“Văn hóa doanh nghiệp - điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch”

Sáng ngày 26-8-2022, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật phối hợp với Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa doanh nghiệp - điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch”.

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Tuấn Minh

 

Tới dự, chủ trì và chỉ đạo Hội thảo có: PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL.

Cùng chủ trì hội thảo có nhà báo Hoàng Hà, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và PGS, TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển.

Hội thảo Văn hóa doanh nghiệp - điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch có sự tham dự của gần 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, hiệp hội, doanh nghiệp; cùng các phóng viên đến từ nhiều cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội.

Hội thảo là hoạt động thực hiện kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và triển khai chủ đề công tác năm 2022 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”, đồng thời lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong toàn xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nhận định: tình hình kinh tế, xã hội đất nước, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng dịch vụ, hàng hóa bị đứt gãy, thiếu hụt nguồn lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ… Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới sáng tạo với những cách làm hay, hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, vừa phòng/ chống dịch bệnh… Lý giải về nguyên nhân tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đầy khó khăn, thử thách nhưng vẫn trụ vững và phát triển ổn định, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, đó là doanh nghiệp đã xây dựng, kiến tạo những giá trị văn hóa mang tính truyền thống, vững bền, được các thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp và toàn thể cán bộ công nhân viên, người lao động kiên trì, quyết tâm thực hiện, theo đuổi.

PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Tuấn Minh

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã nhấn mạnh: Trong những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà quản lý đề cập đến vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của đất nước nói chung, của doanh nghiệp nói riêng. Đối với doanh nghiệp, giá trị cốt lõi của thương hiệu chính là kim chỉ nam quyết định sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp, đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới, quyết định hướng đi của doanh nghiệp. Tại lễ công bố Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10/11 và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” ngày 7/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia”.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đầy khó khăn: “…Nhiều doanh nghiệp đã gồng mình nỗ lực vượt khó, giữ vững thương hiệu, chủ động thích ứng bằng những phương cách sản xuất, kinh doanh linh hoạt (như làm việc theo ca, làm việc trực tuyến, “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”…), đồng thời, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ, sản xuất. Tiếp tục giữ vững chữ tín, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả phù hợp, quan tâm, chăm lo chế độ, chính sách cho người lao động, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội, đồng thời có những chương trình hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Nhiều mô hình, sáng kiến hay về xây dựng văn hóa doanh nghiệp vượt qua đại dịch của các thương hiệu lớn như: Viettel, VNPT, Vinamilk… sẽ là những gợi ý, những bài học, kinh nghiệm quý để chúng ta có thể tham khảo, vận dụng vào thực tiễn hoạt động kinh doanh của mình trong thời gian tới”. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tin tưởng Hội thảo sẽ đạt được mục tiêu đề ra, góp phần tích cực xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nỗ lực cùng hướng đến mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch - Ảnh: Tuấn Minh

 

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định: Hội thảo là dịp để các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hiệp hội đánh giá, phân tích vai trò, đóng góp của văn hóa doanh nghiệp với phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19; giúp chúng ta nhận diện rõ hơn thực trạng cũng như hiệu quả của xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay trong phát triển bền vững đất nước; đúc rút những bài học kinh nghiệm về mô hình, cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững; từ đó, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thực sự là điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Ông Hoàng Hà, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật phát biểu đề dẫn Hội thảo - Ảnh: Trần Huấn

 

Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, nhà báo Hoàng Hà, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nhấn mạnh: Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp là một trong những phương thức quan trọng để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được ví như “chìa khóa” quyết định sự thành công của các doanh nghiệp.

Những năm qua, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả, tạo sức cộng hưởng, niềm tin giữa doanh nghiệp với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên trong bối cảnh mới, việc xây dựng, thực thi văn hóa doanh nghiệp cũng đứng trước những khó khăn, thách thức và yêu cầu mới. Đặc biệt trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu, làm suy giảm nghiêm trọng nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặc dù cho đến nay, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên, việc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và giải pháp đồng bộ.

Trong bối cảnh đó, nhận diện những khó khăn, thách thức (cả về nhận thức, chiến lược, phương thức quản lý, cơ chế chính sách…) từ đó có giải pháp hữu hiệu phát huy văn hóa doanh nghiệp là việc làm cần thiết để các doanh nghiệp thích nghi với thực tiễn, khẳng định các giá trị bền vững, để phục hồi, phát triển.

“Có hai vấn đề trọng tâm mà chúng tôi mong muốn các đại biểu tại hội thảo hôm nay đi sâu, phân tích làm rõ thêm: Thứ nhất, đó là sự thích ứng, linh hoạt của các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch gắn liền với đổi mới và sáng tạo. Thứ hai, các kiến nghị, giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách để giúp xây dựng văn hóa doanh nghiệp phát triển bền vững”- nhà báo Hoàng Hà nhấn mạnh.

Văn hóa doanh nghiệp - nhận thức sớm và kiên trì thực hiện

Đó là một trong những nhận định của TS Nguyễn Viết Chức trong tham luận Văn hóa doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia. Ông cho rằng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp không dễ, nó phải theo một trình tự, quy trình bài bản, nghiêm cẩn, được chỉ đạo một cách khoa học cùng với chí quyết tâm và lòng kiên nhẫn mới có kết quả tốt. Người đứng đầu doanh nghiệp có vai trò quyết định việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp; toàn thể các thành viên khác của doanh nghiệp đồng lòng là nhân tố quan trọng bậc nhất trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

TS Nguyễn Viết Chức, Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long phát biểu - Ảnh: Tuấn Minh

 

Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải được đặt ra sớm, tốt nhất là trước khi thành lập doanh nghiệp… Doanh nghiệp phải kiên trì thực hiện tuyên ngôn của mình, đến khi nó trở thành thương hiệu, trở thành cái tự nhiên như vốn đã có từ lâu, quen thuộc đối với tất cả nhân viên, với khách hàng và cả những người liên quan không nhiều với doanh nghiệp. Khi ấy, văn hóa doanh nghiệp mới thật sự được định hình và nhiệm vụ của doanh nghiệp là giữ gìn, hoàn thiện và phát huy nó trong mọi hoạt động của mình. Bên cạnh đó, TS Nguyễn Viết Chức cũng đặc biệt nhấn mạnh đến thương hiệu quốc gia, ông cho rằng: “Có lẽ thành công lớn nhất của công cuộc đổi mới của Việt Nam không chỉ là xóa đói, giảm nghèo ngoạn mục, không chỉ là tăng trưởng GDP nhiều năm giữ ở tốp đầu thế giới, mà còn là một Việt Nam được cộng đồng thế giới thừa nhận là đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm cộng đồng quốc tế”.

Tôn vinh những doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa doanh nghiệp hằng năm là việc làm thiết thực, nhằm lan tỏa giá trị văn hóa doanh nghiệp rộng hơn nữa - ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nói - Ảnh: Tuấn Minh

 

Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, văn hóa doanh nghiệp được coi là nguồn tài sản quý báu, là nền tảng để xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Chúng ta đã thành công trong cuộc chiến chống dịch bệnh, bây giờ là lúc cùng tính toán đến mục tiêu về kinh tế. Trước, trong và sau đại dịch, văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng để chúng ta thành công trong mục tiêu thứ hai này. Đó là bài học về xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Trong lịch sử của dân tộc, mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn, những giá trị văn hóa luôn được bộc lộ một cách rõ ràng, tạo thành sức mạnh vô hình chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi thách thức. Nhưng khi trở lại cuộc sống bình thường, những giá trị đó lại trở nên mờ nhạt hơn. Điều đó đặt ra cho chúng ta vấn đề về phát triển văn hóa ngay trong điều kiện bình thường. Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, để phát triển văn hóa doanh nghiệp, cần chú trọng đến giải pháp về nhận thức, chỉ khi nhận thức tốt chúng ta mới giải quyết được các vấn đề liên quan đến kinh tế và văn hóa, để văn hóa doanh nghiệp thực sự trở thành nguồn lực vàng quyết định sự thành công của các doanh nghiệp. PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, các cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp, giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, sẽ tạo ra sự tín nhiệm, lan tỏa những giá trị tích cực, giúp doanh nghiệp ngày một phát triển hơn.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn trình bày tham luận tại Hội thảo - Ảnh: Tuấn Minh

 

Trong tham luận Từ tính thích ứng, linh hoạt trong văn hóa Việt truyền thống, nghĩ về văn hóa doanh nghiệp ở nước ta trước bối cảnh đại dịch hiện nay, PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, tính thích ứng linh hoạt là một đặc thù của người Việt, văn hóa Việt Nam, các doanh nghiệp đã khẳng định bản sắc văn hóa doanh nghiệp bằng những cách thức vượt qua khó khăn trong đại dịch, nhanh chóng tìm ra những cơ hội mới từ thực tiễn, hành động mạnh mẽ nhanh chóng để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý phát huy tính linh hoạt, thích ứng nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc kinh doanh, sản xuất tuân thủ pháp luật, không thể vượt qua giới hạn cho phép.

PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng trình bày tham luận tại Hội thảo - Ảnh: Tuấn Minh

“Văn hóa doanh nghiệp chính là điểm tựa, là nguồn lực, đồng thời là một giải pháp thiết yếu, cơ bản để phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta trong bối cảnh mới” - Ông Phạm Vũ Dũng, Thường trực Hội đồng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nhận định - Ảnh: Tuấn Minh

 

Chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn

Tại Hội thảo, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), bà Nguyễn Hà Thành đã trình bày về quá trình hình thành văn hóa doanh nghiệp ở đơn vị mình. Theo đó, năm 2006, Viettel đã công bố 8 giá trị cốt lõi - đánh dấu cho việc hình thành văn hóa doanh nghiệp. Mô hình ngôi nhà văn hóa với tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị, niềm tin, đã trở thành kinh chỉ nam cho Viettel trong đại dịch. Trải qua nhiều khó khăn, đến nay Viettel đã có những thành quả như: đứng thứ 18 trên thế giới trong lĩnh vực viễn thông, 6 tháng đầu năm 2022, đạt tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây… Đồng thời, bà Nguyễn Hà Thành cũng chia sẻ về cách thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn, từ việc xác định các yếu tố tác động đến việc biến chuyển văn hóa, đưa ra mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp và cài đặt văn hóa thông qua các khía cạnh: lãnh đạo làm gương, biểu tượng và nghi thức, trải nghiệm nhận sự, quy trình và hệ thống, môi trường…

Giám đốc truyền thông Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, bà Nguyễn Hà Thành phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Tuấn Minh

 

TS Phan Hoài Nam, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chia sẻ: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế thời hậu COVID với những thay đổi chiến lược trên quy mô toàn cầu, VNPT nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam cần định vị lại các vùng lợi ích phát triển, xác định các giá trị cốt lõi, đặc biệt là thích ứng nhanh với quá trình chuyển đổi số quốc gia. Cùng với quá trình chuyển đổi số trên nền tảng sự phát triển công nghệ, để thiết lập, dẫn dắt nguồn vốn dữ liệu quốc gia (data - Capital) thì các giá trị văn hóa cốt lõi cần được định hình, cần sớm phải nghiên cứu, xây dựng, kiến tạo và lan tỏa nền tảng văn hóa số để dẵn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia”.

TS Phan Hoài Nam - Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, trình bày tham luận tại Hội thảo - Ảnh: Tuấn Minh

 

Bên cạnh 29 tham luận trình bày và gửi tới hội thảo có hàm lượng khoa học và tính thực tiễn cao, Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, văn hóa doanh nghiệp.

PGS, TS Vũ Thị Phương Hậu tổng kết Hội thảo - Ảnh: Tuấn Minh

 

Tổng kết Hội thảo, PGS, TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển nhấn mạnh, Hội thảo Văn hóa doanh nghiệp - Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, 29 tham luận gửi tới Hội thảo cũng như các ý kiến trao đổi đã nêu lên những kiến giải, những đề xuất, khuyến nghị về giải pháp để phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp thời kì hậu COVID-19. Đó là các giải pháp về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, của các doanh nghiệp về văn hóa doanh nghiệp; tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp; đẩy mạnh hơn việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh hệ thống giải pháp mang tính tổng thể, còn rất nhiều giải pháp gắn với những lĩnh vực cụ thể trong phát triển văn hóa doanh nghiệp cũng đã được đề xuất. Tất cả sẽ được Ban tổ chức hội thảo tổng hợp và tiếp tục nghiên cứu để có những tư vấn, tham mưu về phương diện chính sách đối với các cơ quan hữu quan trong việc phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp.

VÂN ANH

 

;