Triển lãm tranh sơn mài GIŨA: Phong Sắc là hoạt động chính trong chuỗi sự kiện “GIŨA: Phong Sắc” được tổ chức bởi Dragon Sigma - studio sơn mài cho người không chuyên do họa sĩ Phạm Khắc Thắng sáng lập đã khai mạc vào sáng 3-3 kéo dài tới hết ngày 10-3-2024 tại MAI Gallery (113 Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Triển lãm tranh sơn mài GIŨA: Phong Sắc trưng bày 30 tác phẩm của học viên Dragon Sigma. Mỗi bức tranh xoay quanh một câu chuyện khác biệt, nhưng đều mang một điểm chung: sự nguyên bản. Tác giả của chúng là những người mới bắt đầu, do đó các tác phẩm rất tự nhiên, giàu cảm xúc - điều mà đôi khi những người chuyên nghiệp đánh mất qua quá trình phát triển và cọ xát thực tế lâu năm. Bên cạnh đó, triển lãm cũng trưng bày các ứng dụng sơn mài, và art toy sơn mài mang tên KEMTA. Từ đó, triển lãm truyền đi thông điệp "Sơn mài không cũ, và bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài".
GIŨA là hoạt động thường niên do Dragon Sigma tổ chức nhằm phản hồi lại băn khoăn đó. Lấy cảm hứng từ kỹ thuật mài trong sơn mài, tên hoạt động hướng tới tinh thần không ngừng rèn giũa bản thân. Năm 2024, GIŨA ra mắt lần đầu tiên với triển lãm GIŨA: Phong Sắc. Tựa đề triển lãm tóm tắt nội dung trưng bày - những lát cắt xoay quanh phong cách biểu hiện và sắc độ tư duy của một phạm vi người trẻ đối với sơn mài, vừa là một cách chơi chữ ngụ ý "phóng", mang tới hy vọng về sự chuyển động tiến lên. Nói cách khác, GIŨA: Phong Sắc không phải là câu trả lời, mà là không gian vật lý và phi vật lý được tạo ra để tìm kiếm câu trả lời, với thái độ lạc quan về tương lai.
Người tham gia triển lãm GIŨA: Phong Sắc được mời gọi tiếp xúc với sơn mài bằng nhiều cách khác nhau: quan sát trưng bày tranh của những người không chuyên, nghe giới thiệu về chất liệu và kỹ thuật sơn mài, trực tiếp trải nghiệm những kỹ thuật đó. Những phản ứng thu thập được sẽ chính là tín hiệu và tiền đề mở rộng cho những thảo luận, sáng tạo về sau.
Họa sĩ Phạm Khắc Thắng chia sẻ về ý tưởng thực hiện Triển lãm
Chia sẻ về ý tưởng tổ chức triển lãm GIŨA: Phong Sắc, họa sĩ Phạm Khắc Thắng cho biết, trong quá trình hai năm hướng dẫn các học viên, tôi đã nảy ra ý tưởng tổ chức triển lãm cho các học viên, vì nhận thấy tác phẩm của các bạn khá đẹp và kỹ thuật tốt. Tại triển lãm này, chúng tôi còn trưng bày khá nhiều dụng cụ để tạo nên một bức tranh. Đây là những dụng cụ mà trong quá trình dạy học, chúng tôi đã tìm ra, nó tiện lợi và dễ sử dụng cho học viên; cùng với đó là các bảng chất liệu được cụ thể hóa nhằm giúp học viên dễ dàng tiếp thu kỹ thuật, cũng như nhận biết các mảng màu thông qua các bảng đó; bên cạnh đó, trong hai năm qua Dragon Sigma cũng đã tạo ra các sản phẩm như lắp ghép các mảnh vỡ và gắn kết bằng vàng; hay tác phẩm Kem ta được lấy ý tưởng từ những cây kem ở tuổi thơ được sử dụng bằng chất liệu sơn ta của Việt Nam và tạo hình bằng những hình ảnh mới lạ, đương đại…
Lê Ngọc Hân nói về các chất liệu được sử dụng trong tác phẩm "Cá lặn"
Triển lãm trưng 30 bức tranh của 21 tác giả, trong đó có các họa sĩ không chuyên và các bạn trẻ đang theo học hội họa. Là một tác giả trẻ đang từng bước tiến vào con đường nghệ thuật, Lê Ngọc Hân có hai tác phẩm trưng bày tại triển lãm, cô chia sẻ, “trong hai bức tranh, Cá lặn là tác phẩm tôi khá ưng ý. Đây là bức tranh thứ ba tôi làm về hình ảnh con cá. Trong bức Cá lặn, tôi sử dụng nhiều chất liệu từ vỏ trứng, ốc, thiếc, bạc vụn… với nhiều lớp màu. Tôi sử dụng nhiều chất liệu đã làm cho bức tranh đa dạng với những mảng màu, bắt mắt và mang đến cho người xem cảm giác gần gũi, tự nhiên. Với tôi, hội họa sơn mài khiến cho tôi cuốn hút, đam mê. Tôi sẽ tiếp tục khám phá, theo đuổi nó.
Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Hương: tác phẩm được trưng bày có cảm giác như một bước khởi đầu mới cho một đam mê
Đối với chị Nguyễn Thị Mai Hương là một doanh nhân, chị có hai tác phẩm được trưng bày tại triển lãm với hai bức tranh tĩnh vật. Nói về hội họa, chị Hương cho biết: Tôi yêu thích mỹ thuật khi còn trẻ, nhưng do điều kiện công việc nên chưa có điều kiện theo đuổi. Đối với thể loại chất liệu sơn mài luôn lôi cuốn tôi và nó đã trở thành sự yêu thích. Với hai bức tranh lọ hoa thuộc thể loại tĩnh vật, tôi muốn hướng đến hình ảnh cuộc sống đơn giản, nhẹ nhàng. Đồng thời, hoa cũng là sự yêu thích của bản thân tôi, bởi mỗi khi nhìn ngắm tôi cảm thấy an nhiên hơn. Vì bận công việc kinh doanh, nên để cho ra đời hai bức tranh này, tôi đã mất khoảng vài tháng sáng tác. Để thực hiện hai tác phẩm này, tôi đã được họa sĩ Phạm Khắc Thắng và các họa sĩ của Dragon Sigma - studio hướng dẫn rất nhiều. Tôi cảm thấy rất vui khi hai tác phẩm của mình được trưng bày, triển lãm. Điều đó mang cho tôi cảm giác như một bước khởi đầu mới cho một đam mê và sẽ tiếp tục theo đuổi hội họa sơn mài trong thời gian tới.
Không gian trưng bày triển lãm
Ngược lại dòng lịch sử, hội họa sơn mài Việt Nam, kể từ năm 1932 tới nay, đã trải qua gần một thế kỷ phát triển. Từ cái "tĩnh" của nghìn năm trang trí, sơn ta được giải phóng để đến với cái "động" phóng khoáng, tự do. Cuộc cách mạng sơn mài trong quá khứ đã thành công đến độ khiến cả thế giới phải sửng sốt, phá bỏ hoàn toàn nghi hoặc về khả năng biểu hiện nghệ thuật của sơn mài Việt Nam. Khi dường như mọi con đường đã được khai mở, không một sự chứng minh nào được mưu cầu, liệu đâu sẽ là động lực cách tân tiếp theo cho thế hệ trẻ đương đại.
Những chất liệu tạo nên các tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm
Bên cạnh triển lãm chính, chuỗi sự kiện lần này bao gồm nhiều hoạt động thú vị khác để mọi người khám phá và tiếp cận gần hơn với sơn mài như: Art tour sơn mài GIŨA: Phong Sắc, địa điểm tại tầng 2, MAI Gallery (113 Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội), thời gian: 14:00 - 15:30 ngày 5 và 7-3; Workshop Gốm sứ thếp vàng tại Dragon Sigma Studio (số 171 ngõ 75 Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội), thời gian: 10:30 - 12:00 ngày 10-3; Workshop làm tranh sơn mài GIŨA: Phong Sắc tại Dragon Sigma Studio, từ 9:00 - 11:30 các ngày 9 và 16-3-2024.
Bài, ảnh: NGỌC BÍCH