Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, liền kề với Thủ đô Hà Nội, có diện tích 923,09 km2, dân số gần 1,3 triệu người, gồm 10 huyện, thị, thành phố, là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, ngay từ thế kỷ thứ XVI; XVII, Phố Hiến Hưng Yên là chốn phồn hoa đô hội nổi tiếng với câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” Trải qua hàng nghìn năm, “địa linh nhân kiệt” đã tạo nên một nền văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, kho tàng di sản vật thể và phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng, đặc sắc và giàu giá trị.
Lễ hội dân gian Phố Hiến, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên
Để phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, Sở VHTTDL Hưng Yên đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, đề án cụ thể: Quyết định Số 2840/QĐ UBND, ngày 30/11/2021 về việc phê duyệt đề án tu bổ chống xuống cấp di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số: 039/KH-UBND, ngày 4/3/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số quyết định 2026/QĐ-TTG ngày 01/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Số hóa di sản giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Quyết định số 39/2019/QĐ- UBND ngày 20/11/2019 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc ban hành quy định quản lý di tích, di vật cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Nghị quyết số 13- NQ/TU ngày 8/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 178/ KH-UBND ngày 23/11/2021 của UBND tỉnh Hưng Yên về thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030…
Hiện nay, Hưng Yên có 1.802 di tích trong đó có 3 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, 175 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 267 di tích - cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh, 6 bảo vật quốc gia, 2 lễ hội truyền thống và 1 nghệ thuật trình diễn dân gian hát Trống quân được đưa vào danh mục Di sản văn hóa cấp quốc gia (Nghệ thuật hát Trống quân, Lễ hội đền Tống Trân, Lễ hội Cầu mưa), Hưng Yên còn lưu giữ được kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng với trên 500 lễ hội, 147 làng nghề truyền thống, 243 đơn vị ca dao, tục ngữ, hò, vè, ngụ ngôn, truyện cổ tích, hát ru, văn tế cùng 34 Nghệ nhân Ưu tú, 1 Nghệ nhân Nhân dân. Nơi đây cũng là quê hương của các làng nghề thủ công như: đúc đồng Đại Đồng, chạm bạc Phù Ủng, hương xạ Cao Thôn. Đặc biệt nhãn lồng Phố Hiến, tương Bần, bún thang từ lâu đã trở thành nỗi nhớ da diết trong lòng người xa xứ. Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên chính là những giá trị văn hóa tiềm năng để Hưng Yên phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh và hy vọng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Hưng Yên tự hào là quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lịch sử dân tộc gắn liền với sự xuất hiện của những người con ưu tú. Thời kỳ nào, lĩnh vực nào, mảnh đất Hưng Yên cũng sản sinh ra nhiều nhân vật tài giỏi, được sử sách ca ngợi, nhân dân truyền tụng. Trong lĩnh vực quân sự có Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Bình. Y học có đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Khoa học có Phạm Huy Thông, Nguyễn Công Tiễu. Văn học có nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Sân khấu Chèo có Nguyễn Đình Nghị; Mỹ thuật có Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên. Hoạt động chính trị có Tô Hiệu, Lê Văn Lương, …Đặc biệt là người góp công rất lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đó là những gương sáng giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, góp phần tô thắm những trang sử vàng, truyền thống, anh hùng của quê hương Hưng Yên.
Hưng Yên đã và đang phát huy hiệu quả giá trị văn hóa di sản phi vật thể, tổ chức lễ hội gắn với các di tích; sưu tầm, phục hồi các trò chơi dân gian, khôi phục lại các lễ hội truyền thống, những nét văn hóa đẹp của làng quê xưa phục vụ tốt nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách thập phương và các trường trung học cơ sơ, tiểu học, trung học phổ thông, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của các tầng lớp nhân dân. Hằng năm, loại hình nghệ thuật hát Ca trù, Trống quân được tổ chức giao lưu, truyền dạy cho đối tượng là học sinh, giáo viên và nhân dân cùng những người ưa thích loại hình văn hóa dân tộc thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Mặc dù công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Hưng Yên đã tạo được bước chuyển đáng kể và mang lại nhiều kết quả tích cực nhưng khách quan nhìn nhận, đây là nhiệm vụ vừa khó khăn, phức tạp, vừa cần nguồn lực lớn cả về kinh phí và nhân lực. Do đó, trong quá trình thực hiện, không tránh khỏi có những hạn chế, bất cập phát sinh. Bên cạnh đó, công tác lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích, di sản văn hóa phi vật thể có thời điểm còn chậm, chưa chủ động; số di tích và loại hình di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, xếp hạng quốc gia còn ít so với di sản hiện có trên địa bàn tỉnh. Không ít lễ hội truyền thống đang bị mất đi yếu tố gốc bởi sân khấu hóa và hiện đại hóa; việc truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ chưa được thực hiện thường xuyên, nhiều nơi không quan tâm... Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác đào tạo cán bộ quản lý di sản văn hóa, hướng dẫn viên, truyền dạy nghề, chưa có chính sách hỗ trợ, ưu đãi nghệ nhân dân gian.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa - di sản, giáo dục truyền thống lịch sử góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cần có những giải pháp sau:
Một là; tuyên truyền, giáo dục để các tầng lớp nhân dân thường xuyên nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng, bảo vệ di tích. Từng bước đầu tư có hiệu quả để trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; làm tốt việc sưu tầm, bảo quản tài liệu, hiện vật; xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường di tích. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích, khai thác tối đa các trò chơi dân gian trong các lễ hội.
Hai là, có chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược, xây dựng hạ tầng theo hướng đồng bộ đa chức năng tại các công trình văn hóa, các nhà lưu niệm, gắn với bản sắc văn hóa của trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Ba là, thường xuyên đẩy mạnh nắm bắt thông tin, tình hình của các di tích thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: khảo sát, kiểm kê lập danh mục hệ thống di tích trên địa bàn, nghiên cứu lựa chọn những di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, quân sự…; lập hồ sơ lý lịch, khoanh vùng bảo vệ và đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng nhằm tạo ra hành lang pháp lý và khoa học trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa di sản.
Bốn là, các trường học cần sắp xếp lịch học, dã ngoại cho các em học sinh các cấp. Giáo viên các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ thuật đưa vào bài giảng các nội dung hoặc yêu cầu bài tập gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, các nhà cách mạng, các danh nhân, người con Hưng Yên qua các thời kỳ ở địa phương, có thể tổ chức học chính khóa hoặc hoạt động ngoại khóa cho học sinh ngay tại khu di tích.
Năm là, khuyến khích tổ chức các hình thức như viếng, đặt hoa để tưởng nhớ và biết ơn các anh hùng liệt sĩ nhân những dịp có ý nghĩa sâu sắc, các đợt tuyên dương khen thưởng… Tuyên truyền cổ động, thông tin thành tích chào mừng ngày kỷ niệm, những tư liệu lịch sử ở địa phương và cả nước... qua hệ thống khẩu hiệu, bản tin, phát thanh, tuyên truyền triển lãm những h́ình ảnh, hiện vật lịch sử trong nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Sáu là, có nguồn ngân sách dành cho các Nghệ nhân Dân gian, Nghệ nhân Ưu tú, những người trông coi các di tích, cụm di tích cấp quốc gia, các di tích, cụm di tích cấp tỉnh, trùng tu, tôn tạo kịp thời các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh, khen thưởng biểu dương kịp thời những nhà hảo tâm có trách nhiệm với quê hương về lĩnh vực văn hóa di sản.
NGUYỄN THÀNH TRUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023