Quyết liệt và cống hiến nhiều hơn nữa, để sự nghiệp chấn hưng văn hóa thắng lợi

Để Văn hóa ngày càng phát triển trong thời gian tới, là điều mà những người trong ngành văn hóa luôn trăn trở, nỗ lực và quyết tâm thực hiện. Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia, nghệ sĩ và người làm công tác văn hóa về vấn đề này.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Quyết liệt và cống hiến nhiều hơn nữa, để sự nghiệp chấn hưng văn hóa thắng lợi

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, ông cha ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa, coi bảo vệ văn hóa như việc khẳng định chủ quyền quốc gia. Đặc biệt, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 là một dấu mốc đặc biệt đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam. Quan trọng nhất, đó là tinh thần của hội nghị trong việc chấn hưng văn hóa dân tộc, để văn hóa đồng hành với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới – một bối cảnh có nhiều thuận lợi những cũng không ít thách thức - mà văn hóa cần phải được đặt ở vị trí trung tâm, là hệ điều tiết sự phát triển bền vững, tạo nên sự tự tin cho dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, PGS, TS Bùi Hoài Sơn

Những kết quả đầu tiên, dễ nhận thấy nhất, đó chính là chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa. Nếu như tại Hội nghị, Tổng Bí thư đã nêu rõ nguyên nhân: “Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị” thì ngay trước, trong và sau Hội nghị, việc thông tin, tuyên truyền về văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Những loạt bài về văn hóa có chất lượng đã đạt giải cao trong các giải thưởng báo chí chính là những minh chứng rõ nhất cho sự quan tâm của báo chí và toàn xã hội đối với vấn đề này. Văn hóa ngày càng được nhìn nhận rõ ràng hơn với tư cách “là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...)”, "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Những thông điệp vững chắc về văn hóa như vậy đã giúp hình thành nhận thức tốt hơn về văn hóa như nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, từng địa phương nói riêng.

Điều đáng mừng là, cùng với việc triển khai Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Chính phủ đã triển khai đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Đây được xem là khung chính sách rất quan trọng để định hướng các chương trình, đề án và hành động cụ thể cho phát triển văn hóa. Những đề án được nêu trong chiến lược đã bao quát nhiều vấn đề về văn hóa, từ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đến những chính sách quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng các chương trình nghệ thuật đỉnh cao hay các thiết chế văn hóa xứng tầm thời đại Hồ Chí Minh... Những kế hoạch lớn này, khi được thực hiện thành công, sẽ tạo điều kiện tốt cho không chỉ sự phát triển văn hóa, mà còn cho sự phát triển bền vững đất nước trong thời gian sắp tới.

Để văn hóa nước nhà ngày càng phát triển, chúng ta phải thực sự quyết tâm, quyết liệt và cống hiến nhiều hơn nữa, để sự nghiệp chấn hưng văn hóa thắng lợi. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải vượt qua nhiều rào cản và điểm nghẽn. Chúng ta đã thành công trong công cuộc Đổi mới về chính trị, kinh tế. Giờ đây, chúng ta rất cần một công cuộc Đổi mới nữa trong lĩnh vực văn hóa. Công cuộc ấy phải được bắt đầu từ đổi mới tư duy về phát triển văn hóa, ở đó, phát triển văn hóa phải ở vị trí trung tâm của mọi sự phát triển; văn hóa phải được thẩm thấu trong mọi kế hoạch, chiến lược, luật pháp...; đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước; Đổi mới ấy cần bắt nguồn từ quyết tâm thực, hành đông cụ thể, hiệu quả rõ ràng cho văn hóa; Đổi mới ấy cần được thực hiện bởi việc khơi thông mọi nguồn lực, đặc biệt là của Nhân dân, cho phát triển văn hóa; Đổi mới ấy cần tạo ra sự tự tin và bản lĩnh Việt Nam từ văn hóa, bằng văn hóa trong hội nhập quốc tế.

Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, NSND Tự Long: Trách nhiệm của những người nghệ sĩ, người hoạt động văn hóa không chỉ có giữ gìn, làm đẹp các giá trị văn hóa mà còn phải có sự lan tỏa ra thế giới bản sắc văn hóa Việt Nam

Ngành Văn hóa có một vị trí rất quan trọng đối với đất nước Việt Nam, văn hóa có thể hiểu thành hai cách khác nhau, khi nói đến văn hóa của dân tộc thì nó là sự trường tồn của mấy nghìn năm lịch sử và bản sắc văn hóa đó cần phải được chúng ta gìn giữ. Năm nay, kỷ niệm 78 năm ngành Văn hóa, trải qua nhiều thăng trầm khác nhau, được chia thành các giai đoạn trong chiến tranh bảo vệ đất nước, sau chiến tranh xây dựng đất nước và thời kỳ đổi mới với những bước tiến đã tạo đà cho văn hóa trở thành nền công nghiệp văn hóa hiện nay, nhìn chặng đường đó có thể thấy ngành Văn hóa đang ngày càng phát triển.

Cùng với đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương... cũng thuộc lĩnh vực văn hóa. Các loại hình nghệ thuật giờ đây vẫn được các nghệ sĩ, nghệ nhân bảo tồn và phát triển. Có nhiều nghệ sĩ trở thành những Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, trở thành những chủ thể trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Văn hóa.

Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, NSND Tự Long

Theo NSND Tự Long: đã là nghệ sĩ, người hoạt động văn hóa, nghệ thuật đều là những người rất tâm huyết, luôn mong muốn giữ gìn lại những nét đẹp trong sáng của văn hóa, góp phần xây dựng con người, mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho dân tộc Việt Nam.

Thời đại nào, thế hệ nào cũng có những nghệ sĩ xuất chúng và sự xuất chúng của ngày hôm nay chính là các thế hệ gen Z. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay đang đứng trước một nguy cơ rất lớn, đó chính là sự phát triển dồn dập của công nghiệp văn hóa, các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận với nhiều thứ mới mẻ nên không tránh khỏi sự sao nhãng với những giá trị của dân tộc, thậm chí có những người nghệ sĩ không có bản lĩnh mà đánh mất chính mình. Ngày xưa, các tác phẩm văn hóa được sáng tác rất lành mạnh và mang một hơi thở nguồn gốc của người Việt Nam, bây giờ, văn hóa phát triển với xu thế hội nhập thế giới, chúng ta có thể am hiểu nhiều văn hóa của các nước khác nhưng chưa chắc đã am hiểu về văn hóa nội tại của người Việt. Nhiều bạn trẻ ngày hôm nay có điều kiện khám phá thế giới nên quên đi những giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là một vấn đề đang đặt ra, đó là cần phải làm thế nào để văn hóa theo kịp được với thời đại, với công nghiệp văn hóa của thế giới nhưng vẫn giữ được hơi thở của cuộc sống, hơi thở của dân tộc Việt, giữ vững được bản sắc văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, kết nối văn hóa của ngày hôm nay là phương tiện đưa người Việt Nam ra thế giới, quảng bá những nét đẹp của người Việt. Và chính những người nghệ sĩ, người làm công tác văn hóa là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đó, họ kết nối văn hóa của cha ông truyền lại với văn hóa hiện nay để có thể tạo ra một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, những người nghệ sĩ, cũng phải học tập nhiều hơn nữa để nhân lên những giá trị đó cho phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, với cuộc sống ngày hôm nay. Hơn nữa, trách nhiệm của những người nghệ sĩ, người hoạt động văn hóa không chỉ có giữ gìn, nêu cao, làm đẹp các giá trị văn hóa mà còn phải có sự lan tỏa ra thế giới để khi đứng trên trường quốc tế, dân tộc Việt Nam vẫn có nét văn hóa riêng biệt.

Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam: hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách khuyến khích phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trọng dụng tài năng...

Sáng tác văn học nghệ thuật Việt Nam thời gian qua đã có bước phát triển mới, theo hướng ngày càng phong phú, đa dạng, hiện đại, từng bước hòa nhập với sự phát triển chung của văn học nghệ thuật thế giới. Trong thể chế kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập, sáng tác văn học nghệ thuật hiện nay cho thấy những khuynh hướng chủ đạo là kế thừa, phát triển truyền thống yêu nước, dân tộc, nhân văn, cách tân hình thức và thích ứng với thị trường ở những mức độ khác nhau. Hình thức nghệ thuật đã có tìm tòi, đổi mới khá đa dạng, tiếp cận với những thể nghiệm nghệ thuật trong các lĩnh vực văn học, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu...

Đồng thời sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ làm xuất hiện những phương thức phổ biến, quảng bá sản phẩm văn hóa, tác phẩm văn học nghệ thuật mới, phi truyền thống như trên Internet, các nền tảng mạng xã hội; từ khía cạnh tích cực, tạo điều kiện cho quần chúng dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận. Đang hình thành, phát triển một thị trường năng động giúp lưu thông, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và đòi hỏi cao của công chúng, người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam

Trong lĩnh vực điện ảnh; dù còn những khó khăn và hạn chế nhưng với sự quan tâm của Đảng, sự hỗ trợ của Nhà nước về thể chế, chính sách và cả nguồn lực ngành điện ảnh đang nỗ lực vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển và phát triển bền vững. Quy hoạch và Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020 - tầm nhìn đến 2030 và gần đây là Luật Điện ảnh (sửa đổi) bước đầu đã tạo lập hành lang pháp lý khá thông thoáng cũng như động lực có tính thúc đẩy cho bước phát triển mới của Điện ảnh Việt Nam hướng tới xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh hiện đại. Dòng sáng tác phản ánh đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, hiện thực nhân sinh, xây dựng con người mới, bảo tồn và phát huy giá trị tinh thần, văn hóa dân tộc... nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, thể hiện trách nhiệm xã hội của các nghệ sĩ. Bên cạnh đó, dòng phim xã hội hóa tiếp tục phát triển và từng bước đáp ứng nhu cầu giải trí đa dạng của công chúng, một số tác phẩm đạt doanh thu cao và đóng góp nhất định cho kinh tế. Việc phổ biến tác phẩm tới công chúng, kết hợp đẩy mạnh quảng bá du lịch, giới thiệu nét đẹp về văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới cũng được chú trọng đẩy mạnh.

Thời gian tới, để Văn hóa, Văn học nghệ thuật trong đó có Điện ảnh có bước phát triển thật mạnh mẽ cần quyết liệt hoàn thành việc thể chế hóa quan điểm đường lối, chủ trương, định hướng phát triển thành luật, nghị định, cơ chế chính sách cụ thể, chi tiết. Cần đặc biệt quan tâm hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật; mở rộng tự do sáng tác gắn với trách nhiệm xã hội của người sáng tác; cải tiến các chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật như lương, nhuận bút, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ hưu đối với trí thức, văn nghệ sĩ, cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách khuyến khích phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trọng dụng tài năng... Cũng cần có sự đột phá trong khâu quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng bắt đầu từ việc phổ cập kiến thức nghệ thuật vào nhà trường phổ thông, tạo những “sân chơi” cho cộng đồng người yêu thích nghệ thuật… để “ươm mầm” tài năng đồng thời góp phần nhanh chóng tạo nên một lớp khán giả có đầy đủ hiểu biết và năng lực cảm thụ tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật.

Cùng tổng thể những giải pháp nêu trên, phát triển nền công nghiệp văn hóa sẽ góp phần tiếp thêm cho Văn học nghệ thuật sức sống mới, làm cho Văn học nghệ thuật gần gũi hơn với nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, đồng hành cùng nhân dân chung tay xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

NGỌC BÍCH ghi

;