Nhiều trò chơi dân gian của trẻ em Việt Nam bắt nguồn từ những bài đồng dao, một thể loại văn vần độc đáo của dân tộc. Đấy là những bài ca có nhịp điệu ca từ đơn giản mộc mạc gieo vần một cách thoải mái và rất sảng khoái, có thể ngắn dài bất kì hoặc lặp đi lặp lại không dứt.Trò chơi dân gian chủ yếu dành cho trẻ em ở các vùng nông thôn nên cái tên cũng giản đơn, quê mùa như thằng Tí, con Na, thằng ốc, cái Hến: nào là đánh đáo, đánh quay, nào là đi cà kheo… Hơn nữa các trò chơi dân gian Việt Nam thường giản tiện không cầu kì, tốn kém nên có thể chơi mọi lúc, mọi nơi. Chẳng biết tự bao giờ và bằng cách nào những câu đồng dao ấy đã trở nên quen thuộc và thành một phần kí ức tuổi thơ của mỗi người con làng quê Việt. Để rồi khi ta lớn lên dù có đi đâu về đâu nhưng mỗi khi nhắc đến những trò chơi dân gian như kéo co, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, ném lon, chơi bi…dường như mọi kỉ niệm thời thơ bé lại chợt ùa về. Chính những trò chơi dân gian đó đã nuôi dưỡng và khiến cho đời sống tâm hồn trẻ thơ của mỗi người trở nên phong phú hơn.
Với ý nghĩa sâu sắc đó, Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Hội đồng Trung ương Đội TNTP Hồ Chí Minh xuất bản tập sách 100 trò chơi dân gian cho thiếu nhi. Quyển sách này phần nào giúp các em sẽ hiểu và thêm tự hào về bề dày lịch sử và những truyền thống tốt đẹp của đất nước, quê hương.Cuốn sách cũng sẽ là cẩm nang cho các anh chị phụ trách Đội trong việc tổ chức hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu nhi tại cơ sở.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 307, tháng 1-2010
Tác giả : An Đông