Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035: Bước đột phá về nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa

Thực hiện chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, vào sáng ngày 3-6-2024, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Chương trình nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này sẽ là bước đột phá, góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

Ý nghĩa nhân văn và sâu sắc của Chương trình

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, cũng như xuất phát từ những yêu cầu bức thiết đặt ra trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới, Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL xây dựng dự thảo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, Dự thảo Báo cáo đã nhận được quan tâm của đông đảo công chúng và những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà quản lý, các cơ quan bộ ngành và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật với niềm tin tưởng, kỳ vọng vào Chương trình nếu được Quốc hội thông qua sẽ mang lại động lực, nguồn cổ vũ lớn để văn hóa không ngừng phát triển.

Sau một thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa, tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, tại kỳ hợp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Đây là một Chương trình lớn, tác động sâu sắc, toàn diện đến lĩnh vực phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, nhằm tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của các cấp các ngành và người dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa trong quá trình phát triển đất nước. Vì thế, Chương trình nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu quốc hội, các bộ ngành và cử tri cả nước.

Tiếp nối thành công, hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015, giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 hướng đến những mục tiêu lớn, căn bản, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, tạo cơ sở, nền tảng để phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, tạo động lực và bước đột phá đảm bảo quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Mục tiêu tổng quát mà Chương trình hướng đến, đó là: (1) Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; (2) Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc; (3) Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; (4) Đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế xã hội, huy động, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa; (5) Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, chuyên gia đầu ngành, chủ lực, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao; (6) Phát huy tính đại chúng, tính khoa học của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo, tiếp thu và nghiên cứu, áp dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; (7) Nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 - Ảnh: Tuấn Minh

Về đối tượng được thụ hưởng trực tiếp từ Chương trình bao gồm: (1) Người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền của Tổ quốc; (2) Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; (3) Đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa, công chúng, khán giả, đặc biệt là công chúng trẻ: (4) Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; (5) Các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia; (6) Các di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và một số di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; Các di sản tư liệu được ghi danh vào Danh sách quốc gia, khu vực và thế giới; các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng công lập; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; (7) Các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa, sáng tạo; không gian văn hóa công cộng, không gian văn hóa cộng đồng; đội tuyên truyền lưu động; các đồn Biên phòng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; các cơ sở giáo dục, đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Như vậy, nhìn vào mục tiêu tổng quát và đối tượng thụ hưởng của Chương trình cho thấy ý nghĩa nhân văn và tầm nhìn chiến lược, dài hạn với những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm mà Chương trình hướng đến vì sự phát triển toàn diện của con người, qua đó khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, khát vọng phát triển, tinh thần cống hiến của mỗi người dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Với thời gian thực hiện 11 năm, từ 2025 đến 2035, Chương trình góp phần giải quyết những nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra trong phát triển, chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc với không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển văn học nghệ thuật; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa... Việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ đó sẽ khơi thông mạch nguồn văn hóa để văn hóa ngày càng tham gia tích cực hơn vào quá trình phát triển đất nước.

Hiệu quả, tác động lớn của Chương trình

Một trong những “điểm nghẽn” từ thực tiễn quá trình xây dựng, phát triển văn hóa được nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, đó là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển văn hóa còn chậm, thiếu đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn thấp, dàn trải, chưa đạt mục tiêu đề ra. Nhằm khắc phục tình trạng trên, Chương trình lần này xác định các mốc thời gian cụ thể:

- Năm 2025: thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

- Giai đoạn 2026-2030: tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030.

- Giai đoạn 2031-2035: tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

Về các nội dung thành phần, Chương trình thiết kế 10 nội dung, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết. 10 nội dung lớn được Chương trình xác định và ưu tiên nguồn lực để thực hiện, bao gồm: (1) Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; (2) Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; (3) Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; (4) Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; (5) Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; (6) Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; (7) Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; (8) Phát triển nguồn nhân lực văn hóa; (9) Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; (10) Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.

Một điểm nhấn, khác biệt so với các chương trình trước đó, Chương trình lần này đã có sự mở rộng quy mô đầu tư trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập (đặc biệt là tại một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài).

Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là Chương trình mục tiêu quốc gia thứ 4 ở nước ta bên cạnh 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện gồm: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 là sự tiếp nối, bổ sung và phát triển quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sứ mệnh “soi đường” của văn hóa với lời căn dặn của Người trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Đồng thời là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu phát triển con người Việt Nam toàn diện. Cử tri và nhân dân mong mỏi chương trình sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và  được triển khai thực hiện có hiệu quả sẽ tiếp thêm động lực và nguồn sinh khí mới để văn hóa thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi", cùng với các nguồn lực khác thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

 

TS NGUYỄN HUY PHÒNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

;