Với 12 phiên họp diễn ra trong hai ngày (15 và 16-3), lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn Báo chí toàn quốc với các chủ đề hấp dẫn, gắn với mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí.
Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu tham dự Phiên toàn thể khai mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc
Hội Báo toàn quốc 2024 do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ VHTTDL, UBND TP.HCM diễn ra tại TP.HCM từ 15-17/3. Trong khuôn khổ Hội Báo, lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn báo chí, gồm 12 phiên họp, trong đó có 10 phiên thảo luận về các chủ đề trọng yếu, có tính cấp bách của nền Báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số, với sự tham gia của hơn 60 diễn giả là các nhà báo dày dạn kinh nghiệm trong nước cùng các chuyên gia truyền thông quốc tế uy tín.
Dự phiên phiên toàn thể (chiều ngày 15-3) khai mạc Diễn đàn báo chí có Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và lãnh đạo các bộ, ngành, Hội Nhà báo VN, và TP.HCM.
Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số - cho biết, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này. Theo ông, không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí: “Thắng hay bại là ở đây! Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, chuyển đổi số cũng đã hơn chục năm rồi, bây giờ không chỉ là lên không gian mạng mà còn là giành lại không gian mạng, tạo ra dòng chủ lưu trên không gian mạng. Nguồn thu chính của báo chí rồi cũng sẽ đến từ không gian mạng”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí.
Nhấn mạnh, công nghệ số, nhất là AI, mạnh hơn năng lượng hạt nhân, thì những vấn đề, những thách thức, những rủi ro mà nó mang đến cũng sẽ lớn hơn hạt nhân, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, để giải quyết những vấn đề của công nghệ mới thì phải bằng thể chế mới và bằng chính công nghệ mới đó. Công nghệ số, Internet và truyền thông xã hội là những cú hích mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ chỉ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Cũng trong phiên toàn thể, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã có bài thuyết trình tổng quan dựa trên những khảo sát chuyên sâu từ hàng trăm cơ quan báo, tạp chí trên toàn quốc, có tựa đề: “Báo chí Việt Nam: Thách thức- Cơ hội”, nêu rõ xu hướng phát triển và bức tranh toàn diện của báo chí Việt Nam hiện nay, chỉ ra những thách thức và cơ hội lớn mà báo chí Việt Nam và báo chí thế giới đang phải đối mặt.
Ông Lê Quốc Minh – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thuyết trình về tổng quan báo chí Việt Nam tại Phiên toàn thể
Đó là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo AI. AI đang góp phần cải thiện công việc của nhà báo, mang lại tiềm năng to lớn cho thế giới và cho nghề báo, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Nhiều tòa soạn lớn trên thế giới cũng có chung nỗi lo trước những rủi ro mà AI có thể mang lại, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nội dung. Nhiều đối tượng đã sử dụng AI để bóp méo hình ảnh, tạo ra deep fake gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Về những việc cần làm ngay, ông Lê Quốc Minh nêu rõ, các cơ quan báo chí cần phải thúc đẩy để ban hành những quy định pháp lý nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của báo chí, để không bị sử dụng và phân tích bởi các hệ thống AI mà không có sự chấp thuận và không có đền bù tài chính thỏa đáng. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần tìm ra thị trường ngách, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Cần xác định rõ đối tượng độc giả để có thể phát triển những mô hình kinh tế báo chí với biên lợi nhuận cao, người dùng trung thành hoặc mối quan hệ trực tiếp với các nhà quảng cáo cụ thể mà không bị lệ thuộc vào các nền tảng công nghệ. Ngoài quảng cáo, các cơ quan cần tìm kiếm các nguồn doanh thu khác, trong đó doanh thu từ độc giả phải được xem là chiến lược bền vững hàng đầu.
Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, đã đến lúc cần kéo độc giả trở lại với website của báo chí. Cùng với đó, báo in cần được đối xử như một sản phẩm cao cấp, mang lại những thông tin giá trị với chiều sâu cùng sự hiểu biết mà chỉ con người mới có thể mang lại.
Sau phiên họp toàn thể, trong buổi chiều ngày 15-3 và cả ngày 16-3 là 10 phiên thảo luận về các chủ đề: Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; Xây dựng môi trường văn hóa báo chí; Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội; Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn; Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí; Phóng sự điều tra- hành trình làm điều có ích; Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI; Phát thanh năng động trong môi trường số; Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo; Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số; phiên bế mạc
Với sự tham dự của rất đông nhà báo, hội viên, phóng viên trong các phiên họp và thảo luận, cho thấy Diễn đàn Báo chí có tầm ảnh hưởng mạnh, tác động đa chiều đến các cơ quan báo chí, các nhà báo, hội viên trong cả nước. Tổ chức Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, Hội Nhà báo Việt Nam kỳ vọng đây sẽ là Diễn đàn thường niên bàn về các vấn đề liên quan đến đời sống báo chí đang được giới báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế quan tâm; đồng thời Diễn đàn cũng sẽ là điểm hẹn tăng cường giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, những người làm báo cũng như các chuyên gia truyền thông, công nghệ.
Bài, ảnh: XUÂN HƯỚNG