Sáng ngày 18-6-2024, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “55 năm ngày Bác đi xa – 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024)”.
Chủ trì Hội thảo có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL, TS Hoàng Đạo Cương; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phan Thị Kim Oanh; Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh GS, TS Lê Văn Lợi; Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam PGS, TS Đỗ Văn Trụ; Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Ths Lê Thị Phượng.
Hội thảo có sự tham gia của 150 đại biểu, là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn, đại biểu các bộ, ngành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, nguyên cán bộ, cán bộ khoa học của Khu di tích và Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng đông đảo lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đánh giá: “Hội thảo "55 năm ngày Bác đi xa - 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024)" là một hoạt động thiết thực và có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Đây là dịp để chúng ta đánh giá công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh, tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước, các đơn vị quản lý, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn sâu để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quốc gia đặc biệt này; để tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần to lớn thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh như Bác Hồ hằng mong muốn”.
Tại Hội thảo, bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch, để khu vực linh thiêng này trở thành khu di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ thiêng liêng, nơi Bác Hồ sống mãi với chúng ta. Tất cả di tích, tài liệu hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đang được bảo tồn nguyên vẹn như sinh thời Người sống và làm việc.
Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Phượng chia sẻ: “Hội thảo nhằm mục đích tổng kết hành trình 55 năm vinh dự, tự hào thực hiện nhiệm vụ chính trị thiêng liêng bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; lắng nghe những kỷ niệm và bài học kinh nghiệm của thế hệ đi trước; tiếp thu ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà khoa học. Xét ở khía cạnh di sản văn hóa, Khu Di tích có những đặc thù hoàn toàn khác biệt, công tác bảo tồn nơi đây được thực hiện trong điều kiện như một kho mở hoàn toàn, vừa làm công tác bảo quản giữ gìn, vừa phát huy giá trị. 55 năm qua, Khu Di tích của Người tại Phủ Chủ tịch đã đón gần 90 triệu khách từ khắp mọi miền đất nước và từ khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến thăm, trong đó có nhiều đoàn nguyên thủ, nhiều đoàn khách cấp cao đã để lại những dòng cảm tưởng trân trọng. Vào những dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc khánh, mỗi ngày Khu Di tích đón hàng vạn lượt người… Những kết quả đạt được của hội thảo sẽ góp phần gợi mở cho Khu Di tích những cách thức tiếp cận mới, phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị vinh dự, cao cả đã được Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ VHTTDL giao phó”.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 55 bài tham luận đầy tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học từ các cơ quan, đơn vị: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước, Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Cục Lưu trữ Trung ương, Bảo tàng Hồ Chí Minh… các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, nguyên cán bộ, cán bộ khoa học của Khu di tích, Bảo tàng Hồ Chí Minh và một số bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương… Các bài tham luận đã đề cập tới nhiều vấn đề sâu sắc, giàu tính gợi mở, tập trung vào những vấn đề sau:
Một là: Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là di tích quốc gia đặc biệt, là một trong số ít di tích còn giữ được tính nguyên gốc, minh chứng sinh động cho tư tưởng, tấm gương đạo đức của vị lãnh tụ cả một đời vì nước, vì dân, vì nhân loại tiến bộ trên thế giới. Hội thảo làm sáng tỏ quá trình hình thành, phát triển, khẳng định, giá trị, ý nghĩa và ưu thế đặc biệt của Khu Di tích Phủ Chủ tịch; nơi đây là địa chỉ đỏ, trường học lớn, sinh động giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho nhân dân trong nước, kiều bào và bạn bè quốc tế.
Hai là: Đề cập đến những hoạt động công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích cùng sự nỗ lực cố gắng của các thế hệ cán bộ; phục vụ khách trong nước và quốc tế đến tham quan học tập tại Khu di tích Phủ Chủ tịch trong 55 năm qua.
Ba là: Trên cơ sở phân tích tình hình hoạt động thực tiễn hiện nay của công tác bảo quản, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh, các tham luận đưa ra những đề xuất, kiến nghị hết sức cụ thể, thiết thực, có tính thuyết phục cao. Đặc biệt là việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ mới vào công tác bảo quản, phát huy giá trị Khu Di tích Phủ Chủ tịch là hết sức cần thiết, nhằm kéo dài tuổi thọ tài liệu hiện vật, gìn giữ nguyên trạng di tích góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho các đối tượng khách tham quan. Những giải pháp mang tính định hướng để bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị Khu di tích trong thời kỳ mới...
GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo
Theo GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Khu Di tích không chỉ ghi dấu những năm tháng Bác Hồ đã sống, làm việc mà thông qua những hoạt động, những kỷ vật được lưu giữ đã toát lên tư tưởng, phong cách của Người. Những giá trị di sản Hồ Chí Minh trong Khu di tích được thể hiện ở các khía cạnh: Dấu ấn cuộc đời hoạt động Cách mạng sinh động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích; Tư tưởng Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích; Phong cách sống hài hòa với thiên nhiên, lối sống giản dị, cao quý.
Theo PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong các di tích lớn nhất, có ý nghĩa quan trọng nhất trong các di tích lịch sử - cách mạng của Việt Nam nói chung và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của cả nước nói riêng. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một ngôi đền thiêng, là nơi hội tụ và lan tỏa tấm gương về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; được làm việc tại Khu Di tích là một vinh dự rất lớn đối với mỗi cán bộ, nhân viên của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Hội thảo đã mang lại cơ sở lý luận và căn cứ thực tiễn để có thể khẳng định rằng: Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong những di tích có giá trị đặc biệt trên nhiều phương diện. Trải qua 55 năm hoạt động và phát triển, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa của Người, đồng thời không ngừng phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thông qua việc nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày tư liệu, hiện vật và tuyên truyền giáo dục rộng rãi bằng nhiều hình thức phong phú tới các địa phương trong nước và quốc tế.
TS Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - vinh hạnh khi có nhiều năm làm cận vệ, canh gác, bảo vệ Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch
Ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Phụ trách Ban Di tích chia sẻ những hồi ức về Bác Hồ
Hầu hết các báo cáo đã có sự liên hệ với đặc điểm tình hình thực tiễn hiện nay của công tác bảo quản, kiểm kê, sưu tầm tài liệu, hiện vật, chỉnh lý trưng bày, công tác phát huy giá trị Khu Di tích Phủ Chủ tịch, công tác phối hợp trưng bày triển lãm chuyên đề với các đơn vị tại các tỉnh thành. Đồng thời, đưa ra những đề xuất, kiến nghị hết sức cụ thể, thiết thực, có tính thuyết phục cao. Đó là cần chủ động và có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày triển lãm và tuyên truyền giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho mọi đối tượng khách tham quan.
Nhiều báo cáo đã đề cập trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ mới vào công tác bảo quản, phát huy giá trị Khu Di tích Phủ Chủ tịch là hết sức quan trọng và vô cùng cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho các đối tượng khách tham quan. Để qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong sự nghiệp đổi mới hôm nay.
Hội thảo cũng cho thấy cần phải tiếp tục phát huy giá trị của Khu Di tích, là “điểm đến”, “điểm nhấn” chính trị - văn hóa trong các chuyến thăm chính thức Việt Nam của lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế. Tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các hoạt động, góp phần thực hiện tốt hơn nữa Đề án tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài nhằm lan tỏa các giá trị di sản Hồ Chí Minh trong cộng đồng quốc tế.
Một góc trưng bày những tư liệu quý nhân kỷ niệm 55 năm ngày Bác đi xa – 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024)
Dưới sự chỉ đạo, quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ VHTTDL, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể quần chúng cùng với những nỗ lực cố gắng của các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động, Khu di tích đã thật sự trở thành nơi hội tụ tình cảm của nhân dân trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, trở thành một “trường học lớn” để nghiên cứu, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với tấm lòng kính yêu đối với Người và với quyết tâm làm tròn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh mà Đảng, Nhà nước đã giao phó, Khu di tích sẽ luôn là địa chỉ đỏ về lịch sử, văn hóa, du lịch của Việt Nam và thế giới để mãi mãi vinh danh người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.
Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG