BA BÀI HỌC VỀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CỦA HỒ CHÍ MINH

        Đọc lại những bài viết của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm Đảng cách mệnh cho đến bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chúng tôi thấy Người quan tâm trước tiên là nguồn lực con người, nguồn lực cán bộ, bởi cán bộ là gốc của mọi công việc, đạo đức là gốc của người cán bộ, muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay xấu. Xin được nêu ba bài học mà Người đã dạy, đó là vai trò của dân, văn hóa dân vận và nhân cách văn hóa của cán bộ lãnh đạo trong quan hệ với cộng đồng.

1. Vai trò của dân

Truyền thống dân tộc ta có nhiều kho báu. Một trong những giá trị của kho báu đó là vai trò của dân được thể hiện ở nhiều phương diện: lực lượng của dân, ứng xử trọng dân, đền đáp công ơn của dân (ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày), lòng nhân nghĩa cốt ở yên dân (bạc đầu vẫn phụ tấm lòng yêu dân - Nguyễn Trãi). Truyền thống đó được Hồ Chí Minh kế thừa xuất sắc, sáng tạo trong điều kiện lịch sử mới kể từ khi giành được độc lập, thành lập nhà nước dân chủ cộng hòa. Đối với những vĩ nhân trong lịch sử như V.Lênin, Hôxê Mácti, Hồ Chí Minh, hoạt động chính trị là phương tiện, văn hóa mới là mục đích. Khái niệm văn hóa dân chủ không chỉ bó hẹp trong phạm trù cơ chế, phương tiện, quy chế, mà cuối cùng là mục đích của cách mạng: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền về tay nhân dân, khi còn ở chiến khu Cao Bằng, để chuẩn bị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Bác Hồ thường dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân, thì kẻ địch không thể nào tìm diệt được. Tổ chức của đội phải lấy chi bộ làm hạt nhân lãnh đạo”(1).

Trong triết học cổ điển phương Đông, Khổng giáo đóng vai trò hạt nhân của ý thức hệ với thế giới quan của kẻ sĩ qua nhiều triều đại. Cho đến nay, khi Trung Quốc đang đi vào hiện đại với mục tiêu trở thành cường quốc mới trên thế giới, thì Khổng giáo vừa là vật cản, vừa là lôgic của giá trị đúng có thể chấp nhận và kế thừa. Trong số các giá trị trường tồn cho đến hôm nay phải kể đến vai trò của dân được ghi trong Thượng thưdân vi bang bản, về sau Mạnh Tử phát triển: dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (việc dân là quan trọng nhất, thứ đến là việc của xã tắc và sau cùng là của vua). Tư tưởng tiến bộ đó đã được Hồ Chí Minh giải thích theo tinh thần mới: lợi ích của nhân dân là trước hết, thứ đến là lợi ích quốc gia, còn lợi ích của nhà vua thì không đáng kể. Khổng tử cho rằng, trong ba điều cần của pháp trị nước: túc thực, túc binh, dân tín thì dân tín là quan trọng hàng đầu. Dân tín sẽ tạo ra thực túc, binh cường. Dân không tin thì thuyền bị đắm, làm sụp đổ cả vương triều. Trong quan hệ giữa dân với thể chế chính trị, Mạnh tử khuyên nhà cầm quyền phải chiều theo ý dân: “Dân muốn việc chi, nhà cầm quyền nên cung cấp cho họ, dân ghét việc chi, nhà cầm quyền đừng thi thố cho họ”. Tiếp theo là tư tưởng an dân, phải có một hằng sản, một cuộc sống no đủ làm cơ sở.

Những tư tưởng tiến bộ thời cổ đại của các bậc tiền nhân, dù là của Trung Quốc hay Việt Nam đều là những bài học để hôm nay chúng ta xây dựng mô hình cơ chế dân chủ. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 91) nêu 6 đặc trưng mà đặc trưng đầu tiên là: do nhân dân làm chủ. Điều này khẳng định Cương lĩnh đã thấy được vai trò của dân. Đến đại hội Đảng X (2006), các đặc trưng mô hình CNXH được bổ sung, rồi đại hội XI (2011) được phát triển một bước phù hợp với tình hình mới trong nước và quốc tế, nêu hai đặc trưng hàng đầu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ. Về lý thuyết, vai trò của dân là tương đối rõ. Vấn đề còn lại là mô hình cơ chế vận hành dân chủ có hiệu quả. Hiện nay, việc thực thi dân chủ nằm ở bốn khâu cơ bản: dân chủ bầu cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp); dân chủ ra nghị quyết (Đại hội Đảng toàn quốc và Đảng bộ địa phương); dân chủ quản lý (nội các và chính quyền các cấp trên cơ sở pháp định); dân chủ kiểm tra, giám sát (Ban kiểm tra Trung ương, các cấp ủy, Thanh tra Chính phủ từ Trung ương đến cơ sở). Tất cả bốn khâu này muốn công việc thực thi trong đời sống có hiệu quả, hợp lòng dân đều phải lấy nhân tố văn hóa làm nền; yếu tố nhân văn làm mục đích (lợi ích của dân); yếu tố trí tuệ để tìm chân lý (thảo luận, tranh luận trong dân, nhất là tầng lớp trí thức); yếu tố đạo đức trong cách ứng xử (chính sách an dân, lo cho dân...). Làm được như vậy tức là Đảng và nhân dân tuy hai là một, thống nhất, đồng thuận - biểu trưng cho hai đại nghĩa gặp nhau, tạo nên sức mạnh trường tồn đại đoàn kết để xây dựng và bảo vệ tổ quốc, mà không một kẻ thù nào có thể phá nổi. Đó chính là văn hóa dân chủ trong thời đại Hồ Chí Minh

2. Văn hóa dân vận

Hồ Chí Minh, ngay từ năm 1956, trong bài Huấn thị cho lớp nghiên cứu chính trị của trường Đại học nhân dân Việt Nam có nói đại ý: thời gian lớp học thì ngắn, nên việc nghiên cứu của các bạn ví như một hạt nhân bé nhỏ, có thể tóm tắt trong 11 chữ sau: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân. Minh minh đức tức là chính tâm, thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết”(2). Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta đã sáng tạo nhiều thành ngữ sống mãi cho đến tận hôm nay: quân với dân như cá với nước; đi dân nhớ, ở dân thương; dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong... Trong quân đội cách mạng của ta ngay từ đầu kháng chiến gian khổ, ở cả hai giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ đã ban hành điều lệnh: “không lấy một cây kim sợi chỉ của dân”. Với lực lượng công an nhân dân, trong sáu điều dạy của Bác Hồ có lời giáo huấn thân ái: đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép.

Từ sau Cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm đến văn hóa dân vận. Để xây dựng nước ta từ nền dân chủ cộng hòa thành nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Người biết rất sớm, rất rõ sức mạnh, quyền hành, lực lượng ở nơi dân. Tất cả chính sách dân vận của Người và của Đảng vừa tiếp thu tự giác truyền thống khoan sức dân, an dân, giữ chặt lòng dân của các vị anh hùng dân tộc, của các vị minh quân, vừa thấm sâu mối quan hệ biện chứng giữa nước và dân, giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo, giữa công quyền và dân quyền. Nhưng tất cả và cao hơn cả đều đi đến mục tiêu: lợi ích vì dân, quyền hạn của dân, trách nhiệm của dân, công việc của dân.

Nói văn hóa dân vận là mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo công quyền và dân quyền. Điều này đòi hỏi mọi chính sách của Đảng, Nhà nước phải thấm nhuần phương châm giữ chặt lòng dân tức là phải hiểu rõ tâm trạng, nguyện vọng, niềm tin của đối tượng mà mình lãnh đạo. Muốn lãnh đạo có hiệu quả thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đã đành, nhưng còn phải có tài năng, cán bộ lãnh đạo càng cao tính gương mẫu càng phải sáng, tài năng phải được phát lộ ở trình độ tổng kết lý luận và phương pháp giải quyết thực tiễn, chứ không nên chỉ nói mà không làm, nói nhiều chuyện vô bổ, thiếu lượng thông tin, lý luận theo kiểu khô cứng, nhàm chán thiếu hơi thở của đời sống nhân dân.

Trong mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân hiện nay có nhiều chuyện đáng bàn, thậm chí có nhiều chuyện hết sức bức xúc, nhạy cảm thật đáng lo ngại. Xin nêu hai hiện tượng:

Một là, hiện tượng xa dân của một số cán bộ: một bộ phận đảng viên cấp cao thường ngại sinh hoạt (trong cơ quan thì với cán bộ nhân viên ngoài đảng; ở khu phố thì với nhân dân nơi cư trú hoặc tổ dân phố). Nếu có sinh hoạt thì thiếu nghiêm túc phê bình và tự phê bình, sợ ý kiến đóng góp của người ngoài đảng. Trong lúc đó họ có đủ mánh khóe để chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp... không chỉ cho mình mà cho cả phe, nhóm của mình. Họ thường ngại xuống cơ sở, nhưng lại đầy nhiệt tình hào hứng xách cặp đi nước ngoài. Họ vừa dấu dốt, không dựa vào chuyên gia, dị ứng đối với người tài, vừa ít chịu khó đọc sách, xem báo để nâng cao kiến thức. Những cấp ủy đảng ở lĩnh vực khoa học, văn hóa, giáo dục thường ngại kết nạp những trí thức giỏi, vì họ có cá tính, sợ người ta hơn mình. Nguyên nhân của tình trạng thì có nhiều, nhưng rõ rệt nhất là tâm lý hẹp hòi, đố kỵ; thẻ đảng ở trong túi họ, muốn ban phát cho ai thì người ấy được; còn không, là không; sự quan liêu của thủ trưởng cơ quan trực tiếp; sự trì trệ của các ban bệ thanh tra, kiểm tra cấp trên... Ngay từ bấy giờ (những năm 60 thế kỷ trước), Bác Hồ đã thấy rõ một bộ phận cán bộ “đang mang nặng cái ba lô chủ nghĩa cá nhân”.

Hai là, để phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đi vào đời sống có hiệu lực, người dân cần đựơc thông tin. Không có thông tin, nghèo đói thông tin, thông tin không chính xác, thì nói chi đến chuyện bàn, làm, kiểm tra!? Không có thông tin, kiến thức, người dân đứng bên lề chính trị. Nhiều năm gần đây, hiện tượng tán phát tài liệu bất hợp pháp, xuất bản nhiều cuốn hồi ký xuyên tạc sự thật, dèm pha mạt sát đồng nghiệp, thậm chí phản bội sự nghiệp đổi mới, phủ nhận chủ nghĩa Mác, rồi chuyện tiếu lâm lành có, dữ có về các vị lãnh đạo cấp cao... vẫn trôi nổi trong dòng chảy công luận. Chưa hết, hiện tượng thi hành kỷ luật những cán bộ tham nhũng, hối lộ, tuyên án một số vụ án hình sự cũng theo kiểu mập mờ, giơ cao đánh khẽ, hôm nay đúng, mai sai, ngày mai lại đúng nhằm bao che cho nhau hoặc để giữ thế cân bằng giữa các phe, nhóm lợi ích vẫn được bàn tán trong dân. Đã đến lúc cần được giải quyết dứt điểm, không để cho tình trạng dân chủ cực đoan làm vẩn đục dư luận xã hội. Muốn vậy, cần dân chủ hóa, công khai hóa một số thông tin nóng. Chúng ta không sợ các loại thù địch lợi dụng. Bởi bản chất chúng là lợi dụng, xuyên tạc, mị dân. Chúng ta chỉ sợ dân biết không đến nơi đến chốn, lẫn lộn trắng đen, đúng sai, không biết đâu đúng để mà tin. Trên thực tế, các cơ quan chức năng không thông tin đầy đủ, có tổ chức, thì người dân sẽ nghe các nguồn thông tin khác qua các kênh truyền thông, qua internet hoặc báo chí nước ngoài. Mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ thì một bộ phận chạy trốn tìm đến tôn giáo và các loại tín ngưỡng si mê, cuồng tín là ta mất dân vì không dựa vào dân.

3. Nhân cách văn hóa

Ở nước ta, người nói sớm nhất về nhân cách văn hóa là Hồ Chí Minh. Nếu trong Tuyên ngôn của Liên hiệp thuộc địa, Người đề xướng phẩm giá con người, trong Lời kêu gọi ở báo Người cùng khổ, Người đưa lên mục tiêu sự giải phóng con người, thì trong Di chúc (1969) chúng ta đọc: “...đầu tiên là công việc đối với con người”. Giá trị cao nhất của mọi giá trị văn hóa là con người. Sự hoàn thiện nhân cách con người là chiến thắng lớn nhất của văn hóa. Có lần, một nhà báo Pháp, ông G. Môngtarông đã viết: “Cụ Hồ Chí Minh là một chiến sĩ đầu tiên của thế giới thứ ba, của các dân tộc nghèo đói, thèm khát một cuộc sống cho ra người... Cụ dạy rằng, cuộc chiến đấu vì nhân phẩmtự do phải đặt lên trên mọi cuộc chiến đấu khác”. Từng người là giá trị nhân cách mà mỗi người tự xác định, tự giác thực hiện theo các hệ chuẩn xã hội. Ở các nền văn hóa khác nhau có hệ chuẩn không giống nhau, nhưng vẫn có giá trị chung. Đó là sự lao động chăm chỉ và có tay nghề, trung thực trong giao tiếp xã hội, có tình thương đối với đồng loại. Đó là những dấu hiệu để phát triển nhân cách. Trong nền kinh tế thị trường, lao động chất xám và lao động cơ bắp đều được coi trọng. Trong triết lý sống, cán bộ lãnh đạo cần làm gương để giáo dục lớp trẻ sự hoàn thiện nhân cách: tôn trọng những giá trị tinh thần cũng ngang bằng với những giá trị vật chất (nếu không muốn nói là hơn). Trong quá trình đô thị hóa có bao nhiêu việc lớn phải làm: quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và quy hoạch các thiết chế văn hóa, xây dựng tượng đài, xanh hóa đường phố và các công trình công cộng như công viên, trường học, bệnh viện, thực hiện văn hóa giao thông theo những quy chuẩn cần đủ từ việc ban hành đồng bộ các văn bản pháp lý, người quản lý đô thị, người cảnh sát giao thông, người tham gia giao thông... Tất cả đều đòi hỏi sự tự ý thức tức là nhân cách văn hóa của mỗi một người. Hồ Chí Minh thường nhắc: “Thực hiện việc tôn trọng nhân cách là làm cho cái tốt trong con người luôn luôn sinh sôi, nảy nở; những cái xấu được dần dần đẩy lùi; làm cho con người trở nên tốt đẹp nhờ tự phê bình và phê bình”. Con người không phải lúc nào cũng tự làm chủ được bản thân nhất là số đông cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm trong tay quyền lực về các dự án lớn, tài chính, tiền tệ, đất đai, tài nguyên... nên phải nhờ vào những biện pháp giáo dục, nhưng quyết định là tự giáo dục. Hiện nay nhân dân thích câu nói của người xưa đối với loại cán bộ nói hay, vỗ tay dở: “Kim ngô ư nhân dã, thính kỳ ngôn, quan kỳ hành”. Những hình thức xử phạt nghiêm khắc, dù là bằng các chế tài pháp lý cao nhất, dù là bằng phạt tiền rất nặng, suy cho cùng, chỉ là tình thế, nếu như ý thức con người không được tự kỷ, tiên trách kỷ khi vấp sai lầm, thậm chí dẫn đến hành vi vô luân, vô đạo. Một số không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ nắm trong tay quyền lực lớn, phai nhạt lý tưởng, đạo đức suy đồi, lối sống buông thả là do họ “đức ít mà ân sủng nhiều, tài ít mà địa vị cao, công nhỏ mà bổng lộc lớn”, người xưa cho đó là tam đại họa. Nghị quyết Trung ương IV (khóa XI) là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với họ và khuyến khích dư luận rộng rãi, sự giám sát công khai của các tổ chức quần chúng. Căn bệnh nan y đã được phát hiện, chỉ chờ những phương thuốc điều trị hữu hiệu. Ở đây đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, kiên tâm trong tự phê bình và phê bình: một hành vi văn minh, văn hóa, chứ không vùi dập con người. Để xác lập “tư cách một người cách mạng” tức là cái tôi của thế giới bên trong, Bác nêu những chuẩn mực súc tích, dễ hiểu: “Tự mình phải hy sinh, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, ít lòng ham muốn về vật chất. Đối với người phải: có lòng bày vẽ cho người, với đoàn thể thì nghiêm, đối với việc phải phục tùng đoàn thể”...

Nhân cách văn hóa là cái tôi chân chính, hài hòa giữa lợi ích chung và quyền lợi riêng, giữa cái cộng đồng và cái cá nhân, giữa trách nhiệm và hưởng thụ. Giải quyết mối quan hệ này là một cuộc vật lộn triền miên. Ý thức cá nhân thường quyết định. Không thể một lúc, vài năm cải tạo được toàn xã hội nhưng có thể cải tạo từng bước gập ghềnh của mỗi cá nhân. Đòi hỏi rất cao đối với chính mình trong tu dưỡng tâm tính là dấu hiệu nhân cách văn hóa.

_______________

1. Bác Hồ về nước, Nxb Văn học, Hà Nội, 1995, tr.144. Tư tưởng đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhiều bài nói, bài viết, diễn văn, thư chúc tết, thơ văn của Người kể từ Cách mạng tháng Tám cho đến lúc Người ra đi.

             2. Hồ Chí Minh, Tuyển tập văn học, tập 2, Nxb, Văn học, Hà Nội, 1995, tr.195,196.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 335, tháng 5-2012

Tác giả : Hồ Sĩ Vịnh

;