Phật giáo có nguồn gốc ở Ấn Độ, sau đó lan truyền tới nhiều quốc gia trên thế giới qua sự truyền giáo của các bậc thánh giả. Phật giáo Ấn Độ được hình dung như cái cây có ba phần: “Phần gốc, phần thân cây và phần ngọn bao gồm nhiều cành lá. Phần gốc là Căn bản Phật giáo, phần thân cây là Tiểu thừa Phật giáo và phần ngọn cây là Đại thừa Phật giáo” (1). Tương ứng với 3 phần này là ba thời kỳ: Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Bộ phái và Phật giáo Đại thừa. Sinh thời, khi thuyết giảng, đức Phật không ghi chép những điều mình nói nhưng những lời răn dạy của ngài lại được các vị đại đệ tử thuộc nhiều thế hệ sưu tập và lưu giữ trong tác phẩm cổ ở Ấn Độ, Srilanka, Trung Quốc… Đây cũng chính là xuất xứ của bộ kinh Tripitaka (Tam Tạng) (2).
Tripitaka là kinh sách Phật giáo nhưng cách truyền giáo gián tiếp thông qua các câu chuyện kể về tiền kiếp của Phật mang sắc màu ngụ ngôn, được coi là tác phẩm văn học Phật giáo của thời kỳ văn học cổ Ấn Độ…Sau Tripitaka còn xuất hiện nhiều truyện kể về đức Phật như tập Avadana Jataka do phái Nguyên thủy biên soạn. Ngay từ khi xuất hiện, Jataka đã có vai trò quan trọng đối với Phật giáo Nguyên thủy Ấn Độ, cũng như các giáo phái Nam tông và Bắc tông. Kinh Jataka đã được phổ cập trong đời sống văn học Ấn Độ.
Với các quốc gia Phật giáo Theravada, Jataka có ảnh hưởng sâu rộng, từ các nghi lễ tôn giáo đến phong tục, tập quán… Khi Jataka được các nhà sư tụng kể, diễn giảng, phật tử đều lắng nghe với tất cả sự kính trọng và tin tưởng. Cần nhấn mạnh là tất cả những điều răn dạy này, hiện tại vẫn sống động ở các nước Phật giáo Theravada.
Ở đây, chúng tôi không chỉ đánh giá Jataka từ góc độ kinh sách Phật giáo mà còn xem xét Jataka như một tác phẩm văn học ở thể loại ngụ ngôn với nhiều bài học giáo huấn đậm chất Ấn Độ. Các bài học xử thế trong 547 câu chuyện của Jataka cùng với ngụ ngôn Panchatantra, thể hiện nghệ thuật sống và văn hóa ứng xử của người Ấn Độ.
Bài học khiêm tốn
Thực tiễn đời sống đương thời của nhân loại thường bị chế ngự bởi tư duy hữu ngã tạo ra các ý nghĩ tốt - xấu, được - mất, thành công - thất bại, hơn - thua…, vì vậy, khi ứng xử với nhau cần có tâm nhường nhịn, hạ mình xuống, để luôn nhắc nhở bản thân không làm những điều xấu hại người và hại mình.
Trước hết, khiêm tốn là một hành xử đạo đức đối lập và hướng đến loại trừ kiêu mạn. Nhưng việc chế ngự và loại trừ kiêu mạn là thử thách cam go, bởi kiêu căng ngã mạn là tập khí sâu dày của chúng sinh. Kinh Tăng chi nêu ra ba thứ kiêu mạn căn bản: kiêu mạn của tuổi trẻ, kiêu mạn của không bệnh, kiêu mạn của sự sống (3). Khi cái tôi nhỏ lại thì mọi sự va chạm do kiêu mạn ít xảy ra. Chỉ có những ai chinh phục được tự ngã thì mới có thể khuất phục lòng kiêu mạn (4).
Thứ hai, khiêm tốn thể hiện sự tôn trọng kẻ dưới và kính nhường người trên. Biết kính trên nhường dưới là thể hiện đẳng cấp đạo đức (5). Sự tôn trọng còn thể hiện ở các hành vi: kính lễ bậc trưởng thượng, không ganh tị một ai (6).
Thứ ba, khiêm tốn không có nghĩa là hạ thấp mình mà là tự khẳng định bản thân, là tôn trọng chính mình trong yên lặng tỉnh giác. Ở khía cạnh này, khiêm tốn gần với lòng tự trọng.
Trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt, trong quan hệ gia đình thân tộc, đức tính này cần được nỗ lực vận dụng. Thương nhưng phải kính. Đó là nguyên tắc bắt buộc theo quan điểm nhà Phật. Phật giáo rất chú trọng đến trật tự đạo đức được xây dựng trên tinh thần tương thân tương kính. Câu chuyện so tuổi giữa voi, khỉ và chim đa đa cho thấy rõ tinh thần này.
Có thể thấy, khiêm tốn một trong những bài học ứng xử chuẩn mực của Jataka, để từ đó khẳng định: Thái độ khiêm tốn là tâm thế định tĩnh, thong dong và vững chãi trước dòng xoáy và sở hữu của bản ngã.
Bài học kiên trì
Kiên trì là ý chí, là sự vững vàng trong quyết định, trong dự tính, trong mối quan hệ, trong lý tưởng... Tùy theo từng hoàn cảnh mà kiên định được hiểu khác nhau. Trong Phật pháp, kiên định là sự nhất quán trong pháp tu. Với đức Phật, đại thệ nguyện bên cội bồ đề trước đêm chứng đạo, ghi nhận dấu ấn của sự kiên định vững vàng. Có thể sự nỗ lực đó là đỉnh điểm của hành tu khắc nghiệt, nhưng hành trình tu luyện của Phật đã thực chứng bài học kiên trì luôn song hành cùng con người để đạt đến thành công trong cuộc sống.
Kiên trì còn được hiểu là sự trung thành, lòng chung thủy... Điều này được đức Phật xác tín: Trong thời gian bất hạnh mới biết được sự trung kiên của một người, phải trong thời gian dài không thể không khác được (7). Đây là một triết lý trí tuệ của bậc giác ngộ, thể hiện qua chuyện kể về công chúa Yashodhara, một dạ thờ chồng, hình ảnh tuyệt mỹ về đạo lý chung thủy của người phụ nữ theo chuẩn mực đạo đức Phật giáo (8).
Bài học buông - bỏ
Lo nghĩ thường gắn với phiền muộn, nhất là lo nghĩ vẩn vơ, không liên hệ đến thiện pháp. Buông bỏ mọi điều lo nghĩ, sống với thực tại hiện tiền thì hạnh phúc sẽ gõ cửa. Điều này được đức Phật chỉ dạy: Quá khứ không truy tìm/ Tương lai không ước vọng/ Quá khứ đã đoạn tận/ Tương lai lại chưa đến/ Chỉ có pháp hiện tại/ Tuệ quán chính ở đây (9). Vì thế, buông xả là nghệ thuật ứng xử, là sự buông bỏ những ý nghĩ mừng vui, lo khổ đồng thời nỗ lực từ bỏ các tật xấu tích lũy từ nhiều đời.
Trong đời thường, con người khó tránh được sân si. Tuy nhiên, nếu học cách buông bỏ, thì đôi khi gặt hái những kết quả lớn. Biết buông bỏ, biết hy sinh là tiền đề dẫn đến mọi thành tựu. Chuyện chú khỉ (10) vì hốt hoảng lo tìm hạt đậu bị đánh rơi, nên đã buông tay đánh rơi cả nắm đậu, là ẩn dụ sinh động về trường hợp này.
Đặc biệt, biết cách buông bỏ những ký ức khổ đau là một liệu pháp điều phục tâm tích cực. Nếu cứ giữ u hoài quá khứ, thì nỗi đau còn mãi. Buông bỏ nỗi buồn và đau khổ là tạo cho mình niềm tin để sống, là xây dựng một cuộc sống không hận thù, hòa bình, hạnh phúc.
Hạnh buông bỏ còn là một dạng thức của tâm thương yêu. Vì lẽ, nhờ buông bỏ nên dễ dàng tha thứ lỗi lầm của người, tạo cho kẻ có lỗi cơ may phục thiện. Khi buông bỏ, người ta trở nên rộng lượng, không nhỏ nhen, ích kỷ. Nhờ hạnh buông bỏ, nên tâm bố thí được khởi sinh. Nhờ buông bỏ, tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở (11). Ứng xử buông bỏ là an trú tâm với những gì hiện có. Biết cách buông bỏ những đòi hỏi không hợp lý là một trong những cách thức để đem đến sự an ổn đời thường cho mình và người.
Bài học ứng xử quân tử
Quân tử là khí tiết, là danh dự và phẩm vị của con người. Sống đúng với chuẩn mực đạo đức cơ bản của một con người, được gọi là ứng xử quân tử.
Phẩm chất của một con người gồm một cái tên để phân biệt, cộng với những phẩm hạnh đạo đức tương ứng. Giữ gìn phẩm hạnh đạo đức riêng đồng nghĩa với việc giữ gìn quân tử. Một khi chuyện nhục vinh, danh lợi vẫn có khả năng chi phối con người, thì việc ứng xử quân tử là vấn đề mang nhiều ý nghĩa nhân bản, nhân văn. Chuyện kể về con sư tử bị làm nhục chứa đựng nhiều giá trị tham khảo (12).
Kinh Tương ưng đã đưa ra một khái quát đầy giá trị về tiết tháo: Giữa các loài hai chân/ Chánh giác là tối thắng/ Giữa các loài bốn chân/ Thuần chủng là tối thắng/ Trong các hàng thê thiếp/ Nhu thuận là tối thắng/ Trong các hàng con trai/ Trung thành là tối thắng (13).
Phẩm chất và cách ứng xử quân tử là điều rất mực quan trọng trong việc định hình phẩm chất của con người.
Bài học hóa giải bất hòa
Câu chuyện Chúa chim Kunala: sự tranh chấp về nguồn nước của con sông Rohini cung cấp nước cho cả hai bộ tộc Sakya và Koliya đã tăng dần khi 2 bộ tộc không chịu nhường nhau nguồn nước của con sông. Đỉnh điểm của tranh chấp xảy ra vào tháng Jetthamùla, khoảng tháng 5, là lúc lúa ngậm đòng. Sự kiện này càng đau lòng hơn vì 2 bộ tộc trên, là quê ngoại và quê nội của đức Phật. Đức Phật đã thị hiện đúng thời điểm để giảng hòa. Tại đây, ngài đã khéo léo chỉ rõ cho cả hai bộ tộc thấy sự tạm bợ của vật chất, cái cao quý của sinh mạng, của phẩm vị con người, của tình đoàn kết. Đặc biệt là yếu tố đoàn kết có vai trò quan trọng như thế nào. Từ đây, ngài còn mở rộng thêm: Đối với những sinh vật đoàn kết, không ai có thể tìm ra lỗ hổng để tấn công cả, nhưng khi chúng đã tranh chấp lẫn nhau, thì một kẻ đi săn nào đó cũng tàn phá chúng và tiêu diệt chúng. Quả thật không có phần thưởng gì trong cuộc tranh chấp cả (14). Từ câu chuyện này, thấy rõ đức Phật lưu ý phật tử đừng rơi vào tình thế của câu chuyện ngư ông đắc lợi. Sau khi hóa giải xung đột giữa hai dòng họ, đức Phật dạy thêm: Không nghĩ “đây của tôi”/ Không nghĩ “đây của người”/ Người không có tự ngã/ Không sầu vì không ngã/ Không tàn bạo, không tham/ Không dục, thường đồng đẳng/ Ðược hỏi Ta nói lên/ Lợi ích bậc bất động.
Bài học đoàn kết
Sự đoàn kết làm cho những cá thể hợp thành một khối và sẽ tạo nên sức mạnh tổng hòa. Với sức mạnh đó, có thể thực hiện được nhiều việc tốt cho bản thân, tha nhân, cộng đồng. Ứng xử sống chung theo nguyên tắc lục hòa là một trong những yếu tố góp phần tạo nên tinh thần đoàn kết vững mạnh.
Sự đoàn kết là biểu hiện sinh động của bước đầu chinh phục tự ngã. Khi cái ta nhỏ lại thì con người dễ chấp nhận nhau, hoan hỷ với nhau để hòa nhập trong một tập thể lớn. Câu chuyện về đàn chim cùng đoàn kết bay lên, kéo theo cả tấm lưới của người thợ săn được đức Phật dẫn dắt khéo léo trong truyện Tiền thân Sammodamàna là minh chứng sống động về sức mạnh đoàn kết. Sự khẳng định của đức Thế Tôn: các bà con không nên tranh cãi nhau, tranh cãi là nguồn gốc diệt vong, mang tính thời sự trong mọi thời đại.
Bài học ứng xử vợ chồng
Hôn nhân lý tưởng chính là đời sống nghĩa tình. Nghĩa tình là sự hy sinh, cho nhau qua những thăng trầm của đời sống vợ chồng. Câu chuyện cảm động về nàng Sujata thương chồng thấu cảm đến chư thiên đã được ghi lại trong kinh Jataka: Vì mê say sắc đẹp của nàng Sujata, nhà vua lập mưu hại chồng nàng. Tận cùng của bức bách đau khổ, nàng vừa khẩn cầu vừa oán trách trời cao. Lòng thương chồng thấu cảm tận trời xanh nên chư thiên đã ra tay cứu khổ (15).
Môtip vì chồng bất kể hiểm nguy còn được đức Phật kể lại: Nhờ sự khôn ngoan, cứng rắn, trung kiên của người vợ, nên tên cướp đã không giết người chồng mà còn tha mạng cho cả hai. Khi hai vợ chồng trở lại Savatthi, thăm đức Phật tại hương phòng và thuật lại câu chuyện, Đức Phật đã dạy thêm: Này cư sĩ, ông chẳng phải là kẻ độc nhất được nàng cứu mạng đâu! Vào thời xưa nàng cũng đã từng cứu mạng nhiều bậc trí giả khác (16).
Tình nghĩa vợ chồng còn thể hiện sâu nặng trong câu chuyện về thái tử Sotthisena với thân thể tanh hôi do bệnh tật lâu ngày, nhưng vương phi Sambulà không kinh gớm, xa lánh, cố chạy chữa cho đến khi chàng vượt qua bệnh tật (17). Kết thúc chuyện, đức Phật đã nhận diện tiền thân: nàng Sambulà trong kiếp quá khứ chính là hoàng hậu Malika, vợ của vua Pasenadi hôm nay. Theo đức Phật: Không chỉ bây giờ mà ngay cả ngày xưa, Mallikà đã là người vợ thủy chung (18).
Những bài học ứng xử theo chuẩn mực đạo đức Phật giáo được thể hiện trong kinh Jataka là yêu cầu bức thiết của xã hội từ truyền thống đến hiện đại. Những câu chuyện kể của Jataka khẳng định, những ứng xử đạo đức chuẩn mực trong đời sống xã hội sẽ là chất liệu tạo nên những hệ giá trị riêng của mỗi cá thể và cộng đồng. Nếu những bài học ứng xử này được ứng dụng một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, thì điều hiển nhiên là, chúng ta sẽ được sống trong một xã hội an bình, hạnh phúc.
______________
1. Kimura Taiken, Nguyên thủy Phật Giáo tư tưởng Luận, Thích Quảng Độ dịch, Nxb Tôn giáo, 2007, tr.13.
2. Tiếng Sanskrit, tri là ba, pitaka là cái giỏ. Tiếng Hán dịch là Tam Tạng.
3. Kinh Tăng chi, chương Ba pháp, phẩm Sứ giả của Trời, kinh Kiêu mạn.
4, 10, 12, 15. Kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện Tiền thân đức Phật, số 125, 176, 152, 194.
5. Cullavagga, chương 6, Sàng tọa, tụng phẩm thứ hai, chuyện Chim đa đa, khỉ và voi, đoạn 262. Xem thêm, kinh Tiểu bộ, tập 4, chuyện Tiền thân đức Phật, số 37.
6. Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Thế nào là giới.
7. Kinh Tương ưng, tập 1, chương 3, Tương ưng Kosala, phẩm thứ hai, kinh Bện tóc.
8, 17, 18. Kinh Tiểu bộ, tập 8, chuyện Tiền thân đức Phật, số 485, 519.
9. Kinh Trung bộ, tập 3, Nhất dạ hiền giả, số 131.
11. Kinh Tương ưng, tập 5, thiên Đại phẩm, chương 11, Tương ưng dự lưu, phẩm Phước đức sung mãn, kinh Mahanama.
13. Kinh Tương ưng, tập 1, chương 1, Tương ưng chư thiên, phẩm Vườn hoan hỷ, Kinh Giai cấp Sát đế lỵ.
14. Kinh Tiểu bộ, tập 9, chuyện Tiền thân đức Phật, số 536.
16. Kinh Tiểu bộ, tập 6, chuyện Tiền thân đức Phật, số 267.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016
Tác giả : THÍCH NỮ VIÊN HIẾU