Chiều ngày 24-1, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế. Hội thảo được thực hiện trực tiếp tại đầu cầu Bộ VHTTDL và trực tuyến tại các 20 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đoàn chủ tịch hội nghị gồm có: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội thảo; ông Trương Gia Bình, Trưởng ban nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân; ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia; ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Cùng với sự có mặt của lãnh đạo các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, đại diện các bộ, ngành, các doanh nghiệp và một số doanh nghiệp du lịch tiêu biểu của các địa phương.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Du lịch được xác định là một ngành mũi nhọn có đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước. Trước đại dịch COVID-19, ngành Du lịch đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung theo hướng bền vững. Tỉ lệ đóng góp của ngành du lịch đạt 10% GDP của cả nước và là một ngành được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia trên toàn thế giới đều phải chịu sự tác động hết sức nặng nề đối với nền kinh tế và xã hội, trong đó lĩnh vực du lịch được xác định là phải chịu thiệt hại hết sức nặng nề, du lịch của Việt Nam cũng nằm trong số đó. Nhưng với sự nỗ lực cao, quyết tâm lớn cùng với việc tìm kiếm các giải pháp có tính khả thi cao nhất để du lịch có thể trở lại hoạt động bình thường. Thời gian qua, nhất là trong 2 năm chịu tác động của đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền các địa phương đã có rất nhiều nỗ lực nhằm tìm những hướng đi một cách thích hợp. Và có những thời điểm chúng ta tập trung rà soát, chuẩn bị, được hiểu như là một “chiếc lò xo nén”, với việc tích cực chuẩn bị để khi có điều kiện thuận lợi, “chiếc lò xo” này sẽ được bật lên thúc đẩy kinh tế đi nhanh hơn, vượt trội hơn. Cũng nhờ đó, chúng ta đã cơ cấu lại ngành Du lịch, đây là thời điểm chúng ta tập trung chuẩn bị những điều kiện cần nhất của ngành Du lịch Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh. Việc tái cấu trúc lại các loại hình hoạt động, những việc làm về du lịch, đồng hành với đó là đào tạo, tập huấn để chuẩn bị đội ngũ là các chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp được Quốc hội và Chính phủ ban hành, đi kèm với đó là xem xét các chủ trương để chuyển hướng du lịch nội địa. Coi du lịch nội địa là bệ đỡ trong bối cảnh chưa mở được du lịch quốc tế. Trong hướng đi đó, đã tạo ra được luồng gió mới, thắp lên những tia sáng tích cực được giới truyền thông công nhận và người dân đồng tình. Những tia sáng đã cổ vũ chúng ta khi toàn ngành Du lịch đã đề xuất và được Bộ Chính trị cho phép thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Chỉ trong 2 tháng cuối năm 2021, theo thống kê có gần 9 nghìn lượt khách và để lại cho chúng ta những ấn tượng hết sức tốt đẹp. Mang đến một tiếng nói mạnh mẽ để đưa ra cộng đồng quốc tế rằng: Việt Nam là điểm đến du lịch an toàn và thân thiện, mến khách. Một đất nước có thể đến du lịch và là một đất với những danh hiệu mà các tổ chức đã bình chọn cho Việt Nam như: điểm đến văn hóa, điểm đến di sản, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, điểm đến golf tốt nhất thế giới. Điều này như khẳng định thêm một quyết tâm lớn, động lực để chúng ta thực hiện việc phục hồi du lịch. Cùng với sự quyết tâm, chúng ta phải tranh thủ sức mạnh, sự đồng lòng của các tổ chức, trong đó đặc biệt là vai trò của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do các chuyên gia giàu kinh nghiệm để tham mưu, đánh giá. Tranh thủ ý kiến của các chuyên gia độc lập về y tế để có thêm nhiều tiếng nói, nhiều góc độ, nhiều cách nhìn để đề xuất, trình Chính phủ. Qua đó, xem xét các điểm sáng trong thực hiện chủ trương du lịch, đưa ra thông điệp, dự báo: với những điều kiện như Việt Nam hiện nay khi mà tỉ lệ tiêm vắc xin đạt cao nằm trong top 10 của thế giới, cùng với việc phổ cập liều vắc xin thứ ba đến toàn bộ nhân dân trong hết 30-3, đây là cơ hội để xem xét mở cửa lại du lịch. Vì vậy, Bộ VHTTDL đã chủ trì phối với các cơ quan hữu quan để chúng ta cùng nhìn lại và đưa ra một thông điệp: thời điểm nào để đề xuất với Chính phủ công bố đón khách quốc tế. Và từ nay đến lúc đó chúng ta phải làm gì để chuẩn bị bài toán “cần và đủ”, quán triệt phương châm “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát linh hoạt có hiệu quả” để đảm bảo cánh cửa du lịch được mở ra nhưng vẫn ngăn chặn được dịch bệnh, cuộc sống người dân vẫn được đảm bảo, kinh tế được phục hồi.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trung Khánh báo cáo kết quả Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế
Tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trung Khánh đã báo cáo tóm tắt kết quả Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và đề xuất phương án, lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế. Tổng cục trưởng cho biết, Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (Chương trình thí điểm), được triển khai từ tháng 11-2021 đến nay, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, minh chứng Việt Nam là điểm đến du lịch “an toàn, hấp dẫn”, cũng như khẳng định năng lực “thích ứng an toàn, linh hoạt” của ngành Du lịch Việt Nam. Sau khi thí điểm với ba giai đoạn, kết quả thu được là: Số lượng khách du lịch quốc tế: Tính đến ngày 23-1-2022, đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam. Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách; Doanh nghiệp đăng ký tham gia đón khách: đến nay đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú du lịch; 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1. Công tác xử lý sự cố y tế: trong quá trình triển khai Chương trình thí điểm, đã có tổng cộng 27 trường hợp xét nghiệm dương tính với COVID-19, trong đó 17 trường hợp tại Phú Quốc (Kiên Giang) và 10 trường hợp tại Khánh Hòa. Tuy nhiên, chỉ có 1 trường hợp phải điều trị tại cơ sở y tế tại Rạch Giá (Kiên Giang), các trường hợp còn lại đều không có triệu chứng, được cách ly theo dõi tại khách sạn và có kết quả xét nghiệm âm tính sau 3-5 ngày. Tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 đều được xử lý theo đúng các quy định về hướng dẫn phòng chống dịch, đảm bảo không làm lây lan ra cộng đồng, khách du lịch sau khi điều trị đã được bố trí về nước an toàn. Đánh giá của khách: Khách du lịch quốc tế tham gia Chương trình thí điểm đều có phản hồi tích cực khi được trải nghiệm các loại hình du lịch thể thao, giải trí sôi động, hấp dẫn, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Du khách thể hiện sự hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp, bày tỏ sự tin tưởng về các biện pháp phòng chống dịch, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam. Kết quả bước đầu này cũng là bước đệm vững chắc để ngành Du lịch Việt Nam chuẩn bị các điều kiện hướng tới mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tại Hội thảo, đại diện các tỉnh như Kiên Giang, Quảng Nam, TP.HCM và Hà Nội thống nhất về thời điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế vào dịp 30-4, đồng thời có nhiều ý kiến về thực trạng của địa phương cũng như đề xuất các kiến nghị liên quan đến việc mở cửa đón khách quốc tế. Đại diện tỉnh Kiên Giang đề nghị được các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ; tạm dừng đón khách từ thị trường Kazastan; cho địa phương chủ động đón khách. Khách quốc tế cần mua bảo hiểm. Bộ Y tế cần ban hành biểu mẫu và phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch thống nhất trong cả nước để địa phương triển khai thực hiện; đại diện Sở Du lịch Quảng Nam cho rằng, cần xây dựng sớm lộ trình hiệu quả, an toàn đón khách du lịch trở lại; sớm ban hành hướng dẫn mới thí điểm đón khách du lịch, cần có quy định thống nhất cho các địa phương; sớm mở lại đường bay quốc tế; sớm thống nhất công nhận hộ chiếu vaccine; áp dụng chính sách miễn thị thực nhập cảnh.
Đại diện TP.HCM cho biết: đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đạt 90% dân số tiêm đủ 2 mũi vắc xin và là điểm xanh, người dân đã có kinh nghiệm du lịch an toàn trong dịch bệnh, thành phố cũng triển khai các chương trình du lịch liên tuyến hiệu quả. Đề xuất áp dụng chính sách miễn thị thực nhập cảnh.
Đại diện của TP. Hà Nội đề nghị Bộ VHTTDL đề xuất với Chính phủ xem xét mở cửa du lịch nội địa và quốc tế với thời điểm sớm hơn là 1-4-2022, có một tháng chuẩn bị phục vụ các hoạt động; về du lịch nội địa, TP đã ký kết với 12 địa phương khu vực phía Bắc. Mong muốn có sự thống nhất theo quy định của Bộ Y tế, Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành trung ương tạo được hành lang lưu thông giữa các địa phương thống nhất, an toàn và thông suốt. Đối với du lịch quốc tế, bỏ việc cách ly đối với khách du lịch đã tiêm đủ các vắc xin cũng như có xác nhận khỏi bệnh COVID-19 trong thời gian không quá 6 tháng và có kết quả âm tính PCR trong 72 giờ khi nhập cảnh.
Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân phát biểu
Ông Trương Gia Bình cũng đưa ra ý kiến, đó là, “thật vô lý nếu chúng ta không mở du lịch hoàn toàn”. Việt Nam mở cửa du lịch thì theo thông lệ quốc tế trong đó có hộ chiếu vắc xin, và khách quốc tế đến Việt Nam thì người việt làm gì thì khách du lịch cũng được làm. Nên mở cửa du lịch, vì quyền lợi của người dân, vì sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trong khi đó, đại diện của Vietnam Ariline đề xuất công bố đón khách du lịch từ 1-2-2022. Đề nghị trở lại việc cấp visa thực hiện như thời điểm năm 2019. Đồng thời, cần có quy trình y tế thống nhất chữa bệnh cho khách du lịch bị F0 đến Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu
Ông Vũ Thế Bình Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh cần phải khôi phục và mở cửa du lịch. Cần khôi phục lại tình trạng miễn visa cho khách du lịch vào Việt Nam như trước 2020; tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện có thể làm du lịch; Bộ Y tế cần ban hành cách ly để đảm bảo khi khách du lịch đến Việt Nam biết được điểm có thể đến. Đề nghị các địa phương nếu có thay đổi chính sách phải thông báo trước đến các doanh nghiệp du lịch; Cần phải có chiến dịch xúc tiến du lịch mạnh mẽ trong và ngoài nước. Đề xuất nhà nước làm du lịch các điểm đến và doanh nghiệp làm nhiệm vụ xúc tiến các sản phẩm du lịch. Đề xuất ngành Du lịch có thể triển khai mở cửa hoạt động từ 1-2-2022.
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch phát biểu
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch đặt ra ba vấn đề đó là, cần có sự thống nhất về y tế từ trung ương đến địa phương; tạo ra các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp để đi vào hoạt động kinh doanh; nên gạt bỏ những quy định làm hạn chế cho du khách đến với Việt Nam. Và ông Kiên cũng đưa ra đề xuất: Bộ VHTTDL cần ủng hộ mạnh mẽ việc mở cửa du lịch càng sớm càng tốt, có thể là 1-3-2022 và bở bớt những quy định mang lại những hạn chế đối với doanh nghiệp.
TS. BS Nguyễn Thúy Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcockcho phát biểu
Với góc nhìn là chuyên gia dịch tễ học, TS. BS Nguyễn Thúy Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcockcho biết, Việt Nam đang ở đỉnh cao của miễn dịch cộng đồng, cần tận dụng thời gian vàng này để mở cửa du lịch và có thể mở bắt đầu ngay hôm nay. Đồng thời, bà cũng đề nghị, khi khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam thì cần được ứng xử như người dân trong nước.
Bà Nguyễn Minh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phát biểu
Cùng về vấn đề y tế, bà Nguyễn Minh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các cơ quan, ban, ngành và rà soát lại quy trình xét nghiệm COVID-19, thực hiện đối với khách du lịch và người dân một cách đồng bộ, nhất quán nhằm tạo thuận lợi cho người dân và khách du lịch, đảm bảo phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời, sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để có những hướng dẫn về sự công nhận lẫn nhau giữa các nước trong việc giấy chứng nhận tiêm chủng, tạo điều kiện cho khách du lịch trong và nước ngoài.
Ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hàng không phát biểu
Bộ Giao thông vận tải hoàn toàn ủng hộ việc mở cửa du lịch và đề nghị mở từ đầu tháng 2. Phó Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Sơn cũng đề xuất nếu vẫn phải thực hiện test nhanh thì không nên tổ chức test ở sân bay mà nên đưa về các địa điểm của tour du lịch để tránh tình trạng ùn tắc, gây khó khăn cho khách du lịch.
Ông Trần Văn Dự - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) phát biểu
Ông Trần Văn Dự - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) nêu ý kiến: Nhiều ý kiến đề nghị miễn visa, chúng tôi xin nói từ 18-1, căn cứ thông báo của Chính phủ, tạo điều kiện cho chuyến bay thương mại quốc tế. Tất cả visa còn hạn cứ bay vào Việt Nam, không có khó khăn gì cả. Được hiểu, chúng ta đã mở 70% rồi, còn du lịch nữa mà thôi. 50% trong số 8.500 khách bay về vừa qua là người Việt Nam. Băn khoăn đặt ra là, nếu miễn thị thực đơn phương thì doanh nghiệp du lịch sẽ bị "tuột tay"? Khách du lịch họ vào tự do, doanh nghiệp có kiểm soát được không? Ai là người kiểm soát khách này? Đề nghị cân nhắc điều này.
Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng cho ý kiến
Đại diện Bộ quốc phòng, Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, bày tỏ đồng tình về việc mở cửa du lịch hiện nay và cho rằng cần có những biện pháp để đạt được hai mục đích là khôi phục phát triển ngành Du lịch nhưng vẫn đảm bảo thích ứng, an toàn. Thiếu tướng Lê Văn Phúc cũng cho biết thêm, Cảng biển Việt Nam đã sẵn sàng đón khách du lịch và các đoàn lữ hành có thể thực hiện khai báo online. Lực lượng Biên phòng đang phối hợp với Bộ Công an về tự động hóa kiểm soát xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ, tạo điều kiện cho các công ty du lịch lữ hành thu hút khách du lịch các nước.
Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) phát biểu
Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), cho biết hiện nay Bộ Ngoại giao đã tiến hành đàm phán việc hộ chiếu vắc xin và có 10 nước được công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam, đây là những đối tác lớn. Ông cũng cho rằng nên thúc đẩy hơn nữa việc đơn giản quy trình lên - xuống máy bay cho du khách bằng QR Code. Bên cạnh đó, các chính sách mở cửa du lịch cần nhất quán từ Trung ương đến địa phương để người nước ngoài đến Việt Nam du lịch nắm rõ và chuẩn bị.
Với 14 ý kiến phát biểu tại Hội thảo và các ý kiến khác được gửi đến, có quy mô lớn trên toàn quốc, cùng với hàng nghìn người theo dõi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra một số ý kiến tổng kết hội thảo: Qua các ý kiến, chúng ta đã đồng tình với nhiều phương diện trong đó có cả những rào cản, và cơ hội để cùng nhìn nhận, phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế. Từ đó cùng thống nhất và nhìn nhận rõ hơn về tiềm năng của du lịch Việt Nam - một điểm đến an toàn; qua chương trình thí điểm, đã cho những kinh nghiệm quý khi chúng ta đón khách với quy mô lớn hơn; sự sẵn sàng vào cuộc của chính quyền địa phương, sự quyết liệt của các doanh nghiệp. Khi bàn đến mở cửa du lịch, Đảng và Nhà nước đã cho “mở cửa bầu trời” để đón khách vào, đó là thuận lợi; khi đón khách phải đặt sự an toàn của người dân lên trên hết. Đây là những thuận lợi, cơ hội mà thông qua Hội thảo đã phân tích, chỉ rõ. Còn sâu xa hơn nữa là sự quyết liệt trong điều hành, lãnh đạo đất nước từ Nghị quyết của Trung ương, đến Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phục hồi nền kinh tế, trong đó có phục hồi ngành Du lịch. Việc triển khai các Nghị quyết này là cơ sở về mặt chính trị, pháp lý, thực tiễn để kiến nghị với Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu kết luận Hội thảo
Thấy được thuận lợi, nhưng chúng ta cũng phải thấy được những thách thức để có các giải pháp. Từ đây, chúng ta kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Một là: Cho mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế; Hai là: Thời điểm mở cửa sẽ công bố rộng rãi cho thế giới biết; từ nay đến thời điểm đó chúng ta tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ. Ba là: Chúng ta có thông điệp rõ ràng, quyết tâm cao. Bộ VHTTDL trân trọng các ý kiến, sẽ tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Mong các cơ quan ban ngành cùng góp tiếng nói để Thủ tướng có quyết định trong phiên họp Chính phủ sắp tới, hướng tới sự phục hồi du lịch và nền kinh tế Việt Nam, ngành Du lịch tiếp tục khẳng định vị thế, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn.
NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH