“Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ”

Sáng ngày 3-6-2022, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức buổi giao lưu với các tác giả viết cho thiếu nhi “Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ” nhân dịp ra mắt hai tuyển tập 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi và 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi. Đây là hai ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 65 năm ngày thành lập NXB Kim Đồng.

Tham dự buổi giao lưu có đông đảo các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi: nhà thơ Cao Xuân Sơn, nhà văn Trần Đức Tiến, nhà thơ Vương Trọng, nhà thơ Chử Văn Long, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn… và các cây bút trẻ.

.

Bà Ngô Thị Phú Bình đại diện cho NXB Kim Đồng phát biểu tại buổi giao lưu

Bà Ngô Thị Phú Bình – Đại diện cho NXB Kim Đồng phát biểu: “Sách Văn học Kim Đồng từ những ngày đầu đã được vinh dự đón nhận những trang bản thảo của các tác giả lớn, lớn cả về tài năng và lớn cả về tình yêu dành cho con trẻ. Từ những trang bản thảo viết tay, đánh máy, đã trở thành những tuyển tập lớn như Tủ sách Vàng, Thơ hay viết cho thiếu nhi, Văn học Tuổi mới lớn, Tủ sách Dấu ấn thế hệ mới… Và hàng trăm, hàng ngàn tác giả tên tuổi đã gắn bó với văn học thiếu nhi Việt Nam mà hai tuyển tập 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi do nhà văn Trần Đức Tiến tuyển chọn và 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi do nhà thơ Cao Xuân Sơn tuyển chọn đã lưu dấu được phần nào những cảm xúc nên thơ, những hồn văn trong trẻo… 

Từ không gian ấm cúng đầy ắp tình yêu với văn chương tại trụ sở chính của Nhà xuất bản Kim Đồng, chúng tôi muốn gửi một lời cảm ơn chân thành tới các tác giả, dịch giả, họa sĩ đã gắn bó với sách Văn học Kim Đồng trong nhiều thập kỷ qua, cảm ơn các gia đình của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả đã tạo điều kiện và dành nhiều ưu ái cho sách văn học Kim Đồng, cho thiếu nhi Việt Nam…”.

Mở đầu buổi giao lưu là những chia sẻ của nhà văn Trần Đức Tiến và nhà thơ Cao Xuân Sơn khi được giao trọng trách tuyển chọn các tác phẩm cho hai cuốn tuyển tập 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi và 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi. Nhà thơ Cao Xuân Sơn bộc bạch: “Thơ có những định lượng riêng để đánh giá nên tôi không chọn theo tỷ lệ mà căn cứ vào tính tiếp nối thế hệ, trong đó nghiêng về phía những cây bút trẻ với những sáng tác mới. Bên cạnh đó là những bài thơ đi cùng năm tháng, sống cùng nhiều thế hệ của các tác giả tên tuổi. Bởi vậy, bên cạnh Nguyễn Duy, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa… là những tác giả trẻ như Đặng Chân Nhân, Ngô Gia Thiên An. Có những tác giả mà tên tuổi còn xa lạ với bạn đọc nhưng những bài thơ của họ lại rất quen thuộc như tác giả Đỗ Văn Khoái với bài thơ Bố, tác giả Nguyễn Đặng Viên Phương với bài thơ Ngày đầu đến lớp. Bài thơ này từng bị nhiều người nhầm là của nhà thơ Viễn Phương, tôi muốn đính chính lại. Bài thơ này xuất hiện lần đầu trên Báo Khăn quàng đỏ số 50 ra ngày 12-12-1990, tác giả là Nguyễn Đặng Viên Phương (khi ấy ghi địa chỉ ở trường Nguyễn Thi, Q.3, TP.HCM). Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã phổ nhạc bài thơ này thành ca khúc nổi tiếng Ngày đầu tiên đi học. Còn những bài thơ cũng rất ấn tượng không thể không đưa vào là Nhà không có bố của tác giả Nguyễn Thị Mai hay Mai mẹ lấy chồng của Phạm Việt Thư với hình ảnh kết thúc độc đáo, vừa trong trẻo nhẹ nhàng vừa thấm đẫm suy tư. Tất cả đã góp phần “làm mới” cho thơ thiếu nhi”.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, nhà văn Trần Đức Tiến và nhà thơ Cao Xuân Sơn (từ trái sang) chia sẻ về các tác phẩm được tuyển chọn

Nhà văn Nguyễn Như Mai xúc động tri ân nhà thơ Định Hải – “người phất ngọn cờ thơ thiếu nhi” và nhớ lại những kỷ niệm từ thời kháng chiến chống Mỹ - khi thơ ông được nhà thơ Định Hải phát hiện và chọn đăng. Sau này, khi ở vị trí Trưởng Ban Biên tập báo Hoa học trò, ông cũng “dùng con mắt tươi trẻ để hòa nhập và phát hiện nhiều nhà thơ, nhà văn trẻ”.

Nhà văn Trần Đức Tiến – người biên soạn cuốn 65 truyện ngắn hay chia sẻ niềm vui khi cả hai cuốn tuyển tập đều bán rất chạy, theo thông tin từ NXB Kim Đồng thì hai ngày bán hết 1.000 cuốn: “Điều đó chứng tỏ thiếu nhi luôn quan tâm đến văn học và văn học luôn sống động trong nhu cầu của thiếu nhi. Bởi những cuốn sách này không chỉ chắp cánh ước mơ mà còn nâng đỡ các em mỗi khi tâm trạng buồn khổ, an ủi người đọc trong những giờ phút khó khăn nhất”.

Các độc giả nhí có mặt trong buổi Tọa đàm cũng không ngần ngại chia sẻ những kỳ vọng vào các nhà văn nhà thơ viết cho thiếu nhi sẽ có thêm nhiều những sáng tác gần gũi với lứa tuổi các em. Một độc giả nhí cho biết em rất mong được đọc những cuốn sách để có thêm động lực vượt qua thời gian “nổi loạn của tuổi dậy thì”.

Nhà văn Thùy Dương xúc động bày tỏ: “Bản thân chúng tôi – những nhà văn vẫn còn nguyên những cô bé cậu bé trong tâm hồn dù chúng tôi có bao nhiêu tuổi bởi có những điều vĩnh viễn không thay đổi như tình yêu thương cha mẹ, gia đình, yêu thiên nhiên hay các con vật… Chúng ta viết về những điều xảy ra xung quanh mình và cả những gì mình khao khát nhưng có thể không chạm được tới. Chia sẻ của bạn nhỏ khiến tôi càng thấy mình nên tiếp tục viết cho thiếu nhi. Thực ra viết cho lứa tuổi này cũng có thể viết để các bạn nhỏ lớn lên đọc, để ông bà bố mẹ cũng có thể đọc để hiểu nhau hơn”.

Toàn cảnh buổi giao lưu 

Nhà thơ Vương Trọng có bài thơ Mèo đi câu trong tập thơ cùng tên từng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 1996 phát biểu: “Thế hệ trước có nhiều nhà thơ viết cho thiếu nhi rất hay như Trần Mạnh Hảo, Xuân Quỳnh… tôi thích những bài thơ ngộ nghĩnh bất ngờ, trong tập thơ này có một số bài như vậy. Thơ thiếu nhi rất cần tính giáo dục nhưng giáo dục trong thơ khác với giáo dục trong sách đạo đức, phải làm thế nào để giáo dục mà trẻ con vẫn thích, chỉ có thể là yếu tố dí dỏm hài hước và ngộ nghĩnh bất ngờ”.

Trong một clip của Câu lạc bộ đọc sách cùng con thực hiện, các em nhỏ bày tỏ mong muốn được đọc như thế giới pháp thuật kiểu Harry Potter, những vấn đề về tâm lý, cuộc sống của những con vật trong tự nhiên, tâm lý của trẻ em bị khủng hoảng vì COVID… Tất cả như là những gợi ý cho các nhà văn nhà thơ quan tâm đến sáng tác cho thiếu nhi.

Kết thúc chương trình, nhà thơ, TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng: “Nhà văn phải suy nghĩ nhiều hơn, viết gì và viết như thế nào cho thiếu nhi, bởi vẻ đẹp của câu chữ sẽ làm nên sự sâu sắc trong tâm hồn trẻ em”.

                                                                   Bài và ảnh: NGÔ HỒNG VÂN

  

 

 

;