CHUYỆN TỬ TẾ VỀ BẢN NGÃ NGƯỜI VIỆT


 

Có những cuốn sách mà người đọc có thể đọc một lèo vì không rời mắt khỏi những dòng chữ lôi cuốn, đầy hình ảnh. Chuyện nghề của Thủy (1), trong chừng mực nào đó, cũng là cuốn sách như vậy. Nhưng thực ra, người viết bài này phải dừng lại nhiều lần giữa chừng, vì không muốn bị nhấn chìm trong vòng xoáy những cảm xúc đối lập nhau của chính người viết sách, nhân vật trong sách. Đọc sách, thấy đúng là đời trớ trêu, lòng người bất trắc. Nhưng sau tất cả, cuốn sách không đem lại cảm giác bi lụy, cũng chẳng có những răn dạy nào. Chỉ là một lần trút bầu tâm sự nhiều nỗi đau đời của một nghệ sĩ nhạy cảm, để sau đó, tác giả và người đọc cùng thêm thấm thía lẽ đời.

Cuốn sách dày gần 500 trang, nhiều hình ảnh minh họa để cho thấy người viết “nói có sách, mách có chứng”. Những bức ảnh chụp ông từ thời thơ bé, ảnh gia đình, nhiều thư từ, giấy tờ của bạn bè, cơ quan, đoàn thể, tổ chức,… mà ông có liên hệ, gắn bó suốt hơn 60 năm qua cho thấy ông là một người rất trân trọng ký ức của mình. Mà dường như, những người như thế hay cả nghĩ và tự làm khổ, làm khó bản thân mình.

 Bắt đầu từ câu chuyện về hoàn cảnh gia đình sau năm 1945, về người vú nuôi gắn bó với tuổi thơ của ông, sống như ruột thịt với đại gia đình ông cho đến lúc qua đời, cuốn sách dần mở ra nhiều bối cảnh sống thật phức tạp trong một đất nước không chỉ có chiến tranh súng đạn, mà nhiều hơn có lẽ là những cuộc chiến về thái độ sống trong lòng mỗi người. Giữa những cuộc chiến hữu hình và vô hình ấy, Trần Văn Thủy không thể sống như một nhân vật đơn tuyến - mẫu nhân vật điển hình đương thời trong mọi thể loại văn học nghệ thuật cách mạng, hoặc chỉ tốt, hoặc chỉ xấu. Ông lựa hoàn cảnh để sống, để có thể đạt được mục tiêu của đời mình, nhưng cái cốt lõi là không biến mình thành một kẻ lưu manh. Chính vì thế, Trần Văn Thủy làm phim tài liệu nhưng xuất phát điểm có lẽ không phải để hoàn thành nhiệm vụ của một cán bộ ăn lương Nhà nước. Ông coi quá trình làm phim như một cách để hóa giải những tâm tư cá nhân về cuộc đời. Thực tế, ngay cả bộ phim nổi tiếng nhất của ông, Chuyện tử tế (được bắt đầu làm năm 1985, hoàn thành trong năm 1987), cũng thường không theo quy chuẩn nghề nghiệp tối thiểu của phim tài liệu hiện đại. Lời bình nhiều, hình ảnh không hẳn kỹ lưỡng và lộ nhiều dấu hiệu sắp đặt. Nhưng sức hấp dẫn lớn nhất ở đó là gì? Có lẽ, chính là thái độ sống của ông thể hiện trong nội dung phim, trong từng lời bình luận có lúc như xát muối vào lòng người xem. Thái độ ấy truyền cảm xúc cho người xem, nói với họ những điều mà đôi khi, lòng họ cùng thấy nhưng miệng không thể mở.

Ông làm được điều đó vì ông không phải là một người sống salon, chỉ biết quanh quẩn ăn, làm và hưởng thụ trong sự êm ả. Từ một cậu bé con nhà địa chủ, ông thành cán bộ miền núi, thành người dân tộc mang họ Trần, về Hà Nội học xong là đi B, chịu cảnh sống lên bờ xuống ruộng ở chiến trường khu 5 ác liệt. Trở lại Hà Nội hòa bình vì bệnh tật và cũng vì trách nhiệm với những cuốn phim tài liệu chân thực quay ở chiến trường, ông lại rơi vào đủ những hoàn cảnh lên bờ xuống ruộng khác, vì những nghi kỵ trong lòng người đời. Đến mức, chúng dễ biến người ta thành giả dối, lưu manh một cách vô ý thức. Ngay cả khi ông đến Mỹ, ông cũng sớm nhận ra lòng người Việt mình với nhau cũng chưa nguôi yên mọi nghi kỵ, điều đó làm tâm hồn ông đau: “Tôi có cảm tưởng, cái cảm giác đè nặng bên trong tôi là vô vọng về dân tộc Việt. Tôi nói điều này ra thì cũng không đúng lắm, có thể thất lễ và làm mất lòng nhiều người, nhưng tôi nghĩ đó là sự thật… Khi còn ở trong nước, tôi cứ nghĩ là các khuyết tật mà xã hội Việt Nam có, thí dụ quan liêu, cửa quyền, bắt người khác nghĩ giống mình, áp đặt ý kiến là do cơ chế của chế độ chính trị… Bây giờ ra ngoài, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, đọc nhiều, nhất là những báo chí chống Cộng cực đoan, tôi thấy không ít băn khoăn. Ai mà không theo mình thì dằn mặt, thù oán, tẩy chay. Thế tôi mới ngờ rằng cái bệnh hiếp đáp nhau, giẫm đạp lên nhau, bắt người khác phải phục tùng mình, phải chăng đó là bệnh của dân tộc Việt?... Nếu đó là khuyết tật của một dân tộc thì thật là đau đớn vô cùng” (2).

Bên cạnh thực tế khuyết tật của một dân tộc mà ông là thành viên ấy, còn có thực tế nghiệt ngã không kém: Có những người không chết vì bom đạn chiến trường mà lại “chết” vì những viên đạn bọc đường trong hòa bình, đó là bổng lộc, chức tước, tiền bạc, và hư danh. Khi nhân cách bị tha hóa thì họ chỉ là những cái tồn tại, chứ không phải là những con người. Trong sách, Trần Văn Thủy không nói thẳng ra những nguyên do giúp ông có thể tiếp tục sống và làm phim giữa muôn làn đạn ngọt trong hòa bình. Nhưng nếu có thể đúc kết từ những chuyện kể trong đó, người đọc tinh ý dễ nhận ra đó là chút cốt cách trí thức của một người được giáo dục theo tinh thần Nho học từ nhỏ. Cốt cách ấy chỉ cho ông cách sống uyển chuyển, vượt qua được những lươn lẹo ở đời mà không mất đi cái bản ngã của mình. Cùng với đó là niềm tin vào tâm linh và luật nhân quả vốn chỉ có thể thấy được bằng cảm nhận qua những thấu trải đời mình và đời của bao người thân sơ quanh ông.

Cuốn sách như một cuộn sóng tâm tư về cuộc đời của một người làm phim tài liệu Việt Nam được nhắc đến nhiều nhất ở bên ngoài biên giới đất nước. Được là một người tài năng, đó là điều đáng quý. Nhưng có lẽ, cuốn sách của Trần Văn Thủy cùng người chấp bút Lê Thanh Dũng lại nói với người đọc sau khi gấp nó lại rằng: Làm được một người tử tế quý hơn bội phần. Bởi điều đó không có chút nào do số phận, may mắn ông trời ban tặng mà hoàn toàn do tự thân chính mỗi người. Và có lẽ, khi ngày càng có nhiều người tử tế thì khuyết tật của một dân tộc sẽ càng sớm tự lành.

_______________

         1. Lê Thanh Dũng và Trần Văn Thủy, Chuyện nghề của Thủy, Nxb Hội nhà văn hợp tác với Công ty văn hóa Phương Nam ấn hành, tháng 5-2013.

          2. Sđd, tr.326. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 350, tháng 8-2013

Tác giả : Đào Mai Trang

;