1. Lý luận, phê bình điện ảnh cũng là khoa học và sáng tạo nghệ thuật
Sáng tạo nghệ thuật nói chung, nghệ thuật điện ảnh nói riêng là sáng tạo ra cái đẹp với những giá trị thẩm mỹ, vì cốt lõi của những sáng tạo này là chân - thiện - mỹ (là bản chất vẻ đẹp của cuộc sống, về cả nội dung lẫn hình thức). Vì thế, phê bình tác phẩm nghệ thuật điện ảnh là phê bình cái đẹp có trong tác phẩm đó. Nghĩa là, với sự hiểu biết (về cả lý luận và thực tiễn) và thái độ trân trọng cái đẹp, người làm lý luận phê bình phải chỉ ra được cái đẹp và phân tích những điểm chưa hoàn thiện của cái đẹp trong tác phẩm.
Nhiệm vụ của người làm phê bình tác phẩm điện ảnh là sử dụng kiến thức, hiểu biết về lý luận điện ảnh cũng như các kiến thức liên ngành khoa học nhân văn khác (văn học, tâm lý học, triết học, xã hội học, hội họa, sân khấu…), cùng với sự thiện chí, tôn trọng khách quan, gạt bỏ chủ quan để chỉ ra cái hay, cái đẹp trong tác phẩm và người sáng tác. Nói thế, có vẻ là lý thuyết suông, nhưng trong thực tiễn, điều này đã được chứng minh. Người viết chưa thấy điều nói trên trong điện ảnh, nhưng đã có trong văn học nước nhà. Đó là trường hợp nhà phê bình văn học Hoài Thanh và cuốn Thi nhân Việt Nam của ông. Suốt đời làm công việc phê bình văn học, Hoài Thanh dường như chỉ đi tìm cái hay, cái đẹp trong văn chương để ngợi ca. Ông phê phán cũng là để làm rõ hơn cái hay, cái đẹp của tác phẩm đó. Cũng vì thế, dù trải qua sóng gió của cuộc đời và thế sự, Hoài Thanh được những người hiểu biết, có học (đúng nghĩa) đánh giá cao và kính trọng, còn những người không thích ông thì tôn trọng. Cuốn Thi nhân Việt Nam của ông luôn được xem là một trong những tác phẩm phê bình văn học hay nhất của văn học Việt Nam hiện đại, có lẽ vì trong đó, ông chỉ viết về cái hay, cái độc đáo của từng nhà thơ phong trào Thơ mới.
Phê bình điện ảnh là một tiến trình khoa học, luôn song hành với hoạt động sáng tác, tham gia vào quan hệ giữa sáng tác của nghệ sĩ và thưởng thức của công chúng. Người làm công tác phê bình xem phim và mổ xẻ tác phẩm, sử dụng các nguyên tắc lý luận điện ảnh cùng các ngành khoa học nhân văn, với thái độ nghiêm túc, thân thiện để chỉ ra cái đẹp hoàn thiện và phân tích nó, cũng như chỉ ra cái chưa hoàn thiện để công chúng và các tác giả, những người sáng tạo tác phẩm cùng biết, cùng rút kinh nghiệm để tác phẩm sau được tốt hơn và cũng mang tính định hướng cho công chúng khi thưởng thức nghệ thuật. Đây là công việc mang tính khoa học nghiêm túc.
Nhà lý luận, phê bình điện ảnh cũng phải là người sáng tạo như nhà biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên… chứ không phải là người “ăn theo, nói leo”, dù “ăn theo, nói leo” một cách sang trọng. Phê bình nghệ thuật vừa là phương thức, vừa là biện pháp thúc đẩy văn học nghệ thuật phát triển chắc, đúng, nhanh, hay. Hoạt động phê bình đòi hỏi người làm nghề phải có trách nhiệm, am hiểu, nhiệt huyết để có thể góp phần tích cực nâng tầm sáng tạo, bồi bổ thẩm mỹ, đặc biệt tham gia hiệu quả vào quá trình định hướng khuynh hướng, tăng cường nhận thức tư tưởng cũng như giáo dục tri thức chuyên ngành. Người xem đọc phê bình tác phẩm điện ảnh của các nhà lý luận, phê bình phim chuyên nghiệp cũng sẽ say mê như xem tác phẩm phim đó, vì họ muốn tìm kiếm thêm từ những bài phê bình ấy, những cái hay, cái đẹp, cái chủ đề, cái thông điệp và nhiều thứ khác mà đạo diễn phim đã sáng tạo. Vì thế, ở phương diện này, nhà phê bình điện ảnh cũng được xem như là những nghệ sĩ sáng tạo.
2. Cơ sở khoa học và vai trò của lý luận, phê bình điện ảnh
Lý luận, phê bình nghệ thuật điện ảnh được hình thành qua các trường phái, trào lưu sáng tác điện ảnh của thế giới. Có thể điểm qua các trào lưu, trường phái lý luận, phê bình ở từng thời kỳ có ảnh hưởng đến lý luận phê bình điện ảnh của Việt Nam như: phê bình theo phương pháp phản ánh hiện thực, phê bình thi pháp học, phê bình cấu trúc, phê bình bản thể luận, phê bình phân tâm học, phê bình theo chủ nghĩa hậu hiện đại... Lý luận, phê bình nghệ thuật điện ảnh bao gồm các quan điểm, đánh giá về quá trình hình thành, phát triển của nghệ thuật, các trào lưu trường phái, cơ chế sáng tạo của văn nghệ sĩ, sự tiếp nhận của người thưởng ngoạn và các hiện tượng văn học, nghệ thuật.
Hiện thực sáng tạo của người nghệ sĩ luôn thay đổi và vận động theo sự biến đổi và yêu cầu của cuộc sống. Vì thế, những quan niệm lý luận điện ảnh trong phản ánh hiện thực nhiều khi không còn phù hợp để đánh giá, thẩm định các tác phẩm điện ảnh. Lý luận điện ảnh chỉ thật sự làm tốt vai trò của mình nếu nắm bắt, khái quát kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong vận động phát triển của thực tiễn cuộc sống. Lý luận, phê bình đúng nghĩa là sự sáng tạo, hay chí ít cũng phải tạo ra sự khơi gợi sáng tạo của người nghệ sĩ. Nó vừa phải khai mở, dò đường, vừa phải “soi bóng” vào tác phẩm điện ảnh để khám phá, giải mã tác phẩm.
Phê bình điện ảnh là lĩnh vực hoạt động đặc thù của một chuyên ngành nghệ thuật mang tính tổng hợp cao trong tổ chức (xây dựng) câu chuyện và rất hiện đại trong nghệ thuật biểu hiện (kể chuyện). Do có thể hiểu về một xã hội từ tác phẩm điện ảnh và hiểu tác phẩm điện ảnh từ xã hội (vì tác phẩm điện ảnh phản ánh tư tưởng và hiện thực xã hội), nên tầm quan trọng của hoạt động phê bình điện ảnh cần được xác định trong hoạt động lý luận của nghệ thuật này, cũng như trong sáng tạo nó. Đội ngũ làm lý luận phê bình điện ảnh luôn sẵn sàng, chủ động để không chỉ mổ xẻ, tìm ra cái hay, cái đẹp, cái chưa hay, chưa hoàn thiện ở một tác phẩm điện ảnh, mà còn định hướng dẫn dắt sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ và thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Phê bình điện ảnh còn là động thái tìm hiểu, phân tích, đánh giá, bày tỏ chính kiến của nhà phê bình đối với hoạt động điện ảnh và tác phẩm điện ảnh. Phê bình điện ảnh là một trong ba phương thức chính để nghiên cứu điện ảnh, bên cạnh nghiên cứu lý luận điện ảnh và nghiên cứu lịch sử. Phê bình điện ảnh cũng là một hình thức phê bình học thuật, gắn nghệ thuật điện ảnh với nghệ thuật nói chung, với mỹ học, triết học, xã hội học cùng các ngành xã hội nhân văn khác. Công trình phê bình điện ảnh đúng nghĩa có vị thế độc lập, có giá trị học thuật xứng đáng và được coi như là một tác phẩm song hành bên cạnh tác phẩm điện ảnh mà nó phân tích, phê bình. Quá trình phê bình phim là quá trình thưởng thức để nhận thức tác phẩm bằng trình độ nhận thức, quan niệm sống, cảm xúc thẩm mỹ... của người làm công việc lý luận phê bình. Đó cũng là quá trình tìm hiểu cách thức cấu trúc, kể chuyện của các tác giả phim. Trong quá trình phê bình phim, nhà lý luận, phê bình bổ sung các kiến thức điện ảnh (không ngừng được đổi mới), cung cấp lý luận điện ảnh, nhằm làm cho người đọc (cả nghệ sĩ sáng tạo và công chúng) hiểu biết sâu sắc hơn nghệ thuật điện ảnh, tức là gián tiếp bồi dưỡng kiến thức điện ảnh cho người đọc một cách tinh tế.
Phê bình điện ảnh đúng nghĩa phải trên cơ sở nắm vững lý luận điện ảnh (bản tính và đặc trưng, các nguyên tắc sáng tạo, các vấn đề về mỹ học, tâm lý học điện ảnh, các quan niệm về loại hình nghệ thuật này, các trường phái, quan niệm về sáng tác nó…) mà nhận thức tác phẩm. Cần tiến hành phân tích cẩn thận, tỉ mỉ với các thủ pháp sáng tác, cũng như đối với nguyên lý tạo hình của tác phẩm điện ảnh cụ thể.
Công trình phê bình điện ảnh nghiêm túc sẽ giúp tác giả của tác phẩm rút ra những bài học nghề nghiệp hữu ích, đồng thời giúp công chúng nâng cao khả năng hiểu sâu sắc ngôn ngữ đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh, giúp hiểu được các thủ pháp mà tác giả phim sử dụng để xây dựng hình tượng nghệ thuật. Nhà phê bình cần cùng cảm xúc, cùng sáng tạo với tác giả của tác phẩm, từ đó góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ của xã hội đối với nghệ thuật điện ảnh. Về bản chất, phê bình điện ảnh là cuộc trò chuyện mang tính học thuật trên cơ sở lý luận điện ảnh giữa người thưởng thức có nghề (người làm công tác lý luận phê bình) với nhà sáng tác điện ảnh. Cuộc trao đổi này đòi hỏi sự thẳng thắn, cụ thể, chính xác, khách quan trên tinh thần xây dựng và tôn trọng cái đẹp. Nó phải hài hòa giữa trách nhiệm, nhận thức cá nhân nhà phê bình với ý niệm, tác động xã hội. Phê bình điện ảnh, dĩ nhiên phải bám sát thực tiễn hoạt động điện ảnh, đồng thời gắn chặt với lý luận điện ảnh để tạo cơ sở triển khai phê bình.
Mối quan hệ giữa phê bình điện ảnh với sáng tác điện ảnh là mối quan hệ hai chiều tương hỗ lẫn nhau. Vì có tác phẩm mới có phê bình, phê bình luôn phục vụ sáng tác và thưởng thức kết quả của sáng tác. Nếu phê bình đúng sẽ có ích cho sáng tác, đánh giá đúng đắn giá trị thực của tác phẩm, soi xét mức độ thành bại của tác giả phim, đồng thời rút ra những quy luật sáng tạo mà tác giả phim đã chủ động hoặc “vô tình” tạo nên. Đồng thời nhà phê bình còn có thể phân tích làm nổi bật bản chất cái đẹp cụ thể mà tác phẩm điện ảnh đạt tới.
Hình thức phê bình điện ảnh thường thấy là phân tích, bình luận, đánh giá, mổ xẻ tính văn học cùng tính điện ảnh của tác phẩm điện ảnh. Một nhà mỹ học Nga đã viết: “Bình phẩm không tự nó tạo ra giá trị, nhưng giá trị phải thông qua bình phẩm mới thấy rõ” (1). Không có lao động sáng tạo của nhà phê bình, công chúng xem phim khó có điều kiện thấu hiểu, thậm chí có khi không hiểu đúng tác phẩm điện ảnh.
Do những đòi hỏi khách quan nói trên, nhà phê bình điện ảnh cần nắm vững các chức năng nền tảng của tác phẩm điện ảnh là giáo dục (đạo đức và kiến thức), nhận thức, thẩm mỹ và giải trí. Trên cơ sở đó, nhà phê bình khi viết phê bình phải có trách nhiệm, không cảm tính, không theo thói quen thưởng thức riêng, mà bỏ qua những đòi hỏi lý luận cần thiết trong việc đánh giá tác phẩm điện ảnh.
Phê bình điện ảnh, như đã nói, luôn gắn với lý luận điện ảnh và luôn lấy nó làm cơ sở khoa học bình phẩm vững chắc. Tuy nhiên, phê bình điện ảnh không nên lạm dụng và không thể thay thế lý luận điện ảnh, vì mặc dù có sự tương hỗ nhau, nhưng đây lại là hai lĩnh vực riêng biệt, làm những chức năng khác nhau. Trong khi lý luận điện ảnh quan tâm đến những vấn đề khái quát có tính quy luật cùng đặc điểm loại hình của tác phẩm, từ đó biện luận và phân tích học thuật, thì phê bình điện ảnh hướng về tầm soát nghệ thuật thể hiện của tác phẩm cụ thể và đánh giá giá trị chi tiết của chúng. Nói cách khác, phê bình điện ảnh thường để tâm hơn đến các tiểu tiết cụ thể của hiện tượng điện ảnh. Trong lúc đó, lý luận điện ảnh coi trọng hơn các yếu tố bao quát cùng các quan niệm trừu tượng về điện ảnh, từ đó tiến hành khảo sát các quan điểm và khái niệm có sẵn, đề ra những quan điểm và khái niệm mới. Phê bình điện ảnh không coi việc phân tích các quan điểm và khái niệm là nội hàm nhiệm vụ chính của mình, mà chỉ vận dụng chúng. Như vậy, trong lúc lý luận điện ảnh bỏ qua các yếu tố của thực tế điện ảnh, thì phê bình điện ảnh lại coi thực tế điện ảnh là mục tiêu của mình.
3. Công tác lý luận và phê bình điện ảnh ở nước ta hiện nay
Hệ thống lý luận, phê bình điện ảnh của nước ta hình thành từ chính hiện thực đời sống văn học nghệ thuật của nước nhà, giúp phát hiện, định hướng và cổ vũ cho cái mới trong hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ cũng như thưởng thức nghệ thuật của công chúng. So với nhiều nước trên thế giới, lý luận, phê bình nghệ thuật điện ảnh nước ta ra đời muộn và vì nhiều lý do mà nó chịu ảnh hưởng của lý luận phê bình điện ảnh Nga Xô viết. Gần chục năm trở lại đây, có nhiều nguồn sách vở, tài liệu, các hội thảo khoa học, các khóa đào tạo điện ảnh ngắn ngày được tổ chức… mà một số quan niệm, lý luận điện ảnh phương Tây và Bắc Mỹ đã xâm nhập, làm cho lý luận điện ảnh nước ta trở nên phong phú cũng như đa dạng hơn. Đây là điều tích cực, có ích cho lý luận và sáng tác nghệ thuật điện ảnh nước nhà. Việc nghiên cứu hệ thống lý luận phê bình điện ảnh trên thế giới để tiếp thu có chọn lọc đang là sự đòi hỏi cần thiết.
Hiện nay, ngành Lý luận, Phê bình điện ảnh nước ta đang còn ít những nhà lý luận phê bình điện ảnh chuyên nghiệp, chuyên tâm, có hiểu biết sâu sắc về lý luận điện ảnh.
Lực lượng chủ lực hoạt động trong lĩnh vực phê bình điện ảnh là những nhà báo, nhưng không ít trong đó viết phê bình tay ngang, vốn hiểu biết về điện ảnh nói chung và lý luận điện ảnh nói riêng còn hạn chế. Trong thực tế, các bài viết về điện ảnh trên báo chí đã đáp ứng một phần nhu cầu của công chúng, đặc biệt ở chức năng thông tin. Vì chủ yếu để thông tin, các bài viết trên các báo thường nhận xét tập trung vào phần văn học của tác phẩm điện ảnh và giới thiệu các gương mặt nổi bật, thiếu phần bàn luận chuyên môn và định hướng sáng tác, sản xuất.
Hiện trạng ngành Lý luận, Phê bình điện ảnh hiện nay còn thiếu chuyên nghiệp, không gắn với lý luận chuyên ngành, ít tác dụng đối với đời sống điện ảnh của đất nước. Một số bài báo được viết do những cây bút nhanh nhạy nhưng hạn chế am hiểu về nghệ thuật điện ảnh, cũng không tường tận hệ thống thủ pháp thể hiện của nghệ thuật nghe nhìn, nên chỉ quanh quẩn với hình thức thể hiện của tác phẩm cùng đời tư của các ngôi sao. Có những bài báo, do không đủ kiến thức, đã đưa ra những nhận định mâu thuẫn và trái ngược nhau, gây phức tạp dư luận. Trên các mạng xã hội có những bài viết cẩu thả, thiếu kiến thức, thậm chí thể hiện xu hướng lệch lạc, cổ vũ học đòi lai căng... Như vậy, từ bức tranh chung của hoạt động phê bình điện ảnh thời gian qua cũng như hiện nay, có thể thấy rõ tình trạng trì trệ, chậm trễ, bị động và một phần bất lực của hoạt động phê bình phim. Đã có lúc, sáng tác, sản xuất phim bị cuốn vào trào lưu thương mại hóa, có phim được pha chế từ phim nước ngoài, có phim cố sức tìm kiếm đề tài bí hiểm hoặc gợi dục, có phim bất chấp các nguyên lý thông thường của thể loại và của tình huống,… mà nhà phê bình phim vẫn bỏ qua. Trong lúc đó, khi xuất hiện những nhân tố, sáng kiến mới trong chế tác ở phim này phim khác, phê bình phim cũng lại không kịp thời khích lệ phát huy, bằng hệ thống lý luận chuyên ngành có sức thuyết phục.
Hệ thống lý luận chuyên ngành, tựu trung là việc nắm bắt quy trình sản xuất hiện thời ở trong và ngoài nước để phân tích, so sánh sát thực, là am hiểu đặc trưng nghệ thuật điện ảnh với các nghiệp vụ chủ yếu từ khâu biên kịch đến đạo diễn, quay phim, diễn xuất, thiết kế mỹ thuật, hòa phối âm thanh… đến việc nắm chắc thực lực sáng tác, chế tác cũng như các khuynh hướng sáng tác đang triển khai và trong dự báo, để khuyến khích phát huy hoặc cảnh báo chuyển hướng.
Bên cạnh đó, sở dĩ hoạt động phê bình điện ảnh ngày càng rời rạc, kém hiệu quả, một phần nguyên do quan trọng là trong ý thức của không ít tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chưa thực sự giác ngộ, chưa đích thực coi trọng hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung, phê bình nghệ thuật, trong đó có phê bình điện ảnh, nói riêng. Thêm vào đó, cơ chế chính sách bằng hành động dành cho hoạt động phê bình còn nhiều bất cập, trước hết là các điều kiện hoạt động (tài liệu, tư liệu, nơi đăng tải, kinh phí xuất bản) và các hình thức khích lệ như nhuận bút, khen thưởng còn nhiều bất cập. Như tình hình hiện nay, trước mắt và trong tương lai, phê bình chỉ có thể hoạt động như một nghề nghiệp dư, tay trái. Muốn chuyên nghiệp hóa nghề này, cần phải coi trọng nó trong thực tế, tạo các điều kiện tối thiểu để người làm phê bình có thể trở thành “nhà” và sống được với nghề.
Một thực tế xảy ra nhiều năm trở lại đây, các cơ sở đào tạo chuyên ngành Lý luận, phê bình điện ảnh của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội không tuyển sinh được người học. Vì nhiều lý do mà người ta không đăng ký thi tuyển. Điều này dẫn đến nguy cơ lực lượng làm công tác lý luận, phê bình điện ảnh teo dần và biến mất. Đây chính là điều mà các nhà quản lý chính sách xã hội, quản lý văn học - nghệ thuật và các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu để tìm ra giải pháp khắc phục.
4. Kết luận
Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói chung, nghệ thuật điện ảnh nói riêng là một hoạt động thực tiễn, vừa mang tính khoa học, vừa mang tính sáng tạo nghệ thuật. Công việc này đòi hỏi người làm lý luận phê bình điện ảnh phải có những hiểu biết sâu sắc về lý luận điện ảnh, kiến thức thực tiễn văn hóa, xã hội, có nhận thức thẩm mỹ cao, và đặc biệt cái tâm phải sáng mới có thể tìm được cái hay, cái đẹp trong tác phẩm điện ảnh, cũng như chỉ ra cái chưa hoàn thiện trong đó.
Bên cạnh việc tìm ra cái hay, cái đẹp có trong tác phẩm điện ảnh, người làm công tác lý luận, phê bình có trách nhiệm định hướng sáng tác nghệ thuật cho nghệ sĩ và định hướng thưởng thức nghệ thuật điện ảnh cho công chúng. Chỉ có lý luận phê bình điện ảnh đúng đắn, chuyên nghiệp và khoa học mới có thể tạo dựng một nền nghệ thuật điện ảnh có giá trị nghệ thuật, đáp ứng được yêu cầu phản ánh hiện thực bằng chân - thiện - mỹ và hoàn thành được chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Vì nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan mà lực lượng làm công tác lý luận, phê bình điện ảnh của Việt Nam ngày một mỏng đi. Công việc lý luận, phê bình điện ảnh chủ yếu được thực hiện bởi những phóng viên văn hóa - xã hội của các tòa soạn. Nhiều bài viết của không ít người trong đó mới ở mức độ bày tỏ cảm xúc cá nhân, khen chê phim bằng cảm tính, nhiều khi chỉ là giới thiệu quảng bá cho các sản phẩm của nhà sản xuất, do nhiều cây bút không có kiến thức điện ảnh, mỹ học, xã hội học, triết học… Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch khắc phục và xây dựng lại đội ngũ này.
____________________
1. Zdal, (Lê Đăng Thực dịch), Mỹ học điện ảnh, Tài liệu sử dụng nội bộ, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, 1968.
Tài liệu tham khảo
1. Kristin Thompson, David Bordwell, Lịch sử điện ảnh, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhã Nam, 2007.
2. Trần Luân Kim, Phương pháp phê bình điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Nxb Văn học, Hà Nội, 2014.
3. Timothy Corrigan, Hướng dẫn viết về phim, Nxb Tri thức, Nhã Nam, 2010.
4. Trường Chinh, Về văn hóa và nghệ thuật, tập 1, Nxb Văn học, 1985.
5. Warren Buckland, Nghiên cứu phim, Nxb Tri thức, Nhã Nam, 2011.
ĐỖ THANH HẢI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023