Ấn tượng triển lãm nghệ thuật gốm "Linh thú thời nay"

Từ 10-20/8, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, diễn ra Triển lãm nghệ thuật gốm "Linh thú thời nay" của Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Trần Nam Tước.

Hơn 80 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm, đã được ghi dấu trong hoạt động làng nghề gốm suốt 30 năm của nghệ nhân Trần Nam Tước. Các tác phẩm của anh thể hiện sức sáng tạo cho một nền mỹ thuật đương đại và tạo nên một sức sống mới những giá trị nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm

Tại lễ khai mạc triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã chia sẻ: “Đây là buổi gặp gỡ kỳ thú dành cho NNƯT Trần Nam Tước. Đứng trước những tác phẩm của Trần Tước, tôi đã thấy hồn cốt của người xưa vẫn nguyên vẹn trong tâm hồn của Trần Nam Tước. Anh đã cho chúng ta thấy cái sự trở lại của những giá trị di sản Việt với đóng góp cho sự phát triển đa dạng của nền Mỹ thuật Việt Nam, cũng như  Di sản văn hóa Việt Nam. Những nỗ lực trong sáng tạo của anh cũng như các nghệ sĩ khác đã nỗ lực  giữ gìn, kế thừa và phát huy để làm nên những câu chuyện mới cho nền nghệ thuật gốm Việt Nam đương đại”.

Cuộc triển lãm lần này của NNƯT Trần Nam Tước giới thiệu tới công chúng các tác phẩm với chất liệu truyền thống như đồng, gỗ, sơn mài… Nhà nghiên cứu Nguyễn Nghĩa Phương nhận định: “Triển lãm Linh thú thời nay của nghệ nhân Trần Nam Tước là một sự khác biệt rất rõ bởi vì, trong dòng chảy gốm hiện nay, thì những người làm gốm về linh thú nói riêng và về gốm kiến trúc nói chung rất ít, rất hiếm. Trần Nam Tước là duy nhất, say sưa hết mình với gốm linh thú này và ở đây có hai dạng tiêu biểu được trưng bày: một là dành cho kiến trúc và hai là dành cho không gian thờ phụng. Anh luôn đau đáu với những giá trị văn hóa truyền thống và anh luôn khao khát bộc lộ những giá trị đó thông qua loại hình nghệ thuật gốm trên những tác phẩm linh vật được trưng bày; ở đó từ chất liệu, hình tượng, hình khối, kỹ thuật, chất men… cho đến cách tư duy tạo hình. Ở đó, về hình khối, chúng ta có thể cảm nhận được sự mộc mạc, khỏe khoắn và có một vẻ nở nang phồn thực dân gian của người Việt xưa. Về chất men, anh đã khai thác được dòng men cổ, dòng men phù hợp cho kiến trúc, loại men rất ăn nhập với phom dáng không gian trang trí như trên phần mái kiến trúc nhà, trong không gian thờ; những con linh thú này còn được các nhà chuyên gia các công trình kiến trúc nước ngoài sử dụng để tạo ra những không gian mở cho các khu resost ở nước ngoài. Đây là một bước đi rất độc đáo, khi chúng ta biết khai thác từ những giá trị chung và điều này cũng cho thấy, thành tựu hơn 30 năm của Trần Nam Tước không những được lan tỏa khắp mọi miền Bắc Trung Nam trong nước mà còn lan tỏa rất nhiều trong những công trình ở nước ngoài như ở Anh, Pháp…”.

Ông Phạm Văn Mai, đại diện nhân dân làng Bát Tràng cho biết: đối với Bát Tràng thì các cơ sở thờ tự như chùa, đền, đình… đều sử dụng các mẫu vật linh thú thời nay của Trần Nam Tước. 

NNƯT Trần Nam Tước chia sẻ “hành trình đi tìm hồn cốt Việt” cho những tác phẩm “Linh thú thời nay” của mình trong buổi triển lãm

NNƯT Trần Nam Tước thì xúc động: “Cũng như bao người con quê lúa lang bạt muôn phương, với nhiều nhọc nhằn trên con đường cầu thực, và tới nay đã ba mươi năm có lẻ, tôi mới có một chút thời gian nhìn lại những thú chơi của nghề. Tôi làm gốm từ khi còn thơ dại, bởi tháng Tám mùa thu khi trăng non còn chưa mọc, thì lũ trẻ chúng tôi đã hỳ hụi tự đắp cho mình những con linh thú không thể thiếu của đêm rằm. Từ đây hình tượng của sư tử, kỳ lân, đã bám chặt vào đời tôi như một duyên nợ. Quả là đất đã chọn người! Rồi cứ thế dòng thời gian lặng lẽ trôi đi, đến một ngày, người bác ruột của tôi đã mang về một phần của con linh thú bị vỡ và nói: “Mày làm đi, mày làm được đấy, mày làm hộ các cụ để đặt ở đền làng”. Thằng bé hăng say nhào nặn, cuối cùng rồi cũng xong, và phần thưởng là một bữa chén no nê mà giờ đây tôi vẫn thầm cảm ơn...!”.

Ông Nguyễn Việt Hà - Bí thư Huyện ủy Gia Lâm phát biểu trong lễ khai mạc

Trước những đóng góp đầy nhiệt huyết của NNƯT Trần Tước, ông Nguyễn Việt Hà - Bí thư Huyện ủy Gia Lâm đã phát biểu trong lễ khai mạc: “Triển lãm này không chỉ là niềm vui của nghệ nhân Trần Nam Tước mà còn là niềm tự hào của làng nghề Bát Tràng cũng như là của huyện Gia Lâm. Nhìn vào những tác phẩm Linh thú thời nay của Trần Nam Tước chúng ta có thể thấy được những nét văn hóa cổ xưa của người Việt và những nét văn hóa đó đã được anh khắc ghi, gìn giữ, bảo tồn và phát huy để gửi đến những thế hệ đương đại hôm nay. Và hơn thế nữa, với Bát Tràng, anh đã có cơ duyên, học nghề gốm và gắn bó với nghề gốm. Anh đã phát huy được những giá trị của nghề gốm, và Bát Tràng cũng như  Gia Lâm, luôn coi nghệ nhân Trần Nam Tước thực sự là người con của làng nghề Bát Tràng, và của Gia Lâm. Nghệ nhân Trần Nam Tước đã góp phần hiện thực hóa chủ trương chính sách của Đảng về việc triển khai thực hiện công nghiệp văn hóa cho huyện Gia Lâm. Chúng tôi mong muốn nghệ nhân Trần Nam Tước cũng như các nghệ nhân của làng nghề Bát Tràng, trong thời gian tới đây sẽ tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy để có những sản phẩm sáng tạo về gốm sứ, chuyển tải những giá trị văn hóa, hồn cốt xưa đến với các thế hệ đương đại, đặc biệt là giới trẻ”.

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm

 

Bài, ảnh: MAI HƯƠNG

;