Victor Hugo đã từng nói rằng: “Niềm hạnh phúc lớn nhất đời là có thể tin chắc rằng mình được yêu. Được yêu vì chính con người thật của chúng ta. Bất chấp ta là ai”. Vượt ra khỏi những khuôn khổ của định kiến, thăng hoa lên thứ cảm xúc, có thể giúp con người ta hàn gắn lại trái tim tan vỡ từ những vấp ngã. Tình cảm gắn kết hai nhân vật lạ lùng trong không gian ngập tràn âm nhạc Schubert, Franz và Clara đã tạo nên được một bản giao hưởng thanh âm theo cách riêng của mình. Bằng lối giao đãi văn chương lịch thiệp, văn minh, đậm chất Paris, Philippe Labro đã kể cho chúng ta nghe về một tình yêu dịu êm như bản tình ca Pháp, nồng đượm như hương vị Bordeaux.
Nói đến tình yêu, Roger Vailland đã có một định nghĩa đơn giản mà thú vị: “Tình yêu là điều diễn ra giữa hai người yêu nhau”. Câu chuyện giữa Franz với Clara cũng đã có thể bắt đầu giản dị như thế. Từ một cuộc gặp gỡ, làm quen và tiến đến những thăng hoa trong cảm xúc. Nhưng những gì Philippe Labro muốn đề cập đến còn hơn thế, đó là sự lý giải lôgic cho một câu chuyện tưởng chừng như vô lý, khiến sự nối kết những tâm hồn mỏng manh ấy bỗng trở nên lôi cuốn đến kỳ lạ, giúp câu chuyện cuốn hút độc giả ngay từ những trang viết đầu tiên.
Thông thường, sau những cuộc chia ly của tình yêu, việc chia sẻ với bất cứ ai cũng là điều vô cùng khó khăn. Đó là những vụn vỡ trong tâm hồn, nỗi xót xa, sự bẽ bàng mà chỉ một mình người đó cảm nhận, tự vượt qua. Mở đầu câu chuyện, bằng tâm trạng của người đang trải qua một trong những điều cay đắng nhất cuộc đời: chia ly, P.Labro đã đong đầy thị giác của người đọc bằng hình ảnh từ bầu trời đến mặt hồ, từ bến tàu đến đường tàu điện chạy dọc khu phố cổ nước Pháp. Nhưng ngay cả Paris hoa lệ dường như cũng dửng dưng trước tâm sự của Clara. Sự tan vỡ ấy tàn phá khủng khiếp linh hồn cô, rút cạn đi sức sống của tuổi trẻ đang bừng cháy. Clara dường như muốn vượt thoát khỏi những ánh nhìn thương hại người ngoài dành cho mình: “Tôi tưởng tượng ra rằng các bạn đồng nghiệp nhận thấy điều đó và đang nhìn tôi. Có lẽ họ đang bàn tán hay cười cợt về chuyện ấy. Tôi tự cô lập mình” (1). Dường như để cho câu chuyện gây tò mò hơn nữa, ngay thời điểm đó, P.Labro tạo ra cuộc gặp gỡ gắn Clara với một cậu bé 8 tuổi. Franz xuất hiện bất ngờ với chiếc túi nhỏ màu nâu, dáng vóc nhỏ nhắn nhưng lối nói chuyện như một triết gia: “Giọng điệu này, cách diễn đạt gần như người lớn này làm tôi bật cười. Cậu ta đang diễn hài kịch à? Cậu ta đang bắt chước ai vậy? Đồng thời, lần này, khi nhìn mặt cậu lâu hơn, tôi thấy rõ cậu không làm trò hề” (2).
Bằng lối kể chuyện nhẩn nha, dịu dàng, tự nhiên như cách những ngón tay lướt trên phím dương cầm, tác giả đã vẽ nên một khung cảnh kỳ lạ, ngập tràn lãng mạn, cho buổi gặp gỡ định mệnh giữa Franz với Clara. Thế rồi từ những buổi ăn trưa trên ghế đá bên mặt hồ, vài câu chuyện ngắn ngủi không đầu không kết, họ đã tạo nên một sự kết nối mơ hồ nhưng vô cùng vững chắc từ tâm hồn. Bằng giọng văn đầy cảm xúc, P.Labro đã thổi vào những cuộc gặp gỡ giữa hai con người kỳ lạ ấy một luồng không khí ấm áp, trong sáng như tiết trời mùa xuân, với ánh phản chiếu lấp lánh trắng pha vàng trên dãy Alpes hùng vĩ. Độc giả như nghe văng vẳng bên tai bản nhạc êm dịu, ngọt ngào, xuyên qua không gian trong suốt như pha lê. Bản hòa tấu được ngân lên từ những cuộc gặp gỡ ấy đã dần dần hàn gắn lại trái tim đầy vết xước của Clara. Tác giả đã khéo léo lồng vào câu chuyện những chi tiết về cuộc đời sóng gió của Clara nhưng lại khiến cho Franz trở thành nhân vật bí ẩn trong hình hài một cậu bé. Tuy vậy, P.Labro lại không gợi lên trong suy nghĩ của độc giả về nhân thân cậu bé. Họ bị cuốn vào câu chuyện của hai người, miên man trong cảm xúc vừa ngộ nghĩnh, vừa kinh ngạc về những triết lý được thốt ra từ một cậu bé 8 tuổi.
Bằng giọng văn mượt mà, trong trẻo, thủ thỉ, khi miêu tả ký ức về cái chết của người cha được đánh thức lên trong tâm hồn Clara, P.Labro dường như đã tạo ra tiếng ngân lên đến 5 quãng 8 trong thanh âm cảm xúc của người đọc: “Không khí đầy ắp hương vị mùa hè. Bởi vì người đàn ông mà sự thành thục và lịch sự đã làm tôi yên lòng và khiến tôi hy vọng rằng mọi chuyện sẽ ổn và rằng, nhờ vào một may mắn đặc biệt, người đầu tiên đến giúp tôi lại là một bác sĩ, bởi vì người đàn ông ấy, chính ông ấy, đã nói rằng thế là hết, nên tôi không thấy phải hét lên, vùng vẫy, kêu gào, đứng dậy, bỏ lại bãi cỏ và thân thể này, mà tôi muốn nằm xuống bên cạnh đó, nhắm mắt lại, và muốn rằng tất cả mọi thứ ngừng hoạt động trong buổi chiều tà ấy, vào giờ uống trà và giờ của những chiếc sandwich ruột trắng mà chúng tôi chẳng bao giờ còn được ăn cùng nhau nữa” (3). Cha của Clara, người đàn ông đã nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc trong cô từ khi còn bé, người tưởng như sẽ nắm tay cô xây tiếp những ước mơ dang dở về một tương lai tươi sáng, ngập tràn những bản hòa tấu Schubert, đã buông tay cô, ngã xuống nền gạch của công viên khi mà câu chuyện còn đang dang dở. Ký ức về cái chết của cha đã ám ảnh suốt tuổi thơ, theo Clara đến tận khi trưởng thành, trở thành nỗi đau đầu đời của cô, khiến trái tim cô tan vỡ lần đầu tiên. Đến lần thứ hai, khi mối tình vội vàng của cô chấm dứt đột ngột, Clara vẫn như chưa tin rằng mình lại gặp một cơn địa chấn cảm xúc nữa nhanh đến thế.
Có thể nói, cuộc gặp gỡ với Franz là một điểm sáng trong bức tranh u tối về quãng đời mà Clara đang trải qua. Những đau thương dồn nén về gia đình, tình cảm, sự buồn tẻ, quẩn quanh của công việc như được phá vỡ, nhen lên trong cô mong ước vượt thoát mớ bòng bong đầy tổn thương, chán chường ấy để tâm hồn mình tĩnh lại như mặt nước phẳng lặng của mùa xuân. Với lối văn chương thanh lịch, mềm mại, ngọt ngào, tác giả đã vẽ nên một khung cảnh ngập tràn lãng mạn, kỳ lạ cho buổi gặp gỡ định mệnh giữa Franz với Clara.
Qua những câu chuyện lửng lơ của hai nhân vật, tác giả đã nhen lên mạch nguồn cảm xúc cho sự đồng điệu của hai tâm hồn. Tác giả đẩy sự tò mò của độc giả về cuộc sống, về cậu bé Franz, với những cử chỉ, lời nói già trước tuổi: “Rốt cuộc, rốt cuộc... tôi thiếu thốn điều gì nhất? Cũng giống như bạn. Bố mẹ tôi không yêu tôi, họ không muốn có tôi, tôi là một tai nạn bất ngờ trong cuộc sống ích kỷ của họ. Tôi đã chứng kiến họ xâu xé nhau, lừa dối nhau, lường gạt nhau và đánh đập nhau, gào thét lên lòng căm giận lẫn nhau. Lẽ ra người ta phải đưa tôi tránh xa khỏi họ trước khi chuyện đó nổ ra. Những người giám hộ, bạn biết đấy, vào mỗi dịp cuối tuần, thật là tử tế, nhưng điều đó không mang lại cho bạn thứ bạn thiếu thốn nhất” (4). Nhưng cũng từ những lời nói đầy triết lý, thoáng ngây thơ còn vương trên dáng điệu của Franz đã mang lại chút ánh dương cho cuộc sống dường như toàn một màu xám của Clara. Sự đối lập thú vị ở cậu bé này khiến cuộc gặp ban đầu có chút bối rối. Clara không biết phải xưng hô thế nào, khi mà Franz cứ liên tục gọi cô là bạn, xưng tôi. Nhưng khi những nút thắt ấy được gỡ bỏ, câu chuyện lại đưa họ vào cảm xúc miên man, lúc sâu lắng, lúc dạt dào, vượt qua giới hạn của vùng an toàn như cách mà Clara nói về mối quan hệ của mình. Cứ như thế, P.Labro đã gây nên một sự hoang mang có lôgic trong tâm hồn độc giả khi để Franz tỏ tình với Clara. Người đọc sẽ đi từ sự bất ngờ, đến thú vị, rồi người ta sẽ bật cười: một cậu bé 8 tuổi tỏ tình với một cô gái 20 tuổi ư? Sự dậy thì liệu có đến sớm không nhỉ? Hay chỉ là một cảm xúc trẻ con nhất thời cùng sự lầm tưởng xuất phát từ phim ảnh, tiểu thuyết?
Cũng như hầu hết các chàng trai mới yêu, Franz cũng đã biểu thị những cử chỉ rụt rè, lịch thiệp, tinh tế, điều mà khuôn mẫu xã hội vô hình chung áp đặt lên các cặp đôi. P.Labro đã để cho Franz có những cử chỉ rất galant, chuẩn mực của một quý ông người Pháp, tạo nên ở người đọc một cảm giác thú vị rất tinh tế. Người viết đã rất khéo léo khi kể về những diễn biến trong cuộc tình kỳ lạ này, cũng có những phút giây lãng mạn dưới mưa, cùng lời hẹn hò, các cuộc trò chuyện, vài cái chạm đầy cảm xúc... Tuy đó chỉ là cử chỉ của một cậu bé 8 tuổi dành cho một cô gái 20 tuổi, nhưng độc giả không hề cảm thấy khiên cưỡng, lố bịch, khó chịu vì sỗ sàng. Họ dễ dàng chấp nhận một cách tự nhiên nhất, để cho cảm xúc của mình được trôi miên man theo mạch dẫn dắt của câu chuyện. Câu chuyện ấy được diễn ra trên nền nhạc giao hưởng êm dịu, mơ màng, nên đến một lúc, người đọc bỗng tự hỏi “Clara, cô đã bước ra khỏi vùng tối của cuộc đời là nhờ Franz hay âm nhạc?”. Thế nhưng, bất chấp những đợt sóng cảm xúc cuộn dâng trong tâm khảm, cũng như nhiều cô gái khác, bị cái khung quá lớn của nếp sống xã hội áp đặt, Clara vẫn chọn giải pháp bỏ đi. Cô quay về cuộc sống tẻ nhạt nhưng an toàn. Chuyện xảy ra như một chuyến phiêu lưu tình cảm kỳ lạ thoáng qua. Tình cảm ngang trái ấy ngỡ dịu êm như một giấc mơ, nhưng lại là một trong số những lý do khiến cô hoảng sợ, day dứt, dằn vặt như lần đầu ngập trong cơn say vì hương vị Bordeaux trứ danh nước Pháp. Câu chuyện đẹp đẽ này tưởng như chấm dứt khi Clara chọn giải pháp ra đi, để trốn tránh việc đối diện với cảm xúc khó gọi tên của mình hay cô sợ phải gọi tên nó ra? Dù lý do gì đi nữa, sau tất cả, mối quan hệ này đã hàn gắn thành công vết nứt gãy mà cô tưởng như mình không thể phục hồi trong tâm hồn.
Kéo dài sự hoang mang của độc giả như vậy là quá đủ, P.Labro đã nhờ vào một tờ nguyệt san cũ để xóa tan đám mây bí ẩn xung quanh cuộc đời, tính cách, hoàn cảnh của Franz. Một thiên tài bất hạnh, một cuộc đời với điều ám ảnh kinh hoàng từ gia đình mình. Đó chính là lý do, là nguồn cơn của mọi bi kịch: một trí tuệ quá lớn bị mắc kẹt trong hình hài đứa trẻ 8 tuổi. Cùng với Clara, nước mắt của độc giả đã tuôn trào tiếc thương cho một thiên tài không may mắn.
Tác giả cũng đã mở ra một trang mới cho cuộc đời của hai nhân vật 10 năm sau. Một điều khẳng định chắc chắn cho những ai không tin vào tình yêu kỳ diệu, thứ cảm xúc xuyên không gian, thời gian, bất chấp hoàn cảnh, sự xa cách. Đây cũng là sự lý giải hoàn hảo cho mối tình tưởng chừng như vô lý ấy, nối tiếp mạch nguồn cảm xúc tạm thời bị lãng quên. Một chút cảm xúc lưỡng lự, một quyết định đúng đắn cho mối quan hệ này là điều được mong chờ nhất. P.Labro đẩy sự tò mò của độc giả lên một bậc cao hơn nhờ vào chiếc lưới kỳ diệu của mình, tính cách cô nhạc công trẻ, ông đã giăng ra từ đầu câu chuyện: “Nhưng giờ đây, đứng trước gương ở tiệm cà phê, Clara thấy rõ rằng tối nay, chính sự xuất hiện của Franz đã làm cô hao tổn, đã đảo lộn điều cô vẫn cho là ngăn nắp trong cuộc đời mình. Cô lấy ra một hộp phấn, một chiếc hộp nhựa nhỏ màu đen, cùng cây cọ đi kèm, một thỏi son bóng màu, một chiếc lược nhỏ xíu, một lọ mascara với chổi tròn. Cô để mấy thứ lên trên phần mặt phẳng trắng đục của chậu rửa, rồi lại lặng ngắm gương mặt mình” (5). Thế nhưng tình yêu đã chiến thắng, như là nó vẫn luôn như thế. Vượt qua mọi rào cản về tuổi tác, sự dung hòa tâm hồn của hai con người lạ lùng đã khiến cho bản sonata tình yêu ngân lên dịu dàng mà âm vang, vọng lại những nốt alto trầm ấm, mang đủ dư vị ngọt ngào của tiết xuân nước Pháp. Xúc cảm ấy khiến cho một giọng văn điềm đạm như P.Labro cũng phải thốt lên: “Không có tình yêu, con người ta hoàn toàn chẳng là gì”.
Với Franz và Clara, độc giả tìm thấy trong đó sự động viên nhiệt thành cho cảm xúc, tình yêu, niềm tin cuộc sống. Câu chuyện giản dị mà thơ mộng này là một sự cổ vũ cho những trái tim nhạy cảm, mong muốn tìm đến những chiều cạnh sâu thẳm của tình yêu, vượt ra khỏi rào cản của những buồn tẻ, lặp đi lặp lại của cuộc sống đời thường. P.Labro cũng đã mang đến cho xã hội hiện đại một thông điệp về những người được coi là thiên tài. Họ cũng cần được đối xử bình đẳng như một phần bình thường của xã hội, được sống, được yêu, có ước mơ của riêng mình, không bị vắt kiệt sức lực, chất xám, không phải là bức tượng được đặt trong viện bảo tàng, chỉ để chiêm ngưỡng. Tác phẩm còn rung lên hồi chuông báo động về tình cảnh của những đứa trẻ trong gia đình tan vỡ. Trẻ em là người bị tổn thương sâu sắc nhất, bất hạnh nhất, cần được xã hội bảo vệ, chở che. Không chỉ có những nốt êm dịu, bản sonata tình yêu ấy còn tồn tại những nốt trầm buồn như thế.
Điều kỳ diệu của văn chương là lôgic hóa những cảm xúc tưởng chừng như vô căn cứ. Câu chuyện về mối tình của Franz, một thiên tài bất hạnh, một trí tuệ siêu việt bên trong hình hài cậu bé 8 tuổi với Clara, cô nhạc công 20 tuổi, đang loay hoay để tìm cách đấu tranh thoát khỏi cuộc đời cam chịu, buồn tẻ của mình đã làm rung động biết bao nhiêu tâm hồn nhạy cảm. Trong một bài viết của mình trên báo Hà Nội Mới, Hoàng Lân đã nhận xét: “Labro đã thuyết phục độc giả bằng văn phong nhẹ nhàng, tươi tắn, nhưng thoáng buồn man mác, cái buồn đôi khi khiến ta say sưa. Ông cũng làm ta bất ngờ với cái cách mà Franz đã làm Clara bật cười, trong đó có cái rắn rỏi của sự trưởng thành và cả cái ngờ nghệch của cậu bé 8 tuổi”. Thật vậy, với Franz và Clara, P.Labro đã sử dụng cả một dàn giao hưởng để chơi một bản tình ca Pháp êm đềm, làm dịu lòng bất cứ ai tin rằng tình yêu có thể vượt qua mọi rào cản để trở nên lung linh, bất diệt.
Đọc Franz và Clara, độc giả được cuốn theo cảm xúc dịu dàng, khi trầm, khi bổng của câu chuyện tình yêu kỳ lạ nhưng đầy thơ mộng. Trong không gian ấm áp, ướp đầy hương hoa, ngập tràn ánh nắng của mùa xuân Paris, chuyện tình ấy diễn ra êm đềm, nhẹ nhàng như nhịp sống Pháp, lịch thiệp, lãng mạn như con người của thủ đô hoa lệ ấy. Xây dựng nên câu chuyện tình yêu tưởng chừng như phi lý giữa một cô nhạc công 20 tuổi với một cậu bé 8 tuổi, P.Labro ngỡ như đã đi quá giới hạn của những chuẩn mực, lề thói xã hội, nhưng ẩn ý của ông còn sâu xa hơn thế, đó là sự đề cao tình yêu, sự cổ vũ tinh thần lạc quan của con người trong những giai đoạn tưởng chừng như tuyệt vọng nhất của cuộc đời. Trên hết, đó là câu chuyện tình yêu dịu êm, thơ mộng, hoa lệ như chính nơi đã sản sinh ra nó.
_______________
1, 2, 3, 4, 5. Philippe Labro, Franz và Clara, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2009, tr.20, 28, 43, 104, 204.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 - 2017
Tác giả : TRỊNH PHƯƠNG THU