VẬN DỤNG THANG ÂM PHƯƠNG TÂY TRONG NGHIÊN CỨU ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN HUẾ

Việt Nam gồm 54 dân tộc có mối tương đồng và những khác biệt về bản sắc văn hóa. Mỗi dân tộc có một truyền thống văn hóa nghệ thuật riêng, một nền dân ca dân nhạc riêng. Ngay dân tộc Kinh (Việt), âm nhạc dân gian của ba vùng miền đều có ít nhiều sự khác biệt… Để không bị đánh đồng truyền thống, không bị ràng buộc với cơ sở hệ thống âm thanh bình quân, chia quãng 8 thành 12 nửa cung đều đặn của âm nhạc cổ điển châu Âu chi phối trong việc phân tích ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam, cụ thể là nhạc ngữ truyền thống Huế, chúng tôi đã áp dụng thành tựu về thang âm của nhà bác học người Anh - Alexangder John Ellis đã đề xuất trong khảo cứu: Về các thang âm của các quốc gia khác nhau chấn động giới âm nhạc học thế giới vào cuối TK XIX. Ông Al.J.Ellis được giới nghiên cứu âm nhạc dân tộc thế giới xem như là người đi tiên phong trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc học mà tiền thân được gọi là âm nhạc học so sánh. Đây là giai đoạn các ngành khoa học châu Âu biết và tiếp cận với các nền văn hóa khác ngoài châu Âu (1).

Trong khảo cứu này, sau khi tiến hành so sánh và nghiên cứu thang âm của các dân tộc trên thế giới ngoài châu Âu, Al.J.Ellis đã đề xuất một đơn vị đo độ cao mới lấy tên là cent. Với phương pháp đo độ cao mới này, có thể ghi chính xác khoảng cách giữa các quãng của bất cứ thang âm nào, thuộc bất cứ truyền thống âm nhạc nào trên thế giới.

Theo hệ âm điều hòa trong truyền thống âm nhạc cố điển châu Âu, một quãng 8 chỉ được chia thành 12 nửa cung: đô-đô#(rêb)-rê-rê#(mib)-mi-fa-fa#(sonb)-son-son#(lab)-la-la#(sib)-si-đô (trong đó, các âm liền bậc như đô#- rêb; rê#-mib; fa#-sonb; son#-lab; la#-sib là cùng vị trí cao độ):

 
 
 

Theo phương pháp đo độ cao mới là cent, trong một quãng 8 có tổng số 1200 cents. Như vậy, so sánh với hệ âm điều hòa thì 1 cent bằng 1/100 của nửa cung (một nửa cung = 100 cents).

  Đô                   Rê             Mi     Fa           Son               La           Si      Đô

                    

100

cent

200

cent

300

cent

400

cent

500 cent

600

cent

700

cent

800

cent

900

cent

1000

cent

1100

cent

1200

cent

Như vậy, một cách đo cao độ chỉ đóng khung bằng 12 bậc so với cách đo bằng 1200 bậc trong một quãng 8, đã mở ra sự thuận lợi trong việc xác định cao độ trong thang âm đặc trưng của âm nhạc truyền thống xứ Huế nói riêng và âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung. Đó là sự già non (cao hơn nửa cung và thấp hơn nửa cung), so với thang âm bình quân trong âm nhạc cổ điển châu Âu.

Ví dụ sau thể hiện sự khác nhau trong thang âm bình quân và thang âm truyền thống Huế:

 
 
 

Áp dụng lý thuyết này vào nghiên cứu ca Huế, nhạc cung đình và dân gian Huế một cách chính xác tuyệt đối là rất khó khăn, vì sự cảm hứng nghệ thuật của nghệ nhân ca và đàn khác nhau do tác động của không gian, môi trường và thời gian diễn xướng, diễn tấu… Tuy nhiên, phương pháp đo độ cao, xác định khoảng cách giữa các quãng trong thang âm bằng tỉ số cent đã làm rõ và gần hơn khái niệm non, già mang đặc tố dân gian trong thang âm Huế... Trên cơ sở đó, khi luận giải về thang âm, điệu thức và các hơi trong ca Huế, âm nhạc dân gian cổ truyền Huế, đã tạo được sự gắn bó, gần gũi hơn đối với hệ âm bình quân.

Bước đầu khảo sát các bài bản ca, đàn Huế, cả bác học và dân gian chúng tôi có nhận xét sơ bộ: âm nhạc Huế chỉ sử dụng một thang âm duy nhất, phổ biến nhất trong âm nhạc cổ truyền người Việt, đó là thang âm Bắc, mà theo tác giả Jắc Sayây trong giáo trình Sự phát triển của ngôn ngữ âm nhạc đã dẫn chứng: đó là thang âm rất cổ, là tiếng nói chung của rất nhiều dân tộc suốt từ Đông sang Tây, cũng là một thang âm cổ của miền Bắc Việt Nam…

 
 
 

                                hò                 xừ             xang              xê               cống   

Đã có nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc về thang âm này chúng tôi không đi sâu. Đa số được sử dụng với tính chất ngũ cung đúng, bậc nào của thang âm cũng ổn định và có thể làm âm chủ.

Tuy nhiên, trong âm nhạc truyền thống Huế, thang âm Bắc được sử dụng ngoài tính chất là một điệu thức Bắc còn có thêm những đặc điểm khác là hai bậc xựcống thường không ổn định, rung và có chiều hướng già, biểu hiện rõ trong phong cách diễn tấu đàn Huế (kể cả phong cách ca Huế).

 
 
 

Điệu Bắc được thể hiện như trên trong âm nhạc Huế thường gọi là hơi khách hoặc các bài bản khách. Vấn đề này không chỉ đơn thuần về kỹ thuật diễn tấu (đàn và ca) mà có ý nghĩa trong việc biến hóa tính chất màu sắc của điệu thức. Với đặc tính trên, thang âm này là cốt cách của các bài bản khách mang sắc thái vui, từ dịu nhẹ, thanh thản đến rộn ràng, sôi nổi và cũng để diễn tả sự trang nghiêm, trịnh trọng, hùng tráng…

Từ thang âm cơ bản trên, âm nhạc Huế được thâm nhập thêm những yếu tố khác, đó là sự non, già, không điều đặn trong thang âm. Chính yếu tố này tạo cho ngôn ngữ âm nhạc dân gian và chuyên nghiệp, bác học Huế mang tính đặc thù, địa phương, là cốt cách tạo nên các bài bản, làn điệu mang sắc thái buồn, bi ai, vương vấn của điệu Nam.

Tạm thời quy bậc hò đô, ta có thang âm Nam như sau:

 
 
 

Nếu ở điệu Bắc hơi khách rung ở xựcống, thì điệu Nam lại rung ở bậc xang, bậc vỗ. Hiện tượng nongià không thể ký hiệu bằng dấu thăng, dấu giáng trong hệ thống bình quân. Có nghĩa là nongià đều chưa đến 1/2 cung (100 cents, 4.5 comma). Quãng cách giữa hai bậc hò và xê mang tính ổn định, tạo thành một quãng 5 đúng, tương đương với quãng 5 đúng hệ âm bình quân (2). Tuy nhiên, trong khung ổn định này lại chứa hai bậc xự (non) và xang (già) tạo ra những quan hệ quãng mang màu sắc trung tính: không ra trưởng cũng chẳng ra thứ và từ đến liu hình thành quãng ổn định: quãng 4 đúng (quãng 5 tự nhiên đảo): hò - xê (quãng 5) = xê - liu (quãng 4)… cũng chứa các quãng trung tính do quan hệ quãng: xê - cống (non) và cống (non) - liu (3).

Và điều này càng trở nên bí hiểm hơn khi quy luật rung của các bài bản, làn điệu Nam là rung ở hò và xang, xê vỗ càng làm cho các bậc ổn định có chiều hướng bất ổn định và không đều đặn:

 
 
 

                           hò               xự           xang             xê            cống             liu

Như vậy, sự khác nhau giữa điệu Bắc và điệu Nam là do thang âm đều hay không đều. Thang âm không đều là thang âm Nam, mang lại cho tính chất bài bản sự buồn thương dịu nhẹ hoặc ai oán.

Ngoài ra, sự liên quan mật thiết giữa điệu thức Nam với một số nhạc khí của các nghệ nhân đàn Huế cũng đáng quan tâm. Đó là chiếc kèn bóp, hệ thống các âm được chia rất đặc biệt, hiện nay chưa kiểm chứng được nhưng đại thể rất gần với thang âm của điệu Nam. Ví dụ: các lỗ khoét ứng với các bậc hò - xê - liu là hình thành các quãng đúng: 8 đúng, 5 đúng, 4. Trong khung ổn định của các quãng đúng này, lỗ kèn được chia khá đều cho những bậc còn lại, từ đến xự, i, xang; từ đến liucống, phàn hình thành một thang 7 âm chia tương đối đều với đầy đủ các bậc phụ của điệu Nam Huế:

 
 
 

Hai bậc phụ i, phàn là những biến cung tham gia vào thang âm cũng không bao giờ hình thành nên các quãng trưởng thứ bình quân, hai bậc này vẫn có chiều hướng non. Về điều này, trong luận án Âm nhạc Việt Nam cổ truyền của mình, tác giả Trần Văn Khê đã đề cập đến khi so sánh về sự tương đồng giữa thang âm Pélog của người Java (Indonesia), nhưng gần gũi nhất là kết quả nghiên cứu của tác giả Vũ Nhật Thăng trong Tìm hiểu thang âm của một số bài bản thuộc các điệu xuân, ai, oán (4) trong đó, thang âm quá độ xuân - hệ quả của các thang bồi âm xâm nhập vào thang âm 7 bậc chia đều, có quan hệ gần gũi nhất với thang âm của điệu Nam trong âm nhạc cổ truyền Huế.

Từ kết quả nghiên cứu, tính toán trên sơ đồ của thang âm Quá độ xuân, có thể thể hiện sự non - già của thang âm này như sau:

 
 
 

Các bậc xự, xang, cống có khuynh hướng bị hút về các bậc ổn định của khung quãng 5 đúng: hò - xê. Có thể viết đầy đủ hai cung phụ của điệu Nam để có một thang 5 cung 7 thanh (5):

 
 
 

Các cung phụ i, phàn (có người gọi là những biến cung) xuất hiện trong đường nét của các bài bản thuộc điệu Nam với chức năng thêu, lướt nhưng vẫn làm tăng thêm tính chất của một thang 7 bậc chia đều và chính xác các bậc phụ này (yếu, không ổn định) bị các bậc chính (mạnh, ổn định) thu hút càng làm cho thang âm đều (6) cơ bản trở thành một thang âm không đều đặn, bộc lộ rõ đặc tính của điệu Nam, nhất là điệu Nam hơi ai.

Qua khái niệm trên, chúng tôi thấy điệu Bắc và Nam Huế hình thành chủ yếu trong thang âm hò xự xang xê cống (tạm thời quy thành: đô rê fa sol la). Điệu Bắc Huế được thể hiện theo thang ngũ cung đúng (tự nhiên). Ngoài ra, những nguyên tắc thuộc về diễn tấu như rung, vỗ được quy định khá chặt chẽ thì liên quan trực tiếp đến các loại hơi.

Về khái niệm điệu và hơi, tác giả Vũ Nhật Thăng giải thích khái niệm Système modal (hệ thống điệu thức, hay thể điệu) mà Trần Văn Khê đề xuất trong luận án tiến sĩ về âm nhạc cổ truyền Việt Nam: “là một từ ghép dùng để chỉ điệu trong âm nhạc Việt Nam, ý muốn nói điệu không chỉ là một hệ thống âm thanh, nhưng cũng chưa hẳn là điệu thức”… điều này phù hợp với thực tiễn âm nhạc Huế. Điệu ở đây không hoàn toàn đồng nghĩa với điệu thức (mode), vì vậy, nó không hề liên quan đến khái niệm trưởng (majeur), thứ (mineur) trong âm nhạc cổ điển phương Tây, gắn bó chặt chẽ với cả một hệ thống lý thuyết thực hành như gam dị chuyển, gam đồng chuyển và cả lý thuyết về hòa âm, hợp âm, giọng… Điệu trong âm nhạc Huế chỉ mang ý nghĩa tính chất, gắn với tính chất của bài bản, làn điệu cụ thể. Đó là tính chất vuibuồn

Nói như thế, để chứng tỏ phần nào sự khác biệt giữa điệu thức trong âm nhạc phương Tây với điệu trong âm nhạc Huế (hay của âm nhạc Việt Nam nói chung). Bởi đây là phạm trù phức tạp, liên quan đến tập quán, tâm lý của dân tộc, hay nói rộng ra là sự dị biệt về văn hóa Đông và Tây. Đành rằng, tín hiệu âm thanh tác động vào con người bằng mẫu số chung (trên phương diện vật lý) nhưng âm thanh khi đã trở thành âm nhạc, thành nghệ thuật thì đã mang tính văn hóa và phụ thuộc vào nền tảng văn hóa cụ thể của từng vùng, quốc gia, dân tộc. Vì thế, lấy cái mẫu mực, công thức của một lý thuyết âm nhạc của một nền văn hóa này (phương Tây) để xem xét, giải mã âm nhạc thuộc nền văn hóa khác (phương Đông) thường dẫn đến sự khiên cưỡng, ít chính xác, làm mất đi tính bản sắc với cá tính riêng của từng loại hơi nhạc trong âm nhạc cổ truyền Việt nam nói chung và âm nhạc Huế nói riêng.

____________

1. Vĩnh Phúc, Bài giảng môn Âm nhạc dân tộc học, Học viện Âm nhạc Huế, 2014.

2. Tính chất đúng tạm hiểu theo hệ thống thang âm bình quân. Thực chất đây là quãng 5 đúng tự nhiên, lớn hơn quãng 5 đúng bình quân 1,955 cent.

3. Các quãng trung tính chúng tôi tạm thời ký hiệu bằng số 0: q20, q30, q40.

4. Vũ Nhật Thăng, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật  số 3-1987.

5. Từ của Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút (Trần Văn Khê dịch qua tiếng Pháp: 5 Degrés et 7 sons).

6. Chúng tôi gọi thang âm đều là nói đến sự đều đặn của thang âm bình quân (đã chú thích) khác với khái niệm thang âm 7 bậc chia đều. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018

Tác giả : NGUYỄN THỊ VIỆT HÀ

;