Sự kiện do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN, Công ty cổ phần Nghệ thuật Sáng tạo Ong Vàng tổ chức vào ngày 17-11 tại Hà Nội.
Hội thảo là diễn đàn kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với mục đích giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa văn hóa nghệ thuật và kinh tế nói chung, nghệ thuật công cộng và tính hấp dẫn của điểm đến nói riêng. Đây cũng là dịp để những người thực hành trong ngành nghệ thuật công cộng, những nhà nghiên cứu và cơ quan xây dựng chính sách phát triển văn hóa nghệ thuật, du lịch cùng trao đổi nhìn nhận đánh giá vai trò và vị trí của nghệ thuật công cộng trong việc kiến tạo điểm đến du lịch. Đồng thời, hội thảo còn tạo môi trường hợp tác cùng phát triển, cho sinh viên các trường đại học tiếp cận với các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong ngành để từ đó nắm bắt cơ hội trải nghiệm, thực tập và làm việc thực tế. Hơn thế, hội thảo cũng giúp mở rộng cơ hội hợp tác làm việc giữa các doanh nghiệp trong ngành nghệ thuật, du lịch và tiếp cận được nhân tài nghệ thuật, trường đại học.
Tại phiên hội thảo, các đại biểu đã nêu lên các vấn đề liên quan đến thực trạng về nghệ thuật công cộng, chủ trương chính sách, định hướng phát triển. Trong đó, các chủ đề về thành công, hạn chế của nghệ thuật công cộng tại Việt Nam hiện nay; các giải pháp để nghệ thuật công cộng gắn kết điểm đến du lịch, những bài học kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam đặc biệt được chú trọng.
Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, người tham dự có cơ hội chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu tại Việt Nam như: bông hoa dã quỳ và nụ hoa Atiso ở quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt; cổng trời Phú Quốc; tháp Trầm Hương, Nha Trang... và trên thế giới tại khu triển lãm.
Tác giả: Sam
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020