Chương trình “Ngày thơ cho bé”

Chào mừng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, nhiều tập thơ đặc sắc dành cho thiếu nhi được Nxb Kim Đồng giới thiệu đến độc giả. Chương trình “Ngày thơ cho bé” được tổ chức vào ngày 24-2-2024 tại trụ sở Nxb Kim Đồng với sự kết hợp của Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

Vào đúng Ngày thơ Việt Nam - Rằm tháng Giêng Giáp Thìn, chương trình “Ngày thơ cho bé” do Nxb Kim Đồng kết hợp cùng Câu lạc bộ Đọc sách cùng con tổ chức  diễn ra tại trụ sở Nxb Kim Đồng (số 55 Quang Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại chương trình, các bạn nhỏ được khám phá những câu thơ hay, những bài thơ đẹp trong tập thơ Con chuồn chuồn đẹp nhất và trò chuyện với nhà thơ Cao Xuân Sơn qua sự dẫn dắt của nhà thơ, TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh. Bên cạnh đó, chương trình còn dẫn dắt độc giả nhỏ tuổi cùng tìm hiểu các tác phẩm khác như tập thơ Bên cửa ngắm xuân (tác giả Hà mã đi bộ), tập thơ Bông hoa vàng trong cỏ (tác giả Sư Ông Thích Nhất Hạnh) và đặc biệt là tác phẩm Thơ Quang Dũng.

Poster Ngày thơ cho bé

Tập thơ Con chuồn chuồn đẹp nhất được tái bản vào đúng dịp Ngày thơ Việt Nam năm 2024 với toàn bộ phần mỹ thuật được họa sĩ Tạ Huy Long vẽ mới. Với 60 bài thơ “đầy dặn về số lượng cũng như chất lượng” (Định Hải), năm 2011, tập thơ Con chuồn chuồn đẹp nhất của nhà thơ Cao Xuân Sơn giành Giải Bạc Sách hay. Thơ viết cho thiếu nhi vừa hiếm về tác phẩm, vừa hiếm về tác giả, thơ được trao giải lại càng hiếm và quý hơn.

Tập thơ Bên cửa ngắm xuân của tác giả Hà mã đi bộ (tên thật là Lã Thanh Hà) gồm 8 bài thơ được chia thành 3 phần: Thời gian đang bước, Bên cửa ngắm XuânMở cửa bước vào. Tác giả diễn tả trình tự chuyển biến của tự nhiên, trình tự cảm xúc của các em nhỏ khi mùa xuân đáng yêu đang dần lan tỏa. Trong không khí của mùa xuân mới, các độc giả nhỏ tuổi sẽ được dẫn dắt để khám phá từng bước chuyển của mùa xuân trong những câu thơ giản dị nhưng gợi hình, gợi cảm xúc như đánh thức các giác quan của mỗi người, từng bước mang tới không khí mùa xuân đầy trong trẻo và ngập tràn hân hoan, hạnh phúc.

Đó là những hình ảnh nên thơ khi mùa xuân bắt đầu thật chậm rãi trong bài Chầm chậm với những “vạt cỏ đẫm sương”. Mùa xuân báo hiệu bằng Tết, là khi hoa đào “chúm chím nụ hồng”. Mùa xuân thấm đẫm bầu không khí trong Hít hà với mùi của khói nhang, của mùi già. Mùa xuân là khi em hé cửa nhìn thấy “mùa xuân sà xuống”:  “Chầm chậm chầm chậm/Hé nở nụ hoa/Ơ kìa, ai đấy?/Mùa xuân ấy mà!”.

Bông hoa vàng trong cỏ là tập thơ do Sư Ông Thích Nhất Hạnh viết tặng các em thiếu nhi vào năm 1992. Cuốn sách được các sư cô của Làng Mai chuyển ngữ và vẽ minh họa. Khi biết cách thương thì càng thương càng hạnh phúc và càng có khả năng làm nhiều người hạnh phúc. Vì vậy, các sư cô mong muốn thông qua nét vẽ hiền hòa của sư cô Trăng Tuyết Hoa và nét chữ uyển chuyển của sư cô Định Nghiêm, tập thơ Bông hoa vàng trong cỏ sẽ lan tỏa tình yêu thương của Bụt và Sư Ông dành cho các em thiếu nhi, trao cho các em thái độ sống hiền hòa với thiên nhiên muôn loài và trân trọng mỗi giây phút hiện diện trên đời.

Thơ Quang Dũng là tuyển tập thơ thuộc Tủ sách Văn học trong nhà trường. Với gần 80 bài thơ được tuyển chọn, Thơ Quang Dũng đã thể hiện đầy đủ hành trình thơ 50 năm của ông. Từ những bài thơ mang âm hưởng thơ Đường như Chiêu Quân, Cố quận, Giang hồ được viết trong những năm 30 của thế kỷ trước, nhà thơ Quang Dũng nhanh chóng tìm được phong cách riêng cho mình, thơ của ông ghi lại con đường của ông hòa nhập vào con đường cách mạng của dân tộc, gần lại với nhân dân, đồng chí. Thơ Quang Dũng chứa đựng những bức tranh Việt Nam trong kháng chiến, gần gũi, mộc mạc mà trìu mến thương yêu. Đó là: Đêm Việt Trì, Những làng đi qua, Quán nước, Nhà bên đường,... Thơ Quang Dũng ngập tràn tên các địa danh, mỗi tên làng, tên xóm qua thơ ông đều gợi nhớ lòng quê, quyến thuộc: Sông Đà, Hồng Phú Châu Giang, Đêm Bạch Hạc, Bố Hạ, Pha Đin, Đám cưới qua sông Đáy, Sông Hát, Bất Bạt đêm giao quân… Những bài thơ hay nhất và nổi tiếng nhất của ông đều gợi lên những cảnh và người rất đỗi tha thiết, trân trọng: Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây…

Khám phá Thơ Quang Dũng trong những ngày đầu xuân, các độc giả yêu thơ cũng như các giáo viên và học sinh phổ thông không chỉ hoài niệm những khoảnh khắc đáng nhớ của dân tộc thể hiện trong hành trình thơ Quang Dũng mà còn có thêm cơ hội tiếp cận trọn vẹn hơn thế giới của nhà thơ đến từ xứ Đoài mây trắng.

NGÔ HỒNG VÂN

;