Ngày 7-7-2023, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban nhằm đánh giá hoạt động VHNT trong 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Quang cảnh Hội nghị
Chủ trì Hội nghị có: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Đỗ Hồng Quân. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL...
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ báo cáo tại Hội nghị
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã sơ kết hoạt động VHNT 6 tháng đầu năm. Theo ông, trên cả nước, các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm VHNT diễn ra sôi nổi, với các hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng. Những cuộc liên hoan, triển lãm toàn quốc và từng khu vực do Liên hiệp và các Hội VHNT tổ chức góp phần quan trọng vào thúc đẩy sáng tạo và xây dựng phong trào. Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thành công chuỗi các hoạt động kỷ niệm nhân 70 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023), 75 năm ngày thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam (27/4/1948 - 27/4/2023), khẳng định vai trò, tạo ấn tượng sâu đậm đối với các cấp, các ngành, trong hội viên và công chúng yêu nghệ thuật cả nước.
Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, có chất lượng. Phong trào VHNT quần chúng ở cơ sở được quan tâm, đầu tư. Hoạt động của các đơn vị nghệ thuật tiếp tục được phục hồi. Các loại hình nghệ thuật có những tìm tòi, đổi mới đáng trân trọng. Đời sống sân khấu thực sự sôi động trở lại với sự xuất hiện của một loạt liên hoan, cuộc thi với quy mô toàn quốc và quốc tế được tổ chức, cho thấy dù đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong sự cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí hiện đại, nhưng sân khấu kịch hát truyền thống, các nghệ sĩ vẫn nỗ lực vượt khó để duy trì ngọn lửa nghề, góp phần bảo tồn và phát huy di sản VHNT truyền thống của các dân tộc.
Liên hiệp và các Hội VHNT đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến để xây dựng các chương trình phối hợp, liên kết theo nhóm, hình thành các kế hoạch hoạt động hướng về cộng đồng, đưa tác phẩm VHNT đến với công chúng, nhất là công chúng trẻ, cùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tiếp tục được Liên hiệp và các Hội, các đơn vị nghệ thuật hưởng ứng, tham gia tích cực. Công tác chuyển đối số, báo chí, truyền thông trên internet cũng được các hội đầu tư triển khai với những chương trình, đề án cụ thể.
Hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương đi vào hoạt động ổn định, tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác phản biện, xét giải thưởng, triển khai các sinh hoạt chuyên môn, đề tài, hội thảo, tư vấn cho Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức thành công Tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của VHNT Việt Nam”.
Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của Liên hiệp và các hội được tăng cường, thúc đẩy với những sáng kiến thiết thực. Nhiều hội tổ chức thành công các cuộc thi, giao lưu, liên hoan nghệ thuật quốc tế và khu vực tại Việt Nam, tích cực cử đoàn, gửi tác phẩm tham dự các hoạt động VHNT tại nước ngoài, góp phần quảng bá VHNT Việt Nam ra thế giới.
Công tác xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy tiếp tục được các Liên hiệp và các Hội quan tâm, đạt được những kết quả thiết thực. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý lĩnh vực VHNT có nhiều khởi sắc và bước tiến mới.
Các hoạt động VHNT được tổ chức phong phú, chuyên nghiệp hơn
Hội nghị được nghe nhiều báo cáo từ đại diện các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương. NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: Hưởng ứng cuộc phát động sáng tác tác phẩm Sống mãi với thời gian của Bộ VHTTDL, thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương về chuẩn bị cho những ngày lễ trọng đại của đất nước năm 2025, Hội đã phát động sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài chiến tranh cách mạng, dự kiến tổng kết trao giải vào đầu năm 2024, từ đó, sẽ lựa chọn kịch bản, xây dựng đề án, đặt hàng và xây dựng tác phẩm. Bà bày tỏ mong muốn sẽ tìm ra được những tác phẩm sân khấu có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới.
NSND Thúy Mùi: “Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã chuẩn bị kế hoạch năm 2024”
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: năm 2023, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam thành công tại Hoàng thành Thăng Long, đổi mới về địa điểm và phương thức tổ chức, kết hợp với sân khấu tạo thành không gian đầy màu sắc. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ sự trăn trở về sự thưa vắng của đội ngũ sáng tác, đặc biệt là tác giả người dân tộc thiểu số.
PGS, TS Đỗ Hồng Quân phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, PGS, TS Đỗ Hồng Quân chia sẻ công tác chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (dự kiến tổ chức vào ngày 25-7-2023): tổ chức chuyến hành hương về nguồn (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ), nơi thành lập và đặt trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam); phối hợp với Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất phim tài liệu “Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam - 75 năm - một dòng chảy”; Thời báo Văn học, Nghệ thuật tổ chức Cuộc thi tiểu thuyết Thời báo Văn học, Nghệ thuật lần thứ nhất và Cuộc thi tìm hiểu 75 năm xây dựng và phát triển Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã giải đáp một số vấn đề còn vướng mắc trong việc thực hiện, tổ chức các hoạt động VHNT; quy định về việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; việc cấp giấy phép cho các Hội…
Tiếp tục tập trung, phối hợp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đề nghị Liên hiệp, các Hội và các cơ quan liên quan cần tiếp tục tập trung, phối hợp triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc, đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, VHNT đến đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ. Đặc biệt là tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị.
Thứ hai, Liên hiệp và các Hội bám sát hướng dẫn chỉ đạo của Trung ương, chủ động trong thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là góp ý, triển khai kết quả về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu kết luận Hội nghị
Thứ ba, sớm tiến hành các hội nghị sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ, rà soát lại nội dung hoạt động, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện công tác năm và cả nhiệm kỳ; kiện toàn tổ chức, nhân sự các đơn vị theo đúng quy định; quan tâm công tác bồi dưỡng cán bộ, sớm xây dựng đề án quy hoạch cán bộ chủ chốt của Liên hiệp và các Hội.
Thứ tư, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; tuyên truyền về các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước; cổ vũ, động viên văn nghệ sĩ tích cực tham gia hưởng ứng sáng tạo các tác phẩm VHNT về thông tin đối ngoại, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thứ năm, tăng cương vai trò tư vấn, phản biện xã hội, cùng đóng góp, tham mưu xây dựng chính sách, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho VHNT phát triển. Liên hiệp và các Hội tiếp tục quan tâm, đầu tư có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm cho hoạt động thông tin, tuyên truyền, công tác lý luận, phê bình; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực VHNT.
Bài, ảnh: VÂN ANH