Nhân kỷ niệm 91 năm ngày sinh và tưởng niệm 30 năm ngày mất của GS.NSND Thái Ly, ngày 25-12, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “GS.NSND Thái Ly - Cuộc đời và sự nghiệp” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo đã nhận được hơn 30 tham luận của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu khoa học nhằm làm sáng tỏ vai trò, vị trí của GS,NSND Thái Ly trong ngành múa Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam bày tỏ, GS,NSND Thái Ly là một người Việt Nam chân chính, là một nghệ sĩ, một chiến sĩ cách mạng. Ông đã để lại một di sản đồ sộ trong sự nghiệp hình thành và phát triển nghệ thuật múa Việt Nam trên cả 4 lĩnh vực: sáng tác, đào tạo, lý luận và biểu diễn. Những đóng góp của ông không chỉ nằm trong khuôn khổ của một môn nghệ thuật mà có những giá trị cả về triết học, xã hội học, văn hóa học, dân tộc học… Cuộc đời và sự nghiệp của GS,NSND Thái Ly là một tấm gương sáng ngời cho các nghệ sĩ, biên đạo múa hôm nay học tập phấn đấu noi theo.
Toàn cảnh Hội thảo
Khi bàn về phong cách sáng tác của NSND Thái Ly, NSND Ứng Duy Thịnh - Tổng biên tập Tạp chí Nhịp điệu nhấn mạnh tính dân tộc trong tác phẩm của NSND Thái Ly trước tiên thể hiện trong đề tài, chủ đề nội dung tác phẩm. Đó là những vấn đề đang được đời sống con người quan tâm, là thái độ của tác giả với quê hương, đất nước, con người. Qua thời gian, những tác phẩm múa của ông không hề cũ đi mà vẫn có giá trị trong dòng chảy của cuộc sống đương đại.
Hơn 30 bài tham luận trong hội thảo đã tập trung làm nổi bật về một nhân cách cao đẹp, người chiến sĩ kiên trung, một nghệ sĩ tài năng, một nhà giáo mẫu mực của NSND Thái Ly. Các đại biểu cũng làm sâu đậm thêm những về những giá trị tư tưởng, nghệ thuật, học thuật trong những tác phẩm mang tính đậm hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc được kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn với những yếu tố hiện đại. Các tác phẩm nổi tiếng của cố NSND Thái Ly có thể kể đến như: Đôi bờ, Phá xiềng, Bả Khó, Bà mẹ Miền Nam, Bài ca hy vọng, Katu, Cánh chim và ánh mặt trời. Đây là những tác phẩm múa đỉnh cao, có sức sống mãnh liệt và trường tồn tới tận hôm nay.
GS.NSND Thái Ly tên thật là Nguyễn Đình Thái, sinh ngày 6-7-1930 tại Hải Dương trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật.
Những năm 1950, khi đang làm việc ở Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương tại chiến khu Việt Bắc, ông được cử sang du học ở Trung Quốc. Sau 5 năm học tại Học viện Nghệ thuật Bắc Kinh, ông tốt nghiệp xuất sắc khoa Biên đạo múa với tác phẩm đầu tay Phá xiềng. Khi về nước, ông là một trong những người đầu tiên xây dựng nên Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) và giữ cương vị Phó Hiệu trưởng. Trong thời gian này, ngoài cương vị quản lý và giảng dạy, ông đã dàn dựng nhiều tác phẩm múa, kịch múa lớn gây nhiều tiếng vang trong ngành.
Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, ông giữ vai trò chỉ đạo Đoàn Ca múa Giải phóng. Ông cũng đi vào chiến trường miền Nam, trở thành Phó Vụ Trưởng Vụ Văn nghệ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau năm 1975, ông lại là một trong những người đầu tiên góp công thành lập Trường Múa thành phố Hồ Chí Minh, rồi tiếp tục tham gia vào các lĩnh vực sáng tác, huấn luyện, lý luận, biểu diễn và quản lý. Tháng 6-1992, GS.NSND Thái Ly đột ngột từ trần tại Huế, hưởng thọ 62 tuổi.
Với những cống hiện cho nghệ thuật Múa, ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (đợt 1 - 1984) và NSND Thái Ly cũng là nghệ sĩ đầu tiên của ngành múa được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1 - 1996) với các tác phẩm Bả Khó, Bà mẹ Miền Nam, Bài ca hi vọng, Katu, Cánh chim và ánh mặt trời. Tháng 4-2021, kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông, TP.HCM đặt tên ông cho một đường phố tại Thành phố Thủ Đức.
PHƯƠNG LAN