Văn hóa đọc là một thuật ngữ mới xuất hiện trong những năm gần đây. Hiện nay, chưa có một công trình nghiên cứu mang tính học thuật về văn hóa đọc được công bố. Có chăng chỉ là những tham luận được trình bày trong các hội thảo khoa học về văn hóa đọc, một số bài nghiên cứu ngắn được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, một số báo cáo khoa học của các đề tài nghiên cứu...
Điểm qua những bài viết và những công trình trên đây vẫn chưa có được cách hiểu thống nhất về văn hóa đọc. Tác giả Nguyễn Hữu Viêm cho rằng Văn hóa đọc theo nghĩa rộng là “ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của cá nhân hoặc cộng đồng” (1). Nhà thơ Mai Nam Thắng cho rằng, “Văn hóa đọc là thái độ ứng xử của cá nhân và cộng đồng đối với việc đọc sách” (2), mà cốt lõi của văn hóa đọc là giá trị nội dung đọc, thói quen và phương pháp đọc. Tóm lại, văn hóa đọc là “đọc cái gì” và “đọc như thế nào”. Theo tác giả Chu Hảo, “Thói quen đọc, khả năng lựa chọn và cách đọc hợp thành cốt lõi của cái mà chúng ta gọi là văn hóa đọc” (3). Tác giả Phạm Toàn cho rằng từ việc đọc sách mà con người tự đào tạo mình trở thành con người có văn hóa thì khi ấy chúng ta bắt đầu có một nền văn hóa đọc. Tác giả Đặng Huy Giang quan niệm văn hóa đọc là nói đến sự học, sự nâng cao trình độ không ngừng nghỉ ở mọi người. Trong khi đó, nhà văn Nguyên Ngọc lại có ý kiến khác, ông cho rằng “Không ai bắt ta phải đọc một quyển sách hay xem một bộ phim. Chỉ khi nào việc đọc sách trở thành niềm thích thú, thích thú vô vị lợi,... thì đó mới gọi là văn hóa đọc” (4). Quả thật, văn hóa đọc là một khái niệm đa nghĩa, khó có một định nghĩa nào là đúng và đủ về văn hóa đọc. Thậm chí có quan điểm cho rằng không có cái được gọi là văn hóa đọc.
Dù ý kiến còn chưa thống nhất nhưng văn hóa đọc là một thực tế ở nước ta cũng như một số nước trên thế giới. Có thể đưa ra một số quan điểm về văn hóa đọc như sau:
Văn hóa đọc là đọc có văn hóa
Những người theo quan điểm này đã phân biệt hoạt động đọc và văn hóa đọc. Chỉ những hoạt động đọc nào được thực hiện một cách đúng đắn, tốt đẹp, hiệu quả mới được gọi là văn hóa đọc. Văn hóa đọc trước tiên phải được thể hiện ở mục đích “đọc để làm gì?”. Có những mục đích đọc đúng đắn, cũng có những mục đích đọc không đúng đắn. Đọc để học tập, nghiên cứu khoa học, để sản xuất, tu dưỡng, để nắm thông tin, giải trí… là những mục đích đọc tốt. Đọc vì dục vọng thấp hèn, để khoe khoang, để giết thời gian là mục đích đọc không đúng đắn. Văn hóa đọc còn được thể hiện ở chỗ đọc cái gì. Chỉ được gọi là văn hóa đọc khi người đọc biết lựa chọn những tài liệu vừa có giá trị khoa học, giá trị tư tưởng, vừa có giá trị thông tin, phù hợp với mục đích đọc, phù hợp với nghề nghiệp, lứa tuổi, trình độ văn hóa. Văn hóa đọc còn tùy thuộc vào việc hoạt động đọc được thực hiện như thế nào. Kết quả thu được qua việc đọc, cách vận dụng tri thức được đọc cho bản thân cũng như cho cộng đồng... Văn hóa đọc thể hiện ở cách ứng xử, thói quen đọc có phù hợp, tích cực, hợp lý hay không. Đọc có bền vững không, tính tích cực đọc thế nào? Thái độ ứng xử với sách, với tri thức trong sách và với tác giả ra sao? Văn hóa đọc bao gồm: văn hóa đọc cá nhân và văn hóa đọc cộng đồng. Văn hóa đọc cá nhân được hình thành khi mỗi cá nhân bộc lộ được những phẩm chất nêu trên trong hoạt động đọc của họ. Khi số đông người đọc bộc lộ được những phẩm chất trên sẽ hình thành văn hóa đọc cộng đồng. Ngoài ra, cộng đồng đó còn xây dựng được một môi trường xã hội lành mạnh thông qua các phong tục, tập quán khẳng định và đề cao sách vở và việc đọc. Hệ thống các nhà xuất bản, các cơ sở phân phối lưu thông sách báo và các không gian đọc sách công cộng tiện nghi, chuyên dụng và mỹ quan. Cộng đồng đó còn đề ra được những chủ trương, chính sách ưu tiên cho văn hóa đọc.
Văn hóa đọc là một thú thưởng ngoạn tao nhã
Những người theo quan điểm này cho rằng cần phải phân biệt văn hóa đọc và hoạt động đọc. Hoạt động đọc là hoạt động nhằm vào một mục đích vụ lợi nào đó như để hoàn thành các công trình nghiên cứu khoa học, để hỗ trợ việc học tập, để tăng năng suất lao động… Những hoạt động đọc vụ lợi như thế thì không thể được gọi là văn hóa đọc. Chỉ được gọi là văn hóa đọc khi việc đọc được thực hiện do một sự thôi thúc tự nhiên mà không vì một mục đích vụ lợi nào cả, khi thực hiện, con người cảm thấy sung sướng, hạnh phúc. Việc đọc và văn hóa đọc tương tự như việc uống trà để giải khát và uống trà để thưởng thức, như việc ca hát để kiếm tiền và ca hát vì thích hát, vì cảm hứng âm nhạc, nhu cầu nghệ thuật. Việc đọc sách cũng vậy, có cái đọc để mưu cầu lợi ích, có cái đọc như một thú tiêu khiển tao nhã, đó chính là văn hóa đọc.
Các sách khoa học thường đem lại cho con người một lợi ích nhất định nào đó như để làm giàu vốn kiến thức, hoàn thành nhiệm vụ học tập, tăng năng suất lao động hay nắm bắt thông tin, rèn luyện đạo đức… Chỉ có sách văn học là có khả năng đem lại sự thưởng ngoạn những giá trị thẩm mỹ khiến con người vui thú và hạnh phúc. Văn hóa đọc phải là hoạt động có mục đích tự thân. Văn hóa đọc là đọc sách văn học.
Văn hóa đọc là hoạt động văn hóa thông qua việc giải mã chữ viết
Những người theo quan điểm này đã đồng nhất hoạt động đọc và văn hóa đọc. Vì hoạt động đọc là một hoạt động văn hóa được thực hiện bằng việc đọc, với văn bản, với người viết… để có những hiểu biết, những chuyển biến. Văn hóa nghe nhìn là hoạt động văn hóa thông qua việc nghe và nhìn. Văn hóa học tập là hoạt động văn hóa thông qua việc học tập… Hoạt động văn hóa là những hoạt động có khả năng biến đổi chủ thể và đối tượng trở nên đẹp hơn (văn = đẹp; hóa = biến đổi). Những hoạt động văn hóa của con người thường nhằm vào các mục đích sau: tạo ra sản phẩm (hoạt động sản xuất); tích lũy kiến thức (hoạt động nhận thức); tu dưỡng đạo đức (hoạt động tu dưỡng); tìm kiếm niềm vui (hoạt động giải trí). Hoạt động đọc của con người cũng nhằm vào những mục đích trên, vì vậy, hoạt động đọc chính là hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, hoạt động đọc chỉ có thể là hoạt động văn hóa với điều kiện đọc “sách đúng nghĩa”. Người xưa có phân biệt “thư” và “ngụy thư”. “Ngụy thư” được hiểu là những cái được gọi là sách (sách giả mạo). Đọc “ngụy thư” thì không được gọi là hoạt động đọc.
Đọc là hoạt động giải mã chữ viết. Chữ viết vốn dĩ là những ký hiệu hình ảnh được con người quy ước để biểu đạt một ý nghĩa nào đó, một loại mã thông tin. Muốn biết ý nghĩa được biểu đạt, cần phải tiến hành việc giải mã. Hoạt động giải mã được tiến hành như sau: chữ viết - nhận dạng - phân tích ngữ nghĩa - phân tích ngữ pháp - phân tích ngữ cảnh - xác định nghĩa - ghi vào bộ nhớ. Đối tượng của hoạt động giải mã là chữ viết. Hoạt động đọc bắt đầu bằng việc dùng thị giác hoặc xúc giác để phân biệt chữ này với chữ khác, xác định đó là chữ gì. Dùng lý trí để xác định chữ viết ấy có nghĩa gì. Nhiều trường hợp có thể xác định được ngay, nhưng nếu đó là một từ đa nghĩa thì phải chuyển qua giai đoạn phân tích ngữ pháp. Phân tích ngữ pháp là việc đặt một từ nào đó vào trong mối quan hệ với những từ có liên quan để xác định nghĩa. Ví dụ, từ “tha”, có thể có những nghĩa như: bỏ qua (quỷ tha ma bắt); kéo đi, lôi đi (quạ bắt, diều tha; cọp tha con mồi); khác (tha nhân, tha phương cầu thực). Việc phân tích ngữ pháp thường giúp xác định nghĩa của từ một cách chính xác. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phân tích ngữ pháp vẫn không xác định được nghĩa (trường hợp này thường gặp trong ngôn ngữ văn chương) lúc đó cần phải phân tích ngữ cảnh. Một từ hoặc một cụm từ ở từng ngữ cảnh khác nhau sẽ có những ý nghĩa khác nhau, đôi lúc trái ngược nhau. Ví dụ, “trúng số độc đắc” có ở ngữ cảnh này là gặp may, ở ngữ cảnh khác lại là gặp nạn. “Đồ yêu tinh” có khi là đáng ghét, đáng sợ; có khi lại là đáng yêu. Sau khi đã phân tích ngữ nghĩa, ngữ pháp và ngữ cảnh sẽ xác định được một cách chắc chắn ý nghĩa thật sự của chữ viết muốn biểu đạt. Ý nghĩa này sẽ được lưu giữ vào bộ nhớ và hoạt động giải mã chữ viết kết thúc.
Tóm lại, ba quan điểm về văn hóa đọc trên đây tuy khác nhau nhưng không đối lập và loại trừ nhau. Đó là những hướng tiếp cận khác nhau của văn hóa đọc. Văn hóa vốn là một khái niệm đa nghĩa, vì vậy theo chúng tôi, sẽ hết sức khiên cưỡng và phiếm diện nếu chỉ dùng một định nghĩa nào đó để định nghĩa văn hóa đọc. Một định nghĩa toàn diện phải dung hợp được các quan điểm trên đây và có thể còn nhiều quan điểm nữa khi văn hóa đọc được nghiên cứu một cách thấu đáo.
Theo chúng tôi, văn hóa đọc, trước hết phải được hiểu đó là một hoạt động văn hóa, hoạt động nhằm biến đổi con người trở nên tốt đẹp hơn. Hoạt động văn hóa này mang tính đặc thù. Trước hết nó được tiến hành thông qua việc giải mã chữ viết. Thứ hai, khi tiến hành hoạt động văn hóa này, con người có thể tiến hành đồng thời các hoạt động văn hóa khác như hoạt động nhận thức, hoạt động tu dưỡng, hoạt động sản xuất, hoạt động giải trí. Vì vậy, có thể xem văn hóa đọc là một hoạt động văn hóa đặc biệt. Văn hóa đọc cũng phải được hiểu là cách thức tiến hành hoạt động đọc. Văn hóa đọc chỉ có thể đạt được mục đích tối thượng của nó với tư cách là một hoạt động văn hóa là làm cho con người trở nên tốt đẹp hơn khi hoạt động đọc được tiến hành một cách văn hóa. Hoạt động đọc phải hướng về những mục đích, nội dung, phương pháp, thái độ… đọc đúng đắn, cao đẹp. Văn hóa đọc cũng có thể được hiểu như là một thú tiêu khiển tao nhã, khi người ta đọc sách, có được niềm vui, niềm hạnh phúc, những lợi ích khác như đạo đức, kiến thức, năng lực… là những điều xuất hiện sau đó một cách tự nhiên. Tóm lại, không nên hiểu văn hóa đọc chỉ theo một định nghĩa, hay một quan điểm nhất định nào đó, vì vậy sẽ phiến diện, khiên cưỡng, bó hẹp một phạm trù vô cùng đa dạng và rộng lớn.
_______________
1. vinhuni.edu.vn
2. mainamthang.vnweblogs.com
3. daotao.vtv.vn
4. nguoiquangxaque.com
Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 - 2017
Tác giả : NGUYỄN THẾ DŨNG