Lễ hội Hết Chá của người Thái (Mộc Châu, Sơn La) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016. Nhận thức được tầm quan trọng của di sản trong đời sống xã hội, phát triển kinh tế du lịch…, các cấp lãnh đạo, nhà quản lý văn hóa và cộng đồng đã có nhiều nỗ lực trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Du khách đến với Mộc Châu không chỉ được ngắm những cảnh đẹp vừa hùng vĩ, vừa nên thơ, mà còn được hòa mình với văn hóa bản địa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống nơi đây. Lễ hội Hết Chá là một trong những lễ hội truyền thống của người Thái, mang đậm bản sắc tộc người, hiện đang được giữ gìn và phục dựng.
Thày mo bắt đầu thực hiện nghi thức cúng lễ
Hết Chá là một nghi lễ truyền thống đặc sắc, được hình thành từ việc các thày cúng (Mọ mun) là những người bốc thuốc nam và cúng, chữa khỏi bệnh cho người ốm, sau đó được thày cúng nhận làm con nuôi.
Lễ hội Hết Chá chính là dịp để con nuôi tạ ơn thày cúng, trời đất, tổ tiên, thần linh… đã cho người dân sống khỏe mạnh, an vui; cầu mong cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no. Thông thường, vào 24-25/3, người Thái hòa mình vào không gian của lễ hội, thực hiện những nghi lễ của cộng đồng và cùng nhau nhảy múa, ca hát…
Cây nêu của đồng bào dân tộc Thái được dựng lên trong lễ hội Hết Chá
Để tổ chức lễ Hết Chá, ngoài việc chuẩn bị lễ vật dâng lên thần linh thì việc dựng cây nêu (xằng chá) là việc làm rất quan trọng, bởi cây nêu là trung tâm của các nghi lễ, mang ý nghĩa kết nối con người với thế giới thần linh.
Bắt đầu là nghi lễ mời thày sư phụ trên trời xuống chơi: “…Xuống đây ăn Tết trần gian/ Vào mùa hoa mạ, hoa ban trắng rừng/ Đừng lâu con cháu đợi mong/ Công thày chữa trị bây giờ tạ ơn/ Dâng lên chén rượu xôi nồng/ Vít cần rượu mới mời thày hát ca…”. Sau đó thày đi xem cây nêu, khen con cháu khéo tay, đan được nhiều hình ảnh (ve, ếch, chim, cò…).
Sau mỗi trò diễn, đồng bào lại múa xòe quanh cây nêu
Cuộc sống của người Thái cũng gắn với đồng ruộng, chủ yếu canh tác phụ thuộc vào tự nhiên, nên qua lễ hội, con cháu còn được truyền dạy kinh nghiệm: “Tháng ba sẵn nước về đồng/ Tháng tư gieo mạ xuống đồng xanh tươi/ Tháng năm cày cấy cho xong/ Tháng sáu phân thúc lúa nhanh lên đòng…”. Cùng với đó, thày mo khấn xin một năm mưa gió thuận hòa để người dân có cuộc sống no đủ: “Mong sao gió thuận mưa hòa/ Cầu cho mương suối ruộng ao nước đầy…/ Cánh đồng lúa tốt bội thu/ Mọi người no đủ bản làng yên vui”.
Độc đáo trong lễ hội Hết Chá phải kể đến những màn tái hiện lại cuộc sống thường nhật của đồng bào như săn bắt, đi hái măng rừng, thi tài nấu ăn, tập trâu cày ruộng… Cùng với đó, những thói hư tật xấu cũng được đồng bào phê phán qua những tiết mục kịch câm đầy vui nhộn.
Không khi vui tươi của lễ hội lan tỏa khắp làng bản
Đa số các bạn trẻ đều hứng khởi, hòa mình vào phần hội, cùng tham gia các trò chơi dân gian vô cùng thú vị. Mọi người cùng nhau vui đùa, xen kẽ vào đó là truyền dạy kinh nghiệm làm nông nghiệp cho thế hệ sau, khơi dậy truyền thống của dân tộc, thể hiện niềm tự hào của con cháu đối với thế hệ cha ông. Những câu hát, điệu múa, màu sắc rực rỡ của hoa mạ, hoa ban, trang phục truyền thống của dân tộc… đã tạo nên không khí đầy tươi vui, vang rộn cả góc trời.
Ông Hoàng Văn Mín (sinh năm 1944, Mộc Châu, Sơn La) chia sẻ: “Lễ hội Hết Chá không chỉ là một sự kiện có ý nghĩa với đồng bào dân tộc Thái, mà còn là dịp để cộng đồng sum vầy, chia sẻ niềm vui và những kinh nghiệm trong lao động sản xuất cũng như đời sống thường ngày, tạo niềm hứng khởi để bản làng bước vào mùa vụ mới với nhiều may mắn”.
VÂN ANH - Ảnh: TUẤN MINH