“Sự lựa chọn nghiệt ngã” - những trang viết trăn trở của Trần Anh Tuấn

Tiếp sau truyện ngắn đầu tay “Nỗi ám ảnh cuộc đời” viết về đề tài tình yêu người lính, thì với “Sự lựa chọn nghiệt ngã” (Nxb Hội Nhà văn, 2022), Trần Anh Tuấn đưa đến cho độc giả hiểu thêm về những khó khăn người lính khi trở về hậu phương, những cám dỗ của đồng tiền, những tiêu cực của xã hội…

Đó là hình ảnh những người lính thời hậu chiến khi giải ngũ trở về quê hương làm kinh tế, với nhiều đổi thay, khi trở về đời thường, mọi thứ không còn như trước. Tác giả viết về những tác động không hề nhỏ đến cuộc sống của người lính phục viên, khi nền kinh tế thị trường đã mở ra. Cuộc sống thời bình khác xa với những gì người lính đã trải qua trên chiến trường, họ loay hoay, chật vật để tồn tại. Chiến tranh đã kết thúc cách đây hơn 40 năm, dù các vết thương do chiến tranh gây nên còn hiện hữu đâu đó sau lũy tre làng, trong nhiều mái nhà, sự khắc khổ hằn lên những nếp nhăn nơi khóe mắt và trên những đôi tay đầy vết chai sạn… nó khiến cho con người đi qua chiến tranh phải nuốt nước mắt vào trong để sống tiếp cuộc đời mới với nhiều Sự lựa chọn nghiệt ngã.

Khi người lính trở về mọi thứ qua đi dường như trở thanh Ảo ảnh cuộc đời như tiêu đề ông viết ở truyện đầu tiên trong tập truyện ngắn Sự lựa chọn nghiệt ngã. Đó là sự hiểu lầm của người lính sau ngày phép về gặp người yêu, từ đó đưa cuộc sống của anh sang một ngã rẽ khác, một sự lựa chọn khác cho câu chuyện tình yêu bên bờ sông Thao thơ mộng của Lượng và Loan. Tuổi trẻ bồng bột đã khiến anh đánh mất tình yêu vừa chớm nở với Loan. Sau khi nghĩ Loan có người yêu mới, Lượng cũng đã xây dựng gia đình với Thi, khi đó hai người đã có cậu con trai 3 tuổi kháu khỉnh. Lượng chợt nghĩ đến hai người phụ nữ đã xuất hiện như một ảo ảnh trong đời anh.

Chiến tranh qua đi nhiều người lính năm xưa người còn người mất. Trong Sự lựa chọn nghiệt ngã, Chiến và Tùng tuy không nguyên vẹn trở về, nhưng dù sao họ vẫn may mắn còn sống. Dù là thương binh tàn phế về làng, họ cũng đã dần hòa nhập cuộc sống và đóng góp một phần công sức xây dựng quê hương, trờ thành hai cán bộ cốt cán của thôn, gắn bó với nhau như hình với bóng. Nhưng rồi cơ chế thị trường ào tới như cơn lốc đã làm cho họ chưa có sức đề kháng để chống đỡ. Tùng người chiến sĩ năm xưa đã sống buông thả không kiềm chế được bản thân mà vi phạm kỷ luật Đảng. Còn Chiến lại tự trách mình là hữu khuynh không cương quyết để bạn lầm đường. Cuối cùng Chiến đã quyết định bỏ phiếu đề nghị khai trừ Tùng ra khỏi Đảng, và đây là một sự lựa chọn quá nghiệt ngã với ông.

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống kinh tế người dân đã được nâng lên nhưng cùng với đó cũng có không ít cán bộ bị thoái hóa, biến chất tự coi mình như “ông vua con” ở một vùng quê. Điển hình là chủ tịch xã trẻ Phạm Ánh Dương trong truyện Sự biến chất của một chủ tịch xã. Với lối sống hưởng thụ, lộng hành, gia trưởng, độc đoán và ngày càng lấn sâu vào những vi phạm khuyết điểm trầm trọng như một chiếc xe tuột dốc không phanh…

Trong Viên đạn bọc đường kể về Nguyễn Lương Thiện, đang là sinh viên của trường sư phạm đầy thơ mộng, có giấy gọi nhập ngũ để trở thành người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu nơi biên cương của Tổ quốc, Do có kiến thức được trang bị ở trường và đức tính gan dạ dũng cảm, nên sau 3 năm chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, Thiện được tặng thưởng Huân chương chiến công Hạng nhì và được kết nạp Đảng ngay tại trận địa. Rời quân ngũ, Thiện trở thành thầy giáo, rồi sau đó được nhà trường cử đi học quản lý giáo dục, được đề bạt làm Hiệu trưởng của Trường phổ thông cơ sở thị trấn... Từ một đảng viên, cán bộ lãnh đạo, đã được tôi luyện trong chiến trường, với truyền thống cách mạng của gia đình. Khi cuộc sống ngày một khấm khá, Thiện có biểu hiện thích hưởng thụ, thường xuyên tụ tập bạn bè ăn nhậu, có lúc đi hát karaoke, xông hơi, mát xa thâu đêm suốt sáng… Cơn lốc của cơ chế thị trường ào đến, làm tha hóa biến chất nhiều cán bộ lãnh đạo có chức có quyền mà Thiện cũng không phải là trường hợp ngoại lệ… Và khi tỉnh ngộ, tất cả đã muộn, anh đã phải trả giá cho sự buông thả…

Trong Sập bẫy “cò đất”, giá đất ở miền quê luôn sốt “xình xịch”, từng đoàn xe ô tô, xe gắn máy nối đuôi nhau đi săn đất. Nguyễn Văn Huân sau những năm trong quân ngũ của thời kỳ chiến tranh ác liệt, mặc dù phải đối mặt giữa cái sống và cái chết, nhưng ông cảm thấy chưa căng thẳng bằng những giây phút phải đối diện với thủ đoạn lừa lọc, mà ông vừa trải qua.

Kinh tế, xã hội, khoa học phát triển, trẻ em có thể tiếp cận được nhiều kênh thông tin như tivi, internet, tài liệu, sách báo… nhưng lại chưa đủ nhận thức để chọn lựa thông tin. Các bậc cha mẹ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trình độ học vấn có hạn không có hoặc thiếu kiến thức, kỹ năng giáo dục con cái như trong truyện Đứa con được “sống lại”. Kết cục vì quá nuông chiều con cái, lại thiếu quan tâm nên đã biến con thành kẻ phạm tội, chỉ đến khi đứa con của họ tỉnh ngộ làm lại cuộc đời, họ mới thực sự tìm được đứa con của mình.

Chiến tranh đã qua đi, để lại trong lòng những người lính bao hồi ức thật đẹp, về tình quân dân, tình đồng đội chiến hữu, tình bạn bè… Với Cuộc gặp gỡ xúc động, tác giả đã có cuộc gặp gỡ sau hơn bốn mươi năm xa cách, những người bạn năm xưa cùng luyện thi đại học ở trường Văn hóa quân khu 4. Về thăm lại Mái trường xưa”, giờ đây cảnh vật đã hoàn toàn khác. Thị trấn Cộn nơi trường Văn hóa ngày xưa, giờ đã đổi thay khá nhiều. Đặc biệt, doanh trại ngày xưa không còn vết tích, Một màu xanh đã phủ quanh chân đồi… Từ trên đồi cao nhìn xuống chỉ thấy dòng sông mềm mại, uốn lượn như mái tóc người con gái, những kỷ niệm năm nào vẫn vẹn nguyên và cứ ùa về trong ký ức.

Truyện Chuyện cha tôi, là câu chuyện xúc động về tình cảm của Trần Anh Tuấn kể về người cha, người thầy giáo làng rất mực thân thương trìu mến: Cha tôi một nhà giáo mẫu mực, một Đảng viên được tặng danh hiệu 55 tuổi Đảng, một thương binh trong thời chống Pháp, một nhà giáo đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ông thường dạy con cháu: “Sống ở đời các con phải có tấm lòng nhân hậu, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, có nghĩa, có tình luôn quan tâm đến mọi người, không được ích kỷ, vụ lợi, phải sống cho phải đạo”.

Trong thời bình, tình yêu lại có những trắc trở khác. Tình yêu cũng khiến con người nhiều khi, phải đứng trước những lựa chọn khó khăn và đau khổ. Tình yêu của Hà và Thi trong Tìm lại tình yêu đã mất là như vậy, Hà đứng trước lựa chọn lấy người chồng mà mình không yêu để gá nợ, và cuối cùng là không được hạnh phúc với lựa chọn của mình. Người Hà yêu thì phải chia ly vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Thi đã không thể giúp đỡ Hà. Năm 1984, tình hình biên giới phía Bắc với nước láng giềng căng thẳng, Thi gia nhập quân đội và đóng quân ở Vị Xuyên, Hà Giang. Sau tất cả những năm tháng xa cách cuối cùng họ đã về lại bên nhau, tìm lại được tình yêu đã mất.

Mỗi con người sinh ra có số phận khác nhau, người ta vẫn có thể vượt lên số phận của chính mình nếu như họ có những sự lựa chọn đúng đắn. Đường đời có nhiều ngã rẽ, lắm chông gai, đôi khi là sự lựa chọn sai lầm, khiến con người lầm đường lạc lối và gục ngã – đó chính là Sự lựa chọn nghiệt ngã!

HỒNG HÂN

;