Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của ngành VHTTDL diễn ra chiều ngày 15-7.
Cùng dự và điều hành Hội nghị tại đầu cầu trụ sở Bộ VHTTDL có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt. Tham dự có đại diện lãnh đạo của 23 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương; lãnh đạo: các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở DL 63 tỉnh, thành.
Toàn ngành vượt khó
Mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, sự vượt khó của ngành đã tạo ra được bức tranh tươi sáng về ngành VHTTDL. Bộ trưởng hy vọng, trên tinh thần nói thẳng nói thật, đánh giá đúng thực chất, các đại biểu sẽ đóng góp các ý kiến xác đáng để tìm các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch toàn ngành năm 2022 đã được Chính phủ phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã báo cáo tóm tắt công tác văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 với những kết quả đáng khích lệ. Các nhiệm vụ phát triển ngành cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng theo kế hoạch đề ra. Trong đó, Thứ trưởng đã nhấn mạnh về kết quả 6 tháng triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Bộ VHTTDL đã ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình về phát triển văn hóa mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó, trên cơ sở các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ý kiến kết luận, gợi mở một số vấn đề về văn hóa của Tổng Bí thư, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã tập trung thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và Chính phủ.
Nổi bật là Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội các dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan…; báo cáo Chính phủ cho phép nghiên cứu, xây dựng Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng những chính sách, giải pháp đúng đắn, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, như: Nghị định về chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ; Nghị định quy định về đào tạo đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; Nghị định về hoạt động văn học; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026, Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026...
Bộ cũng đã từng bước nghiên cứu, xác định nội hàm Hệ giá trị văn hóa Việt Nam, Hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; ban hành Nghị quyết của Ban Cán sự đảng về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ VHTTDL đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới”; tổ chức Lễ Phát động triển khai chủ đề năm 2022 “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” tại Khu Di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; rà soát, xây dựng mới và điều chỉnh bổ sung Quy chế phối hợp giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2022-2026 và tổ chức ký kết Chương trình phối hợp với các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Người cao tuổi Việt Nam nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ để tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt kìm hãm sự phát triển của ngành.
Bên cạnh đó, tổ chức thành công SEA Games 31, quảng bá hình ảnh về một “Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển” tới bạn bè quốc tế, phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa; đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị, nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tăng cường sưu tầm, bảo quản, trưng bày giới thiệu các tài liệu, hiện vật văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc Việt Nam; bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Tiếp tục hoàn thiện, khai thác và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Đối với lĩnh vực du lịch, báo cáo cũng cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 413.000 lượt; khách du lịch nội địa đạt 60,8 triệu lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt 265 nghìn tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trình bày báo cáo tại Hội nghị
Ở góc độ các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt một số kết quả nổi bật như sau: 61/63 tỉnh/thành ủy xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; Nguồn lực đầu tư cho văn hóa năm 2022 của các địa phương bước đầu đã có những sự thay đổi tích cực, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, cụ thể so với năm 2021: tỉnh Bắc Giang tăng 12,7%; tỉnh Hòa Bình, tỉnh Đắk Lắk tăng 17%; Tỉnh Kon Tum tăng 18%; Tỉnh Bến Tre tăng 19%; tỉnh Phú Thọ tăng 29%; Tỉnh Bình Thuận tăng khoảng 44%… Dự toán ngân sách năm 2022 của nhiều tỉnh/thành phố phân bổ ngân sách cho lĩnh vực cho văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương (tỉnh Vĩnh Long chi 2,78%; tỉnh Lào Cai chi 3,33%; tỉnh Ninh Bình 4%... Thành phố Hà Nội bố trí 15.100 tỷ đồng đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2021-2025 (thể thao 610 tỷ, di sản 14.000 tỷ, bảo tàng 400 tỷ). Tỉnh Phú Thọ khởi công xây dựng công trình Nhà văn hóa nghệ thuật tỉnh với mức đầu tư gần 400 tỷ đồng; tỉnh Tiền Giang đầu tư gần 300 tỷ đồng cho thiết chế văn hóa, thể thao như xây dựng Khu thể thao dưới nước, chỉnh trang Khu Di tích Chiến thắng Ấp Bắc, giai đoạn 2023-2025 sẽ tiếp tục đầu tư 221 tỷ đồng cho các thiết chế văn hóa, thể thao như xây dựng Công viên văn hóa, Bảo tàng, Thư viện tỉnh.
Bên cạnh việc bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã chủ trọng triển khai công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, tuyên truyền, thể thao và du lịch và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành mạnh mẽ của các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn (Lâm Đồng, Đồng Nai, Thái Bình, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng…) góp phần tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển văn hóa tại địa phương. Trong quy hoạch nguồn nhân lực ngành văn hóa, các địa phương đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức tốt, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa. Coi trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và tôn vinh nhân tài.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Thị Phượng trình bày tham luận
Những thông tin, số liệu nêu trên là minh chứng rõ rệt cho thấy nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước đã được nâng nên trong chính các cấp ủy Đảng và lan tỏa trong xã hội. Có sự chuyển biến về tư duy, quan điểm đối với lĩnh vực văn hóa từ đầu tư cho văn hóa tốn kém, không mang lại hiệu quả sang chăm lo cho văn hóa, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững, có tính chất lâu dài.
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, nhiệm vụ chung của Bộ là tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ và tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại: Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014, thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh các hoạt động văn hóa-nghệ thuật trong thời kỳ mới...; triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo chủ đề công tác năm 2022 của ngành: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương trình bày tham luận tại Hội nghị
Trong đó, nhiệm vụ cụ thể về lĩnh vực văn hóa, gia đình: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Lập hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Di sản văn hóa; tổng kết thi hành Luật Quảng cáo và Hồ sơ lập đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo; thực hiện các Nghị định về quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục quốc gia và văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh; Xây dựng Hồ sơ Đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học; Nghị định về một số chế độ lao động, tuổi nghỉ hưu đối với nghệ sĩ trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn công lập; hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2030”…
Quang cảnh hội nghị tại trụ sở Bộ VHTTDL
Trong lĩnh vực thể dục thể thao, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ban hành: Đề án Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX; Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2022-2045; tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; Chương trình Bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021- 2030 của ngành VHTTDL; tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 (dự kiến cuối năm 2022 tại tỉnh Quảng Ninh); chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội Thể thao quốc tế trẻ em châu Á lần thứ 7 tại Nga; Đại hội Thể thao Văn hóa Pháp ngữ tại Congo, ASIAD 19 năm 2023 và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới.
Về lĩnh vực du lịch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Tổng kết Năm Du lịch quốc gia 2022 tại tỉnh Quảng Nam và triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 tại tỉnh Bình Thuận.
Tiếp đó, các đại biểu đã được nghe 11 tham luận của lãnh đạo: Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Văn hóa cơ sở, Sở VHTT tỉnh Quảng Nam, Sở VHTT tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Ninh, Sở Du lịch TP.HCM, Tổng cục Thể dục -Thể thao, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Tổng cục Du lịch, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM trình bày tại Hội nghị.
"Các hoạt động của ngành đều hướng về cơ sở là một hướng đi đúng"
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã một lần nữa nhấn mạnh những nét nổi bật mà ngành VHTTDL đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022. Đó là, ngành VHTTDL đã thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh vừa có những thuận lợi nhưng cũng có những thách thức, khó khăn đan xen đặc biệt là hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 tác động.
Sau khi không chế được dịch bệnh và đặc biệt là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc vào cuối năm 2021, toàn ngành đã có động lực mới, tinh thần mới, niềm tin mới, phấn chấn mới để vượt qua khó khăn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với tinh thần khát vọng xây dựng đất nước nước Việt Nam hùng cường. Với phương châm “quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến", Bộ VHTTDL đã lựa chọn chủ đề năm công tác là “Năm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” tạo ra hiệu ứng lan tỏa toàn ngành và cùng với sự nỗ lực của những người làm công tác văn hóa trong toàn quốc. Với những nỗ lực đó, ngành Văn hóa đã gặt hái được những thành công, rõ nhất là đã chuyển toàn bộ tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước bằng văn hóa. Từ đó bám sát vào định hướng mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra là tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế. Bộ đã tập trung, đề xuất, tham mưu với Chính phủ, Quốc hội ban hành các bộ luật, Nghị định để thực hiện quản lý nhà nước, cụ thể có 4 bộ luật, trong đó có 2 bộ luật do Bộ chủ trì xây dựng, đã được Quốc hội thông qua. Có bộ luật đã được cho ý kiến, sẽ thông qua kỳ họp tới. Điều đó cho thấy hệ thống pháp luật đang dần được hoàn thiện, sẽ giúp ngành quản lý bằng công cụ pháp luật, hướng tới tạo ra các nguồn lực để phát triển.
Bộ trưởng cũng cho biết, 6 tháng đầu năm cũng là quãng thời gian mà Bộ huy động các nguồn lực, rà soát lại, tập trung chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, trong đó văn hóa giữ dây cương, là trung tâm. Bộ VHTTDL đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền nâng cao hơn một bước nhận thức về văn hóa, đặt văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội vì thế có sự đầu tư thỏa đáng hơn cho văn hóa.
Bộ trưởng cũng cho rằng các hoạt động của ngành đều hướng về cơ sở là một hướng đi đúng, khi xác định môi trường văn hóa cơ sở là động lực của sự phát triển, là chiều sâu là nơi để tỏa sáng các giá trị văn hóa. Sau khi Bộ triển khai chủ đề về năm công tác tại quê hương Bác Hồ, sức lan tỏa đã đi đến từ các đô thị lớn, đến địa phương và vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, với sự thành công của Liên hoan Tiếng hát làng Sen tại Nghệ An, Liên hoan Đờn ca tài tử tại Cần Thơ, Hội diễn Tiếng hát công nhân, người lao động tại Bắc Ninh… đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong công nhân, doanh nghiệp…
Điểm nổi bật của ngành trong thời gian qua là đã tổ chức thành công SEA Games 31. Sự kiện này đã được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao và khen thưởng. Sự kiện đó không chỉ là thể thao mà chúng ta còn làm nhiệm vụ đối ngoại, khẳng định Việt Nam là một điểm đến an toàn, đã tạo được hiệu ứng để thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp không khói, tạo đà du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Du lịch có những bước khởi sắc, đã thu được nhiều thành tựu, chỉ tiêu về du lịch nội địa, khách quốc tế đã có dấu hiệu tăng lại. Nguồn thu cho ngân sách từ du lịch đã được tăng lên, đóng góp một phần vào GDP, cũng như thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao nhằm phục hồi nền kinh tế của đất nước sau đại dịch…
Lĩnh vực văn hóa, gia đình cũng đã có sự chuyển biến tích cực, Bộ đã chú ý nhiều hơn về môi trường gia đình văn hóa, nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhất bằng việc khởi động, xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), hướng tới văn hóa gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo các công việc của toàn ngành thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022, đó là: Tiếp tục rà soát các đầu việc trong 6 tháng đầu năm, việc nào chưa hoàn thiện thì phải quyết tâm thực hiện và bổ sung. Các đơn vị phải thực hiện khẩn trương, không được “đánh trống bỏ rùi”, “làm cho có lệ” mà phải chuyển hóa thành kế hoạch bằng các việc làm cụ thể, thiết thực. Tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam từ nay cho đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, điều này rất cần sự đồng lòng, góp sức của các địa phương. Tập trung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, để được tích hợp chung vào quy hoạch tổng thể quốc gia. Khi có mạng lưới quy hoạch đầy đủ, mới có cơ sở để thực thi các chính sách, mới đầu tư và phân kỳ ra từng giai đoạn. Tổng kết và tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, phải chú ý đến đề án về thể thao thành tích cao, có như vậy chúng ta mới có màu cờ sắc áo ở đấu trường quốc tế… Trong thời gian tới, tiếp tục tham mưu những điểm đến mới an toàn để có thêm những sản phẩm mới về du lịch. Hỗ trợ phát triển du lịch phải được triển khai ở hai cực, điểm “cực phát” thì phát triển thêm, còn điểm “vùng lõm” còn khó khăn thì phải hỗ trợ, để du lịch ở tất cả mọi miền Tổ quốc đều có bước tăng trưởng. Trong môi trường văn hóa, đặc biệt là về văn hóa cơ sở, thì phải chú ý đến văn hóa nghệ thuật. Vì vậy các đơn vị văn hóa trong toàn quốc, các đơn vị từ trung ương đến địa phương phải tự soi rọi, tính toán, báo cáo, đề xuất để có nhiều tác phẩm, chương trình hay, đồng thời, thực hiện lưu diễn để phục vụ nhiệm vụ chính trị nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân…
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác (trong đó có Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật)
Trong khuôn khổ Hội nghị, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 10 tập thể thuộc Bộ VHTTDL đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của Bộ VHTTDL năm 2021, gồm: Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Vụ Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM, Trường Cán bộ quản lý VHTTDL, Trường Trung cấp Múa TP.HCM, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam.
NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH