Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam (1973 - 2014), Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM phối hợp với Báo Tuổi trẻ, Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM tổ chức Cuộc thi sáng tác thơ Haiku Nhật - Việt lần thứ 4 (năm 2013) bằng tiếng Nhật và tiếng Việt.
Cuộc thi chính thức bắt đầu từ ngày 10-7-2013 có 94 người với 204 bài dự thi bằng tiếng Nhật, và 700 người với 1837 bài dự thi bằng tiếng Việt. Trải qua quá trình làm việc liên tục, công bằng, cẩn trọng, vào ngày 7-12-2014 Ban tổ chức và Ban giám khảo đã trao 24 giải thưởng cho 24 tác giả gồm 2 giải nhất, 2 giải nhì và 20 giải khuyến khích chia đều cho cả tiếng Nhật và tiếng Việt. Sau khi giải thưởng được trao tặng, Ban tổ chức tiếp tục tập hợp, biên tập và in ấn cuốn sách giới thiệu những thông tin cần thiết của cuộc thi và các bài thơ đạt giải. Từ ngày 15-3-2014, gần 800 người tham gia dự thi trên khắp mọi miền đất nước vui mừng nhận được cuốn sách này.
Bên cạnh những ấn tượng về sự kiện kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam, về tình đoàn kết hữu nghị hai nước là ấn tượng đặc biệt sâu sắc về những bài thơ đạt giải tại cuộc thi.
Thơ haiku là thể thơ ngắn nhất thế giới của Nhật Bản, có lịch sử hơn 400 năm và phát triển mạnh vào nửa đầu thời kỳ Edo (1603 - 1868), khi nhà thơ nổi danh Matsuo Basho của Nhật sáng tác các bài thơ miêu tả thiên nhiên và thế giới xung quanh trong chuyến du hành khắp đất nước Nhật Bản. Thơ haiku tiếng Nhật trên nguyên tắc bắt buộc phải sử dụng kigo - quý ngữ (dấu hiệu cho biết bài thơ đang miêu tả mùa nào), đọng lại cho người đọc cảm xúc hay suy tư sâu sắc. Thơ Haiku ngày nay đã vượt qua biên giới, được nhiều quốc gia như châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi, châu Á sáng tác bằng chính ngôn ngữ bản địa cho thấy văn hóa haiku đang được lưu truyền rộng rãi. Ở Việt
Giám khảo tiếng Nhật Nakano Touon đánh giá: “Bài thơ nào cũng chìm đắm vào dòng cảm xúc thực, thể hiện tình cảm sâu lắng về vẻ đẹp muôn màu khiến tim tôi lay động”:
Trời mưa
Cày bừa
Nghĩ tới ngày mai
(Đặng Trần Bảo Khánh, giải nhất thơ haiku tiếng Nhật)
Chỉ với tám âm tiết, tác giả đã vẽ nên một bức tranh lưỡng trị vô cùng quyến rũ trước mắt người đọc. Đầu tiên là bức tranh thiên nhiên đẹp đến nao lòng với tông màu bạc dịu nhẹ. Đồng ruộng mênh mông trở nên hư ảo dưới màn mưa nhạt nhòa. Mặc cho mưa rơi, mặc cho gió thổi, người và trâu vẫn cùng nhau chăm chỉ, nhẫn nại theo từng luống cày quen thuộc. Dưới sự bất thường của thời tiết, cánh đồng và bầu trời như hòa nhập vào nhau. Con người là dấu hiệu duy nhất để phân biệt ranh giới giữa trời và đất. Hoạt động cày ruộng như đang vạch đất vén trời để giành lấy không gian cho hạt giống lên xanh.
Tiếp theo là bức tranh tâm cảnh thấp thoáng hiện ra thật kỳ diệu. Niềm tin vào tương lai trở thành sức mạnh phi thường giúp con người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của thiên nhiên và công việc. Ước mơ tạo nên sức mạnh và con người cường tráng bởi chính ước mơ đó. Hai bức tranh này hòa quyện vào nhau, gắn kết với nhau không thể tách rời tạo thành một bức tranh lưỡng trị đẹp đến nao lòng. Đúng như giám khảo Nakano Touon nhận định: “Bất chấp ngoài trời đang mưa vẫn ra đồng cày ruộng. Tâm trạng háo hức mong chờ hạt giống nảy mầm, cây con sinh trưởng báo hiệu một mùa gặt sắp đến. Tác phẩm bộc lộ tràn ngập niềm vui làm việc, hân hoan kỳ vọng vào ngày mai”.
Trên lá môn non
Giọt sương đọng
Vầng trăng tý hon
(Trần Đức Việt, giải nhất thơ haiku tiếng Việt)
Bài thơ cũng giống như giọt sương đọng trên đầu lá môn non, vô cùng nhỏ bé, nằm chênh vênh giữa đôi bờ tồn tại và hư vô nhưng lại chứa đựng trong nó cả một tiểu hành tinh vô cùng sống động. Bài thơ là một phát hiện vi tế, nó thể hiện đúng tinh thần của “thơ haiku với nghệ thuật diễn đạt giản dị mà cao siêu, bình dân mà sang trọng, chân chất mà bác học, nhỏ bé mà bao la… và thật ra, những giới hạn của các cặp khái niệm đối ngược vừa nêu cũng chưa diễn tả chính xác, hoàn hảo tinh thần của haiku, bởi haiku là sự hữu hạn nhưng vô cùng, là cái chính là của tất cả những gì thuộc về uyên nguyên của cuộc sống” (đánh giá của giám khảo thơ haiku tiếng Việt Nguyễn Thị Thu Nguyệt).
Chiều siêu bão
Mèo và chuột
Chung căn nhà hoang
(Hồ Thị Cẩm Nhung, giải nhì thơ haiku tiếng Việt)
Một cách diễn đạt cực kỳ sâu sắc, hình ảnh thơ ấn tượng, từ ngữ ít, giản dị nhưng chứa đựng cả một triết lý lớn… Bình thường, người ta có thể tranh giành lẫn nhau, thậm chí đối đầu nhau một cách không khoan nhượng, nhưng khi gặp hoàn cảnh khó khăn người ta có thể bỏ qua mọi thù hận để cùng nhau chống chọi và vượt qua gian nan, thử thách. “Hình ảnh hai đối tượng đối nghịch, xưa nay tuyệt nhiên không thể cùng chung, nhưng trong cơn hoạn nạn lại có thể cùng nhau trong một nơi trú ẩn. Chiều siêu bão đem đến đầy đủ thông tin về một sự khủng khiếp: không phải là cơn bão bình thường mà là một cơn bão dữ dội tàn khốc; buổi chiều càng gợi lên sự cuối, đuối sau những vật vã chống chọi trải qua… để hai đối tượng thù địch có thể dịu hòa ranh giới” (đánh giá của giám khảo thơ haiku tiếng Việt Nguyễn Thị Thu Nguyệt).
Chân trời
Đăm đăm nhìn
Giấc mơ của tôi.
(Hoàng Thị Láng, giải nhì thơ haiku tiếng Nhật)
Không gian địa lý mênh mông mở rộng về phía chân trời xa thẳm cũng là không gian để ước mơ vươn cao, vươn xa mãi. Cả hai cùng chắp cánh cho nhau lan tỏa vô hạn vô hồi. Nhưng nếu mới dừng lại ở đó thì bài thơ cũng không có gì đáng nói. Điều ấn tượng nhất là giấc mơ của con người đã mạnh mẽ vượt lên khỏi giới hạn của chân trời rất xa khiến cho chân trời ấy phải đưa mắt nhìn về phía giấc mơ. Như vậy, mơ ước, khát khao không còn là cái hữu hạn mà đã vượt lên thành cái vô hạn của vô hạn. Chân trời là cái vô hạn, đứng ở đây nhìn về phía xa, nơi ấy là chân trời nhưng khi ta tìm đến nơi, chân trời lại lùi về phía xa trước mặt.
Em che nón sang sông
Sông làng hóa biển
Anh trong sáng chơi vơi.
(Nguyễn Hoàng Linh, giải khuyến khích thơ haiku tiếng Việt)
Một cảm giác trống trải đến khủng khiếp khi em che nón sang sông. Tất cả vẫn còn đó: dòng sông, cây đa, bến nước, con đò, bờ đê, bãi bắp… nhưng trở nên chênh vênh theo bước chân sang ngang của em. Tất cả như đứt mối liên hệ và vỡ vụn ra thành những mảnh vỡ nhói buốt trong lòng anh. Con sông quê bên lở bên bồi thân yêu đến vậy, bỗng trở thành biển khơi với trăm ngàn con sóng lớn ngày đêm gào thét. Con sông nhỏ, hiền hòa ngày nào trở thành đối tượng ngăn cánh đôi ta vĩnh viễn. Bên kia sông em có hạnh phúc với người. Bên này sông anh chơi vơi trong tình yêu trong sáng ngày nào…
Cuộc thi và những bài thơ đạt giải đã để lại trong lòng chúng ta nhiều ấn tượng sâu sắc, nhiều khoái cảm thẩm mỹ tuyệt diệu. “Thay cho lời kết, với tư cách là giám khảo đánh giá các bài thơ dự thi, tôi xin chúc: thông qua thơ haiku ngắn nhất thế giới, tình hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ sâu sắc hơn, mối giao lưu giữa hai quốc gia sẽ ngày càng nở rộ hơn” (giám khảo Nakano Touon).
Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014
Tác giả : Nguyễn Thanh Tuấn