Ánh Tuyết với nhạc sĩ Văn Cao mà tôi biết

Ca sĩ Ánh Tuyết và nhạc sĩ Văn Cao chụp ảnh lưu niệm trong một lần gặp nhau tại TP.HCM năm 1994

Phải thú thực, tôi chơi với ca sĩ Ánh Tuyết cũng đã tới hơn 30 năm và dường như trong suốt chừng ấy năm, mỗi lần ra Hà Nội biểu diễn thì dù bận đến mấy chị cũng đều ghé thăm nhạc sĩ Văn Cao và phu nhân. Sau này, khi ông đã tạ thế, chị vẫn thường xuyên lui tới gia đình mỗi khi diễn ở Hà Nội - điều đó thể hiện nhân cách và con người của nghệ sĩ Ánh Tuyết đối với một nhạc sĩ tài danh, mà nhờ những tác phẩm của ông đã đưa cuộc đời, sự nghiệp của Ánh Tuyết đến gần hơn với công chúng. Và cũng phải khẳng định một điều rằng, ca sĩ Ánh Tuyết là một người đặc biệt, bởi cách đây cả vài thập niên, khi mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam còn chưa được thành lập thì mỗi lần, dù ít dù nhiều, khi biểu diễn tác phẩm của Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Hoàng Giác, Doãn Mẫn, Nguyễn Thiện Tơ... chị cũng đều trực tiếp hoặc nhờ qua tôi và bạn bè mang một chút tác quyền đến cảm ơn các nhạc sĩ. Đó là điều khiến tôi vô cùng cảm phục, trân trọng chị, bởi đã hơn 30 năm chúng tôi quen biết nhau đến giờ chị vẫn sống như vậy. Làm việc hết mình, không mong cầu danh lợi, sống cởi mở, chân thành, chia sẻ, yêu thương mọi người một cách vô điều kiện.

Cuối tháng 10 ca sĩ Ánh Tuyết ra biểu diễn trong một chương trình truyền hình trực tiếp của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Tôi đi với Ánh Tuyết đến thăm và đã có một cuộc trò chuyện thú vị cùng bà Nghiêm Thúy Băng - phu nhân nhạc sĩ Văn Cao.

Ánh Tuyết thể hiện ca khúc hát Buồn tàn thu trong chương trình Giới thiệu tác giả tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao vào cuối tháng 7/1993 tại TP.HCM và từ đêm nhạc này chị đã trở nên nổi tiếng

Ở tuối 92, dù đi lại chậm chạp, khó khăn do tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng những câu chuyện bà kể thật tinh tường, minh triết. Niềm vui thể hiện rõ trên gương mặt, ánh mắt và nụ cười khi bà nhìn thấy và ôm chầm lấy ca sĩ Ánh Tuyết trong sự xúc động.

Sau khi thắp nhang tưởng nhớ nhạc sĩ Văn Cao, ca sĩ Ánh Tuyết chậm dãi hỏi thăm sức khỏe của phu nhân và câu chuyện về một thời quá vãng cứ thế hiện về. Ca sĩ Ánh Tuyết như chợt bừng tỉnh, chị bật volum chiếc điện thoại và nâng sát lên tai bà Nghiêm Thúy Băng. Tiếng nhạc rồi tiếng hát cất lên, bà lặng đi, dường như bất động, cả chúng tôi cũng lặng theo bà chỉ để tiếng hát ngân rung khi thì thủ thỉ tâm tình, lúc thì nức nở như từng giọt rơi thấm vào tâm can mỗi người cho tới khi bản nhạc kết thúc.

Sau vài giây im lặng, bà Nghiêm Thúy Băng thốt lên: “Nhớ! - Nhớ quá! Ánh Tuyết hát bằng cả trái tim” (vừa nói bà vừa đưa tay để lên tim mình), rồi bà quay sang níu vai ca sĩ Ánh Tuyết để hôn lên hai má chị đầy yêu thương, cất giọng chậm dãi: “30 năm rồi, tiếng hát vẫn thế, từ trái tim đến trái tim, càng ngày Tuyết hát nghe càng hay, càng thấm...”. Đến lúc này, ca sĩ Ánh Tuyết mới thảng thốt: “Ôi! Đúng rồi, vậy là tròn 30 năm cái ngày đầu tiên con tới ngôi nhà 108 Yết Kiêu này để gặp ông. Thời gian thật kinh khủng và bà cũng thật là nhớ!”.

Không đợi Ánh Tuyết dứt lời, bà Thúy Băng quay qua chúng tôi nói: “Khi lời ca hiện ra, Ánh Tuyết hát bằng cả trái tim - tôi nhớ lắm, bởi người nhạc sĩ sáng tác bằng cả trái tim của mình mới làm được những vần thơ. Từ câu thơ mới trở thành bản nhạc và từ bản nhạc đã tạo nên hình ảnh... Tất cả tạo nên một bức tranh tổng thế bằng âm thanh về nhân tình thế thái, về đất nước, về con người Việt Nam. Ánh Tuyết hát rất đẹp!”.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao đã dành nhiều lời khen tặng cho Ánh Tuyết, bởi Ánh Tuyết đã thấu cảm được ca từ, giai điệu của tác phẩm và cất lên tiếng hát nức nở bằng những rung cảm, thẳm sâu trái tim người nghệ sĩ mà khi nghe, nhạc sĩ Văn Cao đã phải thốt lên rằng: Ánh Tuyết là người đã chạm được vào những rung cảm của giai điệu bài hát và trình diễn nó theo cách mà ông hài lòng nhất

Còn ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ: “Mỗi khi hát tác phẩm thì lại rất nhớ nhạc sĩ Văn Cao. Đã tròn 30 năm từ cuối tháng 7 năm 1993 gặp nhạc sĩ và hát bài Buồn tàn thu trong đêm nhạc của ông tại TP.HCM và cũng nhờ đêm nhạc đó, âm nhạc Văn Cao đã chắp thêm đôi cánh để Ánh Tuyết bay trên bầu trời âm nhạc, đến với khán giả và để được yêu thương nhiều hơn. Mặc dù nhiều lần tới ngồi nhà 108 Yết Kiêu này, nhưng trở lại Hà Nội vào đúng mùa thu nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao, một lần nữa hát Buồn tàn thu và được ngồi ở đây - chính ngôi nhà này, khiến Tuyết như thấy ông vẫn còn đây với chén rượu nhỏ trên tay, đối diện với Ánh Tuyết trong căn phòng này. Ánh Tuyết nhớ lần ấy đến là để hỏi ông về sự ra đời của tác phẩm Trương Chi và Tuyết đã biết phải trình bày tác phẩm như thế nào cho đúng với tinh thần của Văn Cao nhất. Tuy nhiên, thời gian cứ chầm chậm trôi trong tĩnh lặng, ông chỉ ngồi nhìn ra khung cửa sổ, hướng lên bầu trời với một ánh mắt vời vợi như nghĩ đến một điều gì đó xa xăm, rất khó nói ra, nhưng Ánh Tuyết lại cảm nhận được thẳm sâu trong tâm tưởng của ông một cảm xúc cũng rất khó diễn tả bằng lời. Sau 3 tiếng đồng hồ ông cất giọng nhẹ nhàng: “Trương Chi là tôi đấy!!!”. Cứ thế, Ánh Tuyết tự nghiền ngẫm từng câu, từng chữ trong cả nhạc và lời để thẩm thấu, để cảm nhận và để hát lên tất cả nỗi lòng của người nhạc sĩ và sau này, nghe nhiều người kể lại, nhạc sĩ Văn Cao đã rất hài lòng với những gì Ánh Tuyết trình bày trong âm nhạc của ông.

Sau khi nghe lại ca khúc Buồn tàn thu do Ánh Tuyết thể hiện bà Nghiêm Thúy Băng - phu nhân nhạc sĩ Văn Cao níu vai, hôn lên má chị đầy yêu thương

Cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao đã trải qua biết bao thăng trầm với quá nhiều những trúc trắc, trăn trở của cuộc sống. Những sáng tác ở cả ba lĩnh vực: Âm nhạc - Hội họa - Thi ca đều đã được kiểm chứng và sàng lọc qua thời gian và được công chúng mọi tầng lớp trong xã hội thẩm thấu và đến giờ, những tác phẩm ấy vẫn trường tồn cùng năm tháng thì chẳng thể đem ra so sánh, bởi đó là những giá trị nghệ thật đích thực - nghệ thuật vị nhân sinh. Với những gì mà ông dâng hiến, để lại cho đời khẳng định âm nhạc của Văn Cao toát lên sự tinh khiết và tinh tế, sâu sắc và nhân văn trong cả ngôn từ, âm nhạc và màu sắc. Trong tác phẩm của ông, mỗi câu nhạc, tiết nhạc đã chạm đến cảm xúc của người nghe và nếu chú tâm, bạn có thể cảm nhận được ở những thanh âm, giai điệu ấy có độ sáng, độ sâu từ thăm thẳm trái tim mình; trong tâm hồn, trong ý nghĩ của mình. Chúng ta có thể hát bất cứ bài hát nào của Văn Cao, nhưng không dễ để biểu đạt được cảm xúc trong những sáng tác ấy. Và với ca sĩ Ánh Tuyết thì: “Nhạc sĩ Văn Cao là người kiệm lời, kiệm biểu cảm. Ông thường ngồi trầm ngâm và nhìn ra bầu trời. Ánh Tuyết luôn có cảm giác trong ông luôn đau đáu điều gì đó ở trong lòng rất khó để nói ra bằng lời. Ánh mắt ông lúc nào cũng sáng lên một niềm mơ ước. Ông có nụ cười nhẹ, rất gọn và thấm đời, thấm người, thấm tâm can. Ngày đó Ánh Tuyết còn rụt rè, sợ sệt và không suy nghĩ nhiều như bây giờ, nhưng trải qua 30 năm thì càng để tâm vào dòng chảy âm nhạc của ông, Tuyết càng say và càng hát sẽ càng thấu từng ca từ, ý nhạc, bởi mỗi nốt nhạc, ca từ của ông đều có ấn ý ở trong đó”. 

Viết đến đây, tôi cũng chợt nhớ câu nói của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha trong câu chuyện với báo chí sau đêm nhạc Đàn chim Việt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao, rằng: “để hát được Văn Cao là cả một câu chuyện Văn hóa”.

TRẦN LỆ CHIẾN - Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

Nguồn: Tạp chí VHNT số 556, tháng 12-2023

;