Cuốn sách “Nghệ thuật hiện đại Đông Dương” chính thức ra mắt tại Việt Nam

Hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), sáng ngày 11-1-2024, Hiệp hội Nghệ sĩ châu Á tại Paris, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam, Công ty Viet Art View phối hợp tổ chức lễ ra mắt chính thức tại Việt Nam cuốn sách “Nghệ thuật hiện đại Đông Dương” của nhà nghiên cứu Charlotte Aguttes-Reynier - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ châu Á tại Paris.

Các diễn giả tại buổi lễ ra mắt sách

Đây là hoạt động mở đầu các điểm nhấn hướng tới kỷ niệm 100 năm trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, bà Sophie Maysonnave - Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việc thành lập các trường đại học ở Đông Dương, trong đó Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Ngôi trường này được thành lập sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nghệ sĩ lớn: họa sĩ Victor Tardieu (bức tượng của ông được đặt tại khán phòng này) và họa sĩ Nam Sơn. Cuốn sách Nghệ thuật hiện đại Đông Dương của Charlotte Aguttes-Reynier là một tác phẩm quý, tôn vinh những đóng góp và thành tựu của các giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong quá trình đặt nền móng, xây dựng, phát triển nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Nội dung cuốn sách là những nghiên cứu công phu, bao quát toàn cảnh về lịch sử của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ 1925 đến 1945, bao gồm quá trình thành lập, phát triển, hoạt động, thành tựu, các giảng viên, sinh viên ưu tú và các tác phẩm. Kế thừa và phát huy di sản văn hóa phong phú này, Viện Pháp tại Việt Nam tiếp tục phát triển các chính sách hợp tác cũng như các hoạt động hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật Việt-Pháp”.

Tham dự và trò chuyện trong buổi Tọa đàm nhân dịp chính thức ra mắt cuốn sách tại Việt Nam có: bà Bùi Hoàng Anh - nhà Nghiên cứu Mỹ thuật, Giám đốc Nghệ thuật Viet Art View; tác giả Charlotte Aguttes-Reynier - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Châu Á tại Paris; ông Lê Huy Văn, họa sĩ, con trai họa sĩ Lê Quốc Lộc; ông Ngô Kim Khôi, nhà nghiên cứu, cháu ngoại của họa sĩ Nam Sơn (Nguyễn Văn Thọ) và cô Alexane Reynier - con gái của tác giả, biên dịch cuốn sách từ tiếng Pháp sang tiếng Anh.

Cuốn sách "Nghệ thuật hiện đại Đông Dương"

Tại buổi Tọa đàm, tác giả và các khách mời cùng trao đổi về mỹ thuật thời kỳ Đông Dương nói riêng, mỹ thuật hiện đại Việt Nam nói chung. Charlotte Aguttes-Reynier đã giới thiệu quá trình nghiên cứu, hoàn thiện cuốn sách. Với mười năm kinh nghiệm nghiên cứu, Charlotte Aguttes-Reynier đã kể lại hành trình của những nhân vật chính ở thời kỳ này trong một tác phẩm tổng hợp những tư liệu và hình ảnh phong phú.

Bà cho biết, cuốn sách hé lộ một phần của lịch sử Nghệ thuật quốc tế đã bị che khuất suốt hơn 70 năm qua, và những đóng góp của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào lịch sử nghệ thuật quốc tế. Cuốn sách đã khái quát từ những nhân vật chính của trường trong giai đoạn nổi bật nhất, điều hành bởi Victor Tardieu và sau đó là Evariste Jonchère, từ năm 1925 đến năm 1945, ngôi trường này đã trải qua một thời kỳ sáng tác nghệ thuật vô cùng sôi nổi, khơi nguồn cho sự canh tân nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Từ những sáng tác này, nhiều cuộc triển lãm được tổ chức tại Hà Nội, Sài Gòn, Paris và nhận được sự đón nhận của giới phê bình nghệ thuật. Với 319 hình minh họa, 28 ảnh tiểu sử của các sinh viên và giáo viên cùng nhiều tài liệu lưu trữ quý giá, tác giả đã mở ra cho độc giả cánh cửa dẫn tới nhiều bộ sưu tập tư nhân và bảo tàng. Từ Inguimberty đến Alix Aymé, từ Nguyễn Phan Chánh đến Vũ Cao Đàm, qua Mai Trung Thứ và Lê Phổ… các tác phẩm vẽ, sơn, điêu khắc, sơn mài và các cuộc triển lãm của cả giáo viên và học sinh. Charlotte Aguttes-Reynier chú trọng diễn giải những bước đi quan trọng, giúp hình thành nên tầng lớp nghệ sĩ ưu tú mà Tardieu vẫn luôn mong chờ, làm sáng tỏ sự phong phú và tầm quan trọng của nền nghệ thuật trong thời kỳ này tại Đông Dương. Bà chia sẻ: “Công tác quảng bá tác phẩm của các nghệ sĩ đã có sự thành công nhất định khi tên tuổi của các họa sĩ này đã được đông đảo công chúng chú ý tới. Dự án đã hỗ trợ thực hiện và nhân rộng nhiều cuộc triển lãm của các tổ chức và cơ quan. Hành động của tôi chính là tia sáng đánh thức ngọn lửa đã tắt quá lâu”.

Tác giả Charlotte Aguttes-Reynier ký tặng sách cho độc giả

Charlotte Aguttes-Reynier là chuyên gia về nghệ thuật hiện đại châu Á, bà hiện giữ chức vụ Chủ tịch Hiệp hội các Nghệ sĩ châu Á tại Paris (APP). Tại Hiệp hội (là tổ chức văn hóa phục vụ lợi ích cho cộng đồng), bà nghiên cứu và tổng hợp tài liệu về nhiều khía cạnh của nghệ thuật hiện đại châu Á, đặc biệt là tác phẩm của các nghệ sĩ Mai Trung Thứ, Lê Phổ và Vũ Cao Đàm. Kể từ năm 2013, bà nghiên cứu thúc đẩy mua bán những tác phẩm của các nghệ sĩ châu Á. Bà đã góp phần vinh danh khoảng 70 nghệ sĩ, giám định và bán đấu giá khoảng 1.000 tác phẩm hội họa, sơn mài và điêu khắc (trong đó có hơn 115 tác phẩm của Mai Trung Thứ, khoảng 150 tác phẩm của Lê Phổ và gần 100 tác phẩm của Vũ Cao Đàm).

Tác giả cũng cho biết, cuốn sách Nghệ thuật hiện đại Đông Dương được viết bằng ba thứ tiếng: Pháp, Anh, Việt, do Nhà xuất bản Nghệ thuật In fine phát hành. Dự kiến sách sẽ được mở bán tại Pháp và toàn thế giới vào ngày 14-2-2024. Đây là ấn phẩm đầu tiên đề cập một cách toàn diện vai trò của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, hứa hẹn sẽ là một sự kiện đáng chú ý với công chúng và cả giới nghiên cứu nghệ thuật thế giới.

NGÔ HỒNG VÂN

;