tứ phủ vào những năm 40 TK XX, đã nói về mạng lưới của “những ông đồng bà đồng Hà Nội đi lễ ở đền Kiếp Bạc và Hải Phòng" (1). G.Coulet cũng nêu vắn tắt về đi lễ và đi hầu ở các đền thờ chính của ông đồng, bà đồng để xả vận xui của một làng xã. Rất nhiều người lên đồng quan niệm bản hội là mạng lưới của họ. Tuy nhiên, có thực sự bản hội chỉ là mạng lưới của những người lên đồng không? Và những người không có căn đồng, không bao giờ hầu đồng có thể là thành viên của bản hội không?
Bản hội là một tập hợp những người do đồng thày đứng đầu, xung quanh có các đệ tử
Claire Chauvet khi viết về đi lễ xa trong tín ngưỡng tứ phủ của người Việt ở miền Bắc, mặc dù không trực tiếp sử dụng từ bản hội, nhưng những cụm từ mà tác giả nhắc tới như mạng lưới, nhóm người đã cho chúng ta mường tượng ban đầu về bản hội. “Những cuộc hành hương dựa vào sự tổ chức và các mạng lưới của một nhóm người thường là theo cùng một đền hay điện thờ tư gia, đôi khi là một chùa và của người đồng đền (phải là người lên đồng hoặc ít nhất là phải có căn đồng). Các mạng lưới tập hợp từ mười đến hơn một trăm con nhang đệ tử..." (2). Tác giả cũng không quên khẳng định đi lễ xa - đi đến những nơi mà các vị thần thánh đã đến lúc sinh thời và đã có chiến công là “hoạt động thuộc cuộc sống hàng ngày”, “nghĩa vụ của các đệ tử” đạo Mẫu (3). Gần đây, tác giả Nguyễn Ngọc Mai cũng đã đề cập đến khái niệm bản hội: “Bản hội là một tập hợp người xung quanh đồng thày và trợ giúp đồng thày trong việc thực hành nghi lễ” (4). Xuất phát từ thực tế, theo tác giả, nghi lễ lên đồng bao gồm rất nhiều yếu tố cấu thành: khăn áo, cung văn (âm nhạc), điện thờ, lễ vật, hầu dâng… Một mình đồng thày sẽ không tiến hành được nghi lễ nếu không có các thành viên khác tham gia, cho dù với tư cách trợ giúp (hầu dâng) hay làm các việc chuẩn bị (bày biện, trang trí điện thờ, lo cơm nước, mua sắm lễ lộc), cung ứng chất liệu cấu thành cho buổi lễ (trang phục, vàng, mã), cổ vũ canh hầu (khách mời). Vì vậy, để có thể hoạt động được trong lĩnh vực thực hành nghi lễ của mình, đồng thày đã phải thiết lập một mạng lưới các quan hệ xã hội gồm những cá nhân có khả năng đảm nhiệm các phần việc khác nhau, cũng như có thể cung ứng những thành tố tạo nên các công đoạn khác nhau cho cuộc lễ (5).
Bản hội là tập hợp những người có chung một nguồn gốc
Có 3 trong số những người được phỏng vấn ít nhiều biết chữ Hán, do đó họ đã giải thích nghĩa của bản hội theo lối chiết tự của từ này: “Bản là gốc, gốc của tổ chức đó. Hội là lớn bao gồm nhiều người tập trung lại thành hội". Lại có ý kiến khác cho rằng: “Bản - bổn nghĩa là của chúng tôi, của chúng ta. Bản cũng có nghĩa là nơi, chốn. Hội là nơi hội tụ, nơi tập hợp. Vậy bản hội là sự tụ hội, tập hợp của nhiều người vào một nơi, chốn (gốc), cũng có thể hiểu là nơi chốn tụ hội của chúng ta”.
Theo từ điển Hán Việt, từ bản có nhiều nghĩa. Thứ nhất, bản có nghĩa là “cái gốc, cái thân, tức là cội nguồn”. Thứ hai, bản là “của tôi, của chúng ta” (6). Hội cũng có nhiều nghĩa: là hội tụ, cũng có nghĩa là “hiểu, hiểu được, hiểu biết, thông hiểu, thạo, giỏi” (7). Từ đây, có thể đưa ra định nghĩa: bản hội đạo Mẫu là một cộng đồng tín đồ đạo Mẫu bao gồm nhiều thành viên dưới sự dẫn dắt của một chủ hội, có cùng một chốn tổ; có sự hiểu biết, đồng cảm lẫn nhau và có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần đạo Mẫu. Như vậy, bản hội đạo Mẫu có những nội hàm sau:
Bản hội phải có nhiều người tập hợp lại dưới sự dẫn dắt của chủ hội, có thể là đồng thày, hoặc cũng có thể chỉ đơn thuần là chủ nhang, người có điện thờ mẫu tại gia… Bên cạnh chủ hội có các đệ tử khác bao gồm tín chủ, nhang tử, bán tử… Điều này trả lời cho câu hỏi “những người hội tụ là ai?”
Những người trong bản hội là cùng một gốc. Nhiều thành viên bản hội đã gọi cái gốc nơi họ được “sinh ra”, gắn bó một cách thân thương là “chốn tổ”. Chốn tổ ấy có thể là một đền, phủ, hoặc một điện tư gia nào đó gắn liền với chủ nhang. Chính chốn tổ ấy sẽ phân biệt bản hội này với bản hội khác. Điều này trả lời cho câu hỏi “nơi hội tụ đó là gì?”
Những người trong bản hội có cùng niềm tin vào sự chở che, phù trợ của các vị thần đạo Mẫu cho các vấn đề trong cuộc sống hiện sinh của họ. Các thành viên bản hội cũng là những người có nhiều sự đồng dạng, về niềm tin, tâm lý tình cảm, hay những vấn đề mà họ gặp phải trong cuộc sống trần tục… Chính sự đồng dạng này khiến họ đồng cảm, cộng cảm với nhau. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người lựa chọn gia nhập bản hội đạo Mẫu mà không phải là một tổ chức của một tôn giáo nào khác. Điều này giải thích cho câu hỏi “vì sao họ hội tụ?”
Khi thâm nhập bản hội, tôi còn được nghe các thành viên gọi bản hội là cơ cánh. Tuy nhiên, theo tác giả, từ cơ cánh thường được dùng để chỉ một nhóm người của bản hội khác phân biệt với bản hội mình. Hơn nữa, từ cơ cánh không bao hàm toàn bộ các thành phần mà nhiều khi được dùng để chỉ nhóm thanh đồng trong bản hội mà thôi.
2. Các loại hình bản hội
Sẽ là sai lầm khi kết luận chỉ có một loại hình bản hội do đồng thày đứng đầu. Có thể chia bản hội đạo Mẫu thành hai loại: bản hội do những người có căn đồng làm chủ hội và bản hội do người không có căn đồng làm chủ hội.
Bản hội do người không có căn đồng làm chủ hội
Loại hình bản hội này thường do một chủ nhang đứng đầu. Họ có điện thờ tại gia, có thể là thờ mẫu, thậm chí thờ cả mẫu và phật. Với những khả năng đặc biệt như xem bói, chữa bệnh, cầu xin cho những sở nguyện của tín chủ được hiện thực hóa, hoặc làm lễ tôn nhang, bán khoán, số người đến với họ ngày càng nhiều hơn và hình thành một bản hội. “Đóng bè tập phúc” đưa các thành viên trong bản hội đi lễ xa vào những ngày lễ quan trọng của Phật giáo hoặc những ngày tiệc của các thánh trong đạo Mẫu cũng là công việc thường xuyên của họ. Đầu năm, người chủ hội này thường đưa bản hội đi hành hương đến các đền to, phủ lớn, chùa, mà trước hết là nơi nổi tiếng như chùa Hương, Yên Tử. "Họ bắt đầu một năm mới như thế vì nghĩ rằng phải thờ phật trước, thờ thánh sau. Thực tế này làm sáng tỏ mối quan hệ giữa tín ngưỡng tứ phủ và đạo Phật. Đức Phật có vị thế cao hơn các vị thần thánh” (8). Mặc dù có niềm tin vào các vị thần đạo Mẫu, có điện thờ tại gia, thường xuyên đi lễ xa, song người đứng đầu bản hội này không bao giờ lên đồng.
Có một vấn đề đặt ra là, khi người chủ hội không có căn đồng, thì liệu những đệ tử của loại hình bản hội này có thể là những người có căn đồng không? Thực tế, có nhiều con nhang đệ tử của loại hình bản hội này là những người có căn đồng. Những thanh đồng này có thể là con đồng ở bản hội khác, song bị thu hút bởi sự linh thiêng của bản điện. Cũng có trường hợp, ban đầu họ là thành viên của bản hội này, song do căn cao số nặng nên phải nhờ một đồng thày khác giúp xuất thủ trình đồng. Tuy nhiên, khi đã là con đồng của bản hội khác, họ vẫn giữ mối liên hệ với bản hội đầu tiên. Điều này cho thấy, một người cùng lúc có thể theo nhiều bản hội khác nhau chứ không nhất thiết chỉ trung thành với một bản hội. Đây là bằng chứng nói lên đặc trưng quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Họ luôn sẵn sàng đi lễ ở nhiều nơi, kết hợp sức mạnh của nhiều vị thần để mong đạt được tính hiệu nghiệm của lời cầu xin.
Bản hội do người có căn đồng làm chủ hội
Loại hình bản hội này hiện nay khá phổ biến. Có thể chia bản hội kiểu này thành ba loại nhỏ nữa: do thanh đồng, do đồng thày và do nhà sư có căn đồng làm chủ hội.
Bản hội do thanh đồng làm chủ hội
Trước hết cần phải hiểu thanh đồng nghĩa là gì? Những ai sẽ trở thành thanh đồng và khi nào thì được gọi là thanh đồng? Nguyễn Duy Hinh cho rằng, thanh có nghĩa là tinh khôi, trong trẻo, không chút bụi mờ, đồng có nghĩa là đồng tử, trẻ em. Vậy thanh đồng là để chỉ những em bé trai dưới 15 tuổi còn trong trắng, trinh nguyên để thần linh nhập vào. Nói cách khác, thoạt kỳ thủy, thanh đồng là những người thực hành nghi lễ lên đồng (hầu đồng) nhỏ tuổi (9). Tuy nhiên, có nhiều điều đã thay đổi cho đến thời điểm hiện nay. Thanh đồng phần lớn không phải là trẻ em trinh nguyên mà là những người đã trưởng thành, đã có vợ có chồng. Những người này được coi là có căn đồng số lính, phải hầu thánh, nếu không sẽ bị cơ hành ốm đau bệnh tật, thậm chí điên loạn, gia đình ly tán. Cũng có thể họ không có căn đồng, nhưng có niềm tin vào thần thánh và đến với thánh để cầu xin sức khỏe, tài lộc, bung tỏa những dồn nén cảm xúc ẩn ức trong tâm can. Vì những lý do đó, những người này xuất thủ trình đồng và thực hành nghi lễ lên đồng. Sau khi trình đồng mở phủ, những người này chưa được gọi là thanh đồng ngay. Cụ thể, trong 100 ngày đầu kể từ ngày mở phủ họ được gọi là tân đồng (đồng mới), ngoài 100 ngày mới được nhận danh xưng thanh đồng.Song, có phải thanh đồng nào cũng có thể trở thành người đứng đầu bản hội? Sau khi mở phủ trình đồng, trở thành thanh đồng thì các thanh đồng này lại được chia làm hai loại: làm và không làm việc tứ phủ. Một số thanh đồng không có gì thay đổi trong nghề nghiệp của mình, mà vẫn duy trì nó như hoạt động sống chính. Hàng năm, họ về chốn tổ hoặc mượn cảnh mượn đền để bắc ghế hầu thánh từ một đến hai lần, thông thường vào đầu và cuối năm. Một số thanh đồng lại lập điện thờ tu dưỡng và chuyên tâm làm các công việc tứ phủ như gọi hồn, cúng giải hạn, giải trừ tai ách cho các tín chủ… Họ cũng là người am hiểu về đời sống tâm linh, nên có khả năng hướng dẫn các con nhang đệ tử thực hành nghi lễ. Những người này sẽ trở thành người đứng đầu bản hội.
Bản hội do đồng thày làm chủ hội
Một số thanh đồng có thể trở thành đồng thày. Điều tiên quyết để một thanh đồng được gọi là đồng thày nằm ở khả năng mở phủ cho con nhang đệ tử. Nói cách khác, tất cả đồng thày đều là thanh đồng, nhưng không phải thanh đồng nào cũng có thể trở thành đồng thày. "Sự khác nhau cơ bản giữa đồng thày và những người đồng khác là khả năng tâm linh của họ, tức là khả năng mở phủ cho những người khác, khả năng làm lễ chữa bệnh cùng nhiều nghi lễ khác” (10). Với việc trình đồng mở phủ cho người khác, thanh đồng trở thành người “đẻ đồng” theo như cách gọi của giới đồng bóng, và có những đứa con do mình “đẻ ra”. Những đứa con ấy gọi họ là đồng thày. Trải qua năm tháng, số lượng con đồng của đồng thày ngày càng nhiều hơn. Họ gắn bó chặt chẽ với đồng thày và bản hội được mở rộng về “kích cỡ”. Tất nhiên, trong loại hình bản hội do đồng thày làm chủ hội, còn có cả những thanh đồng không phải do bản thân đồng thày mở phủ cho họ mà từ các bản hội khác về đây xin gia nhập. Như vậy, có các con đồng do đồng thày “sinh ra” bên cạnh các thành viên khác như nhang tử, bán tử, tín chủ… là điểm khác biệt cơ bản giữa bản hội do đồng thày làm chủ hội so với bản hội do thanh đồng làm chủ hội.
“Những đồng thày thường phải lập điện riêng, chăm nom đến điện thờ thánh” (11). Phần lớn các đồng thày đều sở hữu hoặc quản lý điện thờ nào đó, có thể là điện tư gia hay điện công. Từ đó, hình thành nên hai kiểu bản hội do đồng thày đứng đầu là: bản hội tư gia và bản hội ở đền to phủ lớn. Tuy nhiên, bên cạnh hai loại bản hội đó, còn có một loại bản hội do đồng thày không có điện thờ tư gia, lại cũng không phải là người quản lý hay thủ nhang của đền, phủ, đứng đầu. Họ là đồng thày, hầu đồng và mở phủ cho con nhang đệ tử, song mọi hoạt động nghi lễ đều được diễn ra tại nơi mượn cảnh. Giới đồng bóng truyền nhau rằng, khi đã có điện thờ trong nhà thì bắt buộc phải có người “kế đăng” (nối dõi sự nghiệp hương khói phục vụ thánh), nếu đời sau không có người “kế đăng” thì là sự “thất lễ” với thánh thần, gia đình sẽ gặp nhiều tai họa. Dường như điều này trở thành lời nguyền chi phối tới quyết định của nhiều đồng thày khi lập điện thờ tại gia.
Bản hội do nhà sư làm chủ hội
Mối quan hệ chặt chẽ giữa Phật giáo và đạo Mẫu đã được khẳng định qua nghiên cứu của nhiều tác giả. Bằng chứng đã cho thấy, trong nhiều ngôi chùa Bắc bộ có sự hiện diện của ban thờ mẫu, tạo nên một kiểu kiến trúc độc đáo có lẽ duy nhất có ở chùa Việt Nam - “tiền phật hậu mẫu”. Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, việc xuất hiện mẫu trong chùa có từ khoảng TK XVII - XVIII. Nguyễn Quang Lê gọi sự tích hợp của điện thờ mẫu trong chùa của người Việt là “cách lựa chọn đúng đắn nhất của đạo Phật khi lấy đạo Mẫu dân gian làm bạn đồng hành. Vì thế mà đạo Phật có chỗ đứng vững chắc trong đời sống tâm linh ở cộng đồng người Việt” (12). Tại những ngôi chùa có ban thờ mẫu thường diễn ra nghi lễ hầu đồng. Tuy nhiên, có thể khẳng định, chưa bao giờ điện mẫu và hầu đồng lại xuất hiện nhiều, phát triển mạnh mẽ, công khai trong chùa như hiện nay.
Mối quan hệ giữa Phật giáo và đạo Mẫu đã phần nào lý giải vì sao hầu đồng, một nghi lễ dân gian có phần sôi động và thăng hoa, lại diễn ra trong không gian thờ phật thâm nghiêm, cổ kính. Nhiều con nhang đệ tử đạo Mẫu đã về các chùa có điện thờ mẫu mượn cảnh để “bắc ghế cha ngồi làm ngôi mẹ ngự”. Tuy nhiên, có nhiều nhà sư tại các chùa này là những người có căn quả. Bản thân họ cũng ra hầu thánh, trong số đó có không ít người trở thành đồng thày và mở phủ trình đồng cho nhiều con nhang đệ tử. Kết quả là nhà sư bên cạnh vai trò là người dẫn dắt tâm linh cho các phật tử, giờ đây lại cũng là đồng thày dẫn dắt việc tu tập, thực hành nghi lễ của các tín đồ đạo Mẫu.
Như vậy, bản hội đạo Mẫu có thể xem là một cộng đồng, chính xác hơn là một cộng đồng tôn giáo với hạt nhân trung tâm là một chủ hội (thông thường là đồng thày) đóng vai trò thủ lĩnh tâm linh, xung quanh có các đệ tử bao gồm nhiều thành phần như nhang tử, bán tử, tín chủ, thanh đồng, hầu dâng, cung văn… Chất keo giúp gắn kết các thành viên bản hội thành một cộng đồng chính là niềm tin vào các vị thần đạo Mẫu, vào năng lực đặc biệt cũng như sự dẫn dắt của đồng thày. Bản hội đạo Mẫu có sự đa dạng, phong phú về loại hình. Bên cạnh bản hội do người có căn đồng làm chủ hội, còn có bản hội do người không có căn đồng đứng đầu. Tuy nhiên, trong số các loại hình bản hội ấy, bản hội do đồng thày đứng đầu có tính phổ biến hơn cả và phản ánh đầy đủ tính chất của bản hội đạo Mẫu. Với tư cách là một cộng đồng tôn giáo, bản hội đạo Mẫu có chức năng cộng cảm, là không gian để các thành viên chia sẻ và đồng cảm với nhau trong nhiều vấn đề về tâm linh, sức khỏe, giới tính… Không những thế, bản hội đạo Mẫu với những mối quan hệ đa dạng, nhiều chiều đã tạo nên nguồn vốn xã hội phong phú hỗ trợ các thành viên của nó trong phát triển kinh tế, văn hóa…
______________
1, 2, 3, 8. Claire Chauvet, Đi lễ trong tín ngưỡng tứ phủ: hình thành lại bản sắc địa phương và quốc gia ở miền Bắc Việt Nam, trong Hiện đại và những động thái của truyền thống ở Việt Nam: những cách tiếp cận nhân học, quyển 2, Nxb Đại học quốc gia TP.HCM, 2007, tr.24, 26, 27.
4, 5, 9. Nguyễn Ngọc Mai, Hiện tượng lên đồng trong bối cảnh mới - nghiên cứu trường hợp ở đồng bằng Bắc Bộ, Luận án tiến sĩ Văn hóa học, 2011, tr.80.
6, 7. Viện Khoa học xã hội, Viện ngôn ngữ học, Từ điển Hán Việt, Nxb TP.HCM, 2008, tr.72-73, 660.
10, 11. Nguyễn Thị Hiền, Bệnh âm: chuẩn đoán và chữa trị trong lên đồng của người Việt, trong Hiện đại và những động thái của truyền thống ở Việt Nam: những cách tiếp cận nhân học, quyển 2, Nxb Đại học quốc gia TP.HCM, 2007, tr.42, 43.
12. Nguyễn Quang Lê, Bàn về mối quan hệ giữa Phật giáo với đạo Mẫu dân gian, trong Đạo Mẫu và các hình thức Saman trong các tộc người ở Việt Nam và Châu Á, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008, tr.228.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015
Tác giả : MAI THỊ HẠNH