Hà Nội: Tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng ngày Giải phóng miền Nam 30-4

Chiều 22-4, tại đình Kim Ngân (số 42-44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng 47 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa làng nghề với phố nghề; thúc đẩy phát phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Điểm nhấn của chuỗi hoạt động là triển lãm “Đào Xá - Giữ hồn thanh âm Việt”, giới thiệu một số sản phẩm nhạc cụ truyền thống làng nghề Đào Xá, huyện Ứng Hòa, ngoại thành Hà Nội. Là làng nghề có tuổi đời trên 200 năm, từ giữa thế kỷ XIX, những người thợ tài hoa của làng Đào Xá đã mang theo cả gia đình, họ hàng lên thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay) để lập phường nghề, mở ra con phố Hàng Đàn trong 36 phố phường Hà Nội xưa. Bằng sự cần cù và tài năng khéo léo, những thợ làm đàn ở Đào Xá đã tạo ra những nhạc cụ tinh xảo, góp phần làm cho các phường nghề, phố nghề thủ công thêm sầm uất, cũng như trở thành một phần di sản không thể tách rời với “Hà Nội 36 phố phường”. 

Các em học sinh đến tham quan triển lãm “Đào Xá - Giữ hồn thanh âm Việt” tại đình Kim Ngân - Ảnh: Thủy Nguyễn

Cũng trong thời gian này, nhiều điểm đến di sản, giao lưu văn hóa phố cổ đồng loạt khởi động chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50, Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm) diễn ra triển lãm ảnh tư liệu chủ đề “Nhạc công và Âm nhạc cổ truyền Việt Nam”, giới thiệu 60 bức ảnh chụp tại Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX (khoảng những năm 1870 - 1899), được sưu tầm và phục chế kỹ thuật số từ nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước. Tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (Hội quán Quảng Đông, số 22 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm) trưng bày tư liệu và hiện vật “Ký ức 22 Hàng Buồm” và “Ký ức sông Tô”, giới thiệu về một trong những con phố tiêu biểu nhất của thành phố nằm bên sông, nơi chuyên bán những vật tư liên quan đến thuyền bè. Trên con phố ấy, địa điểm 22 Hàng Buồm đã trở thành nơi lưu giữ một phần ký ức của người dân Kẻ Chợ, của những Hoa kiều và của người Hà Nội hôm nay. 

Tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2, Lê Thái Tổ, Hàng Trống) trưng bày và giới thiệu tranh cổ động chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4; Ngày quốc tế lao động 1-5 và 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là bộ tranh được sáng tác vào giai đoạn 1970 – 1995. Bằng tài năng, tâm huyết, nhiệt tình cách mạng và rung cảm nghệ thuật sâu sắc, các họa sĩ đã đóng góp to lớn trong việc động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả, xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Cũng tại địa chỉ này, còn có không gian sắp đặt các hiện vật thời bao cấp, gợi nhắc người xem về một thời kỳ khó khăn nhưng đáng nhớ, đáng trân trọng, vẫn thường trực trong ký ức của nhiều thế hệ người dân Hà Nội.

Đến với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận có triển lãm ảnh chủ đề “Việt Nam – Một dải yêu thương” của Nhóm tác giả Phạm Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Hà, Vũ Hải, Nguyễn Tấn Tuấn, Đoàn Bắc, Lê Bích; nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian và đương đại. 

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội (Đền Quan Đế, số 28 phố Hàng Buồm), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với đơn vị du lịch của tỉnh Phú Yên giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội và Phú Yên đến với du khách thủ đô và cả nước; không gian quảng bá nghề đan lát truyền thống Vinh Ba – một nét đẹp di sản, một điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên.

THANH DANH

;