Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam

Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021) do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ ngày 21 đến 27-10.

Chương trình lễ kỷ niệm sẽ diễn ra vào tối 21-10 và phần công diễn vở kịch Chén thuốc độc (kịch bản: Vũ Đình Long; đạo diễn: Bùi Như Lai), được xem là vở kịch nói đầu tiên của Việt Nam ra mắt vào ngày 21-10-1921 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vở diễn là công trình chung của các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam như một món quà ghi nhận cột mốc ý nghĩa của sân khấu kịch nói nước nhà.

NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết: “Vở diễn Chén thuốc độc do các Nhà hát cùng kết hợp dàn dựng một vở kịch là điều rất đặc biệt. Chúng tôi huy động tâm huyết của người làm nghề để dựng vở diễn mang dấu ấn 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để chúng ta cùng ôn lại lịch sử của nghệ thuật sân khấu kịch nói mà còn thể hiện sự nối tiếp thế hệ, mang những thành tựu của thế hệ đi trước đến hiện đại”.

Các nghệ sĩ tại lễ khởi công vở diễn "Chén thuốc độc"

 

Trong khuôn khổ hoạt động, khán giả yêu thích kịch nói sẽ được thưởng thức lại nhiều vở diễn nổi tiếng như: Người tốt nhà số 5 (kịch bản: Lưu Quang Vũ; đạo diễn: NSƯT Tạ Minh Tuấn) của Nhà hát Kịch Việt Nam; vở Ai là thủ phạm (kịch bản: Lưu Quang Vũ; đạo diễn: NSƯT Chí Trung) của Nhà hát Tuổi Trẻ; vở Bạch đàn liễu (kịch bản: Xuân Trình, đạo diễn: NSƯT Trần Lực) của Sân khấu Lucteam; vở Phải có ba đồng (kịch bản: Bùi Vũ Minh; đạo diễn: NSND Lê Hùng) của Nhà hát Kịch Hà Nội.

Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng tổ chức Hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển”; Kết hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức Gala “Tinh hoa hội tụ 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam”.

Các chương trình kỷ niệm đều tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

N.B

;