Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa khởi công dàn dựng vở "Nữ tướng Lê Chân", một tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử, kịch bản của tác giả Lê Công Phượng, từng đạt giải Khuyến khích của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2020.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chụp ảnh cùng ê kíp dựng vở "Nữ tướng Lê Chân"
Vở diễn xoay quanh cuộc đời vị nữ anh hùng của dân tộc Lê Chân, một nữ tướng tiên phong của Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, để phục vụ cho việc lột tả chủ đề tư tưởng là: Tinh thần yêu nước bất diệt của dòng giống Lạc Hồng, vở diễn sẽ chỉ là một lát cắt lịch sử ước chừng khoảng 4 đến 5 năm (khoảng từ năm 36 đến năm 41 sau Công nguyên), khi ấy Lê Chân khoảng 16 đến 21 tuổi.
Mỗi khi lịch sử biến thiên, dân tộc đắm chìm trong binh đao khói lửa, cố nhiên những phẩm chất tốt đẹp như: chân chất, thật thà, hiền năng, trí huệ, đặc biệt là tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, cũng như bản lĩnh sắt đá trước giặc ngoại xâm của con người Việt Nam lại dần hiển lộ. Xuyên suốt tác phẩm, những giá trị tinh hoa của dân tộc được mô tả như một mạch nguồn chảy xiết từ cuốn sử thư đến ông đồ Lê Đạo rồi tiếp tới người con gái sắc nước hương trời, tài hoa, đức độ Lê Chân.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam phát biểu tại Lễ Khởi công
Hy vọng bằng những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, tinh tế của nghệ thuật tuồng - một loại hình sân khấu bác học của dân tộc, khán giả của ngày hôm nay sẽ có được những giây phút trở về với thế giới của người xưa, để thổn thức cùng với những con tim và lý trí của các bậc tiên hiền thương dân, giữ nước. Qua đó, khán giả ngày hôm nay thêm hiểu, thêm yêu, và tự hào về truyền thống lịch sử tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Thành phần sáng tạo vở diễn bao gồm: tác giả Lê Công Phượng; đạo diễn: Tiến sĩ, NSƯT Lê Tuấn Cường; âm nhạc: NSƯT Nguyễn Thành Nam; họa sĩ: NSND Lê Huy Quang - NSƯT Nguyễn Đạt Tăng; biên đạo múa: NSƯT Nguyễn Thị Hoài Anh… Đặc biệt, vở diễn do đoàn thể nghiệm với hầu hết các gương mặt mới của Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện.
BẢO BẢO