“Nỗi ám ảnh cuộc đời” của Trần Anh Tuấn

"Nỗi ám ảnh cuộc đời" là tập truyện ngắn đầu tay của Trần Anh Tuấn viết chủ yếu về đề tài tình yêu và người lính (Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2022). Những truyện ngắn có lối viết giản dị, nhưng đầy nhân văn về tình yêu người lính và chiến tranh cách mạng.

Đó là hình ảnh của những chàng trai trẻ rời xa gia đình, đồng ruộng, xóm làng, người yêu với lời hẹn ước và niềm tin ngày chiến thắng trở về.

Tác giả viết về quê hương với Dòng sông tuổi thơ, con sông ấy là nơi hò hẹn và chứng kiến bao mối tình đẹp đẽ của các chàng trai, cô gái. Những chiều hè, sau ánh hoàng hôn, các nam thanh, nữ tú đến đây trò chuyện tâm tình, trao duyên. Sông Nghèn chỉ cách ngã ba Đồng Lộc - Ngã ba huyền thoại khoảng 9km, nơi đây đế quốc Mỹ đã rút xuống hàng vạn tấn bom, đạn nhằm ngăn chặn chi viện của hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Con sông Nghèn chảy qua thị trấn Nghèn, có nhiều bến đò đã trở thành nơi tiễn đưa bao người con lên đường nhập ngũ và nhiều người trong số họ đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường. Giờ đây chỉ còn lại những ký ức đẹp bên dòng sông là trường tồn mãi với thời gian.

Việt Nam là một đất nước của chiến tranh theo dặm dài lịch sử. Nhưng người Việt Nam thời nào cũng vậy, chiến tranh, gian khó chỉ làm trái tim họ thêm ấm áp tình yêu thương. Theo chiều dài chiến tranh biết bao Tình yêu tuổi học trò cũng dang dở như chuyện tình của Huấn và Sâm. Nhưng với nghị lực quyết tâm được nuôi dưỡng bằng tình yêu đẹp của người lính nên họ đã bình thản vượt qua. Tình yêu đôi lứa trong bối cảnh chiến tranh ở truyện ngắn Đi tìm nhau thật là đẹp. Thư, cô thôn nữ xung phong đi dân công hỏa tuyến chỉ vì muốn được gặp người yêu đang cầm súng ở chiến trường. Thư thật hồn nhiên và ngây thơ khi nghĩ rằng, cứ vào chiến trường thì thế nào cũng sẽ gặp được người yêu. Những câu chuyện tình yêu dang dở ấy như giai điệu bài hát Miền xa thẳm của nhạc sĩ Đức Trịnh đã sáng tác dựa trên bài thơ của một chiến sĩ ở rừng Trường Sơn, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, nơi đạn bom không thể chia lìa tình cảm lứa đôi: “Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước/ Đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh/ Đi tìm nhau mãi mãi không về/ Hồn thiêng sông núi tạc lên tượng đài/ đi tìm nhau… tìm nhau”…

Vì hoàn cảnh chiến tranh, Đám cưới vắng cô dâu, cô dâu không được dự đám cưới của chính mình. Đám cưới đó chỉ có chú rể được nghỉ phép với hai bên gia đình và bà con xóm làng tham dự, nhưng thật đầm ấm lại thắm tình hậu phương và tiền tuyến. Với Chiếc lán hạnh phúc giữa rừng lại là một minh chứng cho sự nhân văn của các đơn vị bộ đội, những người đồng đội, khi tạo điều kiện cho đôi vợ chồng có không gian riêng tư giữa núi rừng. Kết quả tình yêu của đôi vợ chồng trẻ là hai người con với cái tên rất ý nghĩa là Lê Hậu Phương và Lê Hành Quân. Truyện Vợ anh vẫn là con gái viết về câu chuyện liệt sĩ Biện Trung Thanh đã ngã xuống để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Anh hy sinh khi chưa một lần được sống đời vợ chồng với người vợ và cũng là điều anh nuối tiếc và xót xa cho người vợ trẻ. Sau suốt 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, hàng ngàn người con ưu tú đã ngã xuống, xương máu của các anh đã tan vào đất mẹ, hòa trong sóng nước mênh mang của dòng sông Thạch Hãn. Trước lúc hy sinh anh dặn dò tâm huyết người đồng đội về thay anh chăm sóc gia đình và người vợ.

Ngã ba Đồng Lộc vang mãi khúc tráng ca - ngay tít truyện đã nói lên tất cả. Ngã ba Đồng Lộc được mệnh danh là “tọa độ chết”, là “núi bom”, là “tượng đài” về ý chí sắt đá và sự hy sinh cao cả của lực lượng Thanh niên xung phong. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Nơi đây được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Để giữ vững mạch máu giao thông ấy hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã ngã xuống, điển hình là mười cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Giờ đây khu mộ mười cô gái ngã ba Đồng Lộc những bông hoa bất tử ấy, hương bồ kết cứ lan tỏa đâu đây như mùi hương tóc của các chị hòa vào núi Hồng, sông La, vào lòng đất mẹ. Ngã ba Đồng Lộc là địa danh huyền thoại, nơi ghi dấu tội ác chiến tranh và bản hùng ca bất diệt của lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam.

Đặc biệt, truyện ngắn Hào đoàn phí đẫm máu có những cho tiết xúc động, tác giả viết về người lính pháo binh Nguyễn Trung Chiến, người bí thư chi đoàn, trước khi trút hơi thở cuối cùng vẫn rút trong ngực áo mình một tờ hai hào nhờ anh em đồng đội đóng phí đoàn anh nói: “Em không thể tiếp tục sống, chiến đấu cùng anh và đơn vị nữa, em còn nhớ chưa đóng tiền Đoàn phí tháng này. Nhờ anh nộp hộ cho chi đoàn…”. Nói dứt lời, Chiến gục xuống trên tay người đồng đội. Hào đoàn phí trên tay hai người cùng với dòng máu của những người con trên quê hương Xô Viết anh hùng đã hóa vào núi Quyết, sông La để tạc nên tượng đài thế kỷ.

Hay truyện ngắn Kỷ vật của người đã khuất, tác giả viết về người chiến sĩ Nguyễn Văn Quang chiến đấu ở mặt trận biên giới Bình Liêu, mặc dù cuộc chiến đang diễn ra rất ác liệt, nhưng vẫn tranh thủ mài dũa những mảnh đạn pháo làm thành những chiếc nhẫn, chiếc lược để gửi về tặng người yêu. Nguyễn Văn Quang cùng anh em đồng đội đã nằm lại nơi mảnh đất biên cương, trong tiếng gió của đại ngàn. Người chiến sĩ của Trung đoàn sông Gianh anh hùng trước lúc hy sinh vẫn băn khoăn “không biết món quà đã đến tay người yêu chưa”…

Tình yêu đẹp của người lính Cụ Hồ có trong những trang viết của Nỗi ám ảnh cuộc đời. Tình yêu đầy sóng gió vì chiến tranh của đôi bạn trẻ Sâm - Toàn chỉ còn lại sự tiếc nuối và xót xa đến ám ảnh khi Sâm phá thai thì cũng là lúc nhận được tin Toàn hy sinh ở chiến trường. Nỗi ám ảnh vì bỏ mất đứa con của Toàn đã dày vò cô, sự ân hận muộn màng làm sao lấy lại được… khi biết Toàn hy sinh, nhiều lúc cô như người mất trí, lúc khóc, lúc cười khi hát ru con...

Truyện Người lính và mảnh đất miền Tây Nam kể về  tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt” - người chiến sĩ xung phong trở lại chiến trường xưa, vùng đất miền nam Tây Nam Bộ nơi anh từng chiến đấu để dạy học cho bà con đúng như lời hứa trước khi trở về Bắc. Người lính trẻ sau khi trở thành thày giáo vẫn đau đáu một điều: Mình vẫn chưa trả nghĩa hết được với bà con Tây Nam Bộ, quê hương thứ hai của mình. Nơi chở che mình trong chiến đấu và là nơi khởi nghiệp của mình trong ngành giáo dục. Suốt đời ông vẫn luôn tâm niệm rằng: Mình sinh ra ở miền Bắc, nhưng là những đứa con thân yêu của các ba má miền Nam...

Viết về tình quân dân có truyện ký Đêm chia muỗi, kể về một cô gái Quảng Bình tên Liên, mồ côi cha mẹ sống một mình, nhưng với tấm lòng bao dung dám bỏ màn để cùng chia muỗi với bộ đội như là sự “chia lửa” trong chiến trường… Đến bút ký Ký ức Vị Xuyên là kỷ niệm không phai của tác giả về những ngày tháng ác liệt biên giới phía Bắc. Những thanh niên trẻ vừa rời ghế nhà trường với biết bao mộng mơ phía trước. Sau vài tháng khoác áo lính, họ đã có mặt ở Vị Xuyên và rồi nhiều người trong số đó hy sinh hoặc mất đi một phần thân thể. Hang Dơi và các đồi, núi đá vôi ở Hà Giang đã phải chịu hàng triệu quả pháo, cối cày xới, được các chiến sĩ đặt tên là “Lò vôi thế kỷ”. Ở mặt trận Vị Xuyên các chiến sĩ quân y với công việc vất vả, sự chịu đựng gan dạ và hơn hết là “tinh thần lạc quan tin tưởng, yêu đời của các chiến sĩ quân đội dù là trực tiếp chiến đấu hay phục vụ chiến đấu, họ luôn tin tưởng nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi”. Người đọc thêm cảm phục tinh thần chiến đấu “Vì độc lập, vì tự do”; “một tấc không đi, một ly không rời” của những người chiến sĩ trên mặt trận Vị Xuyên.

Giờ đây khi chiến tranh đã lùi xa, đọc tập truyện ngắn Nỗi ám ảnh cuộc đời của Trần Anh Tuấn, ta như xem thước phim quay chậm về những năm tháng đất nước chiến tranh khói lửa hào hùng. Những câu chuyện xúc động về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa của một thế hệ lớp trước giúp độc giả trẻ hôm nay thêm trân trọng, yêu quý cuộc sống hòa bình, tự do. 

HỒNG HÂN

 

;