ÂM HƯỞNG HÒ SÔNG MÃ TRONG MỘT SỐ CA KHÚC VIẾT VỀ THANH HÓA

         Thanh Hóa, đất rộng người đông, có đủ bốn vùng kinh tế và dân cư: miền núi, trung du, đồng bằng, miền biển, cùng hệ sinh thái phong phú và đa dạng. Thanh Hóa có vị trí chiến lược quân sự trọng yếu, là huyết mạch giao thông nối liền hai miền Nam - Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ở TK XX, Thanh Hóa cũng như các tỉnh miền Bắc là hậu phương lớn chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam, mặt khác Thanh Hóa cũng được xem như một chảo lửa khi phải đối đầu trực tiếp với sự oanh tạc bằng không chiến của Mỹ. Trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ ấy, người dân Thanh Hóa vẫn cất cao tiếng hát động viên lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ, tô đẹp và làm dày thêm truyền thống yêu nước cho mảnh đất xứ Thanh.

Nhìn vào điều kiện tự nhiên thì môi trường sông nước xứ Thanh đã tạo nên những điệu hò lao động, hò giao duyên rất đặc sắc. Hò là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian được nhiều người yêu thích, nảy sinh rất sớm từ trong lao động tập thể thời xa xưa. Có thể nói ở đâu có hát là ở đó có hò, bởi cặp từ hát - hò được sử dụng phổ biến trong ngôn ngữ thường nhật. Nếu dòng sông Hương thơ mộng, nước chảy hiền hòa đã tạo ra những điệu hò mái nhì, mái đẩy trầm tư, sâu lắng; cánh đồng bát ngát, mênh mông nước vùng Đồng Tháp Mười cùng với những kênh rạch chằng chịt ở Nam Bộ đã tạo nên điệu hò Đồng Tháp trữ tình, mênh mang... thì sông Mã, được mệnh danh là con ngựa bất kham với dòng nước xiết chảy qua bao thác ghềnh đã tạo nên câu hò sông Mã khoẻ khoắn, khẩn trương với tiết tấu nhanh. Hò sông Mã, đã đi vào thi ca: “Câu hò ướt đẫm mồ hôi”... là một sản phẩm tinh thần đặc trưng của mảnh đất xứ Thanh.

Dòng sông Mã nói riêng và mảnh đất Thanh Hóa anh hùng nói chung, luôn là đối tượng dành được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhạc sĩ có tên tuổi. Trong giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều nhạc sĩ đã viết và để lại cho mảnh đất này không ít ca khúc bất hủ. Điều đặc biệt là khi viết về mảnh đất này, các nhạc sĩ thường chú trọng đến việc sử dụng âm hưởng hò sông Mã một cách tinh tế để đưa vào trong tác phẩm của mình. Có thể kể đến một số bài hát điển hình có sử dụng âm hưởng hò sông Mã như: Chào sông Mã anh hùng của Xuân Giao, Thanh Hóa anh hùng của Hoàng Đạm, Những cô gái tỉnh Thanh của Phúc Minh, Về theo câu hò sông Mã của Huy Thục...

Trong chủ đề ca ngợi Thanh Hóa với truyền thống anh hùng cách mạng, trước hết ta phải nói đến ca khúc Thanh Hóa anh hùng của Hoàng Đạm. Bài hát ra đời năm 1965, ngay sau chiến thắng oanh liệt của quân dân Thanh Hóa mà tiêu điểm là Hàm Rồng - Nam Ngạn, trong hai ngày mùng 3 và mùng 4-4-1965 đã bắn hạ 47 máy bay của giặc Mỹ trên bầu trời xứ Thanh. Cái không khí chiến thắng đó, có lẽ là nguồn cảm hứng trực tiếp đầu tiên để nhạc sĩ Hoàng Đạm lựa chọn đề tài. Một cách tư duy kết hợp giữa tính thời sự, thời đại và truyền thống đã được gói gọn ngày trong nội dung bài hát. Bởi vậy, bài hát ngay từ khi mới ra đời đã tạo được sức lay động mãnh liệt trong lòng người nghe. Thanh Hóa anh hùng là nguồn động viên rất lớn và kịp thời, làm cho quân, dân Thanh Hóa phấn khởi, phát huy được tối đa nội lực, hăng hái bước vào cuộc chiến đấu mới ác liệt hơn.

Bài hát được viết ở hình thức hai đoạn đơn (có thêm phần mở đầu và kết bổ sung), với những âm hình nốt đen cộng móc đơn chấm dôi đi liền móc kép tạo thành giai điệu chắc, khỏe, vừa mang hơi hướng của tính chất hành khúc, vừa mang hơi thở của nhịp điệu lao động. Nhạc sĩ Hoàng Đạm ý thức rõ được cái đặc sản tinh thần của người dân Thanh Hóa, nên ông đã chủ ý dựa trên lối cấu trúc dân gian có phần xô, phần xướng của các điệu hò sông Mã để làm cơ sở cho việc tạo dựng một cấu trúc riêng cho tác phẩm của mình. Về giai điệu, toàn bài được sử dụng gần như nguyên dạng chất liệu âm nhạc của hò sông Mã nhưng không phải lấy nguyên một làn điệu cụ thể nào, mà chất liệu đó được đan xen từ nhiều điệu hò để thành một nét nhạc riêng cho bài ca, nhưng cũng rất sông Mã. Chẳng hạn hò sông Mã:

 

thì trong Thanh Hóa anh hùng của Hoàng Đạm:

 

Phần xướng (do một người hát) là lời nhắn gửi: “Ai về Thanh Hóa anh hùng, miền quê Lê Lợi đã lừng sử xanh. Cho gửi cho nhắn lời mừng, mừng tin thắng trận nức lòng quân dân”. Rõ ràng lời ca kết hợp với âm nhạc ở phần xướng có khả năng khơi gợi vô cùng mạnh mẽ đối với người nghe, chiến thắng nức lòng quân dân đó là sự thật, nhưng chiến thắng đó là được kết dệt từ truyền thống của miền quê Lê Lợi đã lừng sử xanh. Có thể nói đây cũng là một điểm nhấn của bài hát, điểm nhấn này dễ làm rung động người nghe trong thời điểm của khói lửa chiến tranh lúc ấy, và cả bấy giờ cũng vậy.

Âm nhạc đoạn một được phát triển tập trung ở hai điệu chính là Hò đường trườngHò xuôi nhịp đôi hai. Ở đoạn hai, tác giả xây dựng bằng thủ pháp nhắc lại đoạn một nhưng nhân đôi trường độ, mở rộng cấu trúc, tạo dựng nên một nét nhạc hào hùng, lạc quan yêu đời phù hợp với nội dung lời ca, mô tả niềm vui chiến thắng của quân dân ta trong cuộc kháng chiến. Mấy ô nhịp trích trong Thanh Hóa anh hùng dưới đây là ví dụ:

 

Phần xô trong bài (do tập thể hát) tạo được sự hưởng ứng của tập thể bằng một âm hưởng khỏe khoắn, hoành tráng do khả năng phát triển khá chặt chẽ các yếu tố âm nhạc và lời ca đặc trưng của phần xô trong điệu hò đường trường, hò xuôi nhịp đôi một, hò xuôi nhịp đôi haihò ru ngủ trong hò sông Mã. Đặc biệt, tác giả rất tài tình khi biến chất liệu khẩn trương, dồn dập của hò vượt thác thành âm hưởng của tiếng cồng trên tổ âm: xon - rê, rồi cho chuyển động sang đô - la - rê, hoặc rê -la - mi để tạo bè tòng đối vị, làm phần đệm cho giai điệu của đoạn hai. Với chất liệu này, chúng ta nghe như âm vang tiếng cồng Ngàn Nưa thời bà Triệu cưỡi voi đi đánh giặc giữ nước đang thúc giục con cháu vượt mọi nguy nan, tiến lên đánh tan đế quốc Mỹ xâm lược.

Chào sông Mã anh hùng là một ca khúc của Xuân Giao sáng tác năm 1967, thời điểm mà đế quốc Mỹ đang đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc ác liệt nhất. Bài hát ra đời như tiếp thêm sức mạnh cho quân dân Thanh Hóa vượt qua mưa bom bão đạn chiến thắng quân thù.

Bài hát được viết ở hình thức ba đoạn đơn. Mỗi câu nhạc, đoạn nhạc trong bài được kết hợp một cách nhuần nhuyễn những kỹ thuật sáng tác ca khúc hiện đại với tư duy và phương pháp xử lý những yếu tố dân gian, để tạo thành một tác phẩm âm nhạc tiêu biểu cho phương pháp sáng tác thời bấy giờ.

Đoạn một của bài hát mở đầu bằng một nét nhạc chậm, trữ tình trên điệu thức 5 âm, với nhiều tổ âm luyến, láy đặc trưng của hò sông Mã đã đưa chúng ta về một vùng quê với không gian mênh mang, tươi đẹp có “đôi bờ sông Mã lá hoa khoe màu”, có “cô dân quân giữ quê nhà cho thuyền ta mãi lướt trên nước sông trời thu trong xanh”.

Chào sông Mã anh hùng

(Trích)

 

Đoạn hai, là một giai điệu khẩn trương, hối hả tương phản với đoạn một. Tác giả đã sử dụng thủ pháp chia cấu trúc thành nhiều chi tiết nhỏ bằng âm hình nốt trắng đầu mỗi ô nhịp, làm ta liên tưởng đến cấu trúc phần xướng, xô trong hò sông Mã, mô tả một miền “đất quê anh hùng, vùi chôn nơi đây xác bao giặc Mỹ” và tinh thần lạc quan của những người con mà “đạn bom không ngăn tiếng ca yêu đời” của họ.

Chào sông Mã anh hùng

(Trích) 

 

Đoạn ba, với âm hưởng chắc khỏe, thể hiện trên điệu thức trưởng bảy âm, cộng với tuyến giai điệu có những bước nhảy quãng xa liên tục đã tạo cho bài ca một âm hưởng hoành tráng trong khung cảnh quê hương “sừng sững bóng cầu Hàm Rồng đứng soi bóng dòng sông Mã chảy mênh mang”, nơi có “tên cô dân quân hiên ngang mãi mãi vang cùng sông Mã kiên cường”.

Có thể nói Chào sông Mã anh hùng là một trong những tác phẩm thanh nhạc thành công nhất của Xuân Giao. Với cấu trúc âm nhạc ba phần tương phản nhưng rất thống nhất về nội dung, với lời ca hào hùng nhưng rất trữ tình, bài hát là một bản anh hùng ca sáng chói chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên quê hương Thanh Hóa. Ngay từ lần đầu tiên được phát trên làn sóng đài tiếng nói Việt Nam, người dân quê Thanh đã nâng niu nó như một biểu tượng anh hùng của quê hương. Ngày nay, bài hát đã được chọn làm nhạc hiệu của Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Thanh Hóa.

Chiến công của những cô gái xứ Thanh trong chiến đấu và xây dựng quê hương cũng không ít, chỉ riêng trong thời gian này đã có 6 đơn vị dân quân nữ bắn rơi máy bay Mỹ. Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi: “Thanh Hóa là tỉnh có nhiều đội dân quân gái bắn rơi máy bay giặc Mỹ. Đó là vinh dự chung của tỉnh nhà và phụ nữ cả nước ta”. Trong những chiến công đó, đã có nhiều tấm gương kiên cường đã đi vào sử sách.

Bài hát Những cô gái tỉnh Thanh của Phúc Minh ca ngợi tấm gương kiên trung của những cô gái quê Thanh “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, họ là những “cô công nhân máy điện coi thường đạn bom giữ máy quay nhanh”, những cô gái “bao lần đạp bom đi cấy chăng dây”, những “cô công nhân tuyến đường bao lần gạt bom giữ vững giao thông”…

Bài hát được viết ở hình thức 3 đoạn đơn. Đoạn một của bài hát được sử dụng những nét giai điệu gần như nguyên dạng chất liệu âm nhạc hò sông Mã trong điệu hò ru ngủ:

 

thì nhạc sĩ Phúc Minh sử dụng chất liệu ấy trong:

Những cô gái tỉnh Thanh

(Trích)

 

Đoạn hai lại là một giai điệu khẩn trương hối hả tương phản với đoạn một. Tác giả đã dựa trên lối cấu trúc dân gian có phần xô, phần xướng của điệu hò sông Mã làm cơ sở cho việc tạo dựng cấu trúc riêng cho tác phẩm của mình.

Những cô gái tỉnh Thanh

(Trích)

 

Đoạn ba được tái hiện lại giai điệu của đoạn một, tạo một nét nhạc nhẹ nhàng, trữ tình nhưng cũng rất hoành tráng trong khung cảnh “lúa quê ta chen hố bom vẫn một màu xanh năm tấn” và vẫn “có cô dân quân Nam Ngạn bên Hàm Rồng vai mang súng hiên ngang”… đó cũng là hình tượng điển hình những người con gái trung kiên trong phong trào ba đảm đang thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Bài hát như khẳng định thêm đức tính cao đẹp của người con gái xứ Thanh nói riêng, người con gái Việt Nam nói chung, họ luôn xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng: anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang.

Ngoài ba ca khúc: Chào sông Mã anh hùng, Thanh Hóa anh hùng, Những cô gái tỉnh Thanh, còn rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ khác viết về quê hương Thanh Hóa có sử dụng âm hưởng hò sông Mã. Tuy nhiên chỉ với ba ca khúc nêu trên, chúng ta cũng phần nào khẳng định thành công của các nhạc sĩ là đã nắm được những quãng đặc trưng của hò sông Mã, thủ pháp bè tòng và cách sử dụng chất liệu dân gian đặc trưng của vùng miền, tạo nên được không khí nhịp điệu lao động khẩn trương của nhân dân Thanh Hóa trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

           Những ca khúc viết về Thanh Hóa thời kỳ chống kháng chiến chống Mỹ, có thể coi đó như những bản anh hùng ca trong thiên anh hùng ca của dân tộc Việt Nam suốt chiều dài của lịch sử. Mặc dù các chứng tích chiến tranh có thể sẽ bị phai mờ theo năm tháng, nhưng âm hưởng hò sông Mã qua các ca khúc hào hùng viết về Thanh Hóa trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ vẫn còn vang vọng đến hôm nay. Nó là nhựa sống, là nguồn lực tinh thần cho thế hệ trẻ vươn lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 337, tháng 7-2012

Tác giả : Vi Minh Huy

;