Văn hóa vì lẽ sinh tồn và nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần hỏi thăm nghệ sĩ cải lương Nam Bộ tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III (tháng 12-1962) - Ảnh tư liệu: Trang thông tin điện tử Hồ Chí Minh

1. Văn hóa vì con người theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Là một người con quê hương xứ Nghệ có xuất thân gia đình khoa bảng, ngay từ khi rất trẻ, thấm nhuần Nho học và những trải nghiệm cuộc sống xa nhà, bôn ba hải ngoại, người thanh niên trẻ anh Ba - Nguyễn Ái Quốc đã có ý thức cao về trách nhiệm và hoài bão về một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân Việt Nam.

Ý thức và niềm tự hào về văn hóa đã định hình ở người thanh niên Nguyễn Ái Quốc từ rất sớm, khi đang là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Lời kêu gọi Hội Quốc Liên, ngày 30-8-1926, Người đã viết: “Đó là một dân tộc được thành lập trên cơ sở thống nhất ngôn ngữ, tôn giáo, chủng tộc, phong tục. Cuối cùng, theo lời thừa nhận của chính những nhân vật Pháp, từ thời viễn cổ, người Việt Nam đã có một văn hóa đạo đức cao” (1).

Kế thừa những phẩm chất đạo đức cao đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, những giá trị nhân văn của nhân loại và tinh hoa của chủ nghĩa Mác - Lênin, sau mấy chục năm bôn ba hải ngoại tìm đường giải phóng dân tộc, thậm chí phải tù đày ở nước ngoài, cuối năm 1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc công bố tác phẩm Lịch sử nước ta với một dự báo thiên tài “Năm 1945 Việt Nam độc lập” (2).

Căn cứ vào những tâm tư được gửi gắm trong thời gian lao tù với quan niệm về văn hóa năm 1942, tại phần cuối sổ chép những bài thơ Nhật ký trong tù (tài liệu chữ Hán - Ngục trung nhật ký), trong Mục đọc sách, chúng ta sẽ thấy nội dung văn hóa mới của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 và việc tiếp tục triển khai cụ thể Đề cương ở những giai đoạn sau rất gần gũi với điều đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết: “ý nghĩa của văn hóa: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (3).

Những nội dung cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được đồng chí Trường Chinh ngẫm ngợi lâu dài và sau nhiều lần trao đổi, xin ý kiến của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và theo quyết định của Đảng trong thời gian hoạt động bí mật đầu năm 1941, thời điểm đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước sau bao năm ở nước ngoài. Như thế, có thể thấy rằng Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện quan trọng chính thức đề cập tới nội hàm văn hóa mới, gắn với chế độ xã hội mới ở một quốc gia chưa được hình thành, chưa có Tuyên ngôn độc lập và đã thể hiện sự nhất quán cao độ giữa đường lối của Đảng với tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa.

Kể từ khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2-9-1945, các phát biểu về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng được cụ thể hóa. Người khẳng định từ năm 1945: “Văn hóa là một kiến trúc thượng tầng, những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được”...; “trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải chú ý đến cùng, phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa” (4), đây là quan điểm thể hiện sự phát triển toàn diện của xã hội mới với năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc: “1- Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường; 2- Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; 3- Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; 4- Xây dựng chính trị: dân quyền; 5- Xây dựng kinh tế” (5).

Ngày 24-11-1946, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (6).

Ngày 11-2-1960, tại Hội nghị đại biểu những người tích cực trong phong trào văn hóa quần chúng, Chủ tịch khẳng định “Văn hóa phải gắn liền với lao động sản xuất” (7). “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (8).

Theo quan điểm văn hóa và phân loại về văn hóa của UNESCO (9), chúng ta thấy rằng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện ở 2 cấp độ gắn với văn hóa vật chất/ vật thể và văn hóa tinh thần/ phi vật thể.

Ở phương diện văn hóa vật thể, “những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng” được coi là văn hóa.

Ở phương diện văn hóa phi vật thể, văn hóa tinh thần, “sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật” được coi là văn hóa.

Hai phương diện văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể đều thể hiện những sáng tạo và tạo ra giá trị của con người trong quá trình lịch sử thông qua lao động nhằm đáp ứng “lẽ sinh tồn” và cũng là “mục đích của cuộc sống” con người.

Có thể đánh giá rằng từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định văn hóa có bản chất là sáng tạo, là phát minh của con người. Con người là chủ thể sáng tạo của văn hóa. Những quan điểm nhất quán về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong cả lời nói và hành động của Người một cách nhất quán, như một minh chứng cho phẩm chất của một nhân cách văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam.

Ngay từ khi còn rất trẻ, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã không ngừng nỗ lực, học hỏi những ngôn ngữ mới. Dùng công cụ ngoại ngữ để nâng cao tri thức, để viết báo, để tìm tòi con đường đem lại hòa bình ấm no cho các dân tộc đang bị áp bức trên thế giới.

Tinh thần nhân văn cao cả, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc và chủ động tiếp thu văn minh nhân loại, có niềm tin nhân quả, thiện thắng ác qua nguyện vọng làm học trò nhỏ của các vĩ nhân đã thể hiện trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (năm 1949), có đoạn: “Học thuyết Khổng Tử có cái hay là sự tu dưỡng đạo đức; tôn giáo Giê xu có cái hay là lòng bác ái. Chủ nghĩa Mác có cái hay là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có cái hay là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước chúng tôi… Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của họ. Tôi chính là tôi ngày trước: một người yêu nước” (10).

Trong cuộc sống thường ngày, tác phong sinh hoạt giản dị gắn với các nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù lúc khó khăn kháng chiến, hay khi về Thủ đô Hà Nội đều toát ra phong thái giản dị, khiêm nhường.

2. Thế giới đánh giá về danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh

Bằng trải nghiệm văn hóa từ khi ra đời đến khi “về với thế giới người hiền”, những đóng góp về phương diện văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa nhân loại nói chung đã được thế giới ghi nhận. Đại hội đồng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (Unites Nations Educational Scientific and Cultural Organization, viết tắt là UNESCO), khóa họp lần thứ 24 tại Paris, từ ngày 20-10 đến 20-11-1987, đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (11).

Nghị quyết đã ghi nhận năm 1990, đánh dấu 100 năm kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là danh nhân văn hóa thế giới. Trên thế giới, chưa có một danh nhân văn hóa nào được nhiều quốc gia đồng thuận cùng tổ chức kỷ niệm chẵn 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thời điểm ấy.

Là danh nhân văn hóa thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được UNESCO đánh giá cao ở 3 cống hiến cho văn hóa và tư cách đạo đức trong sáng (12).

Thứ nhất: Đề ra phong trào xóa nạn mù chữ đầu tiên vào năm 1945, ngay sau khi tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây cũng là giai đoạn đất nước cực kỳ khó khăn với bối cảnh nguy cơ mất nước đang hiện hữu, đại bộ phận người dân đói ăn, thiếu mặc và thất học. Quan điểm này thể hiện qua chủ trương: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm; Vì lợi tích trăm năm trồng người! (Liên Hợp quốc vào đầu thập niên 90 mới đề ra cho thế giới nội dung xóa nạn mù chữ).

Thứ hai: Đề ra Tết trồng cây để bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Quan điểm này thể hiện qua câu nói: Vì lợi ích mười năm trồng cây!

Thứ ba: Văn hóa đối thoại là văn hóa ưu tiên. Quan điểm đối thoại đi trước đã được thực thi từ năm 1946. Liên Hợp quốc coi Hồ Chí Minh là người đầu tiên đề ra đối thoại và đã thực thi văn hóa đối thoại.

Liên Hợp quốc còn xét về mặt đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 24 năm là nguyên thủ quốc gia, luôn luôn là người cầm quyền kiểu mới - vô cùng trong sáng, giản dị, một đời hy sinh cho hạnh phúc của người dân, vì dân phục vụ, không tha hóa, không hề mưu lợi cá nhân. Nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đánh giá như là hình ảnh của “nền văn hóa tương lai”. Năm 1923, nhà thơ Nga Oxip Mandenxtan đã nhìn ra “Cả diện mạo Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải như văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một văn hóa tương lai” (13).

3. Tạm kết

Văn hóa Việt Nam với các giá trị đã có trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước hơn bốn ngàn năm. Văn hiến Việt Nam với biểu tượng chân dung Hồ Chí Minh là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với những đóng góp cho lịch sử văn hóa nhân loại, khẳng định tầm vóc văn hóa của bậc vĩ nhân luôn lấy dân làm gốc, lấy văn hóagốc và khi cụ thể hóa những gì khiến cho dân, cho nước ngày càng trở nên ấm no, hạnh phúc. Các nội dung gắn với văn hóa vật thể bao gồm: đi lại, ăn, ở, các điều kiện sinh hoạt, sản xuất, làm kinh tế đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập chi tiết và thực hành nêu gương qua các việc làm dù trong hoàn cảnh thời chiến hay chiến tranh nửa hòa bình. Sản xuất và đánh giặc, dân phải no bụng, phải được đảm bảo cuộc sống - đó là quyền lợi của dân, là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước.

Dân phải được học hành, có trình độ, phải có đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh. Giá trị văn hóa truyền thống phải được bảo tồn và tích hợp giá trị của đời sống văn hóa mới với phương châm làm cho con người ngày càng tốt đẹp lên trên cơ sở loại bỏ những yếu tố xấu xa, lạc hậu. “Phải làm sao cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho nhân dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên hưởng” (14).

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã quan tâm tới văn hóa từ rất sớm và đã đưa ra khái niệm về văn hóa một cách khoa học, tiến bộ. Quan điểm văn hóa là toàn bộ sáng tạo của con người, bao gồm văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần đã được thể hiện nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một ví dụ nêu gương sinh động. Những thực hành văn hóa và hiện thực hóa quan điểm về văn hóa, sự sáng tạo tiếp thu văn hóa thế giới Đông - Tây khi áp dụng trong lãnh đạo quốc gia thể hiện sự thấu hiểu, lòng nhân ái và nhân cách văn hóa lớn lao của bậc vĩ nhân. Văn hóa không chỉ là tiếp thu tinh hoa quá khứ, xử lý tốt mối quan hệ trong hiện tại mà còn phải luôn hướng tới nền văn hóa đích thực vì bền vững lâu dài, vì hạnh phúc của con người (15).

TS Modagat Ahmed, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá về con người huyền thoại Hồ Chí Minh: “Chỉ có ít nhân vật lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này” (16).

Sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận từ các quan điểm thấu tỏ về nội hàm văn hóa và các hoạt động văn hóa được cụ thể hóa qua các giai đoạn gắn với cuộc đời của Người cho thấy luôn đồng hành cùng văn hóa Việt Nam. Tầm vóc tư tưởng Hồ Chí Minh hiển hiện đồng hành và dẫn dắt thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng đời sống mới, nền văn hóa mới ở Việt Nam vẫn đồng hành cùng chúng ta đi tới tương lai.

__________________________

1, 10, 13, 14. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 2002, tr.392, 429-430, 451, 451.

2. Tác phẩm Lịch sử nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 208 câu thơ lục bát tóm tắt một cách cô đọng lịch sử dân tộc từ ngày tổ tiên dựng nước đến trước ngày khởi nghĩa Tháng Tám. Ngày 1-12-2022, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học nhân dịp kỷ niệm 80 năm tác phẩm Lịch sử nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Việt Minh Tuyên truyền Bộ Xuất bản ấn hành lần đầu tiên vào tháng 2-1942.

3, 5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995 tr.431, 43.

4. Hồ Chí Minh, Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, Nxb Văn học, Hà Nội, 1981, tr.345.

6. Báo Cứu quốc, 25-11-1946.

7, 8. Hồ Chí Minh, Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản, Hà Nội, 1997, tr.15, 13-14.

9. Tuyên bố toàn cầu của UNESCO về đa dạng văn hóa lần thứ 31: “Văn hóa nên được xem là một tập hợp các đặc điểm nổi vật về tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm của xã hội hay một nhóm xã hội, và ngoài văn học và nghệ thuật, nó còn bao gồm lối sống, cách thức cùng chung sống, các hệ thống giá trị, các truyền thống và tín ngưỡng”, culturaldiversity india.blogspot.com.

11, 16. UNESCO và Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.5-6, 22.

12. Xem thêm: Nguyễn Xuân Ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vĩ nhân của thế giới, tuanbaovannghetphcm.vn, 7-4-2020; TTXVN, Hồ Chí Minh - Sự kết hợp hài hòa giữa danh nhân văn hóa và nhà ngoại giao, baotintuc.vn, 14-5-2015.

15. Xem thêm: Phạm Lan Oanh, Nhà văn hóa Hồ Chí Minh, quan điểm và nhân cách văn hóa, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Trà Vinh, 2020, số 41, tr.24-33.

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Huy, Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển nền văn hóa mới ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.

2. Đinh Xuân Lâm, Bùi Đình Phong, Hồ Chí Minh văn hóa và đổi mới, Nxb Lao động, Hà Nội, 1998.

3. Nhiều tác giả, Hồ Chí Minh, nhà văn hóa của tương lai, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2018.

4. Xem thêm: Phạm Lan Oanh, Nhà văn hóa Hồ Chí Minh, quan điểm và nhân cách văn hóa, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Trà Vinh, 2020, số 41, tr.24-33.

5. Xem thêm: Phạm Lan Oanh, Đề cương về văn hóa Việt Nam, ý nghĩa và giá trị, vanhoanghethuat.vn, 17-2-2023.

PGS, TS PHẠM LAN OANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024

;