Triển lãm "Còn mãi với thời gian"

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), sáng nay, 20-7, tại 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm “Còn mãi với thời gian”.

Các đại biểu tham dự triển lãm

Tới dự khai mạc triển lãm có các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTTDL; Phạm Đình Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL; họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; đại diện một số Đại sứ quán các nước tại Việt Nam: Lào, Triều Tiên, Hoa Kỳ, Philippines, Ba Lan, Hungary… 

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc

Tại buổi khai mạc, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, “Uống nước nhớ nguồn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, ngày 27-7 hằng năm đồng bào cả nước bày tỏ lòng hiếu nghĩa tri ân đến các thương binh, liệt sĩ, những người đã hy sinh xương máu cho nền độc lập của dân tộc. Trong không khí của những ngày tháng 7 tri ân, chúng ta nhớ tới nhiều thế hệ họa sĩ đã trở thành những chiến sĩ, tham gia trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận, có những người đã nằm lại hoặc để lại một phần xương máu trên các chiến trường. Điều đó đã thể hiện trong 69 tác phẩm của Triển lãm với nhiều phong cách và chất liệu khác nhau, từ nhiều góc nhìn của các nghệ sĩ, chiến sĩ”. Ông nhấn mạnh, Triển lãm Còn mãi với thời gian là sự bày tỏ trân trọng đối với những người anh dũng đã hy sinh để mang đến cuộc sống hòa bình, tươi đẹp cho chúng ta ngày hôm nay.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn phát biểu tại buổi lễ

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn đánh giá cao sự phối hợp giữa hai bảo tàng khi tổ chức triển lãm hết sức ý nghĩa này và nhấn mạnh: 75 năm qua, hình tượng những người chiến sĩ đã được thể hiện trong ngôn ngữ nghệ thuật với nhiều chất liệu khác nhau và những góc nhìn khác nhau. Đây là tiếng nói, tiếng lòng đã được thể hiện trong các tác phẩm ở nhiều thập kỷ; đã có một giá trị nhất định về cả lịch sử và nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới của đất nước, của dân tộc Việt Nam hôm nay và còn mãi mai sau.   

Các giả chia sẻ những tình cảm sâu sắc nhất trước công chúng yêu nghệ thuật

Với 69 tác phẩm mỹ thuật của 62 tác giả được lựa chọn trong sưu tập của hai bảo tàng, Triển lãm thể hiện những góc nhìn chân thực về hình tượng người chiến sĩ, những ký ức không quên về các cuộc chiến tranh đã qua và tình cảm, lòng tri ân đối với những người mẹ Việt Nam anh hùng, những dân quân, y sĩ, bác sĩ và rất nhiều những tấm gương bình dị đã lặng lẽ dâng hiến tuổi thanh xuân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Các đại biểu tham quan triển lãm

Đọc báo cho thương binh, tranh lụa của Trần Hữu Tê

Không ít những nghệ sĩ đã trực tiếp cầm súng và ghi lại những khoảnh khắc chân thật và sống động về hình ảnh người lính anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, như các ký họa: Đồng chí Trung KiênĐồng chí Khương y tá trong trận Bình Giã (họa sĩ Cổ Tấn Long Châu)... và các lực lượng đã chung sức làm nên những chiến công như: Mở đường thắng lợi (Ngô Mạnh Lân), Nuôi quân (Nguyễn Trọng Hợp), Rừng cười (Nguyễn Trường Linh)… Các anh hùng đã hy sinh quên mình và tên tuổi của các anh còn lưu danh mãi mãi, được khắc họa trong các tác phẩm: Nguyễn Văn Trỗi (Đạo Khánh), Tô Vĩnh Diện chèn pháo (Dương Hướng Minh), Phan Đình Giót (Huy Toàn). Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đã để lại những đau thương, mất mát không gì bù đắp được, thể hiện qua những tác phẩm đặc tả sự đau khổ, mất mát hy sinh, sức chịu đựng của con người trong chiến tranh: Anh thương binh (nhà điêu khắc Phạm Mười), Ca mổ trong hang sơ tán (Trần Ngọc Hải)… và cả những nỗi đau sau cuộc chiến như tác phẩm: Không trở về, Sau cuộc chiến, Người đồng đội được tìm lại, Người đàn bà ở phố Khâm Thiên, DIOXIN

Người mẹ, tranh sơn dầu của Nguyễn Công Độ

Dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, nhưng đời sống tinh thần của chiến sĩ, thương binh vô cùng phong phú, thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi như: Trong lán dân quân (Nguyễn Văn Chung), Thương binh xem triển lãm (Xuân Hồng), Đêm trăng qua vọng gác (Mai Long), Đọc báo cho thương binh (Trần Hữu Tê). Bên cạnh đó, không thể không kể đến những tác phẩm thể hiện tình cảm chân thành, thân thuộc, tình quân - dân gắn kết, như: Bà má miền Trung (Nguyễn Văn Chư), Đón anh về (nhà điêu khắc Lê Thược), Nuôi giấu thương binh (Thọ), Giã gạo nuôi quân (Phạm Việt)... Truyền thống tốt đẹp uống nước, nhớ nguồn, tri ân tấm lòng những người mẹ, người vợ nơi hậu phương được thể hiện qua các tác phẩm: Mẹ Thứ - Mẹ Việt Nam anh hùng (nhà điêu khắc Nguyễn Minh Đỉnh), Bài ca người mẹ (nhà điêu khắc Lê Duy Ứng)…

Bài ca người mẹ, điêu khắc gỗ của Lê Duy Ứng

Với sự đa dạng về bút pháp, thể loại và chất liệu, triển lãm Còn mãi với thời gian mong muốn đưa người xem hồi tưởng về một thời quá khứ hào hùng đã qua nhưng mãi được trân trọng và ghi nhớ. Tổ quốc đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, đất mẹ luôn dang tay đón các anh trở về, các anh còn sống mãi trong trái tim người dân Việt Nam. Triển lãm Còn mãi với thời gian còn là sự truyền tải cảm nhận sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng hòa bình, lòng tri ân, trân trọng và biết ơn những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống bình yên tươi đẹp hôm nay.

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 29-7-2022. Trong thời gian triển lãm, vào lúc 9 giờ ngày 26-7-2022 sẽ diễn ra chương trình tọa đàm, giao lưu với các họa sĩ với chủ đề Còn mãi với thời gian

Anh thương binh, tranh sơn dầu của Phạm Việt Hải

Ca mổ trong hang sơ tán, tranh bột màu giấy của Trần Ngọc Hải

Hành quân qua bản, tranh sơn dầu của Đỗ Hiển

MAI HƯƠNG - LIÊN HƯƠNG

;