Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam - sức mạnh nội sinh hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh giúp dân tộc ta vượt qua mọi thăng trầm của lịch sử và trường tồn, phát triển cùng thời đại. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nguyện vọng, ý chí của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong sự nghiệp này cần phải huy động sức mạnh tổng hợp, trong đó xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam là động lực to lớn, mạnh mẽ. Bởi hệ giá trị văn hóa Việt Nam có khả năng quy tụ, dẫn dắt lý tưởng và hành động của toàn dân tộc nhằm thực hiện những mục tiêu lớn lao, vẻ vang.

Lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh giá trị văn hóa Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam có vị trí, vai trò đặc biệt. Dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, phải đối đầu với những thế lực ngoại bang hung hãn có tiềm lực quân sự, kinh tế. Sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc, nhân dân ta đã vùng dậy giành quyền độc lập, tự chủ. Sức mạnh để dân tộc ta trường tồn và phát triển suy cho cùng là sức mạnh văn hóa, bởi nếu không có một nền văn hóa đặc sắc với hệ giá trị tiêu biểu thì nhân dân ta đã không thể tự vùng dậy được và có thể đã bị đồng hóa như nhận định của GS Trần Văn Giàu: “... sau ngàn năm “ta vẫn là ta” hẳn không phải vì mũi tên nhọn hơn, bắp thịt cứng hơn, mà chủ yếu nhờ văn hóa, nhờ đạo lý, nhờ hệ giá trị tinh thần của riêng mình” (1).

Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm coi trọng vị trí, vai trò đặc biệt của văn hóa trong tổng thể chiến lược phát triển. Đó là “văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội”, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn” (2). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Trong đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” (3).

Hệ giá trị văn hóa được tiếp cận với tính cách là một hệ thống các giá trị mang đặc trưng riêng của một nền văn hóa, ở một dân tộc, một cộng đồng người trong mỗi giai đoạn cụ thể. Đó là một tập hợp những giá trị văn hóa theo một chỉnh thể thống nhất, phản ánh, đặc trưng cho trình độ, diện mạo văn hóa của mỗi cộng đồng người trong từng giai đoạn, lĩnh vực và điều kiện lịch sử khác nhau. Hệ giá trị của một cộng đồng được hình thành trong một quá trình lịch sử lâu dài, nên thường có tính ổn định và bền vững. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là hệ giá trị của một cộng đồng người là bất biến, mà với tư cách là sự đánh giá của cộng đồng trong quan hệ với tự nhiên và xã hội ở điều kiện nhất định. Do vậy, hệ giá trị văn hóa cũng có tính biến đổi cùng với sự biến động của xã hội. Đặc biệt ở những thời điểm có tính bước ngoặt, những lúc xã hội có nhiều biến động, có sự xung đột giữa những giá trị cũ và mới, nhưng nó thường có độ trễ so với những biến đổi của các điều kiện, hoàn cảnh lịch sử. Khi đó, cần có sự khái quát, bổ sung hệ giá trị (4).

Dân tộc ta đã hình thành hệ giá trị nông nghiệp - nông thôn truyền thống được định hình bền vững qua hàng nghìn năm, song, hiện nay đang phải trải qua những biến động lớn. TK XXI dân tộc ta đang đứng trước thời cơ và vận hội, thuận lợi và thách thức vô cùng to lớn. Nếu tận dụng tốt thời cơ, hạn chế khó khăn, thử thách, dân tộc ta thực hiện thành công tầm nhìn và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến giữa năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” (5).

Việc xây dựng một hệ giá trị văn hóa phù hợp hơn, giúp cho dân tộc ta có đủ khả năng miễn dịch để bảo đảm sự phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, con người đã trở thành một nhu cầu bức thiết. Bởi hệ giá trị văn hóa là lý tưởng phấn đấu, quy tụ toàn dân tộc vì mục tiêu chung nhằm tạo ra sức mạnh to lớn để nhân dân ta vượt qua những giới hạn hiện có, vươn tầm thời đại, làm nên những kỳ tích mới. Theo quy luật phát triển, hệ giá trị mới sẽ tự phát hình thành. Thời gian hình thành càng dài bao nhiêu thì càng hạn chế sự phát triển. Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam mới theo con đường tự giác sẽ là cách rút ngắn chặng đường chuyển đổi hệ giá trị, làm cho nước ta phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Theo đó cần xác định những giải pháp có tính nguyên tắc cơ bản của quá trình xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay.

Một là, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nhân loại để xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước. Nhân loại hiện nay đã ở giai đoạn văn minh trí tuệ, do đó cách tiếp cận về văn hóa phải trên cơ sở khoa học. Trước đây nghiên cứu về văn hóa, con người thường nặng về nhân sinh quan hẹp và khu biệt nó với hệ tư tưởng. Có hai ý kiến cơ bản về cơ sở lý luận nghiên cứu hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Quan điểm thứ nhất cho rằng từ trước tới nay dù tình hình có thay đổi thì chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là cơ sở lý luận duy nhất cho việc nghiên cứu hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Quan điểm thứ hai cho rằng bên cạnh chủ nghĩa Mác - Lênin, cần phải coi những hạt nhân hợp lý của những lý thuyết khác cũng là cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu và xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Xu thế hiện nay là học tập, tham khảo và bổ sung cho nhau trong nghiên cứu về văn hóa nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung.

Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và kế thừa hạt nhân hợp lý của lý thuyết ngoài mác xít để nghiên cứu. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng chủ đạo của việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam, đóng vai trò động lực của quá trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Hai là, xác định phương pháp luận nghiên cứu hệ giá trị văn hóa Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước. Ở nước ta có hai phương pháp luận chủ yếu trong nghiên cứu và phát triển văn hóa. Phương pháp luận coi văn hóa là sản phẩm của hoạt động. Cách tiếp cận này là thành tựu của khoa học Xô viết. Đây là cách tiếp cận rất cơ bản và có thế mạnh, hiện vẫn được các học giả đề cao. Bổ sung cho quan điểm này là cách tiếp cận coi văn hóa là nhân tố bên trong của sự phát triển xã hội. Đây là cách tiếp cận có được trong thời kỳ đổi mới. Cách tiếp cận này là quan điểm rộng rãi hơn, mềm dẻo hơn, nhất là đối với Việt Nam, một đất nước có bề dày hàng nghìn năm văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm mềm dẻo và hợp lý về văn hóa từ rất sớm. Mục đọc sách (Độc thư lan) in trong Nhật ký trong tù, Người đã đưa ra khái niệm văn hóa theo nghĩa rộng nhất.

Với cách tiếp cận văn hóa là nhân tố bên trong của sự phát triển sẽ thấy văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Xây dựng hệ giá trị văn hóa thực chất là chỉ rõ những giá trị cơ bản, cốt lõi, đặc trưng, có khả năng hướng dẫn nhận thức, quy tụ hành động vì mục tiêu chung, rộng lớn của toàn dân tộc, là hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Dựa trên lý tưởng chung của hệ giá trị văn hóa sẽ tạo ra sức mạnh to lớn, sức mạnh được cộng hưởng để dân tộc ta có thể làm nên những kỳ tích thần kỳ. Đúng như nhà văn hóa Trần Văn Giàu nhận xét: “Tổ chức tăng sức mạnh lên gấp mười lần, văn hóa tăng sức mạnh lên vô tận” (6).

Ba là, xử lý hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam để hiện thực khát vọng phát triển đất nước. Các nước được coi là con rồng châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã rất thành công trong việc biến đổi các yếu tố văn hóa truyền thống để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm của các nước này rất quan trọng vì họ có nhiều nét tương đồng về văn hóa với Việt Nam. Ở các nước này, kinh tế phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc của văn hóa. Đồng thời, văn hóa đã trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.

Kinh nghiệm chung của các nước này là bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống có tác dụng tích cực trong hiện đại hóa đất nước và tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo những giá trị văn hóa mới. Lịch sử đã chứng minh thái độ tuyệt đối hóa truyền thống hay hiện đại trong phát triển văn hóa đều là sai lầm và dẫn đến những hệ lụy tai hại. Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam phải kế thừa và phát huy một cách hợp lý những cái hay, cái đẹp trong truyền thống, đồng thời tiếp thu những cái hay, cái đẹp của văn hóa hiện đại. Sự tiếp thu, kế thừa này phải lấy mục tiêu hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước làm thước đo.

Bốn là, cần sớm xây dựng hoàn chỉnh nội dung hệ giá trị văn hóa Việt Nam để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã được định hình và trở thành ngọn đuốc soi đường và tạo sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghiên cứu hệ giá trị văn hóa Việt Nam có nhiều ý kiến khác nhau. Nhà văn hóa học Đào Duy Anh đã trình bày hệ thống các giá trị văn hóa Việt Nam gồm: Sức ký ức (trí nhớ) tốt, thiên về nghệ thuật và trực giác. Ham học, thích văn chương. Ít mộng tưởng (thiết thực). Sức làm việc khó nhọc (cần cù) ở mức ít dân tộc nào bì kịp. Giỏi chịu khổ và hay nhẫn nhục. Chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa. Khả năng thích ứng và dung hòa rất tài (7). Tác giả Trần Văn Giàu đã nêu lên 7 giá trị tinh thần truyền thống của người Việt Nam là: yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa (8).

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhấn mạnh các giá trị văn hóa bền vững là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống (9). Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (2014) đã nhấn mạnh việc hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa Việt Nam với các đặc tính cơ bản là yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo (10). Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức ngày 24-11-2021 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: cần phải xây dựng con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước; đặt con người trong tổng thể, vừa là nhân vật trung tâm, chủ thể xây dựng văn hóa. Đây chính là sự cụ thể hóa một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 của Đại hội XIII là: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” (11). Trên cơ sở thành tựu nghiên cứu về hệ giá trị văn hóa, cần sớm xây dựng và phổ biến, giáo dục hệ giá trị văn hóa Việt Nam để không ngừng chăm lo, bồi dưỡng, phát triển nguồn lực con người.

Có thể khẳng định: xây dựng và phát triển hệ giá trị văn hóa Việt Nam là nhu cầu khách quan nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bởi lẽ, văn hóa và con người là hai lĩnh vực gắn bó khăng khít với nhau, văn hóa do con người sáng tạo ra vì mục tiêu phát triển con người. Hệ giá trị văn hóa là sự kết tinh, đúc kết tinh hoa văn hóa dân tộc có sức mạnh soi đường cho nhân dân ta thực hiện thành công khát vọng phát triển trong TK XXI.

_______________

1, 6. Trần Văn Giàu, Phương pháp luận về vấn đề văn hóa và phát triển, Phương pháp luận về vai trò của văn hóa trong phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.56, 56.

2. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.157.

3, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.202, 112.

4. Ngô Đức Thịnh (Chủ biên), Giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống và biến đổi, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.37-40.

7. Đào Duy Anh, Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tr.10.

8.Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.6.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.24.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương, Hà Nội, 2014, tr.35.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143.

Ths TRẦN THỊ MỴ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024

;