"Thói đời - Lưu Quang Vũ: Lăng kính, sân khấu và cuộc đời"

Nhân Kỷ niệm 75 năm ngày sinh (1948-2023) và 35 năm ngày mất (1988- 2023) tác giả Lưu Quang Vũ, Nhà hát Kịch Việt Nam giới thiệu chương trình nghệ thuật "Thói đời - Lưu Quang Vũ: Lăng kính, sân khấu và cuộc đời", với 4 vở diễn: "Bệnh sĩ", "Người tốt nhà số 5", "Người trong cõi nhớ" và "Nguồn sáng trong đời".

Cảnh trong vở "Bệnh sĩ"

Cảm tác về “Nhân tình thế thái” - về tình người và thói đời luôn chi phối ngòi bút của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Bản thân ông từng thừa nhận, đó là: “những con chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật”. Ngòi bút của ông có khả năng thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống, mọi thẳm sâu trong tâm hồn. Những vở kịch của Lưu Quang Vũ luôn toát lên vẻ giản dị mà thâm trầm, là sự đúc kết về những vấn đề muôn thuở của nhân loại như tình yêu, tình cảm gia đình, về lẽ sống - chết, về hạnh phúc, về nhân cách con người… Những xung đột trong vở kịch luôn xoay quanh những hỷ, nộ, ái, ố thường nhật; những khó khăn mà ai cũng từng gặp phải; hay những trăn trở, suy tư xuất phát từ chính mối quan hệ mật thiết giữa con người và xã hội trong thế giới nhân vật đa dạng, phong phú, đủ các hạng người... Tất cả được tổng hòa dưới lăng kính nghệ thuật riêng biệt đậm chất Lưu Quang Vũ, chuyển tải một cách tự nhiên vào tác phẩm, và được trình diễn mãnh liệt bằng sân khấu kịch trường.   4 vở diễn  được Lưu Quang Vũ sáng tạo sẽ được tái hiện trong chương trình nghệ thuật tháng 8 nhằm mang tới những chiêm nghiệm rõ nhất về những giá trị mà Lưu Quang Vũ để lại.

Bệnh sĩ - Vở kịch kể về ông chủ tịch xã Toàn Nha và những xã viên của xã Hùng Tâm. Họ đều là những người dân hiền lành, chân chất, thật thà, nhưng vì tính háo danh, tính “sĩ” mà ai cũng cố gắng phấn đấu cho mình có một cái mác thật sang trọng và hiện đại.

Cảnh trong vở "Người tốt nhà số 5"

Người tốt nhà số 5 kể về nhân vật Hiệp và những gia đình chung sống trong một căn nhà. Ngôi nhà chung đó như một xã hội thu nhỏ, mỗi gia đình là một hoàn cảnh khác nhau, phản ánh các mặt của thực tại cuộc sống, của cái tốt và cái xấu luôn bủa vây mỗi chúng ta.

Người trong cõi nhớ là câu chuyện đầy cảm động về cuộc sống của những người đang tồn tại ở cõi nhớ. Lưu Quang Vũ quan niệm, ngoài thế giới của những người đang sống và cõi lặng im vĩnh hằng của những người đã chết, còn một cõi thứ ba: Đó là cõi của những người sống trong trí nhớ của người ở lại, những người không bị lãng quên. Họ còn được tồn tại ở nơi này là bởi nỗi nhớ, tình yêu thương của những người ở trần thế vẫn hướng về họ.

Cảnh trong vở "Người trong cõi nhớ"

Nguồn sáng trong đời có nội dung về cuộc đời của nhân vật Lê Chí - một họa sĩ mù bị thương bởi chiến tranh. Kim Oanh - vợ Lê Chí đến nhờ bác sĩ Thành - người quen cũ, đang làm chủ một công trình thực nghiệm ghép giác mạc để mong chồng mình được nhìn thấy ánh sáng. Công cuộc đi tìm ánh sáng của vợ chồng Lê Chí - Kim Oanh gặp nhiều khó khăn bởi không ai dễ dàng tình nguyện hiến đi đôi mắt của mình, kể cả những người đã chết. Đến khi Chí gặp Toàn - một kỹ sư xây dựng bị ung thư giai đoạn cuối, mọi chuyện đã thay đổi.

Cảnh trong vở "Nguồn sáng trong đời"

Chương trình nghệ thuật Thói đời - Lưu Quang Vũ: Lăng kính, sân khấu và cuộc đời là nơi thể hiện sự tổng hòa trong tư duy nghệ thuật của ông. Không chỉ tạo ra được những tấm kính phẳng để phản ánh cuộc sống cho chúng ta soi chiếu mà còn tạo ra những viên ngọc để thời nào cũng trong, cũng sáng. Những viên ngọc ấy là cái thiện, cái đẹp, cái khát vọng vươn đến sự nhân văn cao cả, vươn đến chân - thiện - mỹ. Chương trình nghệ thuật không chỉ là dịp tri ân những đóng góp của Lưu Quang Vũ với nền sân khấu nước nhà, đây còn là nơi tái hiện lại không gian nghệ thuật Lưu Quang Vũ, từ đó truyền tải những giá trị đạo đức và triết lý nhân sinh sâu sắc tới khán giả Thủ đô.

Thông tin chi tiết lịch biểu diễn chương trình nghệ thuật Thói đời - Lưu Quang Vũ: Lăng kính, sân khấu và cuộc đời tại địa chỉ: nhahatkichvietnam.vn.

LIÊN HƯƠNG

;